Người Nga đến Bali để trốn chiến tranh và… quậy

Khách du lịch vừa nghỉ ngơi vừa đọc sách. (minh họa: Paula Bronstein/Getty Images)

“Hòn đảo của các vị thần” của Indonesia bực tức vì nhiều du khách Nga đang trốn chiến tranh, sang quậy và phá hoại nền văn hóa của họ.

Khốn khổ với các hippi và mafia Nga

Nhiều người dân sống tại “Hòn đảo của các vị thần” của Indonesia ngán ngẩm vì tình trạng du khách, đa số là người Nga, thiếu tôn trọng dân địa phương, ăn cắp việc của họ và đưa những hình ảnh hở hang, ngôn từ báng bổ, xúc phạm truyền thống địa phương lên mạng xã hội.

Shannon Smith làm nghề quản lý khách sạn sống ở Cairns, Úc từng đến Bali nhưng đây là chuyến trở lại đầu tiên của chị kể từ sau đại dịch để dự một hội nghị tại trung tâm nghỉ dưỡng Nusa Dua ở phía Nam Bali. Khi di chuyển giữa Nusa Dua và hai khu du lịch Kuta và Seminyak, chị nhận thấy một số thay đổi. Có nhiều phương tiện giao thông hơn trên đường, ít du khách từ châu Á hơn, nhiều người Nga hơn và vô số du khách ồn ào.

Hình ảnh nhiều người biết về Bali qua bộ phim bom tấn “Eat Pray Love” (2010) do Julia Roberts đóng vai chính là những cánh đồng lúa xanh thẫm và bãi cát vàng trải dài trong làn nước màu ngọc lam. Nhưng khung cảnh không còn yên bình nữa. Sau hơn một năm Bali mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, các hành vi vô văn hoá của du khách nước ngoài ngày càng tăng khiến cả các quan chức quốc gia lẫn địa phương phải nghĩ ra những phương cách cách mới để ngăn chặn những kẻ vi phạm.

Gần đây, một bộ trưởng lên tiếng ủng hộ đánh thuế du khách nước ngoài để “những kẻ ít tiền” không thể đến đây kiếm ăn phi pháp và làm bẩn hòn đảo. Hội đồng Du lịch Bali đang mở cuộc vận động du khách hãy cư xử tôn trọng hơn. Chính quyền địa phương muốn cấm du khách thuê xe máy để không xảy ra các vụ lái xe ẩu gây tai nạn. Cơ quan nhập cư Indonesia đang bận rộn trục xuất những người nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng thị thực du lịch hoặc vi phạm luật pháp địa phương.

Thống đốc Bali Wayan Koster đề xuất thu hồi chương trình cấp thị thực cho du khách từ Nga và Ukraine (tăng rất mạnh kể từ khi hai nước chiến tranh với nhau). Các quan chức nhập cư vừa thông báo họ đã trục xuất một người đàn ông Nga vì phát tán một bức ảnh lên mạng xã hội ông ta mặc quần đùi trên đỉnh núi Agung, một địa điểm linh thiêng của người theo đạo Hindu. Một người đàn ông Nga khác bị trục xuất vì vi phạm những quy định trong giấy phép lưu trú.

Thống kê du lịch mới nhất của tỉnh Bali cho thấy 22,104 du khách Nga đến đảo trong Tháng Giêng, chỉ thua Úc, quốc gia có 91,254 công dân đến đảo nghỉ dưỡng nhờ tận dụng cự ly gần. Từ Tháng Mười Một 2022 đến Tháng Giêng 2023, du khách Nga chiếm 5.6% trong 997,000 du khách nước ngoài tại Bali so với 4.8% của Tháng Giêng, 2020.

Các phương tiện truyền thông nước ngoài thường xuyên đưa tin về những người Nga gây tai nạn giao thông, lái xe liều lĩnh, đánh nhau với người địa phương, vi phạm luật nhập cư, lái xe để ngực trần và ăn mặc hở hang. “Nếu người nước ngoài ở khách sạn thì không sao nhưng họ làm ồn và gây rối tại nhà nghỉ ngay trong khu dân cư là không được” – một cư dân địa phương nói.

Du khách Nga quậy khắp nơi!

Bali là một phần trong số ngày càng nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng bị quá tải những du khác xấu và vô văn hoá. Hawaii, Amsterdam, Rome, Florence, Venice đều có các vấn đề như đĩ điếm, xả rác, cắm trại, phá hoại và vi phạm giao thông. Nhưng Bali là điểm nóng gần đây nhất với những du khách Nga trốn chạy cuộc chiến và thiếu tôn trọng cuộc sống địa phương. “Chúng tôi rất hiếu khách và khoan dung, nhưng hành vi ‘ta đây’ là không thể chấp nhận được,” Fatmawati, một nhiếp ảnh gia tự do người Indonesia nhận xét. “Thật kinh tởm, chúng tôi đã quá mệt mỏi với cách ứng xử như thế”.

Tjok Bagus Pemayun, người đứng đầu văn phòng du lịch của chính quyền tỉnh Bali, viết cho tờ The Washington Post: “Văn hóa bản địa là nguồn hạnh phúc cho người dân Bali, vì vậy họ rất tức giận khi thấy người ngoại quốc không tôn trọng nó. Phá hủy văn hóa là phá hủy cuộc sống của họ”.

Các vũ công mặc trang phục truyền thống tham gia điệu nhảy lửa Kecak, diễn ra tại Đền Pura Luhur Uluwatu ở cực Nam của hòn đảo tại Bali, năm 2018 Indonesia. Đây là một ngôi đền có vị trí linh thiêng, được cho là có thể bảo vệ hòn đảo khỏi những linh hồn xấu xa, và màn trình diễn múa lửa được chuyển thể từ câu chuyện Ramayana của đạo Hindu. (ảnh: Phil Clarke Hill/In Pictures via Getty Images)

Theo Ravindra Singh Shekhawat, Tổng giám đốc phụ trách Bali của công ty du lịch Intrepid Travel, đối với nhiều du khách, Bali giống như một hòn đảo bù khú tiệc tùng hơn là nơi nghỉ dưỡng. Nhận thức này không đúng với truyền thống của người dân địa phương. Bali là đất thiêng của họ, là hòn đảo của họ và người dân xứng đáng được người nước ngoài tôn trọng văn hóa và truyền thống.

Justin Smith, Giám đốc công ty lập kế hoạch du lịch cao cấp Evolved Traveller, bổ sung: “Bali được biết đến trong nhiều thập niên qua như một điểm đến phóng túng, nơi người nước ngoài được quyền cư xử và ăn mặc theo ý muốn. Ở một mức độ nào đó, điều đó có thể chấp nhận được, nhưng hiện nó đã đi quá xa. Đang có sự thiếu tôn trọng tuyệt đối và lan tràn các hành vi xấu”.

Chưa hết, Instagram còn là nơi một số du khách vượt quá giới hạn đạo đức để… nổi tiếng, cho dù có xúc phạm truyền thống và những nơi thờ tự, lễ hội tôn giáo địa phương. Du khách Nga là những người tuyển dụng bất hợp pháp nhiều nhất trên mạng xã hội. Dưới vỏ bọc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ địa phương, tài khoản (hiện đang bị đình chỉ) @moscow_cabang_bali và tài khoản dự phòng của nó quảng cáo công khai lớp dậy bơi, cắt tóc, hướng dẫn lướt sóng, xăm hình, dạy yoga và cho thuê.

“Thực sự điên rồ là họ đang cướp những công việc như bảo mẫu, cho thuê xe máy của người dân địa phương!” Fatmawati nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: