Hai nhà báo Úc “di tản” khỏi Trung Quốc

Hai nhà báo Úc Mike Smith (trái) và Bill Birtles rời khỏi Thượng Hải tối thứ Hai vừa qua. CNN

H.C.

Hai nhà báo Úc làm việc ở Trung Quốc đã được đưa về nước hôm nay thứ Hai 07-09 sau khi họ bị công an Trung Quốc thẩm vấn và dọa bắt giam, buộc họ phải cầu cứu sự bảo vệ của chính phủ Úc, dẫn tới một vụ căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Đây là diễn biến mới nhất sau khi một phụ nữ Úc làm người dẫn chương trình cho đài Truyền hình Trung Quốc bị bắt giam mà không rõ lý do.

Nhà báo Bill Birtles, phóng viên tại Bắc Kinh của đài ABC (Australian Broadcasting Corporation) và nhà báo Mike Smith, phóng viên tại Thượng Hải của báo AFR (Australian Financial Review) nói họ bị coi là “người có liên quan trong cuộc điều tra”Cheng Lei (Trình Lỗi), quốc tịch Úc, người dẫn bản tin tiếng Anh của đài Truyền hình CGTN thuộc hệ thống truyền hình trung ương Trung Quốc. Tuần trước chính phủ Úc thông báo bà Trình đã bị công an Trung Quốc bắt giam mà chưa bị buộc tội gì, chính quyền Trung Quốc cũng không tiết lộ bà Trình đang bị điều tra về chuyện gì.

Theo đài ABC, sau khi bà Trình bị bắt, chính phủ Úc đã cảnh báo đài ABC hãy rút nhân viên ra khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt. Phóng viên Bill Birtles đang tổ chức tiệc chia tay trong căn hộ của anh ở Bắc Kinh thì công an ập vào, thông báo anh không được rời khỏi Trung Quốc và ngày hôm sau phải đến công an trình diện để khai báo “về một vụ an ninh quốc gia”.

Cả hai nhà báo Úc sau đó phải tạm trú trong tòa đại sứ và lãnh sự quán Úc tại Bắc Kinh và Thượng Hải trong lúc chính phủ Úc thương lượng với Trung Quốc cho phép họ ra khỏi nước này. Vụ căng thẳng ngoại giao kéo dài năm ngày trước khi lệnh cấm xuất cảnh được dỡ bỏ và hai nhà báo lên máy bay về Sydney.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne ra tuyên bố nói rằng chính phủ Úc “đã cung cấp dịch vụ lãnh sự cho hai nhà báo Úc và hỗ trợ họ trở về Úc”. Trên đài ABC hôm nay, anh Birtles cho biết anh “rất thất vọng khi phải ra về trong hoàn cảnh như vậy”. Anh Smith của báo AFR cho biết, hai người chỉ được phép rời khỏi Trung Quốc với điều kiện họ phải để cho công an Trung Quốc thẩm vấn về bà Trình Lỗi. “Chúng tôi phải đồng ý bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác,” anh Smith nói.

*

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã xấu đi trong thời gian gần đây sau khi Úc lên tiếng kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch coronavirus xuất phát ở Vũ Hán. Hai nước đã ăn miếng trả miếng trong lĩnh vực thương mại, du lịch và du học. Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne hôm tháng Bảy đã ban hành cảnh báo công dân Úc phải cẩn thận khi đi đến Trung Quốc vì “có thể bị bắt giữ tùy tiện”. Hoa Kỳ cũng đã ban hành cảnh báo tương tự với công dân Mỹ.

Với báo chí Úc, sau khi Birtles và Smith về nước thì không còn nhà báo nào của Úc hoạt động ở Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1972 khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Có một số nhà báo người Úc tại Trung Quốc nhưng làm việc cho các cơ quan truyền thông nước khác.

Trevor Watson, phóng viên của đài ABC tại Bắc Kinh từ năm 1988 tới 1990, nhận xét với đài CNN rằng đã có sự thay đổi đáng kể trong cách Trung Quốc nhìn các nhà báo Úc. Watson, người đã tường thuật vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nói rằng trước kia, Trung Quốc “công nhận rằng đài ABC và các nhà báo Úc làm việc độc lập với chính phủ Canberra, nhưng bây giờ điều đó đã thay đổi”.

Phóng viên Mike Smith cũng có nhận định tương tự. “Phóng viên nước ngoài ngày càng khó làm việc ở Trung Quốc. Ngày càng khó có người dân nói chuyện với mình. Trung Quốc đang trở nên ngày càng chuyên chế; càng nhiều rủi ro và việc chúng tôi phải ra về chứng tỏ điều đó”, Smith nói.

“Nếu họ [Trung Quốc] có thể cấm các nhà báo xuất cảnh ra khỏi nước họ thì họ còn có thể làm những chuyện gì nữa với các doanh nhân hoặc những người bình thường chẳng may gặp rắc rối với họ?” anh Smith nói thêm.

*

Ngoài hai nhà báo Úc phải rời khỏi Trung Quốc, hôm nay Bắc Kinh cũng quyết định không gia hạn visa và giấy phép làm việc của năm nhà báo Mỹ thuộc đài CNN, báo The Wall Street Journal, hãng tin Bloomberg và công ty ảnh báo chí Getty Images. Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc cho biết “chỉ riêng trong nửa đầu năm 2020 đã có 17 nhà báo nước ngoài bị thu hồi thẻ hành nghề tại Trung Quốc; ít nhất 12 người khác chỉ được cấp visa rất ngắn hạn, khoảng một tháng, thay vì một năm như bình thường”. “Ngoài ra, các nhà báo nước ngoài ngày càng bị quấy nhiễu và theo dõi cả trong đời sống và trên không gian mạng,” Câu lạc bộ này cho biết.

(tin và ảnh của CNN)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: