Ngũ Giác Đài đang nhốn nháo trước việc các tài liệu mật tiết lộ chi tiết chương trình hỗ trợ quân sự cho Ukraine bị rò rỉ và đang lan truyền khắp thế giới. Sabrina Singh, phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, xác nhận trong một tuyên bố với Newsweek: “Chúng tôi biết những thông tin về những bài đăng trên mạng xã hội (liên quan hồ sơ mật bị rò rỉ) và Bộ (Quốc phòng Hoa Kỳ) đang xem xét vấn đề này”.
Loạt tài liệu với những thông tin tuyệt mật đang xuất hiện ào ạt trên mạng xã hội, trong đó Telegram và Twitter. Các tài liệu cho thấy đánh giá của Hoa Kỳ và Ukraine về những gì mà quân đội Ukraine cần. Giới chức chính phủ Mỹ đang nỗ lực tìm cách gỡ-xóa các tài liệu khỏi internet nhưng bất thành. Loạt tài liệu được tung lên mạng vào sáng thứ Sáu 7 Tháng Tư 2023 cho thấy các bản đồ của Ukraine và những biểu đồ trình bày việc cung cấp thiết bị, vấn đề đào tạo và những cân nhắc quân sự khác, với thời gian phản công của Ukraine nhằm vào Nga được đánh dấu bắt đầu vào tháng Tư.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nhắc đi nhắc lại rằng các hoạt động phản công của quân đội Ukraine không thể tiến hành nếu không có viện trợ quân sự quan trọng. Vào cuối Tháng Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói rằng Ukraine có thể có “cơ hội thành công rất cao” nếu tổ chức phản công chặt chẽ. Cách đây vài tuần, xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất đã lăn bánh vào Ukraine. Ukraine đang huấn luyện 40,000 binh sĩ cho các chiến dịch phản công đồng loạt trong thời gian tới, Reuters đưa tin hôm thứ Tư.
Các tài liệu rò rỉ không cung cấp những kế hoạch chiến đấu cụ thể, như cách thức, thời gian và những địa điểm mà Ukraine dự định thực hiện chiến dịch phản đòn. The New York Times cho biết, kế hoạch phác thảo (trong bộ hồ sơ rò rỉ) được thực hiện vào ngày 1 Tháng Ba 2023, cung cấp một cái nhìn tổng quan về thời gian; quan điểm của Mỹ và Ukraine về những gì quân đội Ukraine có thể cần cho chiến dịch.
Với con mắt lão luyện của giới hoạch định chiến tranh, tướng lĩnh hoặc chuyên gia phân tích tình báo Nga, những thông tin như vậy là vô cùng quý giá. Cụ thể, các tài liệu đề cập đến việc sử dụng HIMARS – hệ thống pháo cơ động cao do Mỹ cung cấp. Ngũ Giác Đài trước nay chưa bao giờ công khai cho biết quân đội Ukraine sử dụng vũ khí HIMARS như thế nào nhưng những chi tiết như vậy lại có tất tần tật trong hồ sơ rò rỉ. Hồ sơ cũng cho thấy thời gian biểu chuyển giao vũ khí, số lượng quân Ukraine đóng quân và các chi tiết quân sự khác.
Chưa ai biết làm thế nào các tài liệu tuyệt mật của Ngũ Giác Đài lại lọt lên các phương tiện truyền thông xã hội nhưng một số kênh chính phủ thân Nga đã nhanh chóng “chụp” được và chia sẻ đầy trên mạng. Giới phân tích cảnh báo rằng những tài liệu mà các nguồn của Nga công bố có thể bị sửa đổi có chọn lọc, với mục đích đưa ra thông tin sai lệch theo chủ ý của Kremlin.
Một tài liệu có nhãn “tuyệt mật” (“top secret”) cho thấy “Tình trạng xung đột kể từ ngày 1 tháng 3” (“Status of the Conflict as of 1 Mar”). Đó là ngày mà giới chức Ukraine đang ở một căn cứ của Mỹ tại Wiesbaden (Đức) để tham gia tập trận; và một ngày sau, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy tối cao Bộ Tư lệnh đồng minh châu Âu, đã đến thị sát.
Một tài liệu khác liệt kê các đơn vị quân đội Ukraine, những thiết bị mà họ có và chương trình huấn luyện, với lịch trình từ tháng Giêng đến tháng Tư. Tài liệu chứa một bản tóm tắt về 12 lữ đoàn chiến đấu đang được tập hợp, trong đó có 9 lữ đoàn được huấn luyện và được cung cấp vũ khí bởi Hoa Kỳ và các đồng minh NATO. Trong 9 lữ đoàn đó, tài liệu cho biết 6 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu vào ngày 31 Tháng Ba và phần còn lại vào ngày 30 Tháng Tư (một lữ đoàn Ukraine có khoảng 4,000 đến 5,000 binh sĩ). Tài liệu cũng cho biết thời gian giao thiết bị, với tổng số thiết bị cần thiết cho 9 lữ đoàn là hơn 250 xe tăng và hơn 350 phương tiện cơ giới.
Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine vô số thông tin liên quan các sở chỉ huy, kho đạn dược và những nút quan trọng trong các phòng tuyến quân sự của Nga. Thông tin tình báo thời gian thực đã cho phép Ukraine nhắm mục tiêu chính xác, giết các tướng lĩnh cấp cao và buộc những nguồn cung cấp đạn dược của Nga phải di chuyển ra xa tiền tuyến.
Tuy nhiên, ngay từ đầu cuộc chiến, Ukraine cũng không ít lần tỏ ra do dự việc chia sẻ kế hoạch chiến đấu với Hoa Kỳ, vì sợ bị rò rỉ. Việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Ukraine và Hoa Kỳ bắt đầu nới lỏng đáng kể vào mùa thu năm ngoái, khi hai bên hợp tác chặt chẽ hơn để phối hợp tác chiến. Bây giờ, với vụ rò rỉ thông tin tình báo đặc biệt nhạy cảm lần này, khi bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể tiếp cận được, Ukraine chắc chắn sẽ hạn chế việc chia sẻ thông tin với Mỹ. Ở thời điểm này, dù không thể xác định được hậu quả của vụ rò rỉ nhưng rõ ràng đây là một tổn thất tình báo đối với Ngũ Giác Đài, có thể khiến toàn bộ kế hoạch phản công dự tính của Ukraine có khả năng bị hủy bỏ và phải điều chỉnh lại.