Nga – Những vết nứt trong giới tỉ phú

Tỉ phú Vladimir Potanin (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Các vết rạn lộ diện dần trong giới thượng lưu Nga khi các tỷ phú bắt đầu than vãn về tác động của cuộc xâm lược Ukraine. Nhiều nhà tài phiệt và quan chức tài chính lo lắng về thiệt hại kinh tế mà họ và đất nước đang gánh chịu…

Sau hai tháng kể từ ngày Nga xâm lược Ukraine, sự im lặng, thậm chí “đồng lõa”, của giới tinh hoa Nga, đang quay đầu theo hướng khác. Ngay cả khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với chiến dịch quân sự, trong bối cảnh bộ máy tuyên truyền của nhà nước hoạt động hết công suất và luật mới cấm chỉ trích cuộc chiến, các vết nứt vẫn xuất hiện theo thời gian.

Washington Post cho biết, ranh giới phân chia giữa các phe phái trong giới tinh hoa kinh tế Nga ngày càng rõ ràng hơn, và một số tài phiệt – đặc biệt là những người đã giàu lên trước khi Putin lên nắm quyền – đã bắt đầu có ý kiến. Đối với nhiều người, vấn đề quan trọng ngay lúc này là những tai ương do cuộc xung đột gây ra cho chính sản nghiệp của họ. Loạt biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đã hạ xuống một “bức màn sắt” mới đối với nền kinh tế Nga, đóng băng hàng chục tỷ đôla tài sản của nhiều tỷ phú. Ngày 28 Tháng Tư, Toà Bạch Ốc thông báo đề xuất thanh lý tài sản của các tài phiệt Nga và dùng chúng để tái thiết Ukraine. Ít nhất bốn tài phiệt có công lớn trong thời kỳ tương đối tự do của Tổng thống Boris Yeltsin đã rời Nga. Và ít nhất bốn quan chức cấp cao cũng từ chức và ra đi, mà cấp cao nhất là Anatoly Chubais, từng là Phó Thủ tướng phụ trách tư nhân hoá thời Yelsin.

Biệt thự ‘Walkirie’ của tỉ phú Oleg Deripaska tại Porto Cervo (Ý) đã bị chính quyền Ý tịch thu bởi lệnh trừng phạt của EU (ảnh: Contributor/Getty Images)

Tuy nhiên, những người giữ các cương vị cao điều hành đất nước vẫn còn mắc kẹt, dù họ cũng muốn ra đi. Đáng chú ý nhất là Giám đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina, người có thái độ ôn hòa và được đánh giá cao, cũng xin từ chức ngay sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhưng bị Putin bác đơn. Vladimir Lisin, một ông trùm ngành thép giàu lên trong những năm Yeltsin, đã chống lại đề xuất tại Quốc hội Nga về việc vô hiệu hoá sự trừng phạt bằng biện pháp buộc người mua nước ngoài phải trả bằng đồng rúp cho một danh sách các mặt hàng, giống như đã làm với khí đốt.

Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo ở Moscow, ông giải thích: “Biện pháp này có nguy cơ làm suy yếu các thị trường xuất khẩu mà Nga đã bỏ ra nhiều công sức trong nhiều thập niên để xây dựng”, đồng thời cảnh báo “Chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp sẽ loại Nga khỏi thị trường quốc tế”. Vladimir Potanin, Chủ nhà máy kim loại Norilsk Nickel, người từng là kiến ​​trúc sư của quá trình tư nhân hóa Nga vào thập niên 1990, cảnh báo: “Đề xuất tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài tạm rời Nga là hủy hoại lòng tin của các nhà đầu tư và đẩy đất nước trở về cuộc cách mạng năm 1917”.

Oleg Deripaska, một ông trùm nhôm phất lên trong thời đại Yeltsin, đi xa hơn các tỷ phú khác khi gọi cuộc chiến ở Ukraine là “điên rồ”. Ông lưu ý các thiệt hại kinh tế của cuộc chiến và dự đoán “Cuộc khủng hoảng kinh tế do bị trừng phạt sẽ tồi tệ gấp ba lần cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 làm rung chuyển kinh tế Nga”. Ông cũng nhắc khéo đến Putin khi nhấn mạnh: “Các chính sách chủ nghĩa tư bản nhà nước trong 14 năm qua đã không dẫn đến tăng trưởng kinh tế cũng không dẫn đến tăng thu nhập của người dân”. Trong một bài đăng tiếp theo trên tài khoản Telegram, Deripaska viết: “Cuộc xung đột vũ trang hiện nay là sự điên rồ mà chúng ta sẽ phải xấu hổ rất lâu!”.

Khi 37 giám đốc điều hành doanh nghiệp giàu có nhất của Nga được gọi đến Điện Kremlin dự cuộc gặp với Putin vài giờ sau khi ông ta phát động cuộc chiến vào ngày 24 Tháng Hai, nhiều người trong số họ rất thất vọng và bị sốc. “Tất cả đều có tâm trạng khủng khiếp – hai người dự họp nói – Họ cảm thấy như bị nghiền nát, choáng váng, loại phản ứng tiêu cực tôi chưa từng thấy trước đây. Thậm chí một số người không thể phát biểu, họ nói: Chúng tôi đã mất tất cả!”.

Đối với một số giám đốc điều hành, khi lặng lẽ thảo luận hậu quả của cuộc chiến với Putin, họ lập tức nhận ra rằng mọi thứ đã kết thúc đối với đế chế kinh doanh mà họ khổ công xây dựng sau khi Yeltsin chuyển sang kinh tế thị trường cách nay hơn 30 năm. Theo hai tỷ phú Nga và một người có quan hệ tốt với chính phủ Nga, quyết định phát động cuộc xâm lược toàn diện của Putin dường như đã gây sửng sốt không chỉ với các tỷ phú mà còn cả tầng lớp thượng lưu Nga, gồm các quan chức kỹ trị cấp cao và một số thành viên của cơ quan an ninh. Với thương vong ngày càng tăng và quân đội Nga buộc phải rút khỏi Kyiv, mức độ đối đầu không chỉ khiến các tỷ phú bị thương vì trừng phạt mà cả một số quan chức an ninh cũng bị thất sủng.

Một cựu quan chức cấp cao khác cho biết ông ta tự thấy có trách nhiệm phải ở lại Moscow dù rất ngạc nhiên và kinh hoàng trước cuộc chiến. “Nếu tất cả mọi người rời đi, thì ai sẽ ở đây để nhặt các mảnh vỡ? – ông hỏi – Nó giống như làm việc tại một nhà máy điện hạt nhân. Ai sẽ điều hành nó nếu bạn rời đi? Nó có thể phát nổ”. Ngoài ra, các giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết nếu họ rời khỏi Nga, công ty của họ sẽ bị chính phủ thu giữ. Ưu tiên của các tỷ phú đang mắc kẹt ở Moscow là cố giữ an toàn.

Nhìn bề ngoài, nền kinh tế Nga dường như đã ổn định kể từ khi có lệnh trừng phạt, nhờ phần lớn vào doanh thu ước tính hơn $800 triệu/ngày tiền bán dầu và khí đốt cho châu Âu. Chính sách của Ngân hàng trung ương Nga buộc các nhà xuất khẩu bán 80% thu nhập bằng đồng nội tệ cứng đã ngăn chặn sự bùng nổ của đồng rúp, đủ để Putin tuyên bố “cuộc chiến kinh tế chống lại Nga đã thất bại”. Nhưng đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương  Nabiullina cảnh báo tác động của các lệnh trừng phạt vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ và cảnh báo điều tồi tệ nhất sắp xảy đến. Các nhà máy sản xuất của Nga đều phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu, đang bắt đầu cạn kiệt nguồn cung, trong khi dự trữ hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng dần cạn kiệt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: