Sau gần 100 ngày xâm lược Ukraine, Nga đối mặt hậu quả đòn cấm vận toàn diện và người dân ngày càng cảm nhận tác động của sự tê liệt kinh tế. Wall Street Journal (ngày 2-6-2022) cho biết, hiện các đại lý bán xe hơi mới không có túi khí hoặc phanh chống bó cứng (anti-lock brake). Bồn cầu và bồn rửa chén trở thành hàng hiếm…
Trong các kho nói chung, hàng dự trữ dần cạn kiệt. Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải chi nhiều tiền hơn để mua hàng. Một số phụ tùng xe hơi tăng giá gấp bảy lần. Thiết bị kiểm tra hành khách và hành lý của các hãng hàng không sắp hết tuổi thọ cho phép và nhà chức trách có thể yêu cầu tiếp tục sử dụng hoặc phải kiểm tra bằng… tay. Sở dĩ thị trường Nga cầm cự lây lất được là nhờ tiền thu từ dầu và khí đốt giá cao. Tuy nhiên, tình hình sắp tới chắc chắn tồi tệ hơn khi mà trong nhiều năm nước này vốn phụ thuộc nặng vào nhập khẩu từ phương Tây.
Ivan Fedyakov, Giám đốc điều hành công ty tư vấn INFOLine có trụ sở tại St. Petersburg, cho biết, chính phủ Nga đang cố làm nhẹ ảnh hưởng của cú sốc cấm vận nhưng đó là tất cả những gì họ có thể làm; và “họ không thể đảo ngược tình thế, vì vậy chắc chắn sẽ xảy ra suy thoái kinh tế, người tiêu dùng giảm chi tiêu và tình trạng tồi tệ hơn của hầu hết chỉ số kinh tế”.
Giải pháp của Moscow là tăng cường thay thế nhập khẩu, nỗ lực thay hàng hóa nước ngoài bằng hàng tự chế. Tuy nhiên, kết quả rất không đáng kể. Một số quan chức bắt đầu thừa nhận những vấn đề và thách thức lâu dài. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Trung ương Nga dự đoán sẽ xảy ra một thời kỳ công nghiệp hóa ngược (reverse industrialization), nghĩa là tăng trưởng kinh tế dựa trên những công nghệ… thô sơ. Mới đây, Thượng nghị sĩ Nga Andrey Klishas nói rằng chương trình thay thế nhập khẩu đã thất bại. Tháng trước, Andrey Klishas viết trên Telegram: “Ngoại trừ những báo cáo đại ngôn của các ban ngành, thực tế thì chẳng có gì cả. Người dân chúng ta thấy điều này trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và nhiều lĩnh vực khác.”
Để tránh giải pháp tình trạng thâm hụt, chính phủ buộc phải cho phép nhập sản phẩm của Cisco Systems Inc., Intel Corp., Motorola Solutions Inc. và Siemens AG cũng như các mặt hàng công nghiệp như giấy, dệt may, gốm sứ, đầu máy xe lửa và lò phản ứng hạt nhân; trong khi giới sản xuất Nga chỉ có thể thay thế những mặt hàng tiêu dùng thông thường chẳng hạn nước giải khát (CoolCola, Fancy và Street thay thế Coca-Cola, Fanta và Sprite).
Một trong những ngành te tua nhất là hàng không. Các hãng hàng không phải giảm số máy bay vì thiếu phụ tùng. Pobeda Airlines, công ty giá rẻ trực thuộc Aeroflot Russian Airlines PJSC, đã giảm số máy bay Boeing 737-800 của họ từ 41 còn 25 chiếc. Tháng Tư, United Aircraft Corporation do nhà nước kiểm soát, tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất Nga, cho biết họ đang đẩy mạnh sản xuất máy bay phản lực tầm xa Tu-214 để có thể thay thế máy bay Boeing và Airbus.
Tuy nhiên United Aircraft Corporation lại đối mặt thiếu phụ tùng. Cần biết, Tu-214 là mẫu máy bay rất cũ, ra đời lần đầu tiên từ thập niên 1990. Công nghiệp sản xuất máy bay thương mại của Nga suốt nhiều thập niên qua không tiến bộ gì nhiều. Trong khi đó, một hiệp hội các sân bay đã thông báo Bộ Giao thông Vận tải vào tháng trước rằng nhân viên an ninh sân bay buộc phải kiểm tra bằng tay vì thiết bị kiểm tra điện tử đã hết hạn. Việc thay thế thiết bị nhập bằng sản phẩm tự sản xuất có thể mất ít nhất năm năm!
Với ngành công nghiệp giải trí điện ảnh, vài tháng nay, các rạp không có phim gì để chiếu. Điện ảnh Nga chưa từng phát triển đủ sức để có thể thay thế phim nhập. Những ngày gần đây, một số rạp phải chiếu lại những phim Hollywood cũ đến chín năm, chẳng hạn The Wolf of Wall Street (2013) của đạo diễn Martin Scorsese với diễn xuất của Leonardo DiCaprio. Walt Disney Co., Sony Group Corp. và Warner Bros. Discovery Inc. đều ngưng phát hành phim mới ở Nga. Tuy nhiên, việc cầm hơi cũng chẳng cứu nổi công nghiệp xinê Nga. Tại một chuỗi rạp ở Urals và Tây Siberia, lượng khán giả đã giảm khoảng 70% đến 80%.
Dữ liệu chính phủ cho thấy, sản xuất xe hơi đã giảm 61% trong Tháng Tư so với năm ngoái. Đầu Tháng Năm, chính phủ Moscow nới lỏng quy định đối với xe hơi, cho phép bán xe hơi không có túi khí, hệ thống cảm biến chống bó cứng phanh và công nghệ kiểm soát điện tử. Nikita Novikov, biên tập viên chuyên trang xe hơi speedme.ru, từng hy vọng ngày nào đó người Nga có thể mua những chiếc xe hơi chất lượng hàng đầu châu Âu và công nghiệp xe hơi Nga có thể tự sản những sản phẩm không thua BMW, Mercedes hoặc Porsche… Giờ đây giấc mơ này chẳng biết bao giờ thành sự thật. Nhiều garage sửa xe thậm chí cũng ế khách. Người ta thà vất xe ở góc nhà còn hơn mang đi sửa khi phải mua phụ tùng chất lượng tồi của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ với giá cắt cổ. Một số phụ tùng trước đây có giá 2,000 rúp, khoảng $30, giờ là 15,000 rúp!