Nhật Bản, quốc gia không tăng lương suốt 30 năm

Minh họa: Unsplash

Người lao động ở Nhật Bản gần như không được tăng lương trong 30 năm. Nay họ đang áp lực các doanh nghiệp phải có thay đổi.

“Cố định” lương là vấn đề tồn tại đã lâu

Khoảng 30 năm trước, Hideya Tokiyoshi bắt đầu sự nghiệp của mình như giáo viên tiếng Anh ở thủ đô Tokyo. Từ đó đến nay, lương của Tokiyoshi không hề thay đổi. Đó là lý do tại sao cách nay ba năm, sau khi không còn hy vọng được tăng lương, cô quyết định viết thêm sách để tăng thu nhập. “Tôi cảm thấy may mắn vì viết và bán sách mang lại cho tôi một nguồn thu nhập bổ sung. Nếu không có nó, tôi sẽ bị mắc kẹt trong khoản lương cố định không đủ sống” – Tokiyoshi, hiện 54 tuổi, nói với CNN.

Tokiyoshi thuộc thế hệ người lao động ở Nhật Bản hầu như không được tăng lương trong suốt quãng đời làm việc của họ. Giờ đây, khi giá cả tăng cao sau nhiều thập niên giảm phát, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới buộc phải nhìn vào sự thật: Mức sống của người lao động giảm sút và thu nhập không đủ trang trải các thứ. Đây là vấn đề chính và các công ty đang phải đối mặt với áp lực chính trị gay gắt buộc phải sớm tăng lương cho công nhân. Những người điều hành nền kinh tế khổng lồ này cũng muốn công nhân được tăng lương để chống lạm phát và ổn định xã hội.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi các doanh nghiệp hãy giúp đỡ người lao động theo kịp chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Tháng trước, ông khuyến cáo các công ty nên tăng lương nhiều hơn mức lạm phát. Một số đã phản hồi tích cực, một số nghe ngóng và chờ đợi. Giống như những nơi khác trên thế giới, lạm phát đã trở thành một vấn đề đau đầu của người dân Nhật. Tính đến Tháng Mười Hai, giá tiêu dùng những sản phẩm thiết yếu trong năm 2022 đã tăng 4%; vẫn còn thấp so với Mỹ và châu Âu, nhưng cao nhất trong 41 năm qua tại Nhật Bản, nơi mọi người đã quen với việc giá đi xuống nhờ giảm phát.

“Ở một quốc gia mà tiền lương cơ bản không tăng trong hơn 30 năm, tiền lương thực tế đang giảm nhanh do lạm phát” – Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao tại công ty phân tích Moody’s Analytics có trụ sở tại Tokyo, nhận xét. Tháng trước, Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm thu nhập lớn nhất sau khi trừ lạm phát trong gần một thập niên. Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2021, mức lương năm trung bình ở Nhật Bản khoảng $39,711, so với $37,866 của năm 1991.

Điều đó có nghĩa là trong cùng thời kỳ người lao động chỉ được tăng lương dưới 5%, so với mức tăng 34% ở các nền kinh tế khác thuộc Nhóm G7, như Pháp và Đức. Các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến tiền lương trì trệ. Đầu tiên, Nhật Bản từ lâu đã phải vật lộn với điều ngược lại với những gì họ đang phải đối mặt: Giá thấp. Giảm phát bắt đầu vào giữa thập niên 1990, do đồng nội tệ (yen) mạnh đã đẩy chi phí nhập khẩu xuống thấp đến nỗi làm “nổ” bong bóng thị trường bất động trong nước.

Minh họa: Unsplash

Tại sao không tăng lương?

Müge Adalet McGowan, nhà kinh tế cấp cao tại văn phòng Nhật Bản của OECD nhận định: “Trong 20 năm qua, về cơ bản, không có sự thay đổi nào trong giá cả hàng hoá và dịch vụ. Trước thời điểm hiện nay, nhờ giảm phát kéo dài, người tiêu dùng không bị ảnh hưởng đến ví tiền của họ hoặc cảm thấy cần phải đòi hỏi mức lương cao hơn”. Nhưng giáo sư kinh tế Shintaro Yamaguchi tại Đại học Tokyo tin rằng: “Khi lạm phát tăng hơn nữa, mọi người sẽ bắt đầu phàn nàn mạnh mẽ hơn về mức lương cố định”.

Các chuyên gia cho biết tiền lương của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng vì Nhật tụt hậu ở một thước đo khác: Hiệu suất lao động. Theo Yamaguchi, sản lượng của một quốc gia được đo bằng sản lượng cộng chung của lực lượng công nhân đóng góp vào tổng sản lượng nội địa (GDP) của quốc gia đó mỗi giờ. Nhật, năng suất lao động hiện thấp hơn mức trung bình của OECD và đây có thể là lý do lớn nhất dẫn đến tiền lương cố định. McGowan giải thích:

“Trên nguyên tắc, tăng trưởng tiền lương và năng suất phải đi đôi với nhau. Khi năng suất tăng, các công ty hoạt động tốt hơn, lợi nhuận cao hơn nên họ có thể tăng lương cho người lao động. Dân số già của Nhật Bản là một vấn đề nữa vì lực lượng lao động lớn tuổi có xu hướng bằng lòng với ‘năng suất thấp và tiền lương thấp. Năm 2021 có đến gần 40% lực lượng lao động của Nhật Bản làm việc bán thời gian hoặc làm việc không thường xuyên, tăng gấp đôi so với 20% của năm 1990. Khi tỷ lệ người lao động không thường xuyên tăng lênkiếm được ít tiền hơn, đương nhiên mức lương trung bình sẽ thấp hơn”.

Theo các nhà kinh tế, nền “văn hóa làm việc” độc đáo của Nhật Bản cũng góp phần vào tình trạng trì trệ tiền lương. Nhiều người Nhật quen với hệ thống ‘việc làm trọn đời’ truyền thống, nơi các công ty tìm mọi cách giữ người lao động ở lại suốt đời. Họ không muốn sa thải ai hết, vì vậy, cần phải có bộ đệm tiền lương để giữ người lao động trung thành khi xảy ra khủng hoảng. Hiện tượng gây khủng hoảng lần này là lạm phát.

Áp lực lên doanh nghiệp

Văn hóa “làm việc vì cuộc sống” của Nhật Bản đã tồn tại sau chiến tranh, sau những trận động đất và giờ là đại dịch. McGowan nhận xét: “Trong một thời gian rất dài, hệ thống trả lương của Nhật Bản dựa trên thâm niên, trong đó người lao động được trả lương dựa trên cấp bậc và thời gian làm việc nhiều hơn là hiệu suất công việc. Phương cách này gần như làm triệt tiêu động cơ khuyến khích người lao động thay đổi công việc, điều mà người lao động ở các quốc gia phương Tây thường làm để có mức lương cao hơn”.

Jesper Koll, một chiến lược gia và nhà đầu tư nổi tiếng của Nhật Bản, từng nói: “Hệ thống trả lương dựa trên thâm niên là vấn đề lớn nhất của Nhật Bản hiện nay. Nếu trả lương dựa trên thành tích thực sự sẽ có nhiều người chuyển đổi công việc để thăng tiến trong sự nghiệp”. Tháng trước, Thủ tướng Kishida đã cảnh báo “nền kinh tế Nhật Bản đang bị đe dọa. Ông nói: “Nhật Bản có nguy cơ rơi vào lạm phát cao nếu lương vẫn đi sau tăng giá!”. Tăng lương từ 3% trở lên một năm là mục tiêu đã có của chính quyền Kishida. Nay, ông muốn tiến thêm một bước nữa, với kế hoạch tạo ra một hệ thống điều chỉnh tiền lương chính thức.

Minh họa: Unsplash

Khi được hỏi chi tiết về kế hoạch, một phát ngôn viên của chính phủ nói: “Các biện pháp kinh tế toàn diện mới sẽ gồm hỗ trợ tăng lương trên diện rộng đi kèm với cải thiện năng suất lao động”. Một đại diện của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết có thể vào Tháng Sáu tới, Bộ sẽ công bố bản hướng dẫn cho các công ty. Trong khi đó, tại các cuộc đàm phán năm nay với ban quản lý của nhiều công ty, tổ chức lao động lớn nhất nước, Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) yêu cầu tăng lương 5%.

Các cuộc đàm phán hàng năm sẽ bắt đầu trong tháng này. Trong một tuyên bố, Rengo cho biết sẽ kiên trì với yêu cầu trên vì “công nhân Nhật đang kiếm được số tiền lương thấp hơn so với mặt bằng chung toàn cầu” nên họ cần hỗ trợ để đối phó với giá cả tăng cao. Một số công ty đã hành động. Tháng trước, Fast Retailing (FRCOF), công ty quản lý hai chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng Uniqlo và Theory, thông báo sẽ tăng lương 40% sau khi thừa nhận “mức lương thưởng vẫn còn thấp trong tình hình hiện nay”.

Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters vào Tháng Mười Hai 2022, hơn một nửa số công ty lớn của Nhật Bản đã có kế hoạch tăng lương trong năm 2023. Suntory, một trong những nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất Nhật Bản nằm trong số này. Giám đốc điều hành Takeshi Niinami đang cân nhắc tăng lương 6% cho lực lượng lao động khoảng 7,000 người nhưng còn chờ đàm phán xong với công đoàn. Tin tức tốt này có thể thúc đẩy các doanh nghiệp khác làm theo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: