Tại sao Trump lại đánh thuế quan ‘ma tuý’?

(Hình minh họa: tima-miroshnichenko/Pexels)

Trong một tuyên bố gần đây trên Truth Social vào ngày 25 Tháng Mười Một, Tổng Thống Đắc Cử Trump công bố kế hoạch áp đặt mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada ngay khi nhậm chức.

Ông tuyên bố: “Vào ngày 20 Tháng Một năm sau, tôi sẽ ký tất cả giấy tờ cần thiết để áp mức thuế 25% với Mexico và Canada, áp dụng với toàn bộ sản phẩm họ xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một phần trong loạt sắc lệnh hành pháp đầu tiên.” Theo ông Trump, mức thuế này sẽ được duy trì cho đến khi Mexico và Canada thắt chặt việc kiểm soát ma túy, đặc biệt là fentanyl, cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn dòng người di cư bất hợp pháp.

Không chỉ nhắm vào Mexico và Canada, Tổng Thống Đắc Cử Mỹ còn tuyên bố áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc do “lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ.” Ông nhấn mạnh rằng mức thuế quan này sẽ không thay đổi cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để. Điều này xuất phát từ cáo buộc của giới chức Mỹ về việc fentanyl nhập lậu chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã đồng ý ngừng xuất khẩu fentanyl vào năm 2019 và hợp tác với Washington để điều tra mức độ gây nghiện cùng các biến thể của nó, nhưng Trung Quốc vẫn bị nghi ngờ tiếp tục xuất khẩu các tiền chất sang Trung Mỹ và các quốc gia như Mexico, nơi các băng đảng có thể sử dụng chúng để sản xuất fentanyl và buôn lậu qua biên giới Mỹ.

Tuy mục đích được tuyên bố của việc áp thuế này là nhằm thúc ép các quốc gia láng giềng và Trung Quốc tăng cường trấn áp nạn buôn bán ma túy vào Mỹ, song nó cũng được xem như một công cụ để ông Trump thực thi chính sách thuế quan cứng rắn của mình đối với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc đang tìm cách lách thuế bằng việc đầu tư vào Mexico và Canada. Bằng việc viện dẫn lý do ngăn chặn ma túy, ông Trump dường như đã hạn chế khả năng phản đối và lên án từ phía Trung Quốc. Bằng việc viện dẫn lý do ngăn chặn ma túy, ông Trump cũng khiến cho Trung Quốc không thể tìm được lý do để phản đối và lên án chính quyền ông Trump.

Liệu vũ khí thuế quan này có thành công?

Liệu “vũ khí thuế quan” này có thực sự hiệu quả? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, bởi chính sách này hiện chưa được áp dụng. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ, Tổng thống Trump đã từng thành công với chiến lược kinh tế này.

Năm 2019, làn sóng di cư bất hợp pháp đã gia tăng ở biên giới phía Nam, bất chấp việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố cắt giảm viện trợ cho El Salvador, Guatemala và Honduras vào tháng 3 sau khi ông Trump bày tỏ sự bất bình về việc các chính phủ này không thể kiểm soát dòng người di cư. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ vào ngày 30/5: “sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa đến từ Mexico, bắt đầu ở mức 5% và sẽ tăng cao hơn nhiều cho đến khi dòng di dân dừng lại, và yêu cầu Mexico đóng biên giới phía nam với Guatemala.”

Động thái này, được xem như một bước leo thang đáng kể trong nỗ lực kiểm soát hàng chục ngàn người xin tị nạn, đã ngay lập tức gây ra sự xáo trộn trên thị trường tài chính. Đồng peso Mexico, chứng khoán tương lai của Mỹ và thị trường chứng khoán châu Á, bao gồm cả cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản xuất khẩu ô tô từ Mexico sang Hoa Kỳ, thời điểm đó đều đồng loạt sụt giảm. Quyết định này, được công bố trên Twitter và sau đó là một tuyên bố chính thức, cũng là một thách thức trực tiếp đối với Tổng thống Mexico đương nhiệm lúc bấy giờ, Andres Manuel Lopez Obrador, đặc biệt khi Mexico đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định thương mại USMCA với Hoa Kỳ và Canada.

Ông Trump khẳng định: “Mức thuế cao hơn sẽ bắt đầu ở mức 5% vào ngày 10/6 và tăng hàng tháng lên tới 25% vào ngày 1/10, trừ khi Mexico có hành động ngay lập tức.” Ông cũng cho biết: “Nếu cuộc khủng hoảng di dân bất hợp pháp giảm xuống nhờ các hành động hiệu quả do Mexico thực hiện, và được Mỹ thẩm định, các mức thuế sẽ được gỡ bỏ”. Phía Mexico, đã coi đây là một mối đe dọa “điên rồ.” Tổng thống Mexico, ông Lopez Obrador, đã đáp trả bằng một bức thư trên Twitter: “Thưa Tổng thống Trump, các vấn đề xã hội không thể giải quyết bằng thuế hoặc các biện pháp cưỡng chế,” đồng thời chỉ trích chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là Mexico đã đồng ý thực hiện “biện pháp mạnh mẽ” để giải quyết vấn đề di cư, bao gồm việc điều động 6,000 quân tới biên giới với Guatemala và mở rộng chương trình “ở lại Mexico”. Mặc dù mức thuế bổ sung cuối cùng không được áp dụng, nhưng chiến lược gây sức ép của ông Trump đã đạt được mục tiêu.

Vì vậy, việc Tổng Thống Trump tái sử dụng “vũ khí thuế quan” trong nhiệm kỳ này, nhằm buộc Trung Quốc, Canada và Mexico tăng cường ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy vào Mỹ, được xem là một động thái đã được tính toán. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư sang Mexico để né tránh thuế quan của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, việc lấy lý do ngăn chặn ma túy – một vấn đề tồn tại đã lâu – có thể được hiểu như một cách thức gián tiếp để gây sức ép lên Trung Quốc mà không tạo cớ cho Bắc Kinh phản đối hay trả đũa.

Kế hoạch né thuế quan qua Mexico của ông trùm BYD của xe hơi điện Trung Quốc

Theo dữ liệu từ Bộ Thương Mại, ô tô là mặt hàng nhập khẩu số một của Hoa Kỳ từ Mexico trong năm 2023, với tổng giá trị lên đến $44,76 tỷ. Xu hướng này được thúc đẩy bởi việc nhiều nhà sản xuất ô tô chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico để tránh thuế quan áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc. Mexico hiện là trung tâm sản xuất ô tô toàn cầu, với sự hiện diện của các ông lớn như General Motors, Ford, Stellantis và nhiều nhà máy khác.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào các linh kiện từ Mexico, vốn rẻ hơn đáng kể so với sản xuất tại Mỹ, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mức thuế 25% mà ông Trump đề xuất. Điều này được phản ánh qua sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô Mỹ vào thứ ngày 26 tháng Mười Một, với General Motors giảm tới 9%. Đáng chú ý, phụ tùng ô tô cũng là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai từ Mexico vào năm ngoái.

Giữa lúc này, khoản đầu tư tiềm năng từ BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, đang đặt Mexico vào tình thế khó xử. Mặc dù luôn chào đón đầu tư nước ngoài để tạo việc làm, nhưng các quan chức Mexico lo ngại rằng một nhà máy BYD có thể bị ông Trump hiểu là Mexico đang tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ, theo Wall Street Journal. “Tại thời điểm này, các khoản đầu tư từ Trung Quốc phải được phân tích hết sức thận trọng,” ông Eduardo Solís, cựu chủ tịch của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Mexico, nhận định. Ông Solís cũng nhấn mạnh rằng Mexico cần thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực Bắc Mỹ.

Về phía BYD, công ty này đã từng trì hoãn đầu tư vào Mexico để chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ. BYD đặt mục tiêu đầy tham vọng là bán 100,000 xe điện tại Mexico vào năm 2025, bất chấp những thách thức thuế quan tiềm năng. Họ dự kiến sẽ công bố vị trí nhà máy đầu tiên tại Mexico vào cuối năm nay, với công suất ban đầu là 150,000 xe.

Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro từ “vũ khí thuế quan”

Có thể thấy, chiến lược “vũ khí thuế quan” lần này của ông Trump giống như “một mũi tên nhắm hai đích,” vừa nhằm thúc ép siết chặt nạn buôn lậu ma túy vào Mỹ, vừa gián tiếp áp đặt thuế quan lên Trung Quốc mà không vấp phải sự phản kháng trực tiếp từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, lợi ích tiềm năng này cũng đi kèm với những rủi ro đáng kể.

Vòng thuế quan mới mà ông Trump sắp áp dụng diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada.

Theo dữ liệu của Bộ Thương Mại, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn cung hàng hóa hàng đầu cho Hoa Kỳ vào năm ngoái. Trung Quốc hiện đứng thứ hai, theo sát là Canada. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với chỉ hai năm trước, khi Trung Quốc dẫn đầu với khoảng cách khá xa so với Canada và Mexico. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ khó lòng tránh khỏi tác động của vòng thuế quan mới do ông Trump đề xuất. Các doanh nghiệp đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao gần như chắc chắn sẽ chuyển gánh nặng này sang người tiêu dùng cuối cùng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: