Trung Quốc dọa “trả đũa quân sự” với Nhật Bản

Lữ đoàn Nhảy dù số 1 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tập trận hôm 8 tháng Giêng 2023 gần Tokyo, có sự tham dự của các chỉ huy binh chủng Dù của các nước Mỹ, Anh và Úc. Nhật Bản đang gia tăng sức mạnh quốc phòng trước thách thức từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ảnh David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images.

Trung Quốc hôm thứ Năm bắn tín hiệu về một kế hoạch trả đũa quân sự đối với các sáng kiến ​​an ninh mới giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, cảnh báo rằng sự gia tăng hợp tác giữa hai đồng minh sẽ tạo ra các mối đe dọa mới cho chính họ.

Theo tường thuật của US News & World Report, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) bằng tiếng Anh của Trung Quốc trích lời một nhà phân tích quân sự nước này nói rằng nếu Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh chi tiêu quân sự và phối hợp các tư thế an ninh với Mỹ – đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan – thì quân đội Trung Quốc “chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp đối phó, bao gồm tổ chức nhiều cuộc tập trận và tuần tra trong vùng biển và không phận quốc tế xung quanh Nhật Bản.”

Một nhà phân tích khác nhận xét quan hệ đối tác mới giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đang “thực sự đặt Nhật Bản vào một vị trí rủi ro hơn và hy sinh nhiều hơn” trong khu vực.

Global Times không phải là cơ quan ngôn luận chính của đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng các nhà phân tích tin rằng tờ báo này thường công bố những điều mà các quan chức ở Bắc Kinh suy nghĩ nhưng không thể nói công khai.

Các mối đe dọa mới, các lời cảnh cáo được các quan chức quân đội Trung Quốc đưa ra nhiều hơn sau khi Mỹ và Nhật Bản công bố một sáng kiến mới nhằm chuẩn bị tốt hơn cho việc đương đầu với Bắc Kinh về mặt quân sự trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực nhằm chiếm quyền kiểm soát Đài Loan, một quốc gia độc lập mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.

“Hội nghị 2+2”, gồm các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Hoa Kỳ đã bắt đầu từ hôm qua thứ Tư 11 tháng Giêng 2023 tại thủ đô Washington, D.C. ngay trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tới Tòa Bạch ốc vào thứ Sáu. Hội nghị đã ca ngợi quyết định của Nhật Bản bắt đầu đầu tư vào quân đội như các quốc gia phát triển cao khác, cũng như chuẩn bị đối phó với những thách thức ngày càng hiếu chiến do các cường quốc khu vực đưa ra.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida họp báo hôm 16 tháng Mười Hai công bố chiến lược an ninh
quốc gia mới của Nhật, kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và mua sắm vũ khí. Ảnh David Mareuil/Anadolu Agency via Getty Images

Như tin đã đưa, chính phủ Nhật Bản vào giữa tháng Mười Hai năm ngoái đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, xây dựng khả năng tấn công phủ đầu và mở rộng kho hỏa tiễn hành trình để chủ động ứng phó với các mối đe dọa từ láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên.

Tại cuộc họp báo của hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã thông báo kế hoạch của Hoa Kỳ cơ cấu lại Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 12 hiện đang đóng tại đảo Okinawa của Nhật để làm cho nó có tính  “sát thương hơn, nhanh nhẹn hơn, có năng lực hơn” trong những năm tới. Hoa Kỳ cũng phối trí lại lực lượng đồn trú tại Nhật Bản, đưa các đơn vị tới đóng tại các hòn đảo gần Đài Loan hơn để phản ứng nhanh hơn khi có tình huống bất trắc tại đó.

 

Trong cuộc họp báo hàng ngày vào sáng nay thứ Năm 12 tháng Giêng 2023, Vương Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cảnh báo rằng bất kỳ hình thức hợp tác mới nào giữa hai cường quốc Hoa Kỳ-Nhật Bản đều không được làm tổn hại đến lợi ích của một quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc sự ổn định, hòa bình hiện tại của khu vực.

Thực ra các nhà phân tích đã biết trước rằng Bắc Kinh sẽ nổi giận và phản đối mạnh sáng kiến an ninh mới của Washington và Tokyo. Trong một báo cáo phân tích mới công bố hôm thứ Tư 11/1/2023, hãng tình báo tư nhân RANE nhận định: “Bất kỳ sự gia tăng sức mạnh quân sự nào của Nhật Bản cũng sẽ gây lo ngại cho các nước láng giềng vì nó thay đổi căn bản hiện trạng an ninh trong khu vực, trong đó Trung Quốc và Triều Tiên là những bên khó chịu nhất”.

Tuy nhiên, RANE cho rằng Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu trả đũa về mặt kinh tế, bằng cách đóng cửa thị trường lớn của Trung Quốc với các sản phẩm của Nhật Bản.

Báo cáo của RANE lưu ý rằng Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đã chính thức từ bỏ quyền tuyên chiến. “Bằng việc tăng ngân sách quốc phòng và năng lực quân sự, Nhật Bản không nhất thiết phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh sắp xảy ra, mà là bảo đảm họ có thể chủ động hơn trong việc thực thi chủ quyền lãnh thổ trên biển của nước mình trước các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, giống như mọi quốc gia có chủ quyền bình thường khác mà không cần đợi Hoa Kỳ bật đèn xanh cho hành động của họ,” báo cáo viết. 

“Cho đến gần đây, Trung Quốc và Triều Tiên không phải là mối đe dọa chủ quyền của Nhật Bản vì Trung Quốc chưa đủ phát triển và Triều Tiên chỉ lo ngại xung đột với Hàn Quốc. Giới lãnh đạo hiện tại của Nhật Bản có thể sử dụng các mối đe dọa mới và ngày càng tăng từ Triều Tiên và khả năng Nhật bị kéo vào một cuộc xung đột ở Đài Loan để biện minh cho việc tăng chi tiêu quốc phòng, dù những mối đe dọa đó không tồn tại trước đây,” báo cáo của RANE nhận định.

Nói cách khác, chính việc gia tăng sức mạnh quân sự và chính sách hiếu chiến của Trung Quốc và Triều Tiên là đòn bẩy thúc đẩy sự mở rộng hợp tác an ninh Hoa Kỳ với Nhật Bản chứ không phải là ngược lại như cảnh báo của Trung Quốc.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: