Dải Gaza là một khu vực nhỏ giáp Israel và Ai Cập trên Biển Địa Trung Hải. Đây là một trong hai vùng lãnh thổ của Palestine. Phần còn lại là Bờ Tây do Israel chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và giáp Jordan và Biển Chết.
Gaza là một phần của Đế chế Ottoman trước khi bị Anh chiếm đóng từ năm 1918 đến năm 1948; và Ai Cập từ năm 1948 đến năm 1967. Gần 20 năm sau khi tuyên bố trở thành nhà nước vào năm 1948, Israel chiếm Dải Gaza từ Ai Cập, và Bờ Tây từ Jordan – trong cuộc chiến năm 1967.
Israel kiểm soát Gaza trong 38 năm, xây dựng 21 khu định cư người Do Thái trong thời kỳ trên. Căng thẳng và bạo lực kéo dài trong nhiều năm, trong đó có cuộc nổi dậy (intifada) đầu tiên, kéo dài gần bốn năm, từ ngày 8 Tháng Mười Hai 1987 đến ngày 13 Tháng Chín 1993, với vô số cuộc biểu tình, bạo loạn và đánh bom tự sát, phản đối việc Israel chiếm đóng Dải Gaza và Bờ Tây. Cuộc đổ máu khiến Thủ tướng Yitzhak Rabin nói vào năm 1992: “Tôi muốn Gaza chìm xuống biển, nhưng điều đó sẽ không xảy ra và phải tìm ra một giải pháp”.
____________
Gaza có những mâu thuẫn lịch sử không dễ giải đáp. Người Israel cho rằng Gaza thuộc về họ vì vua David từng bảo vệ thẻo đất này từ tay quân xâm lược Philistine vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Trong khi đó, các thủ lĩnh Hồi giáo lại từng nói hồi năm 600 rằng Gaza không phải là đất của người Do Thái.
____________
Năm 1993, Hiệp định Oslo giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nhằm thực hiện đưa đến “quyền tự quyết của người dân Palestine” bắt đầu được bàn bạc. Kết quả, năm 1994, người Palestine nắm quyền kiểm soát với tư cách là chính quyền cai quản Gaza. Nhiều năm sau, một phần của nỗ lực thúc đẩy hòa bình liên quan việc Israel tuân theo kế hoạch rút quân đơn phương do Thủ tướng Ariel Sharon đề xuất năm 2003 nhằm dỡ bỏ các khu định cư của Israel ở Dải Gaza cũng bắt đầu được tiến hành.
Năm 2005, Israel từ bỏ quyền kiểm soát Gaza dưới áp lực trong nước và quốc tế, với việc rút 9,000 người định cư và lực lượng quân sự Israel khỏi Gaza.
Hamas, một trong hai đảng chính trị lớn (Hamas và Fatah) ở vùng lãnh thổ Palestine, bắt đầu xung đột với các nhà lãnh đạo Palestine vào những năm 1990, khi Hiệp định Oslo được bàn bạc, liên quan số phận chính trị của Palestine lẫn vùng đất Gaza. Hamas lên nắm quyền ở Gaza sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006. Không có cuộc bầu cử nào được tổ chức kể từ đó.
Mặc dù Israel đã từ bỏ quyền kiểm soát Gaza nhưng họ vẫn tiếp tục phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Gaza kể từ năm 2007. Năm 2009, Liên Hợp Quốc cho biết việc phong tỏa Gaza của Israel lẫn Ai Cập đã gây tổn hại cho người Palestine, “tàn phá sinh kế” và gây ra “sự suy giảm phát triển” dần dần ở Gaza. Israel lập luận rằng việc phong tỏa nhằm giữ quyền kiểm soát biên giới Gaza, ngăn chặn sự quậy phá của Hamas và bảo vệ người Israel khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của những kẻ hiếu chiến bên phía Palestine.
Việc phong tỏa đã vấp phải sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền và Liên hợp quốc, vốn coi Gaza vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Israel, rằng việc Israel rút khỏi Gaza chỉ là trên danh nghĩa. Liên Hợp Quốc ước tính chính sách phong tỏa Gaza của Israel đã khiến nền kinh tế Palestine thiệt hại gần $17 tỷ trong khoảng một thập niên.
Ngày 9 Tháng Mười 2023, Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, nói rằng sẽ có một cuộc “bao vây toàn diện” Gaza trong giai đoạn đầu của cuộc chiến sắp tới. Điện, thực phẩm và nhiên liệu sẽ bị cắt hoàn toàn. Lâu nay, người dân sống ở Gaza phụ thuộc gần như toàn diện vào nguồn nước, điện và thực phẩm của Israel.
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Gaza là thực phẩm, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng, được đưa đến từ Israel và Ai Cập. Hầu hết trái cây và rau quả tươi của Gaza đều đến từ các trang trại dọc biên giới với Israel. Phần lớn nguồn điện Gaza được cung cấp từ Israel, dù Gaza có một nhà máy điện cũ. Khu vực này có nguồn nước ngầm nhưng nhiều giếng đã bị hỏng do ô nhiễm và nhiễm nước mặn. Hơn 90% nước trong tầng chứa nước ngầm duy nhất của Gaza không còn có thể uống.
Theo Gisha, một tổ chức phi chính phủ của Israel, hiện có hơn hai triệu người sống ở Gaza, khiến nơi này trở thành một trong những địa điểm có dân cư dày đặc nhất thế giới. Với diện tích khoảng 140 dặm vuông, Gaza chỉ rộng gấp đôi Washington DC nhưng có dân số gấp ba. Gaza nhỏ hơn Bờ Tây, nơi có diện tích hơn 2,200 dặm vuông. Dân số Gaza rất trẻ. UNICEF ước tính có khoảng một triệu trẻ em sống ở Gaza, nghĩa là gần một nửa số người ở Gaza là trẻ em. Theo CIA, gần 40% dân số ở đây dưới 15 tuổi. Theo Cơ quan Cứu trợ và Việc làm Liên Hợp Quốc (UNRWA), hơn 1.4 triệu cư dân ở Gaza là người tị nạn Palestine.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Gaza có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới và Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng 80% dân số dựa vào viện trợ quốc tế để tồn tại và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Trang web của UNRWA cho biết: “Trong ít nhất một thập niên rưỡi qua, tình hình kinh tế xã hội ở Gaza đã suy giảm liên tục. Hiện có rất ít lựa chọn cho người dân Gaza, những người đang phải sống dưới sự trừng phạt tập thể khi mà lệnh phong tỏa có tác động tàn khốc đối với việc di chuyển của người dân đến và đi từ Dải Gaza, cũng như khả năng tiếp cận thị trường.”
Do Gaza có mật độ dân số đông hơn Tel Aviv và các thành phố lớn khác trên thế giới như London và Thượng Hải, nên hầu hết dân thường sẽ là nạn nhân đầu tiên của các cuộc giao tranh. Những cuộc xung đột trước đây đã giết chết hàng trăm trẻ em. Tuy nhiên, Gaza cũng là nơi Hamas trà trộn dày đặc để tổ chức xây dựng lực lượng và đào tạo chiến binh cho cuộc chiến dài hơi với Israel.
Nhìn trên bản đồ, Gaza có hình khẩu súng. Và tiếng súng chưa bao giờ ngưng trên mảnh đất này.