Tổng thống Putin trở thành tội phạm chiến tranh, bị truy nã ở 123 nước

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một buổi họp báo thường niên được tổ chức ở Moscow ngày 23 Tháng Mười Hai 2016 (ảnh: Nikita Shvetsov/Anadolu Agency/Getty Images)

Ngày 17 Tháng Ba 2023, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin và một đồng phạm dưới quyền vì các tội trạng liên quan đến việc bắt cóc trẻ em Ukraine. Tòa ICC cáo buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm với danh nghĩa tội phạm chiến tranh. Điều này đã đưa Nga vào một tình thế của một quốc gia bị cô lập, đồng thời dự báo những cuộc khủng hoảng thế giới sắp tới đây.

Hội đồng thẩm phán từ ICC đã khẳng định rằng họ có đủ chứng cứ để tin rằng Putin và ủy viên quyền trẻ em của ông ta là Maria Alekseyevna Lvova-Belova, phải chịu trách nhiệm về việc mang trẻ em Ukraine ra khỏi quốc gia và cha mẹ của chúng một cách bất hợp pháp.

Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi khi Tòa án hình sự quốc tế ban hành truy nã đối với một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, đưa Putin vào chung danh sách với nhà lãnh đạo bị kết tội là diệt chủng hoặc tội phạm chiến tranh như Muammar Gaddafi (Libya) và Tổng thống Omar al-Bashir (Sudan).

Gaddafi bị lật đổ và bị giết vài tháng sau khi lệnh truy nã toàn cầu được công bố. Còn Bashir cũng bị lật đổ và hiện đang ngồi tù ở Sudan, mặc dù ông vẫn chưa được chuyển đến Tòa Quốc tế ở The Hague. Theo nhận định của những nhà quan sát thì Putin có khả năng né tránh qua việc Nga không công nhận thẩm quyền của tòa án. Đồng thời người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga lập tức khẳng định rằng Nga không bị ảnh hưởng bởi các lệnh bắt giữ bên ngoài. Tuy vậy, Tổng thống Putin sẽ phải đối mặt với các giới hạn về quyền tự do đi lại tới 123 quốc gia thành viên của ICC, điều này khiến Putin bị cô lập và rắc rối về mặt ngoại giao nhiều hơn.

Hội đồng thẩm phán ICC nói đã cân nhắc nhiều về việc có nên bạch hóa tên người bị truy nã hay không, nhưng quyết định cuối cùng cho rằng việc công khai sẽ “góp phần ngăn chặn việc phạm thêm tội ác” của những kẻ liên quan. Hơn nữa, việc công bố vào giai đoạn chiến tranh Nga – Ukraine đang dâng cao, sẽ là một cảnh báo khác với phía xâm lược. Lệnh truy nã gửi một tín hiệu tới các quan chức cấp cao của Nga – quân sự và dân sự – những người có thể sẽ bị truy tố ngay bây giờ hoặc trong tương lai, hoặc hạn chế việc xuất ngoại của họ, bao gồm cả việc tham dự các diễn đàn quốc tế, nếu tiếp tục can dự vào các tội ác.

Các cáo buộc đối với Putin

Các báo cáo lần đầu tiên xuất hiện vào mùa xuân năm ngoái 2022, rằng trẻ em Ukraine trong lãnh thổ bị chiếm đóng đã được đưa đến Nga và thậm chí còn được các gia đình Nga nhận làm con nuôi. Nga đã trình bày hành động của mình như một sứ mệnh nhân đạo để cứu trẻ em Ukraine khỏi chiến tranh. Nhưng Ukraine đã cáo buộc Nga hành động như một âm mưu diệt chủng, và mô tả hành động của họ là tội ác chiến tranh.

Những người bị cáo buộc bắt cóc bao gồm trẻ em bị bắt từ các cơ quan nhà nước Ukraine ở các khu vực bị chiếm đóng, trẻ em có cha mẹ gửi chúng đến “trại hè” do Nga điều hành mà từ đó chúng không bao giờ quay trở lại, trẻ em có cha mẹ bị chính quyền chiếm đóng Nga bắt giữ và trẻ em bị bắt cóc. mồ côi vì chiến tranh.

Phần lớn trẻ em Ukraine bị Nga bắt đến từ các khu vực bị chiếm đóng ở miền Nam và miền Đông Ukraine: vùng Kherson, vùng Kharkiv, vùng Zaporizhzhia, vùng Donetsk và Luhansk, cũng như một khu vực nhỏ của vùng Mykolaiv.

Nga đã thừa nhận giữ ít nhất 1,400 trẻ em Ukraine mà họ mô tả là trẻ mồ côi, mặc dù họ cho biết ít nhất 2,000 em đã đến Nga mà không có người đi cùng. Ngoài ra, hàng trăm trẻ em từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vẫn ở lại Nga sau khi chúng tham gia các trại “học tập cải tạo” với sự “đồng ý” của cha mẹ, nhưng sau đó không có đưa trẻ nào được trả lại.

Kể từ cuộc xâm lược, ít nhất 400 trẻ mồ côi Ukraine đã được gửi nuôi ở các gia đình Nga, theo Trung tâm Nhân quyền Khu vực Ukraine, cơ quan đã tính toán con số từ các tuyên bố của nhà nước Nga. Nga cho biết thêm 1.000 trẻ đang chờ được nhận nuôi.

Lvova-Belova, ủy viên hội đồng trẻ em Nga, cũng nói bà đã “nhận nuôi” một đứa trẻ 15 tuổi từ Mariupol, thành phố phía Đông Nam Ukraine đã bị lực lượng Nga tàn phá và chiếm đóng, và coi đó là hành động cứu giúp nhân đạo. Nhưng hồi tháng Chín 2022, bà Lvova-Belova cũng sơ hở để lộ rằng một số trẻ em bị đưa ra khỏi thành phố Mariupol “đã nói xấu [Tổng thống Nga], nói những điều tồi tệ và hát quốc ca Ukraine”.

Nhiều trẻ em Ukraine bị đưa đi, vẫn có người thân còn sống, những người thường xuyên tìm kiếm chúng trong tuyệt vọng. Khoảng 90% trẻ em Ukraine đang sống trong sự chăm sóc của chính quyền chiếm đóng “trẻ mồ côi xã hội”, và được giải nghĩa là những đứa trẻ này có người thân, nhưng những thành viên trong gia đình đó không thể chăm sóc chúng.

Các thông báo của nhà nước Nga về những đứa trẻ mồ côi không nêu rõ tên các trẻ nhỏ bị đưa đi, và giấu kín mọi chi tiết về việc các em đến từ đâu hoặc đang sống ở đâu tại Nga, điều này gây khó khăn cho chính quyền Ukraine và quốc tế trong việc xác định danh tính và theo dõi các hoạt động của các em.

Trong một số trường hợp, người thân đã nhận dạng được con em của mình, khi thấy tin tức video do truyền thông Nga đăng tải, và đã lên tiếng kêu gọi để các em được trở về. Các trường hợp cũng đã được ghi nhận nhiều trẻ em bị tách khỏi cha mẹ tại các trại thanh lọc của Nga.

Công tố viên ICC Karim Khan trong một tuyên bố, nói: “Trẻ em không thể bị coi là chiến lợi phẩm, chúng không thể bị mang đi như vậy. Tội ác này không cần phải là luật sư mới nhìn thấy, mà chỉ cần là con người, cũng đủ hình dùng nó nghiêm trọng như thế nào”.

Người phát ngôn của Nga, ông Dmitry Peskov phản ứng, nói bất kỳ quyết định nào của tòa án là “vô hiệu” và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cười nhạo, so sánh lệnh truy nã này với loại “giấy vệ sinh”. Còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông rất biết ơn ông Khan và tòa án hình sự ICC với tuyên bố “tội ác nhà nước” của Putin.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói khi được BBC phỏng vấn nhanh, sau tin tức được loan ra “Tốt, tôi nghĩ điều đó hợp lý. Ông Putin rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh”, ông nói. Cả Hoa Kỳ và Nga đều chưa ký bất kỳ thỏa thuận nào với Tòa hình sự quốc tế ICC nên nhiều người xem đây là tin tức mang tính biểu trưng. Nhưng Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin cho biết quyết định này là cột mốc “lịch sử đối với Ukraine”, trong khi chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, nói rằng quyết định này là “mới chỉ là sự khởi đầu”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: