Sợ bị chiếm lại Kherson, Nga di tản hài cốt anh hùng Potemkin

Một khu chung cư tan hoang sau khi bị trúng tên lửa của Nga hồi đầu tháng. Hình chụp hôm ngày 28 Tháng Mười năm 2022 ở Zaporizhzhia, Ukraine. Các quan chức Nga hôm nay tuyên bố họ đã hoàn thành việc di chuyển dân thường ra khỏi thành phố Kherson vì dự kiến lực lượng Ukraine có thể tái chiếm. (ảnh: Carl Court / Getty Images)

Quân đội Nga vừa di dời xương cốt của chỉ huy Nga nổi tiếng thế kỷ 18 Grigory Potemkin ra khỏi thành phố Kherson.

Nga cho di chuyển xương cốt của một chỉ huy quân sự thế kỷ 18 được Putin tôn kính khỏi thành phố Kherson bị chiếm đóng để bảo toàn hài cốt người anh hùng của đế chế Sa hoàng trước nguy cơ quân Ukraine phản công chiếm lại. Theo CNN.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết quân đội Nga đã di dời xương cốt của chỉ huy Nga nổi tiếng thế kỷ 18 Grigory Potemkin ra khỏi thành phố Kherson. Xương của Potemkin được đưa từ Nhà thờ St. Catherine qua sông Dnipro để vào lãnh thổ an toàn do Nga quản lý.

Chân dung Grigori Potemkine. (ảnh: API/Gamma-Rapho via Getty Images)

 

Thống đốc ủy nhiệm thân Nga Vladimir Saldo của khu vực Kherson nói với kênh truyền hình Crimean TV, tượng đài của nhà lãnh đạo quân sự cũng được di chuyển. “Chúng tôi đã di chuyển hài cốt của Hoàng thân Potemkin khỏi Nhà thờ St. Catherine và tượng đài sang bờ trái phía Đông sông Dnipro. Tượng đài vinh danh Tư lệnh hải quân Fyodor Ushakov và các chỉ huy Alexander Suvorov, Vasily Margelov cũng được di dời khỏi nhà thờ và đưa đến một địa điểm không được tiết lộ,” Saldo nói.

Potemkin đóng vai trò quan trọng trong việc sáp nhập bán đảo Crimea từ tay đế chế Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1783 và ông hiện là nguồn cảm hứng lịch sử chính của những người muốn khôi phục lại quy mô đế quốc Nga trước đây. Putin chủ yếu dựa vào di sản của Potemkin để biện minh cho việc sáp nhập Crimea năm 2014. “Các di tích sẽ được trả lại nhà thờ khi thành phố không còn bị đe doạ,” Saldo nói.

Quay lại quá khứ, Hoàng thân Grigory Potemkin là chính khách Nga thế kỷ 18, một tướng lĩnh quân đội được Nữ hoàng Catherine Đại đế (nữ hoàng trị vì lâu nhất trong lịch sử của chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng dù bà có gốc Đức) yêu thích và chọn làm cố vấn. Tên của ông xuất hiện vài lần trong các tuyên bố của Điện Kremlin kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Gần đây nhất, trong bài phát biểu tại buổi lễ sáp nhập bốn vùng lãnh thổ mới, Putin cũng nhắc đến Potemkin như “một trong những người thành lập” các thành phố Nga mới ở miền F9ông Ukraine gọi là Novorossiya (Nước Nga mới).

Potemkin được cho là người thực hiện kế hoạch chinh phục Crimea lần đầu tiên và sáp nhập bán đảo này vào Nga năm 1783 qua một thỏa thuận hòa bình với Đế chế Ottoman. Sau đó, ông được phong quân hàm thống chế, thành lập thành phố cảng Sevastopol ở Crimea và biến thành phố này thành căn cứ hải quân chính của Nga ở Hắc Hải. Potemkin xây dựng Hạm đội Hắc Hải và hạm đội này đóng vai trò quan trọng giúp Nga chiến thắng Cuộc chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ hai (1768-1774).

Ở Nga, tên của Potemkin thường được gắn với “Những ngôi làng Potemkin” (Potemkin villages), một thuật ngữ được dùng để chỉ các mặt tiền làng mạc được thiết kế đặc biệt để che giấu sự thật xấu xí bên trong và tạo ra vẻ ngoài giả tạo hạnh phúc. Huyền thoại lịch sử của thuật ngữ này liên quan đến việc Potemkin thích phô trương “sự phồn vinh giả tạo”, ví dụ dựng lên các ngôi làng như thật bằng bìa cứng với những con tàu sơn phết và đại bác để gây ấn tượng với Nữ hoàng Catherine Đại đế và những người bạn nước ngoài của bà trong chuyến thăm Crimea sau khi nó sáp nhập vào Nga.

Việc di dời hài cốt của Potemkin một cách vội vã được thực hiện khi các lực lượng Ukraine chuẩn bị tấn công thành phố Kherson, sau một loạt cuộc phản công hiệu quả ở khu vực xung quanh. Nga rút bộ máy hành chính và quân quản chiếm đóng ra khỏi thành phố từ khi có tin Ukraine quyết tâm chiếm lại thành phố thất thủ sớm nhất trong cuộc xâm lược của Nga.

Hanna, giáo viên địa phương nghỉ hưu, nấu ăn trên một bếp tạm trong khu vườn nhà bà sau khi bị phá hủy trong cuộc giao tranh giữa lực lượng chiếm đóng Ukraine và Nga, hôm 30 Tháng Mười 2022 tại Knyazivka, Kherson, Ukraine. (ảnh: Carl Court / Getty Images)

Ngày 28 Tháng Chín, một quan chức giấu tên nói với kênh truyền hình Ukraine: “Tình hình thành phố rất căng thẳng khi Nga triển khai một lượng lớn binh lính ở đó”. Halyna Luhova, thành viên của hội đồng thành phố Kherson, nói: “Những người ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tôi gặp đều nói có nhiều binh sĩ Nga trên đường phố hơn là cư dân địa phương”. Trong bản cập nhật tình báo hàng ngày mới đây, Bộ Quốc phòng Anh nhận định: “Có khả năng quân dự bị mới huy động đã được cử đến để tăng viện cho lực lượng Nga tại thủ phủ Kherson và bờ Tây sông Dnipro”.

Trong hai tuần qua, chính quyền Điện Kremlin dựa vào thông tin từ chính quyền thành phố Kherson đã liên tiếp phát đi những tuyên bố “đáng sợ” về cuộc tấn công sắp xảy ra của Ukraine nhằm chiếm lại thành phố. Nga đưa hàng ngàn cư dân băng qua sông Dnipro vào lãnh thổ do mình nắm giữ. Ukraine cáo buộc Putin cố tình tạo ra “sự hốt hoảng” để buộc người dân Ukraine phải di tản sang lãnh thổ Nga. Nga cũng bắt đầu xoá các dấu vết chiếm đóng Kherson.

Phía Ukraine cho biết quan Nga đang di chuyển những người bị thương, các cơ quan dịch vụ hành chính và tài chính ra khỏi thành phố, đồng thời gửi thêm quân đến củng cố các vị trí phòng thủ. Các bảo tàng và các tổ chức văn hóa khác ở Ukraine phải chật vật cứu các đồ tạo tác và di tích của đất nước kể từ khi Nga xâm lược vào Tháng Hai. Hồi Tháng Năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tố cáo các lực lượng Nga phá hủy hàng trăm địa điểm văn hóa quan trọng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: