Mỹ đạt thỏa thuận tăng cường quân đội ở Philippines

Vụ khí cầu do thám có thể là phản ứng của Trung Quốc đối vối việc Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở châu Á trong chuyến thăm của Bộ trưởng QP Mỹ Lloyd Austin. Ảnh ông Austin cùng phái đoàn Mỹ hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (áo trắng) tại Manila hôm 02/02/2023. Ảnh Jamilah Sta Rosa-Pool/Getty Images

Hoa Kỳ đang tăng cường hiện diện quân sự tại Philippines – một đối tác chiến lược quan trọng của Washington để đề phòng trường hợp xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin III, đang ở thăm Manila, hôm nay thứ Năm 2 tháng Hai 2023 đã công bố một thỏa thuận mới với nước chủ nhà, theo đó Philippines sẽ để cho Mỹ bố trí thiết bị quân sự, xây dựng cơ sở và luân chuyển binh lính tới bốn căn cứ nữa, ngoài năm căn cứ hiện có, nâng tổng số căn cứ có sự hiện diện của Mỹ lên 9 đơn vị, rải khắp quần đảo Philippines.

Đây là lần đầu tiên trong 30 năm, kể từ ngày rút khỏi Philippines năm 1992, quân đội Mỹ lại có sự hiện diện lớn như vậy ở nước này.

Xe lội nước đổ bộ của TQLC Mỹ tham gia cùng quân đội Philippines trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan ở tỉnh Zambales của Philippines gần quần đảo Trường Sa. Ảnh Dondi Tawatao/Getty Images

Cái bóng đe dọa của Trung Quốc

Các chuyên gia đều nhận định, việc Hoa Kỳ gia tăng lực lượng tại Philippines là nhằm chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, củng cố quan hệ đối tác với các đồng minh chiến lược. Trọng tâm của mối lo ngại này là có một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Trung Quốc đối với Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình cũng như những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã bồi đắp các hòn đảo nhân tạo và tạo thành những căn cứ quân sự lớn, án ngữ một hải lộ quan trọng nhất thế giới.

Trong số năm đồng minh theo hiệp ước mà Hoa Kỳ có ở châu Á thì Philippines và Nhật Bản là những nước gần Đài Loan nhất về mặt địa lý, với đảo Itbayat ở cực bắc của Philippines chỉ cách Đài Loan 93 dặm. Philippines cũng là một trong năm nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó đảo Thị Tứ do Philippines quản lý là một trong những đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. 

Tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận mới, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh rằng việc bố trí quân sự của Mỹ ở những căn cứ Philippines không phải là vĩnh viễn nhưng rất quan trọng. Hiến pháp Philippines không cho phép quân đội nước ngoài đóng quân lâu dài ở đảo quốc.

Ông Carlito Galvez Jr., Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, từ chối nêu địa điểm của bốn căn cứ mới bổ sung; ông nói chính phủ Manila cần tham khảo ý kiến của các quan chức địa phương trước. Hồi tháng Mười Một năm ngoái, Trung tướng Bartolome Vicente Bacarro của Philippines nói rằng Washington đã xác định được năm địa điểm khả dĩ, trong đó có hai địa điểm ở Cagayan cực bắc Philippines đối diện Đài Loan, một ở Palawan gần quần đảo Trường Sa, một ở Zambales và một ở Isabela (xem bản đồ).  

 

Năm địa điểm hiện có mà quân đội Hoa Kỳ có thể tiếp cận là căn cứ không quân Cesar Basa và pháo đài Magsaysay gần Manila; căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở tỉnh Cebu ở miền trung; căn cứ không quân Antonio Bautista ở Palawan, ở phía đông và Căn cứ không quân Lumbia ở phía nam. Từ năm 2016, Hoa Kỳ đã sử dụng các căn cứ này để xây dựng các cơ sở và bố trí các tài sản quốc phòng.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã muốn có căn cứ ở phía bắc của Philippines, trên đảo lớn Luzon, như một cách để chống lại Trung Quốc hiệu quả hơn trong trường hợp nước này tấn công Đài Loan. Ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu thuộc Trường Hành chính công Lý Quang Diệu ở Singapore và cựu quan chức quốc phòng Mỹ, nhận định: “Gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng Bắc Luzon, cận kề Đài Loan, thật sự nhằm bảo đảm liên minh Mỹ-Philippines có vai trò tiền tiêu và trung tâm trong lĩnh vực an ninh và răn đe ở Đông Bắc Á”.

Thăng trầm quan hệ Mỹ-Philippines

Dù Philippines là đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á nhưng sự hợp tác về an ninh giữa hai nước đã có nhiều lúc thăng trầm. Philippines từng là một vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ, được trao trả độc lập vào năm 1946, sau đó ký kết hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ năm 1951. Quân đội Mỹ đã từng có căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân lớn ở vịnh Subic của Philippines; các căn cứ này có vai trò quan trọng trong thời kỳ Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam ở bên kia Biển Đông từ 1965 đến 1973. 

Nhưng nhiều người Philippines coi các căn cứ này là dấu tích của chủ nghĩa thực dân Mỹ. Năm 1992, Hoa Kỳ đóng cửa căn cứ cuối cùng của mình ở Philippines sau các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố và quyết định của Thượng viện Philippines chấm dứt sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ và sau đó quân đội Hoa Kỳ chỉ tham gia tập trận với Philippines trong khuôn khổ một thỏa thuận “các lực lượng thăm viếng” (Visiting Forces Agreement – VFA).

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Rodrigo Duterte (2016-2022) quan hệ quân sự giữa hai nước xuống thấp do ông này thường xuyên chỉ trích Washington và phàn nàn Hoa Kỳ đã tạo ra các hiệp ước quốc phòng có lợi cho người Mỹ. Trong xu hướng ngả sang Trung Quốc, ông Duterte thậm chí đe dọa hủy bỏ thỏa thuận VFA và Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (Enhance Defence Coorperation Agreement – EDCA) giữa hai nước, gây lo ngại cho người Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Philippines biểu tình phản đối quân đội Mỹ và Bộ trưởng Lloyd Austin bên ngoài một căn cứ quân sự ở Manila hôm 02/02/2023 nhân việc hai nước ký thỏa thuận để quân đội Mỹ triển khai tới một số căn cứ quân sự của Philippines nhằm răn đe Trung Quốc. Ảnh Jes Aznar/Getty Images

Kể từ khi nhậm chức vào tháng Sáu năm ngoái, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã tìm cách khôi phục mối quan hệ với Hoa Kỳ. Ông tuyên bố “không thể nhìn thấy Philippines trong tương lai nếu không có Hoa Kỳ là đối tác”.

Sự chuyển hướng của Philippines có phần do tác động từ chính sách cưỡng bức của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ven Biển Đông. Sau khi lập được các căn cứ quân sự ở Trường Sa, Trung Quốc đã gia tăng các vụ quấy nhiễu, đe dọa ngư dân Philippines và các nước khác, thậm chí chiếm một số thực thể do Philippines quản lý như bãi cạn Scarborough Shoal. Khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng Tám năm ngoái, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở nhiều khu vực, bao gồm kênh Ba Sĩ (Bashi Channel), tuyến đường thủy nằm giữa Đài Loan và Philippines.

Mối lo ngại Trung Quốc đã khiến chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. – người kế nhiệm ông Duterte – bắt đầu xây dựng các kế hoạch dự phòng cho một cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra của Trung Quốc. Nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan, “không gian chiến sự sẽ bao trùm Philippines,” ông Thompson nói và thêm rằng các hành động của Trung Quốc ở kênh Ba Sĩ “thực sự buộc các nhà lãnh đạo Philippines phải lo lắng”.

Ngoài vấn đề Đài Loan, Manila và Bắc Kinh cũng đang vướng vào cuộc tranh chấp kéo dài về các đảo ở Trường Sa mà cả hai bên đều tuyên bố là chủ quyền. Trung Quốc vẽ ra bản đồ “đường lưỡi bò” chiếm trọn diện tích Biển Đông, chồng lên các đảo và vùng kinh tế đặc quyền của Philippines, buộc Manila phải kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển (PCA). Tháng Bảy 2016, tòa PCA đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không chấp hành phán quyết của tòa. Philippines hiện hy vọng nhận được sự hỗ trợ của Mỹ để chống lại việc Bắc Kinh tiếp tục tăng cường quân sự ở Biển Đông. 

***

Thỏa thuận hợp tác an ninh Mỹ-Philippines và việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đảo quốc này đã bị phản đối mạnh từ Trung Quốc và thành phần dân tộc chủ nghĩa ở Philippines. Hôm thứ Năm, Mao Ning, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cáo buộc Hoa Kỳ đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. “Vì lợi ích cá nhân, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường triển khai quân sự trong khu vực với tâm lý được ăn cả ngã về không. Điều này đang làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực,” bà Mao nói. “Các quốc gia trong khu vực nên tiếp tục cảnh giác chống lại điều này và tránh bị Hoa Kỳ ép buộc và sử dụng.”

Trong một tuyên bố, ông Renato Reyes, tổng thư ký của nhóm chính trị Banyan, hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc, cho biết người dân Philippines “không cho phép sử dụng đất nước của chúng tôi làm bàn đạp cho bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Hoa Kỳ trong khu vực. Việc cho phép Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ của chúng tôi sẽ kéo chúng tôi vào cuộc xung đột này, vốn không phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi.”

 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: