Pháp siết chặt an ninh, biểu tình chống Pháp lan rộng 

H.C.

Pháp siết chặt an ninh trên toàn quốc từ hôm nay thứ Sáu 30-10 để phòng những cuộc tấn công của tín đồ Hồi giáo quá khích sau vụ thảm sát dã man ở thành phố Nice, trong khi nhiều cuộc biểu tình chống Pháp nổ ra ở Trung Đông, châu Á và châu Phi phản đối chính sách đối với người Hồi giáo ở Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bố trí hàng ngàn binh lính và cảnh sát canh gác các dinh thự công cộng, kể cả các nhà thờ và trường học. Cả nước Pháp bị đặt trong tình trạng báo động an ninh cao nhất sau khi xảy ra hai vụ tấn công bằng dao chỉ trong hai tuần.

Hôm thứ Năm, một thanh niên 21 tuổi người Tunisia có tên là Brahim al-Aouissaoui đã dùng dao làm bếp chặt đầu một người phụ nữ và giết chết hai người khác trong nhà thờ lớn Notre Dame Basilica ở thành phố Nice. Hung thủ đã bị bắt và hiện được điều trị thương tích trong bệnh viện dưới sự canh chừng cẩn mật của cảnh sát. 

Vụ giết người dã man này xảy ra khi nước Pháp chưa hết bàng hoàng sau khi một thầy giáo trung học ở ngoại ô thủ đô Paris, ông Samuel Paty, bị chặt đầu sau khi ông sử dụng các tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammad lấy từ tờ báo châm biếm Charlie Hebdo để minh họa cho bài giảng về tự do ngôn luận. Hung thủ giết ông Paty là một thiếu niên 18 tuổi, người Chechen, theo Hồi giáo.

Chính tờ báo châm biếm nổi tiếng này, sau khi đăng các biếm họa về Mohammad, đã trở thành nạn nhân của vụ tấn công đẫm máu do các tay khủng bố Hồi giáo thực hiện, giết chết 12 nhân viên, phóng viên của báo năm 2015. Hồi tháng Chín năm nay, kỷ niệm 5 năm ngày xảy ra vụ thảm sát, tòa báo Charlie Hebdo đã cho đăng lại các bức biếm họa đó, kích thích một làn sóng “tẩy chay hàng hóa Pháp” ở một số quốc gia Hồi giáo.

Thành phố Nice ở trên bờ Địa Trung Hải miền nam nước Pháp là nơi đã hai lần hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố. Năm 2016, tức một năm sau vụ thảm sát ở báo Charlie Hebdo, một tín đồ Hồi giáo cực đoan – cũng là người Tunisia – lái một chiếc xe tải lớn lao vào một đám đông người đang tụ tập ăn mừng ngày Quốc khánh Pháp 14/07, giết chết 86 người. 

*

Pháp là nơi có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo nhất châu Âu; phần lớn là dân các nước Bắc Phi cựu thuộc địa của Pháp. Những năm gần đây, Pháp bị nhiều cuộc tấn công của người Hồi giáo quá khích, hầu như đều liên quan tới các tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammad mà người Hồi giáo cho là báng bổ tôn giáo của họ. Tuy nhiên chính phủ Pháp vẫn bảo vệ quyền phổ biến các tranh biếm họa đó vì quan niệm đây là quyền tự do ngôn luận của người dân Pháp. Tổng thống Macron nhiều lần nhấn mạnh nước Pháp sẽ không bao giờ từ bỏ các quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng.

Pháp cũng là một quốc gia đề cao thế quyền và luôn tách bạch rõ ràng thế quyền với thần quyền, nhà nước và giáo hội. Người dân được tự do tín ngưỡng nhưng mọi tôn giáo đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật do hiến pháp quy định. Việc tách bạch giáo quyền của các giáo hội với pháp quyền của nhà nước thế tục được người Pháp xây dựng thành một triết lý, một hệ tư tưởng, gọi là chủ nghĩa thế tục (laïcité). Tín ngưỡng, theo quan niệm này, là một vấn đề cá nhân, chỉ được biểu đạt trong không gian riêng tư mà thôi.

Việc tách bạch tôn giáo và nhà nước ở Pháp đi xa tới mức tín đồ các tôn giáo bị cấm mặc trang phục và trưng bày các biểu tượng tôn giáo của mình ở những nơi công cộng; chẳng hạn như nữ sinh Hồi giáo không được mặc áo choàng và khăn trùm kín đầu kiểu phụ nữ Hồi giáo trong các lớp học. Một bộ trưởng trong chính phủ Pháp gây sóng gió trong dư luận khi phát biểu trên truyền hình rằng ông ta phản đối việc các siêu thị thực phẩm đều dành một khu vực riêng để bày bán thực phẩm “halal” – tức thịt gia súc được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo.

Chính sách phân biệt giáo quyền và pháp quyền một cách cứng rắn của Pháp đã gây không ít khó khăn cho các cộng đồng Hồi giáo – vốn có truyền thống duy trì các tập quán tôn giáo riêng, không hội nhập với cộng đồng địa phương và đôi khi tuân thủ giáo luật Hồi giáo hơn cả pháp luật nhà nước. Những người Hồi giáo tố cáo chính quyền Pháp có âm mưu dài hạn để đồng hóa những cộng đồng di dân Hồi giáo cả về văn hóa và tín ngưỡng; trong khi chính phủ Pháp khẳng định chính quyền phải bảo đảm quyền tự do và bình đẳng của mọi công dân chứ không thiên vị một tôn giáo hoặc một thiểu số nào. “Nước Pháp chỉ có một cộng đồng là cộng đồng dân Pháp,” ông Macron nói.

Xung đột sắc tộc, văn hóa và tín ngưỡng giữa cộng đồng Hồi giáo đông đảo và chính quyền Pháp kéo dài đã lâu và ngày càng trầm trọng, vụ tranh biếm họa của báo Charlie Hebdo làm bộc phát và khơi sâu thêm mối xung đột đó, dẫn tới những vụ tấn công thảm sát nhiều khi rất dã man.

Với tín đồ Hồi giáo bên ngoài nước Pháp những biếm họa của báo Charlie Hebdo bị coi là gây hấn và sỉ nhục vô cớ đức tin tôn giáo của họ. Chính quyền Pháp lúc đầu cũng phản đối các biếm họa, cho rằng chúng gây sự và không tôn trọng người Hồi giáo, nhưng sau đó khi tòa báo bị tấn công, các họa sĩ bị bắn chết thì thái độ của chính quyền và xã hội Pháp thay đổi: ở các thành phố hàng vạn người đổ ra đường biểu tình, giương cao khẩu hiệu “Je Suis Charlie” (Chúng tôi là Charlie).

Những vụ tấn công thảm sát gần đây càng làm cho chính quyền Pháp thêm cứng rắn. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin tuyên bố trên đài phát thanh RTL: “Chúng ta đang có chiến tranh, chống lại một kẻ thù cả bên trong và bên ngoài”. Thị trưởng thành phố Nice thì cho rằng Pháp cần phải sửa đổi Hiến pháp để có thể “phát động chiến tranh” chống những kẻ khủng bố theo Hồi giáo. Tổng thống Macron còn trình bày một kế hoạch chống “chủ nghĩa ly khai Hồi giáo” và xóa sạch các nhóm Hồi giáo quá khích trong xã hội Pháp. Những ngôn từ quyết liệt như vậy một mặt đẩy nước Pháp vào một cuộc xung đột không có đường lùi, một mặt làm nước Pháp bị xa lánh khỏi các đồng minh, các quốc gia Hồi giáo trên khắp thế giới.

*

Sau những biện pháp quyết liệt của chính phủ Pháp như đình chỉ hoạt động một số tổ chức dân sự của người Hồi giáo ở Pháp, trục xuất hơn một trăm tín đồ Hồi giáo trong đó có nhiều người đang bị tù hình sự, đóng cửa một nhà thờ Hồi giáo có hàng ngàn tín đồ… các cuộc biểu tình của người Hồi giáo đã nổ ra nhiều nơi ở châu Á và châu Phi. Một số nhóm khủng bố quốc tế kêu gọi tấn công vào các mục tiêu Pháp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói các biện pháp cứng rắn này chứng tỏ ông Macron có vấn đề tâm thần; Pháp phản ứng bằng việc rút đại sứ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở thủ đô Islamabad của Pakistan, hôm nay cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình đang cố gắng vượt hàng rào để tiến vào khu vực tòa đại sứ Pháp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: