Kinh tế thế giới ra sao nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan?

Đây là dự báo những gì có thể xảy ra với thị trường và kinh tế thế giới nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan…
Thương mại Mỹ-Trung khoảng $656 tỷ mỗi năm, gồm nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng của mọi gia đình Mỹ (ảnh: Liu Guanguan/China News Service via Getty Images)

Ảnh hưởng rất lớn đến thương mại toàn cầu

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine trong năm nay đã làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu và gây ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở một số nước trên thế giới. Tình hình còn tệ hơn vào mùa Đông, khi chi phí năng lượng tăng cao dẫn đến suy thoái ở châu Âu, làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt là nếu cuộc xung đột lan rộng và tàn khốc hơn. Trước bức tranh ảm đạm như thế, một cuộc chiến khác tại eo biển Đài Loan do Trung Quốc phát động sẽ là “cú đấm cuối cùng” đẩy thế giới vào vực sâu trong nhiều lĩnh vực.

Chuyến kinh lý mới đây của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan đã khiến chính phủ cộng sản Trung Quốc phẫn nộ, và tiến hành các cuộc tập trận quân sự qui mô nhằm nhắc nhở thế giới rằng Trung Quốc đã có kế hoạch sáp nhập Đài Loan khi thấy đúng lúc dù là bằng vũ lực. Nếu bằng vũ lực, chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế thế giới và thị trường toàn cầu hơn bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào kể từ Đại chiến Thế giới lần thứ II.

Không giống Nga hoặc Ukraine, vị thế cường quốc kinh tế lớn thứ hai và “công xưởng sản xuất thế giới” của Trung Quốc đã phủ trùm lên các nền kinh tế ở khắp mọi nơi, kể cả Hoa Kỳ và châu Âu. Các vùng biển xung quanh Trung Quốc và Đài Loan cũng là một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Sự gián đoạn hoàn toàn giao thương toàn cầu do chiến tranh sẽ tạo hậu quả rất tàn khốc.

Ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Hãy so sánh, trước khi Nga xâm lược Ukraine, thương mại Mỹ với Nga khoảng $36 tỷ mỗi năm, thương mại Mỹ-Ukraine là $4 tỷ mỗi năm; tổng cộng $40 tỷ thương mại trực tiếp bị gián đoạn bởi cuộc xâm lược của Nga. Nhưng con số này là rất nhỏ so với thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khoảng $656 tỷ mỗi năm, gồm nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng của mọi gia đình Mỹ và các thành phần trong nhiều sản phẩm được lắp ráp tại Mỹ.

Yahoo News nhắc lại, thương mại Mỹ-Đài Loan cũng không nhỏ: $114 tỷ mỗi năm, trong đó rất quan trọng là một số loại chip tiên tiến nhất thế giới. Tính chung, thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và Đài Loan lớn gấp 10 lần thương mại giữa Hoa Kỳ với Nga và Ukraine. Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc cũng quan trọng hơn nhiều đối với kinh tế Mỹ. “Sự phụ thuộc lẫn nhau là điểm mấu chốt trong quan hệ giữa Trung Quốc, Đài Loan và hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, nếu xảy ra chiến tranh, sự suy thoái kinh tế sẽ là thảm khốc – như nhận định của Hal Brands và Michael Beckley trong cuốn sách mới Danger Zone: The Coming Conflict with China. Suy thoái toàn cầu chắc chắn sẽ xảy ra!

Đòn giáng mạnh vào sự thịnh vượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc

Hoa Kỳ có một chính sách “mơ hồ có chủ ý” đối với Đài Loan. Trong khi chỉ công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”, các đời tổng thống Mỹ lại ám chỉ quân đội Mỹ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công dù không tuyên bố công khai. Tổng thống Biden đã làm rõ chính sách đó vào Tháng Năm, khi ông nói rằng “Có” – rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược.

Tổ chức nghiên cứu Rand ước tính một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung sẽ lấy mất 5% trong nền kinh tế $23 ngàn tỷ của Hoa Kỳ và là đòn giáng mạnh nhất vào sự thịnh vượng của Hoa Kỳ kể từ cuộc Đại suy thoái (Great Depression) vào thập niên 1930. Năm 2009, giữa cuộc Đại suy thoái (Great Recession), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ chỉ giảm 2.6% và chỉ số chứng khoán S&P 500 chạm đáy thấp hơn 55% so với mức đỉnh trước đó.

Nhưng con số này chỉ là “hương hoa” so với những tổn thất mà các nhà đầu tư sẽ phải chịu nếu xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung. Cũng theo Rand, nền kinh tế trị giá 17 ngàn tỷ của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, với GDP giảm tới 25%. So với kinh tế Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, thiệt hại của kinh tế Trung Quốc đến từ nhiều hướng hơn; từ các biện pháp trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh khác áp đặt, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc bởi Đài Loan đến chi phí duy trì cuộc chiến rất tốn kém (có thể kéo dài) và sự tách rời của Trung Quốc khỏi nhiều hệ thống quốc tế.

Nền kinh tế tương đối nhỏ $670 tỷ của Đài Loan cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề, vì quốc gia này chiến đấu vì sự sống còn của mình. Để chiến đấu vì sự tồn vong, Ukraine bị sụt giảm nghiêm trọng đến 45% GDP trong năm nay. Ở Đài Loan, ngành công nghiệp bán dẫn rất quan trọng nên việc chiếm được nguyên vẹn các nhà máy sẽ là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc xâm lược. Cũng có thể Đài Loan và các đồng minh sẽ phá hủy các nhà máy chế tạo chip hiện đại, không cho công nghệ quan trọng này lọt vào tay Trung Quốc.

Gần như toàn bộ hệ thống thương mại thế giới sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng nếu chiến tranh Mỹ-Trung xảy ra (ảnh: Zhang Jingang / Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

Chiến thuật “Vùng xám” (Gray Zone)?

Một kịch bản chiến tranh giả định là Hoa Kỳ sẽ trực tiếp can thiệp thay cho Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công quân sự, mở ra cuộc chiến hủy diệt giữa hai quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân. Nhưng cũng có khả năng rằng, Trung Quốc không tấn công quân sự Đài Loan mà chọn các chiến thuật “vùng xám” như chiến tranh mạng và tập trận quân sự khiến việc làm ăn với Đài Loan trở nên rủi ro và tốn kém hơn. Nếu Trung Quốc thực hiện chiến thuật này, Bắc Kinh cần cẩn thận tránh vượt “làn ranh đỏ” kích hoạt sự can dự của Mỹ. Còn nếu súng nổ, Mỹ cũng khó có thể kết thúc với sự chiến thắng.

Thứ nhất, khó có tổng thống Mỹ nào sẵn sàng mạo hiểm hàng ngàn sinh mạng lính Mỹ ở châu Á bằng cách đưa tàu và máy bay thay mặt Đài Loan đánh Trung Quốc trong khi có nhiều cách để bảo vệ Đài Loan mà không đưa lính Mỹ tham chiến, chẳng hạn cung cấp vũ khí và thông tin tình báo như Mỹ đang làm tại Ukraine. Nếu Hoa Kỳ tham chiến, sẽ không có bên chiến thắng. Trung Quốc đã tích cực xây dựng quân đội trong hai thập niên qua và cố xây dựng bộ máy chiến tranh có thể đánh bại Hoa Kỳ trong cuộc chiến giành Đài Loan.

Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc bờ biển, trong khi các tuyến đường cung cấp của Mỹ dài hơn trên Thái Bình Dương rộng lớn. Quân đội Đài Loan là tuyến phòng thủ đầu tiên nhưng chưa ai biết chắc hòn đảo này chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh như thế nào. Một mối lo nữa là Trung Quốc có thể đã cài một đội quân gián điệp trong bộ máy an ninh quốc gia của Đài Loan. Ngay cả quân đội Hoa Kỳ cũng có thể chưa chuẩn bị kỹ.

Như Brands và Beckley viết trên tờ Wall Street Journal gần đây: “Sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ sắp suy giảm khi Ngũ Giác Đài cho nghỉ hưu các binh đoàn tàu chiến và máy bay ném bom thế hệ cũ. Các hệ thống chiến đấu mới hơn và tốt hơn sắp thế vào, nhưng phải chờ một thời gian. Ông Tập đã nhiều lần nói rằng nhiệm vụ giải phóng Đài Loan không thể cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy từ giờ đến cuối thập niên 2020, Tập sẽ xem là cơ hội tốt nhất để hoàn thành sứ mệnh đó”.

Hiện thời các thị trường chứng khoán và hàng hóa hầu như không lo ngại về hậu quả chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan hay phản ứng “dữ dằn” của Trung Quốc. Chỉ số S&P 500 vẫn tăng trong tuần Pelosi đến thăm Đài Loan, dù Trung Quốc phóng tên lửa sau đó, do các nhà đầu tư vẫn bình thản. Không có dấu hiệu hữu hình nào cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh thực sự hoặc Chủ tịch Tập đang sẵn sàng đẩy đất nước vào một chiến mà chính ông ấy cũng không biết mình có thể… sống sót!

Tuy nhiên hãy nhìn sang Nga. Khi Putin động binh tập trận, đa số giới phân tích quân sự phương Tây tin rằng ông ta sẽ không bao giờ dám mạo hiểm với cơn thịnh nộ của phương Tây bằng cách xâm lược Ukraine. Nhưng họ đã sai!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: