Làm thế nào để “đá đít” đồng đôla Mỹ?

BRICS và chiến dịch “đảo chánh” đồng đôla Mỹ
Hội nghị ngoại trưởng BRICS tại Cape Town, Nam Phi, ngày 2 Tháng Sáu 2023 (ảnh: BRICS / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Tại hội nghị thượng đỉnh khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào Tháng Tư 2023, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã được vỗ tay rần rần khi nói rằng ông muốn biết lý do tại sao thế giới cứ tiếp tục dựa gần như toàn bộ hoạt động thương mại vào đồng đôla Mỹ. Dẹp quách nó đi, và “tại sao chúng ta không thể dựa vào đồng tiền của chính mình? Ai đã quyết định rằng đồng đôla Mỹ phải là tiền tệ của thế giới sau khi tiêu chuẩn vàng biến mất?” – Tổng thống Lula nói…

Ảnh: Fernando Gutierrez-Juarez/picture alliance via Getty Images

BRICS và chiến dịch “đảo chánh” đồng đôla Mỹ

Hàng chục năm qua, những người “ghét đôla thì ít, ghét Mỹ thì nhiều”, trong đó đặc biệt có Trung Quốc, đã lặp đi lặp lại nhiều lần “thắc mắc biết hỏi ai” của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. Nhiều người tin rằng đồng đôla ngày càng suy giảm trong bối cảnh thị phần Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu giảm, do đó đôla Mỹ không còn đủ sức gồng gánh kinh tế toàn cầu. Nhưng vấn đề ở chỗ, trong lịch sử văn minh nhân loại, không có đồng tiền dự trữ toàn cầu nào trước đồng đôla Mỹ có sức mạnh thống trị như Mỹ kim cả. Đây là loại tiền tệ duy nhất đóng vai trò then chốt trong thương mại quốc tế của thế giới hiện đại.

Trước khi đồng đôla Mỹ bắt đầu “có số má” trên sân chơi thế giới vào nửa đầu thế kỷ 20, các loại tiền tệ và dự trữ tài trợ cho thương mại nói chung chủ yếu là các loại tiền vàng và bạc. Bất kể nền kinh tế của một quốc gia lớn đến đâu hay ngân hàng trung ương của quốc gia đó mạnh đến mức nào, tiền tệ của quốc gia đó chỉ có thể được sử dụng để thanh toán thương mại trong phạm vi mà nó được coi là hoàn toàn có thể trao đổi với một loại tiền tệ.

Sự sẵn sàng để dòng vốn chảy tự do và hấp thụ các khoản tiết kiệm, và sự mất cân bằng nhu cầu của phần còn lại của thế giới, là những yếu tố căn bản củng cố vai trò thống trị của đôla Mỹ. Không có quốc gia nào khác trước Hoa Kỳ đóng vai trò này ở mức độ gần tương tự, và đó là lý do không có loại tiền tệ nào khác thống trị thương mại quốc tế và dòng vốn theo cách mà đồng đôla Mỹ đang có hiện nay. Hơn nữa, không quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào, kể cả BRICS, Nhật hay Liên minh châu Âu, sẵn sàng đóng vai trò này hoặc có thể làm mà không cần cải tổ mạnh mẽ hệ thống tài chính, phân phối lại thu nhập trong nước, loại bỏ kiểm soát vốn và chấp nhận làm suy yếu hoạt động xuất khẩu…

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 14 Tháng Tư 2023 (ảnh: Huang Jingwen/Xinhua via Getty Images)

Một khi triều đại của đồng đôla Mỹ kết thúc, chế độ vốn và thương mại toàn cầu hiện tại cũng sẽ sụp đổ theo. Đó là điều mà những người ôm mộng giết đồng đôla Mỹ phải hiểu. Một khi Mỹ (và các nền kinh tế nói tiếng Anh khác có vai trò tương tự) ngừng hấp thụ tới 80% sản lượng dư thừa và tiết kiệm dư thừa của các quốc gia thặng dư như Brazil, Trung Quốc, Đức, Nga và Saudi Arabia thì các quốc gia này sẽ không còn… thặng dư. Và nếu không có thặng dư, họ buộc phải cắt giảm sản xuất trong nước để nó không vượt quá nguồn nhu cầu suy yếu trong nước. Chỉ bằng việc sử dụng rộng rãi đồng đôla Mỹ mới có thể cho phép tính toán cân đối nền kinh tế toàn cầu.

Mọi thứ vẫn “trên cơ sở lý thuyết”

Nói cách khác, tạo ra một thế giới phi đôla là điều không dễ và việc bước vào một thế giới hậu đôla – nếu có – càng không dễ. Người ta cứ muốn dẹp đồng đôla và tin rằng sức khỏe kinh tế thế giới vẫn ổn nhưng điều mà người ta bỏ sót là sự thay đổi sẽ gây ra những xáo trộn kinh tế như thế nào đối với các quốc gia thặng dư dai dẳng, khiến họ cuối cùng phải thu hẹp đáng kể toàn bộ quy mô những ngành xuất khẩu đang nuôi sống quốc gia họ. Việc giết đôla Mỹ chẳng khác gì giết chết chính mình. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi nhiều thứ hơn chứ không chỉ là chọn một loại tiền tệ mới để giao dịch. Nó sẽ liên quan đến việc xây dựng các cấu trúc hoàn toàn khác nhau cho thương mại và dòng vốn.

Câu trả lời cho câu hỏi của Tổng thống Lula về việc “kẻ nào” đã chỉ định đồng đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu sẽ ít nhiều mỉa mai: Chính các quốc gia thặng dư như Brazil và Trung Quốc là những “kẻ” đã gián tiếp “chỉ định đồng đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu”. Và bất chấp những gì mà những lãnh đạo các nước như Brazil hoặc Trung Quốc nói nhăng nói cuội, không ai trong số họ vội vàng thay đổi hệ thống hiện tại hoặc đủ khả năng thay đổi. Cho đến khi các quốc gia này chuyển đổi cơ bản nền kinh tế trong nước của họ hoặc cho đến khi Hoa Kỳ quyết định sẽ không còn phải trả chi phí kinh tế cao để thực hiện vai trò hỗ trợ của mình, thì những nước như Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chấp nhận sự thống trị của đồng đôla Mỹ.

Tuy nhiên, BRICS chưa dễ bỏ cuộc. Tháng Tám 2023, chủ nhà Nam Phi sẽ đón các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc để “bàn tiếp” việc tạo ra một loại tiền tệ chung mới cho khối BRICS. Sự kiện Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga sau cuộc xâm lược Ukraine đã thúc đẩy nỗi khát khao thoát khỏi cái bóng của đôla Mỹ. Cần biết, 88% giao dịch quốc tế hiện được thực hiện bằng đôla Mỹ và đôla Mỹ chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Chẳng trách sao Trung Quốc thường xuyên bày tỏ mối lo ngại về sự thống trị của đồng đôla và điểm mặt chỉ tên gọi nó là “nguồn gốc chính của sự bất ổn và bấp bênh trong nền kinh tế thế giới”. Bắc Kinh đổ lỗi cho việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), tức ngân hàng trung ương Mỹ, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính quốc tế và khiến các đồng tiền khác mất giá đáng kể. Còn nữa, Trung Quốc cũng chỉ trích việc sử dụng các biện pháp trừng phạt như một vũ khí địa chính trị. Rõ ràng bức tranh phi đôla Mỹ có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những nước tham vọng như Trung Quốc.

Đồng tiền chung – nói dễ hơn làm

Con đường khả thi nhất là tạo ra một cái gì đó tương tự Euro, đồng tiền chung được 11 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu thông qua vào năm 1999. Tuy nhiên, việc đàm phán về một đồng tiền chung sẽ đầy nhiêu khê, do sự bất cân xứng về sức mạnh kinh tế và động lực chính trị phức tạp trong nội bộ “anh em” BRICS. Và để một loại tiền tệ mới hoạt động, BRICS cần phải đồng ý với cơ chế tỷ giá hối đoái, có hệ thống thanh toán hiệu quả và thị trường tài chính được điều tiết tốt, ổn định và thanh khoản. Để đạt được trạng thái tiền tệ toàn cầu, BRICS cần có một hồ sơ theo dõi mạnh mẽ về quản lý tiền tệ chung để thuyết phục những người khác rằng loại tiền tệ mới này đáng tin cậy.

Kinh tế gia Lâm Nghị Phu (Yifu Lin), giáo sư Đại học Bắc Kinh, chánh kinh tế gia và phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới từ 2008-2012, trong buổi hội thảo thường niên của New Development Bank tại Thượng Hải ngày 30 Tháng Năm 2023 (ảnh: Zhao Yun/VCG via Getty Images)

Hiện tại, một phiên bản đồng tiền chung của BRICS là điều viển vông không thể xảy ra vì không quốc gia nào liên quan thể hiện mong muốn ngừng sử dụng đồng nội tệ của mình.  Năm 2010, Cơ chế hợp tác liên ngân hàng BRICS đã được đưa ra để tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới giữa các ngân hàng BRICS bằng nội tệ. Các quốc gia BRICS cũng đã và đang phát triển “BRICS pay” – một hệ thống thanh toán cho các giao dịch giữa BRICS mà không cần phải chuyển đổi nội tệ sang đôla. Và người ta cũng bàn đến tiền điện tử BRICS (BRICS cryptocurrency) đồng thời hoạch định chiến lược phát triển Tiền tệ kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currencies) nhằm thúc đẩy khả năng tương tác tiền tệ và hội nhập kinh tế.

Tuy nhiên, thiên thời lẫn địa lợi dường như chưa đến. Nhiều ý tưởng “hoành tráng” chẳng hạn phát triển cơ quan xếp hạng tín dụng BRICS hoặc tạo ra tuyến cáp quang biển BRICS đã không bao giờ thành hiện thực. Những nỗ lực phi đôla hóa đang gặp khó khăn cả ở cấp độ đa phương lẫn song phương.

Năm 2014, khi các quốc gia BRICS ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank – NDB), thỏa thuận thành lập nó đã chỉ ra rằng hoạt động NDB có thể cung cấp tài chính bằng đồng nội tệ của quốc gia nơi hoạt động diễn ra (financing in the local currency of the country in which the operation takes place). Tuy nhiên, đến nay, năm 2023, NDB vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đồng đôla để tồn tại. Thật nghịch lý! Tài trợ bằng nội tệ chỉ chiếm khoảng 22% trong danh mục đầu tư của NDB, mặc dù chủ tịch mới của NDB hy vọng có thể tăng lên 30% vào năm 2026.

Những thách thức tương tự cũng xuất hiện trong việc theo đuổi kế hoạch phi đôla hóa trong giao dịch song phương. Nga và Ấn Độ từng tìm cách phát triển một cơ chế giao dịch bằng nội tệ, cho phép các nhà nhập khẩu Ấn Độ thanh toán tiền mua dầu và than giá rẻ của Nga bằng rupee. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ sau khi Moscow bỗng dưng “hết hứng” với ý tưởng tích lũy rupee trong két sắt của họ.

__________

Tại sao đôla Mỹ bị “lật” mãi vẫn không “đổ”?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: