Một biến thể coronavirus mới có khả năng lây lan nhanh hơn, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi đã dẫn đến đợt hạn chế đi lại nữa trên toàn cầu, chủ yếu từ châu Phi và làm dấy lên lo ngại về một nguy cơ khó lường của đại dịch Covid-19. Ngày 26 Tháng Mười Một, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể mới này là Omicron, và xem đây “biến thể cần quan tâm” (variant of concern), chưa đến mức quan ngại, và cho biết nhiều nghiên cứu đang được tiến hành khi các cố vấn của WHO tiếp tục theo dõi biến thể này. Các nhà sản xuất vaccine cũng nhanh chóng vào cuộc.
Phải chờ vài tuần nữa mới có câu trả lời chính xác
Trong khi các nhà khoa học nói rằng “có lý do để lo lắng về Omicron”, họ cũng trấn an “vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về biến thể mới, bao gồm cả việc nó có thực sự dễ lây lan hơn không, có làm bệnh nặng hơn không, và đặc biệt là hiệu quả của vaccine có còn như trước không”.
Tiến sĩ Abdul El-Sayed, chuyên khoa dịch tễ học, nói: “Trong khi biến thể mới là đáng quan tâm giống như lưu ý của WHO tôi nghĩ rằng chúng ta nên chờ khoa học đưa ra kết luận cuối cùng. Đến nay, điều duy nhất chúng ta biết đúng về Omicron là nơi có những ca nhiễm đầu tiên, Nam Phi, Botswana, Hong Kong và Bỉ”.
WHO cho biết từ khi ca nhiễm biến thể mới tại Nam Phi được lấy mẫu vào ngày 9 Tháng Mười Một, đến nay, số ca nhiễm dường như đang tăng ở hầu hết các tỉnh của quốc gia này. Theo Bộ Y tế Nam Phi, Nam Phi mới tiêm vaccine hai mũi cho dưới 36% dân số trưởng thành (nhưng số người mới tiêm đã giảm trong những ngày gần đây).
Các quan chức Nam Phi xác nhận có một du khách từ Nam Phi đến Hồng Kông bị dương tính Omicron. Cơ quan y tế Hong Kong phát hiện ca nhiễm thứ hai trong số những du khách trở về ở cùng tầng của một khách sạn được chỉ định cách ly. Có ít nhất 12 người sống trong các phòng gần đó phải xét nghiệm Covid-19 và cách ly hai tuần.
Cũng trong ngày 26 Tháng Mười Một, chính phủ Bỉ cho biết một người về từ Ai Cập và chưa được tiêm chủng, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron và đây là trường hợp đầu tiên ở châu Âu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Châu Âu nhận định: “Với khả năng có thể kháng được miễn dịch và lây lan nhiều hơn so với Delta, châu Âu đang ở trong nguy cơ từ “cao đến rất cao” bị Omicron tấn công!”.
Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAID) nói: “Không có dấu hiệu biến thể đã lan sang Mỹ, có vẻ nó tạm bị kiềm chế. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho mọi tình huống”.
Các đột biến của Omicron là rất đáng lo ngại
Đầu tuần này, các nhà khoa học Nam Phi khi nghiên cứu bộ gene của biến biến thể mới cho biết nó có lượng đột biến cao bất thường, hơn 30 trong một gai (spike) protein (gai là nơi virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào). Họ lo ngại những đột biến đó có thể giúp biến thể dễ lây lan hơn, thậm chí vô hiệu hoá khả năng miễn dịch của cơ thể, có nghĩa là vaccine sẽ không còn tác dụng! Nhưng Fauci cho biết các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định Omicron có làm được như thế không mà cần nghiên cứu thêm về khả năng của các đột biến.
Ông nói: “Những gì cần làm ngay là lấy trình tự di truyền của một virus cụ thể nào đó và đưa nó vào phòng thí nghiệm, nơi có thể kiểm tra chính xác nhiều loại kháng thể để dự đoán virus có thể ‘né’ được kháng thể nào và chứng minh điều đó. Cụ thể hơn là Omicron có thể vô hiệu hoá kháng thể do vaccine tạo ra hoặc có được sau khi nhiễm bệnh. Ngay bây giờ, chúng ta đang nói về khả năng tiềm tàng của biến thể mới, nhưng chưa ai biết chính xác mà cần thêm thời gian”.
Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, lạc quan hơn. Ông nói: “Tôi không tin Omicron sẽ biến việc chủng ngừa thành ra vô dụng! Đây là điều cực cực kỳ khó xảy ra. Câu hỏi còn lại là: Biến thể mới sẽ ảnh hưởng nhiều hay ít đến hiệu quả của vaccine? Còn vô hiệu hoá hoàn toàn vaccine thì không! Trong vài ngày tới chúng ta sẽ biết”.
Omicron và các biến thể trước khác nhau thế nào?
Trong khi các đột biến và các biến thể mới là điều không thể tránh khỏi khi coronavirus tiếp tục lây lan, các chuyên gia tin rằng có nhiều lý do hơn để cảnh giác với Omicron. Jha nói: “Có rất nhiều biến thể coronavirus xuất hiện trong vòng 5, 6 tháng qua và hầu hết không có gì đáng lo. Nhưng lần này lại không giống như thế! Nhận biết sơ bộ là Omicron hoạt động khác biệt và có vẻ dễ lây lan hơn nhiều so với cả biến thể Delta”.
Biến thể Delta là thủ phạm tăng mạnh số ca nhiễm trong nhiều tháng qua tại Mỹ và khắp thế giới và “có khả năng lây truyền tương tự bệnh thủy đậu (đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ).
Jha nói: “Khi các chuyên viên y tế xem xét các biến thể khác, họ thấy chúng cần đến vài tháng để chiếm ưu thế lây lan. Nhưng Omicron đạt được ưu thế rất nhanh tại những nơi nó được tìm thấy. Chỉ từ vài ngày đến vài tuần là cùng! Hiện số ca mắc ở Nam Phi vẫn còn khá thấp, có thể vì những lý do khác, nhưng tốc độ phát tác của Omicron là rất ấn tượng và không giống với bất cứ biến thể nào chúng ta thấy trước đó. Theo WHO, có bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron cũng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể được quan tâm khác”.
Phản ứng của các nhà sản xuất vaccine
Ngày 26 Tháng Mười Một, hãng Moderna ra bản tin cho biết đang cấp tập kiểm tra khả năng Omicron vô hiệu hóa vaccine, và dự kiến sẽ công bố nghiên cứu trong vài tuần tới. “Biến chủng mới bao gồm cả các đột biến từng tìm thấy trong 2 biến thể Delta, Beta và được cho là làm tăng lây truyền, có thể đánh bại hệ miễn dịch – bản tin viết – Sự kết hợp của các đột biến luôn được xem là một nguy cơ tiềm ẩn đáng kể làm giảm nhanh khả năng miễn dịch (do tự nhiên, do vaccine hay do đã nhiễm)”.
Nếu vaccine và các thuốc điều trị coronavirus hiện có không đủ để chống lại Omicron, một giải pháp khả thi là tiêm mũi tăng cường có liều lượng lớn hơn. Moderna cho biết đang thử nghiệm giải pháp này và đang đánh giá hai ứng viên liều tăng cường (multivalent booster candidates) mới để xem liệu chúng có cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn cho cơ thể trước Omicron. Cả hai ứng viên đều chứa một số đột biến virus có trong biến thể mới.
Ngoài ra Moderna cũng đang thử nghiệm liều tăng cường dành riêng cho Omicron. “Trong vài ngày qua chúng tôi đã xúc tiến nhanh nhất chiến lược giải quyết biến thể này” – Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna vấn an trong thông cáo báo chí.
Hãng AstraZeneca cũng cho biết đang tìm hiểu tác động của Omicron đối với vaccine của hãng (hiện chưa được phép sử dụng ở Mỹ). Người phát ngôn của công ty nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu ở những nơi biến thể đã được xác định, cụ thể là Botswana và Eswatini, để có thể thu thập dữ liệu thực tế về biến thể mới này và khả năng kháng vaccine của nó”. Công ty cho biết đã bắt đầu thử nghiệm dùng kháng thể AZD7442 để chống lại Omicron và Tháng Mười qua đã gửi đề nghị đến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để cho phép sử dụng điều trị khẩn cấp.
Các nhà khoa học tại BioNTech, công ty Đức hợp tác với Pfizer để sản xuất vaccine Covid-19, cũng đã mở cuộc điều tra tác động của Omicron đối với vaccine Pfizer nhưng phải chờ vài tuần nữa mới có kết quả. Còn người phát ngôn của Johnson & Johnson ra tuyên bố nói công ty cũng đang kiểm tra hiệu quả của vaccine do nó sản xuất đối với Omicron.
Omicron kích hoạt các biện pháp du lịch mới
Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ hạn chế du lịch từ Nam Phi và bảy quốc gia khác bắt đầu từ 29 Tháng Mười Hai như một biện pháp phòng ngừa. Viêc hạn chế là để chính phủ liên bang có thời gian điều tra biến thể mới. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý các hạn chế tạm thời đối với tất cả các chuyến bay từ miền nam châu Phi. Theo Eric Mamer, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), các nước bị ảnh hưởng gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe.
Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos cho biết Canada sẽ cấm nhập cảnh những công dân nước ngoài đã đi qua miền nam châu Phi trong 14 ngày qua. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng công bố hạn chế đi lại từ hầu hết Châu Phi, và cảnh báo: “Chúng ta đang ở bên bờ vực của tình trạng khẩn cấp!”.