Một năm chiến tranh Ukraine: Cuộc đấu tay đôi Biden-Putin

Tổng thống Joe Biden chuẩn bị phát biểu với dân chúng ở thủ đô Warsaw của Ba Lan hôm 21 tháng Hai 2023 về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Ảnh Mateusz Slodkowski/DeFodi Images via Getty Images

Vài ngày trước kỷ niệm tròn một năm ngày bùng nổ cuộc chiến Nga – Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ thi nhau chạy nước rút để củng cố mạng lưới đồng minh đối phó với bên kia. Tình huống trông giống như thời Chiến tranh Lạnh nhưng có phần phức tạp và nguy cấp hơn.

 Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã kết thúc chuyến công du ba ngày tới châu Âu vào thứ Tư 22 tháng Hai 2023 với cam kết của Mỹ bảo vệ các đồng minh ở sườn phía Đông của khối NATO trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nồng nhiệt chào đón nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tới Moscow và vận động người Nga ủng hộ cuộc chiến tranh.

Sau chuyến đi bất ngờ và bí mật như một “điệp vụ” tới Kyiv, tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, ông Biden đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo nhóm “Bucharest Nine” hay B9 – một liên minh chín nước cộng sản cũ, gồm  Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia, hình thành tháng Mười Một 2015 nhằm phối hợp phòng thủ chống lại âm mưu thâu tóm của Nga sau khi Moscow xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. 

Tại cuộc họp, ông Biden thừa nhận “Các bạn hiểu rõ hơn ai hết những gì đang bị đe dọa trong cuộc xung đột này, không chỉ Ukraine mà còn quyền tự do của các nền dân chủ trên toàn thế giới. Châu Âu và toàn thế giới.”

Phát biểu này nằm trong quan niệm nhất quán của Tổng thống Mỹ từ khi cuộc xâm lược mới bắt đầu một năm về trước: Đây là cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài, giữa tự do và chuyên chế chứ không đơn giản là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Nhận thức đó đã thôi thúc Hoa Kỳ tập hợp một liên minh hùng hậu yểm trợ vũ khí đạn dược và tiền bạc cho Ukraine kháng chiến. Tại thủ đô Kyiv hôm 21 tháng Hai 2023, ông Biden một lần nữa khẳng định Hoa Kỳ và liên minh các quốc gia dân chủ sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine trong cuộc kháng chiến cho đến khi nào việc đó còn cần thiết. 

Cùng thời điểm này, ông Putin nói với đám đông hàng chục nghìn người tại một cuộc mít-tinh ở sân vận động Moscow, nơi tổ chức trận chung kết bóng đá nam World Cup 2018: “Có một trận chiến đang diễn ra trên biên giới lịch sử của chúng ta, vì người dân của chúng ta,” ngay sau khi ông ta cố củng cố mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của Nga trong một cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị (Wang Yi).

Tổng thống Nga Putin phát biểu trước đám đông dân chúng hàng chục ngàn người tại sân vận động Luzhniki Stadium ở Moscow hôm 22 tháng Hai 2023 để thể hiện sự ủng hộ của người dân Nga với cuộc chiến của ông ta. ẢnhKremlin Press Office/Handout/Anadolu Agency via Getty Images

Đặt bên cạnh nhau, hai sự kiện đó tạo ra ấn tượng rằng thế giới đang chia thành hai khối có những điểm tương đồng với Chiến tranh Lạnh nhưng phức tạp hơn.

Lần này, nhiều quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ — Hungary là một ngoại lệ đáng chú ý — đang liên kết với phương Tây để chống lại sự hiếu chiến của ông Putin. Còn Trung Quốc và Nga đang gác lại nhiều khác biệt, cùng tiến hành các cuộc tập trận quân sự và thắt chặt quan hệ tài chính khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nhưng thực tế còn phức tạp hơn. Nhiều cường quốc khác — bao gồm Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel — vẫn đứng ngoài giữ thái độ tọa sơn quan hổ đấu và tìm cách hưởng lợi từ cả hai phía: tiếp tục mua dầu khí giảm giá của Nga hoặc hợp tác ngoại giao với ông Putin, trong khi mua vũ khí của Hoa Kỳ và dựa vào nỗ lực bảo đảm an ninh của Mỹ.

Đối với ông Biden, vấn đề là liệu các đồng minh phương Tây có đủ điều kiện để tiếp tục trang bị vũ khí và hỗ trợ chính phủ Ukraine ở mức cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công đang ngày càng quyết liệt của Nga, đồng thời ngăn cản ông Putin một lần nữa tìm cách chiếm lấy Ukraine hay không

Đối với ông Putin, nỗi nghi ngờ có thể còn lớn hơn. Ông Putin đang cố thể hiện lòng tin và sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến phi nghĩa mà sau một năm tốn nhiều xương máu mà vẫn chưa đạt được những kết quả đáng kể. 

Đón tiếp trọng thị ông Vương Nghị, và bàn về chuyến viếng thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình, rõ ràng là ông Putin muốn có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn, thực chất hơn từ Trung Quốc, có thể là viện trợ vũ khí sát thương từ Bắc Kinh như cảnh báo gần đây của tình báo phương Tây.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để duy trì trọng tâm chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau và tăng cường phối hợp chiến lược,” ông Vương nói với ông Putin. Ông cũng cho biết quan hệ đối tác Trung Quốc-Nga “không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào, không chấp nhận sự can thiệp từ bất kỳ bên thứ ba nào, và càng không chấp nhận sự cưỡng bức từ bất kỳ bên thứ ba nào”.

Lời ông Vương rõ ràng là ám chỉ Hoa Kỳ, quốc gia đã đe dọa rằng bất kỳ viện trợ vật chất nào từ Trung Quốc cho nỗ lực chiến tranh của Moscow sẽ dẫn đến sự trả đũa kinh tế.

Về cuộc chiến Ukraine, Vương Nghị nói: “Cả hai bên đã trao đổi quan điểm kỹ lưỡng về vấn đề Ukraine Trung Quốc tán thành việc Nga tái khẳng định họ sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán.”

Tổng thống Nga V. Putin tiếp Giám đốc Văn phòng đối ngoại trung ương đảng CS Trung Quốc Vương Nghị tại Điện Kremlin hôm thứ Tư 22 tháng Hai 2023. Ảnh Kremlin Press Office/Handout/Anadolu Agency via Getty Images

Theo phân tích của The New York Times, ưu tiên hàng đầu của ông Putin hiện nay là giữ được quan hệ “không giới hạn” với Trung Quốc. Điều đó không chỉ có giá trị cho Nga về ngoại giao mà còn vì lợi ích kinh tế vì Bắc Kinh là một đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga, giúp đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây trong suốt một năm qua.

Trong khi đó, ông Tập có thể có tính toán khác. Theo quan điểm của các quan chức Mỹ, ông Tập không công khai lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga bởi vì Tập muốn hỗ trợ Putin một cách chừng mực vừa để đánh lạc hướng Hoa Kỳ khỏi cuộc cạnh tranh kinh tế với Bắc Kinh vừa để trói buộc các nguồn lực quân sự của Mỹ đang được sử dụng để hỗ trợ Ukraina. Với cách nhìn đó, Trung Quốc đang lợi dụng Nga vì mục đích riêng của mình.

Vương Nghị đến Moscow sau khi thăm các nước Tây Âu để tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo EU rằng Bắc Kinh muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Nhưng những nhận xét được công bố của ông Vương gửi tới ông Putin và các quan chức Nga khác cho thấy rằng Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm coi nhẹ tình hữu nghị với Moscow để ủng hộ Ukraine.

Về phía Hoa Kỳ, chuyến đi đầy mạo hiểm của ông Biden tới Ukraine và Ba Lan dường như có hiệu quả tốt hơn, củng cố được quyết tâm chống xâm lược bảo vệ tự do của các quốc gia nhỏ mới thoát ra khỏi chủ nghĩa cộng sản chưa lâu nhưng đã trở thành những nước dân chủ khá vững chắc.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: