Mỹ và EU chấm dứt tranh chấp, hợp tác về COVID-19 và Trung Quốc

Ảnh minh họa iStock

Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ cam kết sẽ chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương về máy bay và kim loại, đồng thời kêu gọi xúc tiến một cuộc nghiên cứu mới về nguồn gốc của COVID-19, theo dự thảo thông cáo chung Hoa Kỳ-EU tại hội nghị thượng đỉnh G-7 sắp diễn ra.

Hội nghị G-7 (Group of Seven) quy tụ các nhà lãnh đạo của bảy nước công nghiệp phát triển nhất (Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) sẽ diễn ra tại Cornwall miền nam nước Anh vào những ngày cuối tuần này (11-13/06). Lãnh đạo các nước Ấn Độ, Nam Hàn, Úc, Nam Phi và lãnh đạo EU cũng tham dự hội nghị với tư cách khách mời. 

Tổng thống Joe Biden hôm nay thứ Tư đã lên đường sang Anh quốc dự hội nghị G-7. Ông cũng sẽ đến Brussels làm việc với các nhà lãnh đạo EU và khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước khi sang Geneva, Thụy Sĩ, dự cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên, kéo dài tám ngày, của ông Biden ở cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Bản dự thảo thông cáo chung Hoa Kỳ-EU dài bảy trang mà hãng Reuters được xem trước cho thấy kết quả cụ thể của “một bình minh mới” (New Dawn) trong quan hệ giữa Mỹ và EU khi ông Joe Biden thay thế ông Donald Trump ở chức vụ tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng Giêng vừa qua.

Chấm dứt tranh chấp thương mại 

Dự thảo nói hai bên cam kết chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài giữa Mỹ và EU về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus trước ngày 11-7-2021 và đặt thời hạn ngày 1-12 phải chấm dứt các mức thuế trừng phạt liên quan đến tranh chấp thương mại các mặt hàng thép và nhôm.

Bất chấp áp lực của các tập đoàn công nghiệp thép của Mỹ muốn giữ mức thuế cao áp lên các mặt hàng thép và nhôm nhập cảng, viện lý do an ninh quốc gia theo “Mục 232” mà chính quyền Trump áp đặt, dự thảo cho biết: “Chúng tôi cam kết làm việc theo hướng dỡ bỏ trước ngày 1 tháng 12 năm 2021 tất cả các mức thuế bổ sung/trừng phạt đối với cả hai bên liên quan đến thép và nhôm”.

Các nguồn tin trong ngành thép nói rằng ngôn ngữ của thông cáo ngụ ý hai bên sẽ bãi bỏ các mức thuế mà Mỹ và EU áp dụng đối với rượu whisky châu Âu và xe gắn máy Mỹ, chứ không nhất thiết bãi bỏ mức thuế cơ bản 25% mà Mỹ đang áp dụng đối với thép và 10% đối với nhôm. Một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và EU hồi tháng Năm nhằm ngăn chặn leo thang tranh chấp đã không đụng tới những mức thuế này trong thời gian sáu tháng mà hai bên đàm phán tìm cách giải quyết vấn đề dư thừa thép và nhôm trên toàn cầu do Trung Quốc gia tăng sản xuất. Một số quốc gia EU đang cân nhắc đề xuất gia hạn áp dụng hạn ngạch nhập cảng thép có tính chất “tự vệ” của chính họ để bảo vệ các nhà sản xuất thép châu Âu tránh khỏi một làn sóng nhập cảng đè bẹp.

Ông Biden sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban EU (hành pháp), bà Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU (lập pháp) Charles Michel, những người đại diện cho các chính phủ EU, để thảo luận cam kết thúc đẩy sự hợp tác quốc tế để chống lại sự nóng lên toàn cầu. 

Điều tra nguồn gốc COVID-19

Bản dự thảo thông cáo cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh Brussels, cả hai bên Mỹ và EU đồng ý hợp tác về chính sách đối với Trung Quốc và kêu gọi tổ chức một cuộc nghiên cứu mới về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, dự thảo cho biết.

“Chúng tôi kêu gọi sự tiến bộ trong nghiên cứu giai đoạn hai về nguồn gốc của COVID-19 – cuộc nghiên cứu minh bạch, dựa trên bằng chứng, do các chuyên gia đứng đầu theo triệu tập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và không bị can thiệp”, bản dự thảo viết.

“Chúng tôi kêu gọi sự tiến bộ trong nghiên cứu giai đoạn hai về nguồn gốc của COVID-19 – cuộc nghiên cứu minh bạch, dựa trên bằng chứng, do các chuyên gia đứng đầu theo triệu tập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và không bị can thiệp”,

Thông cáo chung Mỹ-EU

Hiện có hai giả thuyết phổ biến cho rằng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 đã truyền nhiễm từ động vật, có thể là con dơi, sang con người, hoặc nó đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán. Các thành viên một nhóm nghiên cứu của WHO đã đến Trung Quốc đầu năm nay để điều tra nguồn gốc của COVID-19 cho biết họ không được cấp quyền truy cập vào tất cả dữ liệu.

Hồi tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ “nỗ lực gấp đôi để điều tra nguồn gốc của virus và báo cáo kết quả cho ông trong vòng 90 ngày”. Ngay sau đó, dư luận trong giới khoa học và truyền thông phương Tây có vẻ chuyển hướng sang ủng hộ giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm và lên án sự che đậy, bưng bít thông tin của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao EU cho biết, dù cam kết ủng hộ cuộc điều tra của Hoa Kỳ, EU sẽ không tổ chức cuộc điều tra của riêng mình. “Chúng tôi không chống Trung Quốc”, quan chức này nói. Một nhà ngoại giao thứ hai của EU cho biết EU “không có các dịch vụ tình báo và chúng tôi sẽ không cố gắng tìm kiếm nguồn gốc virus thông qua các cơ quan của các quốc gia thành viên của chúng tôi”. Người Mỹ vẫn có thể nói chuyện với các cơ quan tình báo của các quốc gia thành viên, và EU – với tư cách một liên minh các quốc gia – sẽ không tham gia, quan chức này nói thêm. 

Lập trường chung đối với Trung Quốc

Nếu EU đồng thuận với Mỹ, hai bên có một lập trường chung về chính sách đối với Trung Quốc thì đó sẽ là một động lực cho chính quyền Biden, vốn đang nỗ lực tìm kiếm bạn bè và đồng minh để chống lại Bắc Kinh nhưng Washington nói rằng họ không buộc bất kỳ đồng minh nào phải lựa chọn theo Mỹ hay theo Trung Quốc.

Để nhượng bộ EU, dự thảo thông báo không đề cập đến đề nghị của ông Biden về việc tạm bãi bỏ bản quyền sáng chế vaccine COVID-19 để thúc đẩy sản xuất vaccine trên toàn cầu. Thay vào đó, hai bên cam kết giảm các hạn chế xuất cảng vaccine của Hoa Kỳ và thúc đẩy tự nguyện chuyển giao công nghệ cho các nước ngoài Hoa Kỳ và Âu châu.

Công cuộc tiêm chủng đầy đủ cho thế giới dự kiến ​​sẽ kéo dài. Thông báo cho biết Hoa Kỳ và EU “mong muốn tiêm chủng cho ít nhất 2/3 dân số thế giới vào cuối năm 2022”. Điều này có nghĩa là khoảng 2,5 tỷ người trên thế giới có thể không được tiêm phòng trước năm 2023. Trước khi đặt chân đến châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh G-7, Tổng thống Biden thông báo chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với hãng dược Pfizer để mua 500 triệu liều vaccine BioNTech/Pfizer cung cấp cho 92 quốc gia nghèo trong chương trình của tổ chức COVAX; 200 triệu liều sẽ được cung cấp trong năm nay và số còn lại được giao trong nửa đầu năm 2022.

Cho đến nay, các quốc gia EU đã cố gắng duy trì sự cân bằng chiến lược để tránh bị Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ xa lánh.

Nhưng sự bành trướng quân sự của Trung Quốc, đòi chủ quyền ở hầu hết Biển Đông và việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tây bắc Trung Quốc đã làm thay đổi quan điểm của Brussels.

“Chúng tôi dự định sẽ tham vấn chặt chẽ với nhau và hợp tác về toàn bộ các vấn đề trong khuôn khổ các cách tiếp cận nhiều mặt tương tự của chúng tôi đối với Trung Quốc, bao gồm các yếu tố hợp tác, cạnh tranh và đối đầu mang tính hệ thống”, dự thảo thông cáo chung cho biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: