Rebekah Koffler, chuyên viên song ngữ Nga-Anh về học thuyết và chiến lược của Nga, từng là đặc vụ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) và là tác giả cuốn Putin’s Playbook: Russia’s Secret Plan to Defeat America, nhận định: “Putin đang bị dồn dần đến chân tường. Đọc những tình huống giống như thế trong tự truyện và tiểu sử của ông ta sẽ thấy tổng thống Nga sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thoát ra”.
Bài học con chuột lúc còn bé
Rebekah Koffler nhắc lại đoạn trích từ cuốn tự truyện First Person (Người thứ nhất) xuất bản năm 2000 của Vladimir Putin kể về quá trình lớn lên trong một căn hộ đổ nát ở thành phố Leningrad. “Có thể xem đây là bối cảnh giúp hình thành tính cách của một Putin khi trở thành lãnh đạo nước Nga và giải thích tại sao ông ta lại xâm lược Ukraine” – bà nói. Trong cuốn sách, Putin thuật lại việc phải băng qua một số tầng bị chuột xâm nhập để đến căn hộ sống thời thơ ấu. Và một ngày nọ, ông ta chụp lấy một cây gậy và đánh đuổi một con chuột lớn vào một góc tường. Khi con chuột nhận ra mình bị mắc kẹt, nó đã tấn công Putin, buộc ông ta phải bỏ chạy.
Chính khoảnh khắc sống chết này đã tác động mạnh đến tổng thống tương lai của nước Nga. Câu chuyện thời thơ ấu về con chuột và những mẫu chuyện riêng tư khác được Putin kể lại chính là thông điệp truyền đạt cho phương Tây rằng ông ta sẽ tấn công như con chuột nếu bị mắc kẹt. Thông điệp đó là: “Khi bị dồn vào chân tường, tôi sẽ chiến đấu, không có chuyện đầu hàng!”. Trong một cuốn tiểu sử khác có tựa Vladimir Putin: Life History, Putin cho biết đã học được bài học từ những cuộc đánh nhau trong khu phố lúc còn nhỏ. Đó là “bạn phải chiến đấu đến cùng trong mọi cuộc chiến và không có chuyện rút lui!”.
Tuy nhiên, trong cuộc xâm lược Ukraine, rắc rối bắt đầu đến với Putin khi ông ta tính toán sai hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là không tính đến ý chí chiến đấu kiên cường của quân dân Ukraine, thứ hai là vai trò của công nghệ thông tin trong việc đưa hình ảnh thảm khốc của sự tàn phá do Nga gây ra đến người dân trên toàn thế giới. Chắc chắn đây là hai tính toán sai không ngờ của Putin. Bây giờ lãnh đạo Nga cảm thấy mình bị mắc kẹt giữa hai chọn lựa: Phải thực hiện bằng được chiến dịch, đạt được mục tiêu đề ra, và phải hóa giải phản ứng bất lợi của người dân Ukraine và thế giới.
Putin hẳn có lúc nhớ lại thời điểm Mỹ lật đổ hai nhà độc tài Gaddafi của Lybia và Saddam Hussein của Iraq, đặc biệt khi ông nghe một số nhà lãnh đạo chính trị Mỹ tuyên bố “Putin là kẻ điên loạn” hoặc kêu gọi những người thân tín ám sát ông ta. Một phần lý do khiến Putin cảm thấy áp lực phải chiến thắng là do lãnh đạo Nga xem cuộc xâm lược Ukraine là cuộc chiến vì sự tồn vong của nước Nga.
Koffler giải thích: “Tác giả Zbigniew Brzezinski viết trong cuốn sách The Grand Chessboard (ván cờ lớn): Ai kiểm soát Âu-Á sẽ kiểm soát thế giới. Putin rất tin vào quan điểm đó đồng thời ông ta nghĩ rằng Mỹ cũng tin như thế. Vậy thì Nga phải kiểm soát Ukraine trước NATO. Đây là lý do Putin xâm lược, “chiến đấu vì mạng sống của mình, và vì tương lai của nước Nga”. Koffler nêu thêm một yếu tố khác cần xem xét khi thảo luận về Putin. Ông ta luôn phàn nàn các lực lượng NATO quá gần một số thành phố lớn của Nga.
“Trong Chiến tranh Lạnh, khoảng cách giữa St.Petersburg và NATO là 1,000 dặm. Ngày nay, khoảng cách đó chỉ còn 100 dặm. Theo tính toán quân sự, Nga không thể chấp nhận thực trạng này và xem đây là một mối đe dọa quân sự” – Koffler nói và kết luận: Putin luôn cảm thấy bị chèn ép, buộc phải phòng thủ bằng cách tấn công để thoát hiểm; từ tấn công mạng, phá hỏng vệ tinh, ném bom các khu dân cư và sử dụng cả vũ khí hạt nhân nếu bị dồn đến chân tường. Putin sẽ đưa quân Nga vào bên trong nội thị, sẽ san bằng Kyiv nếu ông ta cảm thấy phải làm như thế.
Những tính toán và nhận thức sai có thể dẫn đến chiến tranh Mỹ-Nga
Đó là nhận định của Cựu giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Michael Allen khi ông phân tích về chiến thuật của Nga trong chương trình America Reports của đài Fox. Bất chấp lời hứa của Tổng thống Joe Biden không để quân đội Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, một tính toán sai lầm của một bên có nguy cơ kéo Mỹ và NATO vào cuộc xung đột.
Tuần trước, Ngũ Giác Đài từ chối yêu cầu của chính phủ Ukraine chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho họ thông qua Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức. “Cộng đồng tình báo đánh giá việc chuyển giao máy bay sẽ bị hiểu là leo thang quân của NATO và có thể dẫn đến phản ứng mạnh của Nga” – Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby nói với các phóng viên hôm Thứ Tư tuần trước – “Do đó, chúng tôi đánh giá việc điều MiG-29 đến Ukraine là rất nguy hiểm”.
Một đề nghị khác cũng dễ dẫn đến leo thang xung đột là thành lập khu vực cấm bay trên bầu trời Ukraine do NATO quản lý, điều mà chuyên viên cao cấp về chính sách quốc phòng John Venable của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) xem là một rủi ro có thể xảy ra đối với NATO. “Những phức tạp liên quan đến việc thiết lập vùng cấm bay là rất lớn” – Venable nói. Koffler cũng tin rằng vùng cấm bay có nguy cơ cao nhất trong số các tình huống giả định, nhưng bà cảnh báo: “Thông thường đường đi của sự leo thang quân sự rất khó dự đoán. Nó có thể xuất hiện bất ngờ từ mớ hỗn độn của chiến tranh khi một cái gì đó vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Theo tôi, cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine là ‘cuộc chiến tranh ủy nhiệm’ giữa Mỹ và Nga. Nhưng nó rất dễ leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp nếu cả hai bên hiểu sai (vô tình hay cố ý) ý đồ của nhau.
Nga vốn đã rất nghi ngờ Mỹ. Các đánh giá tình báo của Moscow đều nói rằng một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga là không thể tránh khỏi. Putin đã tin vào điều đó. Giờ đây, bất kỳ bước đi nào mà Mỹ thực hiện ở Ukraine đều có thể bị Nga hiểu là leo thang. Các cơ quan tình báo Nga dựa vào một thuật toán với nhiều đầu vào để đánh giá động thái tiếp theo của đối phương. Điều đó có nghĩa là ngay cả những động thái nhỏ của Mỹ cũng được xem là bước chuẩn bị chiến tranh qui mô.
Sau đó, Học thuyết quân sự của Nga chỉ dẫn Điện Kremlin nên ra đòn đầu tiên trong nỗ lực giành lợi thế chiến lược vì người Nga hiểu lực lượng của họ không có khả năng chiến thắng Mỹ trong một cuộc xung đột theo đúng trình tự. Một số “tiền lệ” về các hoạt động quân sự trước đây do Mỹ cầm đầu, trong đó có cuộc xâm nhập Iraq năm 2003 lật đổ chế độ Saddam Hussein, đã được Nga xem xét kỹ. Putin đánh giá Mỹ là một đối thủ không đáng tin cậy vì thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự nhằm lật đổ các chế độ thù địch.
Theo giới quan sát, cách tốt nhất để tránh xung đột quân sự là tiếp tục gây áp lực lên Putin để ông ta rút quân ra khỏi Ukraine; còn đẩy Nga vào thế thua rõ ràng sẽ là thảm họa. Nếu các biện pháp trừng phạt bắt đầu cho Putin cảm thấy Nga đang thua, ông ta sẽ xem đây là lý do đủ để kích hoạt vũ khí hạt nhân chiến thuật. Vì vậy, phương Tây cần giàn xếp một cuộc ngừng bắn “hai bên đều thắng” và kéo giảm nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.