Bất chấp Nga đe dọa, Phần Lan quyết gia nhập NATO

Bất chấp Nga đe dọa, Phần Lan quyết gia nhập NATO

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto họp báo ở Helsinki, Phần Lan hôm 11 tháng Năm sau khi ký kết một thỏa thuận an ninh, theo đó Vương quốc Anh cam kết thúc đẩy quan hệ quân sự với hai nước Bắc Âu và hỗ trợ cả hai nước nếu họ bị vô cớ tấn công. Ảnh Frank Augstein – WPA Pool/Getty Images.

Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan cho biết hôm Thứ Năm rằng họ quyết định gia nhập và trở thành thành viên Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mở đường cho NATO mở rộng trong bối cảnh Nga tấn công xâm lược Ukraine.

Quyết định mạnh mẽ của Phần Lan đã được Tổng thống Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin công bố trong một tuyên bố chung ngày 12 Tháng Năm 2022. Điều đó có nghĩa là Phần Lan hầu như chắc chắn sẽ nộp hồ sơ gia nhập NATO, mặc dù vẫn còn một số bước thủ tục cần thực hiện. Nước láng giềng Thụy Điển cũng ​sẽ quyết định gia nhập NATO trong những ngày tới. Nếu hai nước này nộp đơn, sẽ có một khoảng thời gian tạm thời từ khi hồ sơ được nộp cho đến khi tất cả 30 quốc hội thành viên NATO phê chuẩn.

Phần Lan có chung đường biên giới trên bộ dài 1,340 km (830 dặm) với Nga. Kremlin đã nhiều lần cảnh báo về “hậu quả quân sự và chính trị” nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. 

Hai nhà lãnh đạo Niinisto và Marin cho biết trong tuyên bố chung: “Phần Lan phải nộp đơn gia nhập NATO không chậm trễ. Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan… Là một thành viên của NATO, Phần Lan sẽ củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng. Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức. Chúng tôi hy vọng rằng các thủ tục cần thiết của quốc gia để đưa ra quyết định này sẽ được thực hiện nhanh chóng trong vài ngày tới.” Theo thông tin trước đây, Phần Lan sẽ nộp hồ sơ gia nhập NATO trước ngày 17 Tháng Năm 2022 và Thụy Điển sẽ nộp cùng hoặc sau Phần Lan một vài ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viện lý do Ukraine muốn gia nhập NATO để khởi sự cuộc chiến xâm lược nước láng giềng ở phía Nam. Trong diễn văn Ngày Chiến Thắng tại Moscow hôm 9 Tháng Năm vừa qua, ông Putin biện hộ cuộc chiến tranh là do NATO quyết mở rộng về phía Đông, đe dọa an ninh quốc gia của Nga. Lập luận sai trái này được guồng máy tuyên truyền của nhà nước Nga thường xuyên tiêm vào đầu óc người dân. Một số đồng minh của Nga như Trung Quốc cũng nhắc đi nhắc lại lý lẽ đó.

Vì thế, nhiều người lo ngại Nga sẽ không dọa suông mà sẽ có hành vi gây hấn khi Phần Lan và Thụy Điển nộp hồ sơ gia nhập NATO và khoảng thời gian hồ sơ của hai nước này được các thành viên NATO xét duyệt, thường kéo dài khoảng một năm, gọi là “gray period”, chính là thời điểm mà Moscow có thể ra tay.

Để phòng ngừa phản ứng bất lợi từ phía Nga, hai nước Phần Lan và Thụy Điển đã tìm cách vận động sự bảo vệ của phương Tây trước khi chính thức quyết định nộp hồ sơ. 

Thứ Tư tuần trước 5 Tháng Năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cho biết sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng cung cấp nhiều hình thức bảo đảm an ninh đa dạng” cho cả hai nước Bắc Âu này. Sự bảo đảm (assurance) của Hoa Kỳ không hoàn toàn giống với sự bảo đảm an ninh (security guarantee), bà Linde cho biết thêm, nhưng nó có nghĩa là “nói rõ ràng với Nga rằng nếu họ có bất kỳ hành vi tiêu cực nào với Thụy Điển, như họ đã đe dọa, thì Hoa Kỳ sẽ không bỏ qua, không hành động gì cả”, theo tường thuật của hãng tin Bloomberg.

Tuyên bố gia nhập NATO của Phần Lan hôm Thứ Năm được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm cả Phần Lan và Thụy Điển để ký thỏa thuận hợp tác quân sự. Theo thỏa thuận Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Thụy Điển và Phần Lan nếu hai quốc gia Bắc Âu bị tấn công.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai, Phần Lan và Thụy Điển đã cân nhắc xem có nên từ bỏ quan điểm trung lập lịch sử nhiều thập niên của mình và gia nhập liên minh NATO gồm 30 thành viên hay không. Ở Bắc Âu (Nordic) các nước Na Uy, Đan Mạch, Estonia, Latvia và Lithuania đều đã là thành viên NATO; hai nước Phần Lan và Thụy Điển đã là thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng chưa gia nhập NATO mà giữ vị thế trung lập về quân sự. 

Nếu Phần Lan trở thành thành viên NATO, thì đó là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng và an ninh của quốc gia Bắc Âu kể từ Thế chiến thứ Hai khi nước này phải chiến đấu trong hai cuộc chiến thất bại chống lại Liên Xô.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Phần Lan tránh xa NATO để không khiêu khích Liên Xô, thay vào đó chọn giữ vai trò vùng đệm trung lập giữa phương Đông và phương Tây, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Moscow và Washington.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Liên minh NATO hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển – cả hai đều có quân đội mạnh, hiện đại – với vòng tay rộng mở và mong muốn quá trình gia nhập diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ.

Cuộc chiến của Putin ở Ukraine có mục đích đẩy NATO ra xa biên giới của Nga, trở về với thời kỳ trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1992, nhưng thực tế lại gây ra tác dụng ngược; hành động của Nga xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền đã định hình lại an ninh châu Âu và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương với việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO thì các lực lượng quân sự của NATO đã áp sát ngưỡng cửa nước Nga.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo