Những bức ảnh trước ngày 24 Tháng Hai và những bức ảnh hiện tại – sau gần 50 ngày chiến tranh, cho thấy sắc diện Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thay đổi dữ dội. Khi đi thị sát sự tàn phá ở Bucha, nơi thi thể thường dân nằm sóng soài trên đường giữa cảnh vô số tòa nhà bị phá hủy; và gần đây là hình ảnh khi tiếp Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Kyiv ngày 9 Tháng Tư, khuôn mặt Volodymyr Zelensky đầy vẻ ám ảnh. Nó thể hiện sự tàn khốc của cuộc chiến ở Ukraine. Vốn luôn cạo râu nhẵn nhụi, người đàn ông 44 tuổi này giờ để râu xồm xoàm, trán hằn lên vẻ đau khổ và đôi mắt trĩu nặng lo lắng.
Theo Glenn Patrick Doyle, nhà tâm lý học chuyên về chấn thương, đó là những dấu hiệu thể chất đặc trưng có thể xuất hiện ở bất kỳ ai khi trải qua chấn thương tinh thần và căng thẳng dữ dội – đặc biệt thời chiến. Chấn thương tinh thần và căng thẳng luôn tàn phá cơ thể sau khi tiếp xúc lâu dài. Theo thời gian, giấc ngủ, sự chú ý, trí nhớ, tâm trạng, ngoại hình và nhiều thứ khác đều bị ảnh hưởng. Người dân Ukraine, đặc biệt Tổng thống Volodymyr Zelensky, đang gặp những triệu chứng này, khi họ sống trong bầu không khí chiến tranh nghẹt thở, với tiếng còi báo động không kích liên tục và với những tin tức chiến sự kinh khủng từng giờ.
Glenn Patrick Doyle cho biết thêm, chấn thương tinh thần là phản ứng căng thẳng có thể tấn công mọi chức năng bình thường của cơ thể. Những hoạt động bình thường giúp con người tập trung và điều tiết sẽ bị ngưng trong thời gian tác nhân gây căng thẳng tấn công và được thay thế bằng những phản ứng được thiết kế để giúp chúng ta vượt qua căng thẳng.
Tình trạng này xảy ra đối với tất cả những người sống trong môi trường chiến tranh khốc liệt và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người ở vị trí lãnh đạo có trách nhiệm nặng nề. Ngay cả trong thời bình, những người ở cương vị tổng thống đã có thể thay đổi diện mạo sau vài năm ngồi ghế lãnh đạo quốc gia. Người ta có thể dễ dàng thấy điều này ở các tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama… Chỉ sau bốn năm ngồi ghế tổng thống, hình ảnh lúc họ đăng quang bốn năm trước so với hình ảnh sau một nhiệm kỳ luôn cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Họ già hơn hẳn. Họ lộ vẻ mệt mỏi hơn hẳn. Họ trông “nặng nề” hơn hẳn. Đối với những nguyên thủ thời chiến, gánh nặng tâm lý không thể từ bỏ vai trò hoặc trách nhiệm lãnh đạo càng khiến cơ thể và sức khỏe họ suy sụp nhanh.
Tổng thống Abraham Lincoln là một ví dụ. Giáo sư Jonathan W. White, tác giả quyển A House Built by Slaves: African American Visitors to the Lincoln White House, nói với Đài NPR rằng, bốn năm ở Tòa Bạch Ốc của Lincoln đã khiến ông biến thành một người khác – hốc hác và già nua, khi Lincoln đối mặt với áp lực gần như không thể lường trước trong nhiệm kỳ tổng thống. Ông không chỉ chịu trách nhiệm tiến hành một cuộc chiến để cứu Liên minh – một cuộc chiến đưa đến cái chết hàng trăm nghìn người – mà còn dính vào những việc vụn vặt trong việc điều hành chính phủ liên bang.
Một trong những thư ký riêng của Tổng thống Abraham Lincoln, William O. Stoddard, sau này kể rằng công việc không ngừng nghỉ của nhiệm kỳ tổng thống khiến thần kinh Lincoln luôn bị căng thẳng tột độ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần ông. Lincoln trở nên nóng nảy và cộc cằn hơn. Nhiều người dưới quyền đều kinh ngạc về sự thay đổi của Lincoln vì thái độ cáu kỉnh hoàn toàn xa lạ với tính cách tự nhiên của ông. Xét về khoa học, điều đó thể hiện triệu chứng cho thấy não bộ đã làm việc quá mức trong thời gian dài.
Khi chúng ta gặp căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc, cơ thể sản xuất cortisol, loại hormone chính gây stress. Tiến sĩ Nicole Colgrove, thuộc Virginia Hospital Center, nói với NPR rằng cortisol tạo ra những thay đổi thể chất khi bị căng thẳng trong thời gian dài. Cortisol làm tăng sự mất độ đàn hồi của da, dẫn đến tình trạng chảy xệ hoặc tạo ra nếp nhăn. Cortisol chính là thứ làm cho tóc biến thành xám hoặc bạc trắng. Đó là chưa kể những tác dụng ảnh hưởng toàn thân khác của cortisol, chẳng hạn tăng lượng đường trong máu, tăng huyết áp và nhịp tim, thay đổi sự trao đổi chất và giảm khả năng miễn dịch.
Theo Glenn Patrick Doyle, “theo thời gian, khi cá tính chúng ta bị thay thế bằng những phản ứng chấn thương tinh thần, việc sinh hoạt, sống và duy trì các mối quan hệ có thể gặp khó khăn đến mức gần như không thể thực hiện được”. Và theo Nicole Colgrove, sự biến đổi này diễn ra tương tự với bất kỳ ai và bất kể tuổi tác. Nhiều người sống sót sau chấn thương tinh thần kéo dài sẽ trở nên tiêu cực khi lượng định về giá trị cá nhân hoặc trở nên hoài nghi mức độ hiệu quả của khả năng mình. Họ có khuynh hướng tin rằng thế giới là nơi đầy nguy hiểm, không thể đoán trước và họ không đáng để sống. Các rối loạn tâm lý lâu dài cũng có thể phát triển theo. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc đúng đắn, họ vẫn có thể lấy lại phong độ, nhưng phải cần một thời gian dài, thậm chí rất dài…