Nga: Chiến dịch bắt lính bừa bãi, từ siêu thị đến ga tàu điện

Thanh niên Nga bất đắc dĩ lên đường “tòng quân” – ảnh chụp một trung tâm tuyển quân ở Moscow ngày 6 Tháng Mười 2022 (Getty Images)

Không bao giờ người Nga có thể hình dung cảnh thế này: cảnh sát và quân đội ra đường càn quét và bắt thanh niên đi “nghĩa vụ quân sự”. “Láng cháng” ra đường thời điểm này là bị “hốt”.

The Washington Post ngày 16 Tháng Mười 2022 cho biết, mới đây, cảnh sát phối hợp với quân đội đã bất ngờ ập vào một trung tâm thương mại ở Moscow để bắt lính và họ thộp bất kỳ ai, từ một số nhạc công đang tập dượt, một nhân viên giao hàng đến cả một ông trung niên độ tuổi 50 đang say xỉn…

Chiến dịch bắt lính đang làm nhốn nháo nhiều thành phố, đặc biệt Moscow. Chính quyền vây bắt thanh niên ở đường phố hoặc bên ngoài ga tàu điện ngầm. Họ nấp trong hành lang các tòa nhà chung cư để bất ngờ nhào ra chìa trước mặt tờ lệnh triệu tập đi nghĩa vụ quân sự. Họ đột kích các văn phòng và ký túc xá. Họ ập vào quán cà phê và nhà hàng, chặn các lối ra. Hôm Thứ Năm, họ bất ngờ xuất hiện tại khu nhà ở của công ty MIPSTROY1 và “hốt” đi hơn 200 người. Vào Chủ Nhật, họ “chụp” được hàng chục người tại một trại tế bần dành cho dân vô gia cư.

Alexei, ở độ tuổi 30, lâu nay sống với con mèo; và, cho đến trước khi bị thộp, có cuộc sống nhàn hạ, thường la cà với bạn bè trong quán bar, cà phê và công viên, đi xem hòa nhạc và lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo ở châu Âu. Hôm Thứ Ba, khi Alexei ngồi trong văn phòng, hai cảnh sát và vài viên chức quân đội mặc thường phục bỗng xuất hiện, yêu cầu Alexei trình căn cước và sau đó ra lệnh anh ngoan ngoãn đi theo họ, “nếu không chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực”.

Hơn 200,000 thanh niên Nga đã bị bắt lính (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Tại các thành phố lớn, đặc biệt Moscow và St. Petersburg, nơi kể từ đầu cuộc chiến cho đến gần đây, người ta chỉ thấy “không khí chiến tranh” với hình ảnh những cuộc xuống đường ủng hộ Putin. Bây giờ, tất cả nhốn nháo hơn chợ vỡ. Chính quyền các địa phương dựng chốt chặn tại biên giới. Hơn 300,000 người Nga và gia đình họ đã trốn khỏi đất nước kể từ khi Putin phát động chiến dịch tổng động viên. Chẳng ai muốn chết vì một cuộc chiến không phải để “bảo vệ tổ quốc”. Nhà hoạt động Grigory Sverdlin (rời nước Nga và hiện sống tạm tại Georgia), vừa thành lập tổ chức “Đi qua rừng” kêu gọi đàn ông trai tráng Nga tránh quân dịch. Grigory Sverdlin đã tư vấn cho 2,700 người trong 11 ngày và hướng dẫn 60 người lính cách thức đầu hàng ở Ukraine.

The Washington Post kể thêm về một trường hợp. Yevgeny, một thợ máy 24 tuổi, hiện trốn trong nhà một người bà con cách xa Moscow. Yevgeny phải xóa các tài khoản mạng xã hội và cắt liên lạc bạn bè. “Tôi không muốn giết người và tôi cũng không muốn bị giết, vì vậy tôi phải ẩn mình ở thời điểm này,” anh nói. “Nhưng ngay cả ở đây, tôi cũng không cảm thấy an toàn. Chúng tôi đang sống ở thời điểm mà hàng xóm của bạn có thể tố giác bạn. Họ có thể gọi cảnh sát và nói rằng có một chàng trai trẻ ở ngôi nhà này, trong khi anh ta nên chiến đấu tiêu diệt bọn phát xít ở Ukraine.”

Yevgeny không thể rời khỏi Nga vì không có hộ chiếu. Yevgeny kể thêm, “Tôi có vài người bạn từng ủng hộ cuộc chiến vì tin rằng bọn phát xít ở đó (Ukraine ) đang tàn sát người Ukraine nghèo khổ; và người dân Ukraine nên được giải phóng, v.v. Tuy nhiên, họ đang thay đổi cái nhìn về cuộc chiến. Họ bắt đầu đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin trên internet. Họ không muốn chết, đặc biệt khi không hiểu tại sao mình phải chết; chết gì cái gì?”

Ngày 14 Tháng Mười, Tổng thống Putin cho biết 222,000 trong “chỉ tiêu” 300,000 quân đã nhập ngũ và tiến trình tổng động viên sẽ hoàn thành trong hai tuần. Trong khi đó, những người thuộc phe diều hâu hiếu chiến cho rằng cần phải thực hiện tiếp đợt tuyển quân thứ hai. Trước nay, gánh nặng chiến tranh đổ lên đầu những “chiến sĩ” thuộc các nhóm dân thiểu số, ít học, đa phần sống tại những vùng quê hẻo lánh nghèo nàn. Bây giờ, thanh niên ở Moscow và St. Petersburg lâu nay yên ổn bắt đầu bị kêu gọi “xung phong” ra chiến trường. Lo ngại chiến dịch “vét lính” ở các đô thị tạo ra làn sóng chống đối mạnh mẽ hơn, ngày 14 Tháng Mười, Andrei Klishas, ​​thành viên cấp cao thuộc đảng đương quyền Nước Nga Thống nhất của Putin, nói rằng việc bắt lính bừa bãi ở các thành phố là “bất hợp pháp”.

Không khí căng thẳng ở Moscow những ngày gần đây (Getty Images)

Không khí phản chiến dần dâng cao, đặc biệt khi người ta thấy nhiều người lính chỉ vừa được tuyển mộ trước đó vài tuần đã “vội vã” trở về trong chiến quan tài. Alexei Martynov, 29 tuổi, người đứng đầu một cơ quan nhà nước ở Moscow, được điều động vào ngày 23 Tháng Chín và bị giết vào ngày 10 Tháng Mười. Năm người lính từ vùng Nam Urals, được huy động vào ngày 26 và 29 Tháng Chín, đã thiệt mạng ở Ukraine vào đầu Tháng Mười, chính quyền ở Chelyabinsk cho biết. Một đồng hương của nhóm binh sĩ Chelyabinsk thoát chết đã gọi điện cho một người bạn. Theo bản ghi lại cuộc điện thoại đăng trên BBC tiếng Nga, người lính này nói rằng mình chưa từng được huấn luyện quân sự gì cả. Khi bỏ trốn chiến trường, anh ta thấy tử thi lính Nga khắp nơi.

Gần như mỗi ngày, vô số video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy cảnh lính nghĩa vụ tức giận vì không được cấp quân phục, vũ khí hoặc được huấn luyện… Aleksei Sachkov, một bác sĩ 45 tuổi ở Moscow, thoạt đầu được quân đội yêu cầu đến Voronezh (Nga, gần biên giới Ukraine) để điều trị cho các binh sĩ bị thương. Từ ngày 24 Tháng Chín, Aleksei Sachkov bỗng ngưng điện thoại cho vợ. Một tuần sau, người vợ của ông, từ một đường dây nóng quân đội, mới biết được rằng Aleksei Sachkov đã bị tống ra chiến trường, phục vụ trong một đơn vị xe tăng…

_______

Những cuộc chạy trốn khỏi lời dối trá của Putin

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: