Người Kurd, họ là ai?

Gần như không có điểm khởi đầu cho lịch sử người Kurd. Họ và lịch sử của họ là kết quả cuối cùng của hàng ngàn năm liên tục bị đồng hóa. Về mặt cội nguồn, họ là con cháu của tất cả sắc dân từng định cư ở Kurdistan: người Guti, Kurti, Mede, Mard, Carduchi, Gordyene, Adianbene, Zila và Khaldi. Với bề dày lịch sử cực kỳ phức tạp, chuyện chủ quyền về một mảnh đất cho riêng người Kurd càng trở nên nan giải…

Họ đến từ đâu?

Như đã biết, cội nguồn vấn đề xuất phát từ yêu cầu đòi tự trị của người Kurd đối với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, để hiểu tính phức tạp của sự việc với yếu tố liên quan Iraq, Iran và thậm chí Mỹ, cần phải nhìn lại lịch sử… Mùa Đông năm 401 TCN, đội quân mệt lả và bại trận Hy Lạp lầm lũi trở về quê nhà Lưỡng Hà, sau khi không lật được ngai vàng vua Ba Tư Artaxerxes II. Băng qua rặng Taurus (nay thuộc Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ), đội binh viễn chinh Hy Lạp bị tấn công bởi bọn Carduchi – những kẻ sử dụng cung tên thành thục bậc thầy. Trong một tài liệu viết về sự kiện này, một trong những chỉ huy Hy Lạp – Xenophon (sử gia lừng danh Hy Lạp cổ đại) – đã nói đến sắc dân Carduchi và cuộc chạm trán đẫm máu vừa kể. 

Hơn 2.400 năm qua, bánh xe lịch sử gần như không chuyển động tại vùng đất trên, với nguyên vẹn những vấn đề phức tạp, về sắc tộc lẫn lãnh thổ, về chính trị lẫn đời sống kinh tế. Carduchi chính là sắc dân mà nay gọi là người Kurd, thứ người châu Âu lai da đỏ, nói tiếng thuộc dòng ngôn ngữ Ba Tư, lần đầu tiên chiếm vùng núi Zagros và Taurus vào thiên niên kỷ thứ hai TCN. Dù tổ tiên có vài vị lưu danh sử sách (như tướng Hồi giáo Saladin, người tái chiếm Jerusalem và nhiều phần thuộc Đất Thánh từ tay quân Thập tự chinh), gần như không có điểm khởi đầu cho lịch sử người Kurd. Họ và lịch sử của họ là kết quả cuối cùng của hàng ngàn năm liên tục bị đồng hóa. 

Thuộc Tây Nam châu Á, Kurdistan – có nghĩa “Vùng đất của người Kurd” – dính vào Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Iraq, Tây Iran, một phần của Armenia và Đông Bắc Syria. Đa số người Kurd thuộc Hồi giáo Sunni nhưng cũng có người theo Hồi giáo Shiite và Hồi giáo thuần túy. Hiện nay, con cháu Carduchi – người Kurd hiện đại – không còn giắt cung tên mà thay vào đó đeo AK-47 và lủng lẳng lựu đạn. Sống biệt lập trên sườn núi, giữa những rặng xoài và cây tần bì, chiến binh Kurd – tự xưng pesh mergas (những kẻ sẵn sàng đối mặt cái chết) – liên tục gây hỗn loạn Iraq lẫn Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn nửa thế kỷ. 

Ba lần mừng hụt

Đặc biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, cộng đồng người Kurd luôn đòi trao quyền tự trị. Họ có khi bị gọi là những đứa con của quỷ (từ một truyền thuyết rằng người Kurd là hậu duệ của 400 nữ đồng trinh bị quỷ sứ hiếp khi trên đường đến triều đình vua Solomon). Sau Thế chiến thứ nhất, người Kurd dường như tiến gần đến thỏa nguyện thành lập một nhà nước riêng. Hiệp ước Sèvres 1920 – hình thành với mục đích phân định lại vương quốc Ottoman – đã cấp cho người Kurd một mảnh đất ở Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, năm sau, Mustafa Kemal Ataturk (người sáng lập nền cộng hòa và tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ) đánh bại đạo quân xâm lăng Hy Lạp và xây dựng nước Thổ mới. Sau sự kiện này, Kemal Ataturk đòi sửa lại Hiệp ước Sèvres. Người Kurd mừng hụt lần thứ nhất. 

Sau Thế chiến thứ hai, Liên Xô – lúc đó chiếm Bắc Iran – cho phép thành lập một nước cộng hòa Kurd nhỏ tại thành phố Mahabad (Iran). Tuy nhiên, dưới sức ép Anh-Mỹ và tình hình chính trị không ổn ở Đông Âu và Balkans, Chính phủ Liên Xô cuối cùng bỏ Iran, để cộng đồng người Kurd-Iran lại cho vua Reza Shah “tùy nghi xử lý”. Kết quả, thủ lĩnh người Kurd Ghazi Mohammed bị giết và nước cộng hòa Kurd tại Bắc Iran bị xóa sổ. Người Kurd mừng hụt lần thứ hai. 

Trong cùng thời gian, một thủ lĩnh người Kurd khác (từng có mặt ở thành phố Mahabad) – Mustafa Barzani – trốn thoát và sống lưu vong hơn một thập niên. Thập niên 1970, với ủng hộ từ Mỹ, Israel và Iran, Mustafa Barzani quay lại Trung Đông, tổ chức chiến tranh du kích, lần này không phải giành lại thành phố Mahabad ở Iran mà là vùng đất phía Bắc Iraq. Cuộc nổi loạn của Mustafa Barzani bị Chính phủ Baghdad (thời Saddam Hussein) dập nát. Người Kurd mừng hụt lần thứ ba. Năm 1975, Iran và Iraq ký thỏa ước qua đó vua Shah không tiếp tục hỗ trợ người Kurd. “Phong trào và dân tộc của chúng tôi bị tiêu diệt một cách không thể tin được” – Mustafa Barzani viết thư khẩn khoản Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (không nhận được hồi âm). Cuộc chiến của người Kurd sụp đổ. Mustafa Barzani lưu vong ở Mỹ và chết tại Washington DC năm 1979. 

Bị giằng xé bất tận ở Trung Đông

Cuối thập niên 1970, Đảng công nhân Kurdistan (PKK) được thành lập và trở thành cánh chính trị đòi Chính phủ Thổ trao quyền độc lập và một mảnh đất để “cắm dùi” tự trị. Yêu cầu bị khước từ và bạo lực lại trở thành thứ ngôn ngữ chủ yếu của PKK. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến nay, người Kurd vẫn chưa được xem là cộng đồng thiểu số, như người gốc Hy Lạp, Armania, Assyria và Do Thái (chỉ có cộng đồng được nhìn nhận mới có quyền truyền bá ngôn ngữ riêng của mình). Việc cấm sử dụng tiếng Kurd đã được xóa bỏ vào năm 1991 nhưng tiếng Kurd không được dùng trong chương trình phát thanh, giáo dục trong nhà trường và báo chí. 

Riêng tại Iraq, sau những cuộc ẩu đả quyết liệt và kéo dài suốt thập niên 1960, Iraq hứa trao quyền tự trị cho người Kurd vào năm 1970 nhưng cuối cùng lại bác bỏ trước những yêu cầu “thái quá” của dân Kurd. Chiến sự lại bùng lên vào năm 1974, lần này Kurd được sự hỗ trợ của Iran. Trong cùng thời gian, Iraq và Iran đang xung đột chuyện tranh giành biên giới và Iran muốn lợi dụng dân Kurd để làm rối loạn Iraq. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của dân Kurd tại Iran bị sụp đổ vào năm 1975 và Iran lẳng lặng phớt lờ chuyện giúp đỡ Kurd, sau khi họ thỏa thuận được vấn đề đất đai biên giới với Iraq. Năm 1988, chính phủ Iraq thực hiện chiến dịch qui mô đánh người Kurd, bằng vũ khí hóa học, làm chết hàng ngàn người và đẩy văng hàng chục ngàn nạn nhân khác ra khỏi đất Iraq. 

Khi nhận thấy Iraq đại bại trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, người Kurd ở Iraq lại nổi dậy nhưng rồi cũng bị đánh tan nát, khiến hơn một triệu dân Kurd phải thoát khỏi Iraq và khoảng 600.000 người khác náu mình vào các trại tỵ nạn ở Bắc Iraq dưới sự bảo vệ của liên quân Mỹ, Anh và Pháp. Trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng người Kurd ở Iraq, liên minh quốc tế tuyên bố thành lập một vùng cấm bay ở Bắc Iraq và nhờ đó dân Kurd dường như hưởng được chút quyền tự trị tại mảnh đất nhỏ bé này. Năm 1992, cộng đồng Kurd ở Iraq tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên, chọn ra một nhà lãnh đạo và một quốc hội. 

Tuy vậy, “chính phủ” này hoạt động kém cỏi và thường xuyên chứng kiến va chạm dữ dội giữa hai đảng chính: Liên minh ái quốc Kurdistan (PUK, với thủ lĩnh Jalal Talabani) và Đảng dân chủ Kurdistan (KDP, với thủ lĩnh Massoud Barzani). Tháng 8-1996, KDP nhờ chính phủ Saddam Hussein can thiệp vào chuyện nội tình rối ren của mình. Hussein lập tức gửi 30.000 quân đến vùng đang nằm dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc, bắt giữ nhiều thủ lĩnh của PUK. KDP tái lập quyền lực. Washington không hài lòng sự kiện này và hai tên lửa Mỹ đã được phóng xuống Nam Iraq như một lời cảnh cáo cụ thể. Đầu tháng 9-1996, Baghdad tiếp tục ủng hộ KDP và đến năm 1997 thì KDP đã chiếm giữ hầu hết Bắc Iraq, phối hợp với Chính phủ Thổ thanh trừ PUK và tất nhiên cả PKK. 

Cuối thập niên 1990, PKK không còn đòi độc lập, thay vào đó chỉ yêu cầu tự trị văn hóa và chính trị. Năm 2013, một hiệp định ngừng bắn được ký kết nhưng đến tháng 7-2015 thì sụp đổ. Hai bên lại đánh nhau chí tử. Thổ vẫn duy trì một lực lượng quân sự tại Bắc Syria kể từ tháng 8-2016 đến nay, khi họ đưa quân qua để hỗ trợ một chiến dịch phản kích của Syria nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Về phần người Kurd ở Syria, họ hiện chiếm 7-10% dân số nước này. Người Kurd-Syria lâu nay luôn bị đàn áp tàn bạo và bị tước đoạt các quyền căn bản. Từ thập niên 1960 đến nay, khoảng 300.000 người Kurd đã bị khước từ quốc tịch và đất đai của họ bị tịch thu để tái phân phối cho người Arab nhằm “Arab hóa” những khu vực người Kurd. Tháng 1-2014, các đảng Kurd, trong đó có đảng Liên minh Dân chủ, tuyên bố thành lập các cơ quan quản lý hành chính tự trị tại ba khu vực (Afrin, Kobane và Jazira). Tháng 3-2016, họ tuyên bố thành lập một “hệ thống liên bang” bao gồm các khu Arab và Thổ lấy lại từ tay bọn khủng bố IS. Tuyên bố này bị Chính phủ Syria, cánh đối lập Syria, Chính phủ Thổ và Mỹ bác bỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: