Những diễn biến thời sự về nguy cơ xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine khiến chuyện ông cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder làm việc cho Nga lại trở thành đề tài đàm tiếu.
Khi dọn hành lý ra đi khỏi dinh năm 2005, cựu Thủ tướng CHLB Đức Gerhard Schroder đã trả lời câu hỏi của một phóng viên ngoại quốc thế này: “Tôi sẽ kiếm tiền!”. Thẳng thừng, không né tránh và cũng không chút ngượng ngùng. Và 16 năm qua, khi bà Angela Merkel thay ông lèo lái nước Đức trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới thì ông cựu thủ tướng thuộc đảng Xã hội Dân chủ này lại thực hành đúng như đã từng nói.
Khai thác các mối quan hệ với những nhân vật quyền lực chóp bu có được trong thời gian bốn năm làm thủ tướng, từ 1998 đến 2005, ông Schroder nhanh chóng nói lời vĩnh biệt với những lý tưởng ý thức hệ và chính trị ngoại giao mà trở thành một “lobbyist” (nhà vận động hành lang) thành công với thu nhập cao. Bốn năm làm thủ tướng là thời gian quá đủ để ông kết thân với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nên khi rời chính trường ông đã nhận làm việc cho Putin, cụ thể là giữ chức Chủ tịch Hội đồng giám sát của tập đoàn dầu khí Rosneft, một đại doanh nghiệp ngành năng lượng có tầm ảnh hưởng rất lớn và được chỉ huy bởi Igor Setchin, một nhân vật rất thân cận với nhà lãnh đạo Nga.
Cũng từ năm 2005, ông Gerhard Schroder còn làm Chủ tịch Ủy ban Cổ đông của Gazprom, công ty khai thác và kinh doanh khí hóa lỏng đã xây dựng hai hệ thống ống dẫn khí khổng lồ đưa chất đốt từ nước Nga, chạy vòng dưới lòng Biển Baltic và kết nối vào lãnh thổ Đức. Khí đốt Nga dành cho nền kinh tế Đức! Sao mà oái oăm. Hitler có đội mồ sống lại chắc cũng nổi điên. Có điều đường ống dẫn thứ hai, tuy đã xây dựng hoàn tất nhưng chưa được đưa vào sử dụng và còn đang là nguyên nhân của một cuộc so tay đọ sức giữa Nga và Mỹ!
Mấy năm qua, giới chính trị lẫn công chúng Đức cũng hậm hực khi biết ông cựu thủ tướng một thời cao to, lịch lãm, quyền uy nay lại ăn lương của chính quyền Putin. Những nhân vật vai vế trong đảng Xã Hội Dân chủ còn nóng mặt hơn nhiều, trong khi đảng bảo thủ đối lập thì không bỏ qua cơ hội để lên tiếng chê trách. Nhưng nhân vật chính của những bực tức này dường như chẳng màng, vẫn tiếp tục thực hành câu đã tuyên bố năm xưa “Tôi kiếm tiền”. Bây giờ ông có rất nhiều tiền, họ tên ông được ghi trong danh sách ứng cử viên dự kiến có chân trong Hội đồng quản lý của gã khổng lồ Gazprom! Tháng Sáu 2022, khi đại hội cổ đông diễn ra tại Moscow, nếu ông Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder được nhiều phiếu bầu thì ông sẽ trở thành một sếp lớn, thay chỗ cho con rể của cựu Tổng thống Kazahkstan Noursoultan Nazarbaiev!
ÔNG SCHRODER GÂY PHIỀN QUÁ
Liên đoàn những công dân nộp thuế Đức và nhiều nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị CDU (Christian Democratic Union) lẫn đảng SPD (Social Democratic Party) mà ông Schroder từng là dảng viên đã lên tiếng yêu cầu chính phủ ra lệnh tước sạch những đặc quyền, đặc lợi mà lâu nay vẫn được áp dụng trọn đời cho các cựu thủ tướng, trong đó có một văn phòng với ê-kíp cộng sự viên trong tòa nhà quốc hội Bundestag; xe hơi và tài xế… Ông Edmund Stoiber, cựu nhân vật số một của CSU (Christian Social Union) nhận định rằng Gerhard Schroder “gây hại cho nước Đức, đảng SPD và toàn bộ đường lối chính trị của Đức”. Nữ chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen yêu cầu đừng ai tin những nhận xét của ông Schroder về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Giới báo chí Đức cho biết gần đây có nhiều đảng viên SPD cố tình tránh xa khỏi những sự kiện, cuộc họp có mặt “đồng chí” cũ của họ.
Phần “đồng chí” này thì gửi podcast Agenda với những lời khuyên giới lãnh đạo rằng, sẽ chẳng có chiến tranh chi. “Tôi không tin rằng chính phủ Nga có mục tiêu can thiệp quân sự tại Ukraine”. Theo ông ta, Tổng thống Putin chỉ phản ứng lại trước những hành động của NATO tại Baltic và Ba Lan khiến nước Nga cảm thấy bị đe dọa. Ông Schroder cũng ủng hộ chính sách hiện nay của Berlin, từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trước những lời này, ông đương kim Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố: “Tôi không hề nhờ Gerhard Schroder tư vấn và ông ta cũng chưa có tư vấn nào cho tôi!”.
Dư luận Đức còn bực tức với lối sống an nhàn trong dư giả, sang giàu của người “đi kiếm tiền và có nhiều tiền” nay đã 77 tuổi được phô bày công khai qua Instagram của Soyeon Schroder-Kim, người vợ thứ năm của ông cựu thủ tướng. Bà Soyeon, người Hàn Quốc, từng hành nghề thông dịch viên, thường xuyên tháp tùng chồng khi chồng tổ chức họp báo.
Trong khi đó, cuộc sống của cựu nữ Thủ tướng Angela Merkel, 67 tuổi, lại lặng lẽ và bình dị từ khi bà rời chính trường vào Tháng Mười Hai 2021. Bà Merkel là thủ tướng duy nhất thời hậu Thế chiến thứ hai đã rút lui, về nghỉ ngơi, đọc sách (đam mê văn chương Nga), chăm vườn, nấu súp khoai cho chồng và hưởng tuổi già với khoản lương hưu khiêm tốn 15,000 euro/tháng. Cả hai vị tiền nhiệm của bà, Helmut Kohl và Gerhard Schroder, thì cố bám víu vào ghế mãi cho đến khi buộc phải ra đi sau khi thất bại bầu cử. Ai cũng biết bà Merkel không hề thích Putin nên chắc chắn bà không thể theo chân ông Schroder nhận lương của Nga. Bà chỉ được chính phủ ưu đãi cho một chiếc xe công vụ có tài xế, một hộ vệ, một văn phòng với bốn nhân viên.
______
Những chính trị gia châu Âu “phục vụ” Nga và Trung Quốc
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder không phải là chính trị gia châu Âu duy nhất làm việc cho Nga. Tháng Mười Hai 2021, dư luận Pháp sục sôi khi xì ra tin ông Francois Fillon, từng là Thủ tướng Pháp nay là một trong những nhà điều hành độc lập của Sibur, một tập đoàn khổng lồ ngành hóa dầu Nga, dưới sự lãnh đạo của Leonid Mikhelson, một siêu tỷ phú Nga; và Gennady Timchenko, kẻ rất thân với Tổng thống Putin. Từng là ứng cử viên tổng thống Cộng hòa Pháp, Fillon còn có ghế trong Hội đồng quản trị Zaroubejneft, một công ty quốc doanh Nga chuyên ngành khai thác hydrocarbure ở hải ngoại.
*Ủy ban Inge (được thành lập để điều tra và chuẩn bị cho Liên hiệp châu Âu sẵn sàng đối phó những hoạt động đe dọa của những nước hàng xóm có ý đồ gây hấn) cho biết họ đã báo cáo rằng hai cường quốc Nga và Trung Quốc có chiến lược “thâu tóm” nhân tài chóp bu châu Âu về làm việc. Ủy ban này đã nhận diện được bảy cựu thủ tướng Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Phần Lan, Cộng hòa Czech đang hoặc từng làm việc vì lợi ích Nga hoặc Trung Quốc sau khi mãn nhiệm.
Ngoài ra còn có một cựu phó thủ tướng Đức; năm cựu bộ trưởng tài chánh hoặc kinh tế Pháp, Bulgari, Luxembourg; hai cựu bộ trưởng ngoại giao Áo, Cộng hòa Czech; một cựu bộ trưởng quốc phòng Cộng hòa Czech… Số thứ trưởng, chánh văn phòng… nghỉ hưu và làm việc cho Nga hoặc Trung Quốc thì rất nhiều, chẳng hạn như cựu Giám đốc kho bạc nhà nước Pháp Bruno Bézard nay là một “managing partner” của Cathay Capital, một quỹ đầu tư Pháp-Trung Quốc.