Trận động đất 7.8 độ richter chôn vùi hàng ngàn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra lúc 4 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) ngày 6 Tháng Hai, và có tâm chấn là quận Pazarcik ở tỉnh Kahramanmaras phía nam Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Ercin Erturk/Anadolu/Getty Images

Sky News đưa tin, trận động đất 7.8 độ richter xảy ra vào sáng sớm ngày 6 Tháng Hai với tâm chấn nằm ở thị trấn Pazarcik thuộc tỉnh Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ.

Khoảng 10 phút sau xuất hiện dư chấn mạnh 6.7 độ richter nữa khiến thiệt hại chồng chất thêm. Đây là một trong những trận động mạnh nhất xảy ra tại khu vực trong ít nhất một thế kỷ qua.

Trận động đất còn làm rung chuyển các quốc gia có đường biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ như Syria, Cyprus, Lebanon, trong đó Syria hứng chịu hậu quả đặc biệt nặng nề hơn.

Sự tàn phá kinh hoàng xảy ra trên diện rộng khắp vùng biên gới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Do trận động đất xảy ra lúc người dân đang ngủ say nên số người bị chôn vùi khi các tòa nhà đổ sập rất cao.

Thống đốc Hulusi Sahin cho biết ít nhất 130 tòa nhà đã đổ sập ở tỉnh Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi giáp với tâm chấn.

Tại thành phố Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 15 tòa nhà đã bị sập và các đội cứu hộ đã phải kêu gọi dân chúng đừng than khóc để họ có thể nghe tiếng những người sống sót trong tòa nhà 11 tầng bị lật đổ.

Hulya Irem Ister, 17 tuổi, được các nhân viên giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh 7.8 độ richter xảy ra lúc 4 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) ngày 6 Tháng Hai, tại Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Emin Sansar/Anadolu/Getty Images

Ở Tây Bắc Syria, Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria của phe đối lập mô tả tình hình trong khu vực do phiến quân nắm giữ là “thảm họa”, nói rằng toàn bộ tòa nhà đã sụp đổ và mọi người bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Theo các chuyên gia y tế, những giờ tới sẽ rất quan trọng khi các nhân viên cứu hộ chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót. Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đã có nhiều nước nhanh chóng cam kết giúp đỡ.

Tình hình ở miền Bắc Syria đặc biệt đáng lo ngại. Khu vực này đã trải qua 12 năm nội chiến khiến nhiều tòa nhà bị hư hại và suy yếu, đồng thời có hàng trăm nghìn người tị nạn phải di dời do giao tranh. Bản thân việc viện trợ cho khu vực tranh chấp này của Syria sẽ là một thách thức đối với cộng đồng quốc tế.

Theo thống kê sơ khởi, đã có gần 3,000 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương cần giúp đỡ. Đã có ít nhất 120 dư chấn được ghi nhận, và có những dư chấn tiếp tục gây ra sự tàn phá kinh hoàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Người đàn ông mô tả khoảnh khắc động đất xảy ra

Mohammed Hamza là nhân viên chương trình Cứu trợ Hồi giáo, ngụ ở thành phố Idlib của Syria khi trận động đất mạnh 7.8 độ xảy ra vào đầu giờ sáng thứ Hai.

Ông Hamza cho biết ông thức dậy vào lúc 4 giờ sáng khi tòa nhà nơi gia đình ông ở bắt đầu rung lắc. “Nó cứ đung đưa qua phải, rồi qua trái, phải, trái, phải, trái… với cường độ ngày càng mạnh”, ông kể tiếp:

“Tôi ngay lập tức đi đến phòng của các con tôi và dừng lại trước mặt chúng. Tôi không thể làm gì vì trận động đất rất, rất mạnh. Tôi dừng lại trước những đứa con đang ngủ của mình và tôi đang chờ cái chết của chúng tôi, tất cả chúng tôi”.

Một phụ nữ khóc bên toàn nhà bị đổ sập sau trận động đất mạnh 7.8 độ richter xảy ra lúc 4 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) ngày 6 Tháng Hai, tại Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Ercin Erturk/Anadolu/Getty Images

Ông nói đợt đầu tiên của trận động đất dài khoảng 40 giây, nhưng với ông nó “giống như kéo dài nhiều năm”.

Khi tòa nhà thôi rung lắc, ông mau chóng đưa vợ con rời khỏi tòa nhà cùng với các gia đình khác. Ông kể:

“Tôi thấy hàng trăm, hàng nghìn người trên đường phố. Mọi người đều la hét. Nhiều người trong số họ đã mất con cái, bạn đời – vợ và chồng của họ. Mọi người đang la hét và cố gắng tìm một nơi an toàn”.

Ông Hamza cho biết ông đã đưa gia đình đến một “nơi an toàn hơn” ở vùng nông thôn phía Tây Aleppo. Tuy nhiên, khi đến đây ông mới thấy hàng chục tòa nhà trong ngôi làng này cũng bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều người đang đào bới để cố cứu hàng trăm người đang nằm dưới đống đổ nát.

Một người đàn ông có gia đình vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà chung cư đổ sập ở thành phố Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người đang chờ đợi tin tức vẫn còn hy vọng.

Trong khi đó, ông Ahmet Budak, người Thổ Nhĩ Kỳ, không may mắn như ông Hamza. Thành phố Diyarbakir nơi ông ở, dù cách tâm chấn khoảng 168 dặm nhưng cũng có ít nhất 20 tòa nhà đổ sập xuống đất khi trận động đất mạnh xé toạc Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Ông Budak cho biết cháu trai của ông vẫn nằm dưới đống đổ nát, cùng với vợ và các con. Ông nói:

“Chúng tôi đang đào bới nhưng chưa thể tiếp cận khoảng 30 người đang bị chôn vùi nơi đây. Chúng tôi đang chờ đợi với hy vọng Chúa sẽ cho chúng tôi một tin tốt lành.”

Nhân viên cứu hộ và dân thường tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trong đống đổ nát của một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh 7.8 độ Richter tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. – Ảnh: Anas Alkharboutli/dpa/Getty Images

Thế giới đang chung tay giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Ngay sau khi trận động đất xảy ra, nhiều quốc gia nhanh chóng gửi viện trợ, nhân sự và thiết bị để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ tại các khu vực bị động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày ngày 6 Tháng Hai.

Vương quốc Anh đang gửi 76 chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ, đội y tế khẩn cấp cùng với thiết bị và chó, tới Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đang tìm cách hỗ trợ các nạn nhân ở Syria.

Hoa Kỳ đang gửi hai đội tìm kiếm và cứu nạn gồm 79 người để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.

EU đã huy động các đội tìm kiếm và cứu nạn để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất 13 quốc gia thành viên đã đề nghị hỗ trợ. EU cho biết họ cũng sẵn sàng giúp đỡ Syria thông qua các chương trình hỗ trợ nhân đạo

Các đội cứu hộ Nga từ Bộ tình trạng khẩn cấp đang chuẩn bị bay tới Syria, nơi quân đội Nga được triển khai tại quốc gia đó đã gửi 10 đơn vị gồm 300 người để giúp dọn dẹp các mảnh vỡ và tìm kiếm những người sống sót.

Israel đang phái các đội đến Thổ Nhĩ Kỳ. Israel và Syria không có quan hệ ngoại giao và hai nước đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh

Đức đang chuẩn bị cung cấp máy phát điện khẩn cấp, lều, chăn, và chuẩn bị dựng lều trại tỵ nạn với thiết bị xử lý nước.

Hy Lạp đang gửi cho Thổ Nhĩ Kỳ một đội gồm 21 nhân viên cứu hộ, hai chú chó cứu hộ và một phương tiện cứu hộ đặc biệt, cùng với một kỹ sư kết cấu, năm bác sĩ và chuyên gia lập kế hoạch địa chấn trong một máy bay vận tải quân sự.

Nhật Bản đang gửi một nhóm khoảng 75 nhân viên cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Tây Ban Nha đang chuẩn bị gửi hai đội Tìm kiếm và Cứu nạn Đô thị tới Thổ Nhĩ Kỳ với 85 nhân viên và một đội lính cứu hỏa tình nguyện.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự của Ý đã đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Một đội chữa cháy đang chuẩn bị rời khỏi Pisa.

Pháp đang cử đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: