New York và đảo quốc Singapore là hai nơi có chi phí sinh hoạt cao nhất thế giới, theo Economist Intelligence Unit.
Hôm 1 Tháng Mười Hai, Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc nhóm nghiên cứu của tạp chí uy tín The Economist công bố danh sách khảo sát “Chi phí sinh hoạt toàn cầu”, đánh giá chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn trên thế giới trong năm 2022. Trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, Mỹ có tới ba.
New York của Mỹ và đảo quốc Singapore là hai thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất, vượt lên Tel Aviv (Israel), thành phố đứng thứ ba trong danh sách.
Tiếp đến là các thành phố Hong Kong, Los Angeles (Mỹ), Zurich (Thụy Sĩ), Geneva (Thụy Sĩ), San Francisco (Mỹ), Paris (Pháp), Copenhagen (Đan Mạch). Hai thành phố của Nga là Moscow và St.Petersberg tăng bậc nhiều nhất, lên tới 88 bậc và 70 bậc, do các lệnh trừng phạt đã đẩy giá cả lên cao hơn.
Theo khảo sát, chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn nhất thế giới đều tăng do ảnh hưởng của xung đột Ukraine và đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung, đặc biệt là với lương thực và năng lượng.
Khảo sát của EIU được thực hiện trong Tháng Tám và Tháng Chín, cho thấy, giá cả ở 172 thành phố lớn trên thế giới tăng trung bình 8.1%. Khảo sát cũng cho thấy tác động của đồng đôla Mỹ đến danh sách xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất. Đồng đôla Mỹ tăng mạnh trong năm 2002 do Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Những thành phố ít tốn kém nhất: 161-Colombo, 162-Bangalore, 163-Algiers, 164-Chennai, 165-Ahmedabad, 166-Almaty, 167-Karachi, 168-Tashkent, 169-Tunis, 170-Tehran, 171- Tripoli, 172-Damascus. Theo BBC dẫn nguồn từ EIU’s World Cost of Living index.
EIU dự đoán, chi phí sinh hoạt ở các thành phố sẽ giảm bớt vào năm 2023 khi thế giới loại bỏ được sức ép từ nhu cầu nhiên liệu, giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung.