Nước Mỹ những ngày cuối Tháng Sáu chấn động trước thông tin 53 người di cư thiệt mạng trong xe container ở ngoại ô thành phố San Antonio, tiểu bang Texas. Họ nằm trong số 67 người từ Mexico, Guatemala và Honduras bị nhồi nhét vào trong thùng container không có máy lạnh, vượt qua biên giới trong thời tiết nắng nóng tới 40 độ C.
Khi các gia đình với hơn 60 người bị dồn vào một chiếc xe đầu kéo và bị bỏ rơi hôm Thứ Hai ở Texas, bắt đầu xác nhận nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của những người đau đáu theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn, hình thành đã lâu từ Honduras đến Mexico.
Theo giám đốc Viện Nhập cư Quốc gia Mexico, 53 trong số những người theo đuổi “giấc mơ Mỹ” bị bỏ lại dưới cái nóng hừng hực kinh khủng ở ngoại ô San Antonio, và họ chấm dứt “cuộc chơi” ở ngay trên chiếc xe chở họ, gồm 27 người từ Mexico, 14 người từ Honduras, bảy người từ Guatemala và hai người từ El Salvador, Francisco Garduño. Tất cả họ đều đặt mạng sống của mình vào tay những kẻ buôn người.
Ra đi và không trở về
Honduras, thị trấn có 10,000 dân cách San Pedro Sula khoảng 50 dặm về phía Nam, Alejandro Miguel Andino Caballero, 23 tuổi và Margie Tamara Paz Grajeda, 24 tuổi, đều được học hành đến nơi đến chốn và tin rằng bằng cấp có thể giúp họ ổn định cuộc sống.
Cả hai về ở chung dù chưa làm đám cưới, vì họ vẫn chưa tìm được việc làm. Họ nộp đơn nhiều nơi, mà chỗ nào cũng từ chối. Rồi đại dịch ập đến, như những trận cuồng phong tàn phá mọi thứ, thổi bay luôn ước mộng của Andino Caballero và Paz Grajeda.
Niềm hy vọng lóe lên khi một người họ hàng của Andino Caballero đang sống ở Mỹ muốn giúp anh và người em trai sang Mỹ. Em của Andino Caballero là Fernando José Redondo Caballero, 18 tuổi, sẵn sàng lên đường cùng anh.
“Bạn nghĩ rằng khi mọi người có trình độ học vấn cao hơn, họ phải có nhiều cơ hội việc làm hơn,” Karen Caballero, mẹ của hai anh em kể với Texas Tribune: “Cứ nghĩ con có trình độ học vấn, chúng sẽ có cơ hội làm việc, nên tôi để các con đi tìm cuộc sống tốt hơn. Cả Paz Grajeda, cũng đi trong chuyến ấy. Tất cả chúng tôi đã lên kế hoạch cho tương lai hai đứa, để chúng có thể đạt được những mục tiêu, ước mơ ấp ủ từ lâu,… Có ngờ đâu…”
Họ khởi hành vào ngày 4 Tháng Sáu, Caballero đi cùng ba con đến Guatemala. “Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp,” bà nói. “Người hơi lo sợ lại là Alejandro Miguel (con trai lớn của bà). Nó bảo với tôi, “Mẹ ơi, nếu có chuyện gì xảy ra với chúng con thì sao”. Tôi trấn an con là sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tôi nói ‘con không phải là người đầu tiên và cũng sẽ không phải là con người cuối cùng đến Hoa Kỳ cơ chứ!’”
Lần cuối cùng Caballero nói chuyện với các con mình là sáng Thứ Bảy. Lúc đó, chiếc xe đã vượt qua Rio Grande tại Roma, Texas, hướng đến Laredo và dự kiến sẽ đi về phía Bắc đến Houston vào Thứ Hai.
Tối Thứ Hai, khi vừa về nhà, có người gọi, nói bà mở ti vi lên mà xem, vì đang có tin tức nói về chiếc xe tải đi từ Guatemala tới San Antonio, rất nhiều người chết. Nhưng bà không xem nổi, bà chỉ nhớ là, ừ, con mình có đi từ Guatemala. Bà không tin con mình nằm trong số những cái bọc xác trắng toát đó. Nhưng qua ngày hôm sau, Thứ Ba, bà được báo tin lên nhận xác con về.
Cái chết của hai đứa con trai và Paz Grajeda, mà bà xem như con gái, quá khủng khiếp đối với Caballero. Bà khóc không còn một giọt nước mắt, bà đau đớn như bị cắt từng khúc ruột, nói: “Các con tôi để lại trong trái tim tôi một khoảng trống đau thương. Tôi nhớ chúng nó quá!”
Bà kể, Alejandro Miguel là đứa rất sáng tạo, vui tính, nổi tiếng là một vũ công giỏi. Cậu em 18 tuổi rất nhiệt tình, hay thương người, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn. Hai anh em ăn mặc giống nhau như sinh đôi, mê bóng đá, và lúc nào cũng làm sôi động ngôi nhà bằng những tiếng hò hét, cười giỡn. Hai đứa con giờ đi xa không bao giờ trở lại, người mẹ không biết sẽ sống như thế nào.
Cách nhà bà Karen Caballero gần 400 dặm, có hai anh em họ Wilmer Tulul và Pascual Melvin Guachiac, 13 tuổi đến từ Tzucubal, Guatemala.
Tzucubal – một cộng đồng cư dân bản địa với khoảng 1,500 người sống chủ yếu bằng nghề nông tự cung tự cấp, là vùng núi cách thủ đô gần 100 dặm về phía tây bắc, nơi hầu hết.
“Mẹ ơi, chúng con đi chơi đây,” là tin nhắn cuối cùng mà Wilmer gửi cho mẹ là bà Magdalena Tepaz. Cả hai rời khỏi nhà vào ngày 14 Tháng Sáu. Vài giờ sau khi bà nghe tin nhắn thoại đó, một người hàng xóm nói với gia đình bà rằng, có một vụ tai nạn ở San Antonio và họ lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra với Tepaz.
María Sipac Coj, mẹ của Melvin, một bà mẹ đơn thân có hai con, nói Tulul và Melvin chơi thân với nhau, hay bàn kế hoạch là sẽ đi Mỹ, dù ngay cả tiếng Tây Ban Nha chúng cũng không nói giỏi. Cô cũng nhận được tin nhắn của con trai mình, giống như bà Tepaz, nhưng giờ cô xóa sạch, vì “không thể chịu đựng nổi, khi nghe lại giọng của con nữa.”
Cha của Wilmer, Manuel de Jesús Tulul, khóc như mưa từ khi biết con mình chết thiêu trên chiếc xe bị bỏ lại hôm ấy. Gia đình không hề biết các cậu bé đến Houston bằng cách nào, cũng không tưởng tượng nổi vì sao chúng lại được đưa vào một chiếc xe đầu kéo.
Chính phủ Guatemala xác nhận những người xấu số trên chuyến xe tử thần đó vào hôm Thứ Tư. Gia đình các nạn nhân trên chuyến xe tử thần đều phải trả tiền cho bọn buôn lậu để được nhận xác con từ Houston về. Bây giờ Tulul chỉ nghĩ đến việc đưa thi thể của con trai mình về trước đã, và hy vọng chính phủ sẽ chi trả chi phí ấy.
Tại Mexico, hai anh em họ Javier Flores López và Jose Luis Vásquez Guzmán rời cộng đồng nhỏ bé Cerro Verde ở tiểu bang Oaxaca, miền Nam nước này, với hy vọng đi tìm đường để giúp đỡ gia đình mình. Họ hướng đến Ohio, nơi có nhiều công trình xây dựng đang thiếu nhân công, và các công việc khác nữa. Gia đình cho biết chưa tìm được tông tích của Flores López, còn Vásquez Guzmán đang nằm trong bệnh viện ở San Antonio.
Cerro Verde là cộng đồng mà hầu như không còn người trẻ, vì họ bỏ xứ mà đi từ lâu rồi. Những người già còn lại làm việc kiếm sống qua ngày bằng nghề dệt nón, chiếu, chổi và các vật dụng khác từ lá cọ. Họ chỉ kiếm được 30 peso/ngày (không tới $2).
Đây không phải là chuyến đi đầu tiên đến biên giới Hoa Kỳ-Mexico đối với Flores López, hiện đã ngoài 30 tuổi, người đã rời Cerro Verde từ nhiều năm trước và đến Ohio, nơi cha và một anh trai của anh đang làm việc cùng với người anh họ là Francisco López Hernández. Khi thấy Hernández về thăm vợ và con nhỏ, Vásquez Guzmán quyết định đi cùng anh họ để tới Ohio, thăm cha và anh hai.
Trong khi mọi người đều biết rủi ro, nhiều người từ Cerro Verde đánh liều vượt qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico và may mắn an toàn với sự giúp đỡ của những kẻ buôn lậu. López Hernández cho biết hầu hết mọi người dựa vào người thân đã đến Mỹ làm việc để gửi tiền cho họ có tiền trả nếu muốn sang Mỹ, với số tiền khoảng $9,000.
Có người may mắn đi trót lọt, nhưng không ít người rủi ro chết dọc đường như 53 người kém may mắn kia, chấm dứt cuộc đời và những giấc mơ đã tan thành mây khói…
Vào năm 1987, 19 người di cư lậu tử vong sau khi bị nhốt trong một toa tàu hàng gần Sierra Blanca ở phía Tây Texas suốt nhiều giờ dưới trời nắng nóng. Một quan chức biên phòng Mỹ lúc đó gọi đây hệ quả thảm khốc từ “chuỗi sai lầm và đánh giá không đúng”.
Sử dụng các phương tiện chở hàng để chuyển lậu người từ Mexico vào Mỹ là vấn đề đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ ở Mỹ. Có rất ít bằng chứng cho thấy tình trạng này giảm khi lực lượng Vệ binh Quốc gia và Sở An toàn Công cộng Texas tăng cường lực lượng kiểm soát ở biên giới với Mexico.
Một luật sư cho biết những người sống sót sau thảm kịch hôm 26 Tháng Sáu ở San Antonio có thể đủ điều kiện được phép tị nạn tại Mỹ theo diện là nạn nhân của tội phạm hoặc là nhân chứng hợp tác với giới chức. Tuy nhiên, những người này có thể đối mặt thách thức từ quy định trục xuất lập tức người di cư mà không cần tổ chức các buổi điều trần xin tị nạn. Từ Tháng Ba, 2020 có hơn hai triệu người nhập cư trái phép bị trục xuất về nước.
Theo Taylor Levy, luật sư nhập cư ở California, nhiều khả năng những người sống sót sau thảm kịch 26 Tháng Sáu có thể bị giới chức liên bang tạm giữ trong quá trình điều tra và cuối cùng là trục xuất khỏi Mỹ.
Đọc thêm:
-Đưa lậu người vào Mỹ, “kỹ nghệ” buôn người không bao giờ chấm dứt!