Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương chính thức chào đón Phần Lan với tư cách thành viên thứ 31 vào Thứ Ba 4 Tháng Tư 2023, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh ở Đông Bắc châu Âu.
Việc gia nhập của quốc gia Bắc Âu Phần Lan sẽ được thực hiện trong buổi lễ kết nạp chính thức được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 4 Tháng Tư 2023. Việc Phần Lan chấp nhận tham gia liên minh an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo giáng một đòn mạnh vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc xâm lược Ukraine của Moscow đã khiến Phần Lan và Thụy Điển vốn chủ trương không liên kết phải từ bỏ vị trí trung lập và tìm kiếm sự bảo vệ trong NATO, dù nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển bị các thành viên Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản.
Phản ứng trước việc Phần Lan “kết bè kết đám” với NATO, Nga cảnh báo rằng việc mở rộng NATO sẽ không mang lại sự ổn định hơn cho châu Âu. Ngày 3 Tháng Tư 2023, Kremlin cho biết họ sẽ tăng cường lực lượng gần biên giới Phần Lan nếu NATO gửi bất kỳ binh sĩ hoặc thiết bị nào đến quốc gia tân thành viên. “Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng quân sự của mình ở phía Tây và Tây Bắc nếu các thành viên NATO triển khai lực lượng và thiết bị trên lãnh thổ Phần Lan”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.
Trước thời điểm Phần Lan gia nhập NATO, Nga có chung khoảng 1,215 km (755 dặm) biên giới đất liền với năm thành viên NATO. Sự gia nhập của Phần Lan đã giúp tăng gấp đôi biên giới đất liền của NATO với Nga.
Tư cách thành viên NATO của Phần Lan bảo đảm cho quốc gia Bắc Âu này việc tiếp cận các nguồn lực của toàn bộ liên minh trong trường hợp bị tấn công. Phần Lan vốn không xa lạ gì trong việc hợp tác với NATO. Quân đội của họ thường xuyên tham gia các cuộc tập trận của NATO dưới tư cách đối tác.
Lực lượng Phòng vệ Phần Lan vận hành một số hệ thống vũ khí giống như các thành viên NATO khác, trong đó có máy bay chiến đấu F/A-18 do Mỹ sản xuất, xe tăng Leopard do Đức thiết kế và pháo K9 được Na Uy và Estonia sử dụng. Helsinki cũng đã ký kết chương trình sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-35, cho phép lực lượng không quân nước này phối hợp nhịp nhàng với các thành viên NATO bao gồm Mỹ, Anh, Na Uy, Ý, Canada, Ba Lan, Đan Mạch và Hà Lan. Ngoài ra, Phần Lan có 900,000 quân dự bị được đào tạo bài bản, sẵn sàng hỗ trợ 280,000 quân chính quy một khi có yêu cầu.
Một báo cáo Tháng Mười Một 2022 từ Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington liệt kê ba lĩnh vực chính mà Phần Lan mang lại lợi ích cho NATO: Lực lượng dự bị, khả năng tiếp cận công nghệ và lực lượng pháo binh. Báo cáo cho biết:
“Lực lượng pháo binh của Phần Lan là lực lượng lớn nhất và được trang bị tốt nhất ở Tây Âu. Với khoảng 1,500 khẩu pháo, bao gồm 700 khẩu đại bác, 700 súng cối hạng nặng và 100 hệ thống phóng tên lửa, pháo binh Phần Lan có hỏa lực mạnh hơn sức mạnh tổng hợp của quân đội Ba Lan, Đức, Na Uy và Thụy Điển hiện có”. Báo cáo của Trung tâm Wilson cũng chỉ ra rằng quốc gia này là nơi khai sinh hãng Nokia, “nhà cung cấp cơ sở hạ tầng 5G chính” và là một trong ba nhà cung cấp cơ sở hạ tầng 5G lớn trên thế giới, cùng với Ericsson của Thụy Điển và Huawei của Trung Quốc.
Việc gia nhập của Phần Lan diễn ra vài ngày sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn tư cách thành viên của nước này. Sự ủng hộ của công chúng Phần Lan và Thụy Điển đối với việc gia nhập NATO đã tăng lên sau cuộc xâm lược Ukraine. “Mọi thứ đã thay đổi khi Nga xâm chiếm Ukraine,” Thủ tướng Phần Lan sắp mãn nhiệm Sanna Marin cho biết vào Tháng Tư năm ngoái.
Việc Phần Lan gia nhập NATO trái ngược với vị thế và triển vọng của Ukraine trong liên minh. Thụy Điển cũng vẫn chưa thể gia nhập NATO do sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan – muốn ghi điểm chính trị trong nước – đã ngáng đường Thụy Điển, với lý do Stockholm từ chối dẫn độ những người mà Thổ gọi là “những kẻ khủng bố” có liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Hungary cũng chưa bấm nút “OK” đối với Thụy Điển. Zoltan Kovacs, phát ngôn viên chính phủ Hungary, đã đưa ra một danh sách dài liệt kê những bất bình đối với Stockholm, cáo buộc họ “sử dụng ảnh hưởng chính trị để làm tổn hại lợi ích Hungary”.
Lễ kết nạp Phần Lan được thực hiện với nghi thức kéo cờ tại trụ sở NATO, đúng vào sinh nhật của tổ chức này, dịp kỷ niệm lần thứ 74 ngày ký kết Hiệp ước Washington thành lập NATO vào ngày 4 Tháng Tư 1949.
Trong rất nhiều hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin, việc NATO được mở rộng thêm thành viên, trong trường hợp này là Phần Lan, có thể được xem là thất bại chính trị tệ hại nhất đối với Putin bởi ảnh hưởng lâu dài của sự kiện. Điều đó chẳng khác gì Putin gián tiếp mở cửa biên giới trong khi NATO hoàn toàn có “lý do chính đáng” để đặt thêm một khẩu súng chĩa vào lãnh thổ Nga.