Bộ phim về chân dung nhà lãnh đạo phe đối lập và kẻ thù số một của Putin, “Navalny,” đã giành giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất. Bộ phim được đánh giá có nội dung chính trị sâu sắc và ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine. Một trong những nguyên nhân khiến Putin thù, ghét Alexei Navalny là vì ông đã dứt khoát phản đối cuộc chiến của Putin, gọi nó “cuộc chiến tranh xâm lược phi lý của Vladimir Putin ở Ukraine.”
Alexei Navalny: kẻ thù số một của Putin
Alexey Navalny là người sáng lập tổ chức Chống Tham Nhũng và được mệnh danh là ‘kẻ thù số một’ của Putin. Danh tiếng của Navalny lan rộng nhờ vào các cuộc điều tra chống tham nhũng đối với các tập đoàn nhà nước và quan chức cấp cao của Nga. Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, Navalny tuyên bố tranh cử với 81 trụ sở hoạt động khắp nước Nga. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử trung ương Nga dưới sự chỉ đạo của Putin đã ra lệnh cấm Navalny không được tranh cử. Hiện tại, 41 trụ sở của Navalny vẫn đang hoạt động bí mật, biến mạng lưới này trở thành tổ chức đối lập lớn nhất ở Nga.
Tháng Tám 2020, Navalny ngất xỉu trên trên một chuyến bay nội địa Nga, sau khi uống một cốc trà bị tẩm độc. Sau đó, Navalny đã được đưa sang Đức để điều trị. Thủ tướng Đức lúc đó, bà Merkel, cho biết: “Alexei Navalny là nạn nhân của cuộc tấn công bằng một hóa chất thần kinh thuộc nhóm Novichok. Chất độc này có thể được xác nhận một cách rõ ràng qua các cuộc xét nghiệm.”
Khi Navalny từ Đức trở về Nga vào đầu năm 2021 sau hơn năm tháng dưỡng bệnh, ông bị an ninh Nga bắt giữ và sau đó bị kết tội gian lận và coi thường tòa án với bản án 9 năm tù. Để “nhổ cỏ tận gốc,” chính quyền Putin mở một cuộc đàn áp sâu rộng đối với các cộng sự và những người ủng hộ Navalny.
Các đồng minh thân cận nhất của Navalny đã phải chạy khỏi Nga sau khi đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự từ chính phủ Putin. Mặc dù đang bị giam giữ trong nhà tù, kênh YouTube của Alexey Navalny vẫn có 3.5 triệu người đăng ký theo dõi.
Trong lúc bộ phim tài liệu về Navalny nhận giải thưởng điện ảnh cao quý Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh tại Los Angeles, thì nhân vật chính của bộ phim, Alexei Navalny, vẫn bị biệt giam tại Nga. Trong bài phát biểu nhận giải Oscar, đạo diễn Daniel Roher đã vinh danh Navalny và tất cả các tù nhân chính trị trên khắp thế giới:
“Alexei, thế giới vẫn chưa quên thông điệp quan trọng của anh dành cho tất cả: Chúng ta không được sợ hãi khi chống lại những kẻ độc tài và chủ nghĩa độc đoán ở bất cứ nơi nào nó bắt đầu nổi dậy.” |
Mặc dù đối mặt với hàng loạt đe dọa, âm mưu ám sát, và những vụ bắt giữ tùy tiện, Navalny vẫn không hề run sợ lực lượng tay sai của Putin. Ánh mắt cương trực của Navalny toát lên được thái độ không khuất phục trước Putin. Đối với những người ủng hộ dân chủ và căm ghét độc tài, giải thưởng Oscar giành cho bộ phim tài liệu ‘Navalny’ là một chiến thắng ý nghĩa đối với Alexei và là thất bại dành cho Putin.
Thất bại của Putin tại Ukraine
Rosstat, cơ quan thống kê chính thức của Nga, vừa chứng kiến đợt ‘thay máu’ lãnh đạo trong năm qua, dự đoán tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2023 sẽ là 0.3%. Tuy nhiên, Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư ngành Quản trị của trường Đại học Yale và Đại học Harvard danh tiếng, cho biết dự đoán của Rosstat là không có cơ sở, vì Putin hoàn toàn có khả năng yêu cầu những con số mà ông ấy muốn.
Sau khi Putin đơn phương phát động cuộc xâm lược Ukraine, tính cho đến nay khoảng ba triệu trí thức ưu tú của Nga đã tìm cách thoát khỏi nước này, mang theo vốn tri thức và tài năng của họ. Nga đang đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn và kiệt quệ. Theo tổ chức Sonnenfeld tại Đại học Yale, 1,000 trong số 1,200 nhà đầu tư doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu ở Nga hiện đã rút lui hoàn toàn khỏi nước này, bao gồm các tập đoàn dầu khí. Doanh thu của họ chiếm 35% tổng sản phẩm quốc nội của Nga trước cuộc xâm lược Ukraine. Nhìn chung, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga hầu như đã cạn kiệt.
Tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức, Deutsche Bank, ước tính rằng Nga thu được 1/3 doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel) trước cuộc xâm lược Ukraine. Hiện tại, Nga phải trả gần gấp đôi để khai thác các nhiên liệu này. Hơn một nửa ngân sách của Nga đến từ doanh thu của nhiên liệu hóa thạch, nên chính phủ Putin hiện đang bòn rút các quỹ dự trữ.
Putin với cái tôi khổng lồ có thể sẽ bất chấp thương vong và kinh tế suy thoái để đẩy cuộc chiến lên cao nhằm giành chiến thắng bằng mọi giá. Loạt tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga trong tuần này nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine là một dấu hiệu đáng lo ngại về những gì mà những kẻ cao ngạo như Putin bị dồn vào chân tường có thể dám làm.
Kinh tế gia và giáo sư chính sách công của Đại học Chicago, Konstantin Sonin, nhìn thấy một viễn cảnh tái hiện lịch sử nước Nga:
“Một viễn cảnh tương tự xảy ra thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, bắt đầu ở Nga với sự nhiệt tình tăng vọt, mọi người tình nguyện hàng loạt, v.v. Tuy nhiên, sau hai năm, mọi thứ đã thay đổi. Đến cuối năm 1916, mọi người đều muốn Sa hoàng ra đi. Đến đầu năm 1917, Nga thời Sa hoàng sụp đổ. Nếu kịch bản đó diễn ra một lần nữa, sự sụp đổ sẽ bao gồm cả Putin. Tôi không nghĩ Putin có thể duy trì sự ủng hộ của giới thượng lưu trong hai hoặc ba năm nữa.”
Đại diện của Alexei Navalny, Leonid Volkov, cho biết một dấu hiệu khác cho thấy tình thế của Putin ngày càng trở nên bấp bênh là cuộc đấu đá nội bộ công khai giữa Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin.
Putin chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng mục tiêu của cuộc xâm lược Ukraine vào cuối Tháng Hai năm 2022. Dư luận chỉ biết rằng một trong những mục tiêu chính là để ngăn cản Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Ngày càng có nhiều người Nga đặt câu hỏi về mục tiêu của cuộc xâm lược này. Putin muốn đạt được điều gì? Chiến lược rút quân của Putin là gì? Đáng nói, Putin không thể trả lời những câu hỏi này, khiến cho giới quyền lực Nga ngày càng tức giận.
Trong thực tế, nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng Putin thực ra đã thất bại rõ ràng trong cuộc xâm lược Ukraine. Khoảng 46% học giả được think-tank Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) phỏng vấn vào đầu năm nay nghĩ rằng chính phủ Putin sẽ trở thành “một quốc gia thất bại hoặc tan rã” trong thập kỷ tới.
Dường như, đây có thể là thời điểm thích hợp để Biden và đồng minh tăng cường áp lực đối với Putin về lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi Ukraine. Có thể Putin cũng biết mình là kẻ thất bại toàn diện. Nhưng có lẽ Putin vẫn chưa tìm ra được chiến lược để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine, mà không bị “mất mặt.” Bởi thế, Putin có thể sẽ tiếp tục chấp nhận thua cho Navalny, cho Ukraine, và cho những người chống độc tài, để xoa dịu cái tôi dễ vỡ của mình.