Mỹ ngắm, Ukraine nã đạn!

Hỏa tiễn HIMARS đang giúp quân đội Ukraine giành được lợi thế đáng kể trên chiến trường (ảnh: Dondi Tawatao/Getty Images)

Các quan chức Ukraine vừa tiết lộ những lần phóng HIMARS đều phụ thuộc vào việc nhắm mục tiêu của Mỹ. Họ không bao giờ phóng HIMARS nếu không có tọa độ chi tiết do quân đội Mỹ ở những nơi khác tại châu Âu cung cấp.

Tiết lộ, được xác nhận bởi ba quan chức cấp cao Ukraine và một quan chức cấp cao của Mỹ, được đưa ra sau nhiều tháng lực lượng Kyiv phản công các mục tiêu Nga, gồm trung tâm chỉ huy, kho đạn dược và doanh trại trên đất Ukraine bằng Hệ thống rocket Pháo binh Cơ động Cao (High Mobility Artillery Rocket System-HIMARS) và các vũ khí dẫn đường chính xác tương tự khác như hệ thống rocket phóng loạt (multiple-launch rocket system) M270. Một quan chức cấp cao Ukraine khẳng định lực lượng Ukraine hầu như không bao giờ phóng vũ khí tiên tiến mà không có tọa độ cụ thể do phía Mỹ cung cấp từ một căn cứ tại châu Âu.

Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cũng thừa nhận với tờ The Washington Post “vai trò quan trọng” của Mỹ trong chiến dịch. “Hỗ trợ nhắm mục tiêu vừa để đảm bảo độ chính xác vừa để số rocket hạn chế đạt hiệu quả tối đa – ông nói – Nhưng Ukraine không cần sự chấp thuận của Mỹ về quyết định tấn công mục tiêu nào sau khi được Mỹ trao tọa độ. Mỹ chỉ đóng vai trò cố vấn khi cung cấp tọa độ chính xác”.

Các cuộc tấn công do GPS dẫn đường đã đẩy lùi hiệu quả lực lượng Nga trên chiến trường và được xem là yếu tố then chốt khi mọi nỗ lực trước đó của Kiev chỉ thành công rất hạn chế. Trong một cuộc phỏng vấn vào Tháng 10 dành cho The Washington Post, Thiếu tướng Andriy Malinovsky chỉ huy lực lượng huấn luyện pháo binh và tên lửa của quân đội Ukraine cho biết các đồng minh phương Tây thường xác nhận tọa độ các mục tiêu trong cuộc phản công chiếm lại thành phố Kharkiv.

Ông nói:

“Các đối tác của chúng tôi đã đề ra một quy trình phối hợp: Ukraine nhận tọa độ chính xác để các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (multiple-launch rocket artillery systems-MLRS) không bắn trật mục tiêu, đặc biệt là khi cần phản công nhanh. Nhờ Mỹ chốt tọa độ cũng tránh được việc Nga gây nhiễu tín hiệu của máy bay trinh sát không người lái… Chúng tôi luôn trong tình trạng trực tuyến để khi tọa độ được cung cấp có thể khai hỏa MLRS ngay lập tức”.

Một quan chức Ukraine khác xác nhận việc nhắm mục tiêu đều thông qua một trung tâm của Mỹ trên đất NATO và ông mô tả quy trình này là “rất nhanh”.

Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Toà Bạch Ốc vào Tháng Mười Hai qua, ông đã trao cho Tổng thống Biden huy chương công trạng quân sự do chỉ huy đơn vị HIMARS của Ukraine ký. HIMARS là vấn đề rất nhạy cảm đối với chính phủ Mỹ, vốn luôn cho mình là “người bạn không hiếu chiến” của một chính phủ (Ukraine) đấu tranh cho chủ quyền và sự tồn vong chủ quyền quốc gia. Kremlin đã nhiều lần cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO tiến hành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” ở Ukraine.

Các quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài từ chối trả lời câu hỏi của The Washington Post về việc liệu họ có cung cấp tọa độ cho các cuộc tấn công hay không và bằng cách nào, nêu lý do lo ngại về an ninh. Thay vào đó, họ nhấn mạnh về “những hạn chế tham gia” của Mỹ vào cuộc chiến.

“Từ lâu, chúng tôi đã chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine để hỗ trợ họ bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của Nga; và theo thời gian, chúng tôi đã tối ưu hóa hoạt động chia sẻ thông tin bằng việc đáp ứng các yêu cầu của họ về tọa độ các mục tiêu sao cho đạt kết quả cao nhất – Tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nhấn mạnh – Người Ukraine chịu trách nhiệm tìm kiếm mục tiêu và quyết định chọn lựa các ưu tiên mục tiêu. Hoa Kỳ không phê duyệt mục tiêu, chúng tôi cũng không tham gia vào việc lựa chọn hoặc tấn công các mục tiêu. Hoàn toàn không đúng sự thật khi nói rằng người Ukraine chỉ nhắm các mục tiêu được chúng tôi duyệt”.

Quan chức cấp cao của Ukraine cũng mô tả quy trình nhắm mục tiêu một cách chung chung: “Phía Ukraine xác định các mục tiêu muốn tấn công, sau đó thông tin được gửi tới các chỉ huy cấp cao và chuyển tiếp đến các đối tác Hoa Kỳ để có tọa độ chính xác hơn. Nhưng không phải lúc nào người Mỹ cũng cung cấp tọa độ theo yêu cầu. Khi họ không cung cấp, quân đội Ukraine không khai hỏa. Ukraine cũng có thể tự tiến hành các cuộc tấn công mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ, nhưng vì không muốn lãng phí đạn dược quý hiếm và bắn chệch mục tiêu nên họ thường chọn không tấn công khi không có xác nhận mục tiêu của Mỹ. Cả hai bên thấu hiểu tình huống này nên không có mâu thuẫn khi cùng làm việc”.

Trong nhiều tháng nay, chính phủ Ukraine đã vận động Washington cung cấp vũ khí chính xác tầm xa. Ngoài HIMARS và hệ thống rocket đa bệ phóng M270, mỗi bệ phóng một rocket có thể bắn xa 50 dặm, Kyiv cũng xin thêm Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (Army Tactical Missile System-ATACMS) với khả năng bắn xa tới 285 dặm!

Các quan chức chính quyền Biden từ chối cung cấp loại vũ khí này, nêu lý do “số lượng hạn chế”, trong khi các quan chức cấp cao Mỹ xem đây là hành động leo thang có thể khiêu khích Nga và đưa Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Cam kết của Kyiv không sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công qua biên giới vào bên trong lãnh thổ Nga không đủ để trấn an Mỹ.

Hiện thời, để tránh tổn thất, các lực lượng Nga đã chuyển kho dự trữ đạn dược của họ ra khỏi tầm bắn của HIMARS nên họ không còn khả năng bắn phá cấp tập hàng ngày vào các thành phố và lực lượng Ukraine; nhưng Kiev cũng không còn cơ hội tiêu diệt các kho vũ khí Nga khi chúng nằm ngoài “vòng phủ sóng” của HIMARS. Nếu có ATACMS, quân đội Ukraine dễ dàng nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự Nga ở bán đảo Crimea bị Nga xâm chiếm và sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

Gần đây, Mỹ đã thông qua việc mua và giao một loại đạn dẫn đường bằng GPS khác có thể phóng từ HIMARS và các bệ phóng tương tự. Đó là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (ground-launched small-diameter bomb-GLSDB), bắn xa hơn 90 dặm. Ban đầu, loại đạn này được thiết kế để bắn từ máy bay nhưng đã thay đổi mục đích sử dụng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: