Trung Quốc: Ông Tập lùi một bước?

CÂU CHUYỆN THỨ NĂM
Share:
Sau nhiều lần phải đóng cửa, có khi bị phong tỏa cả tháng, công viên Disney Land Thượng Hải đã mở cửa trở lại hôm thứ Năm 8 tháng Mười Hai 2022 và thu hút một lượng khách khổng lồ. Ảnh VCG/VCG via Getty Images.
Thời Sự
Thời Sự
Trung Quốc: Ông Tập lùi một bước?
Loading
/

Cuối cùng thì Trung Quốc đã phải nới lỏng các biện pháp chống COVID khắc nghiệt và không giống ai, nhưng không hẳn vì Bắc Kinh nhân nhượng sức ép của người dân sau các vụ biểu tình hoặc sự suy yếu của nền kinh tế. 

Như tin đã đưa, từ thứ Hai 5 tháng Mười Hai, thủ đô Bắc Kinh và ít nhất 16 thành phố khác của Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID, giải tán các điểm xét nghiệm và không yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ để lên xe bus, xe điện, vào công viên, phi trường hoặc đến những nơi công cộng. Sang thứ Tư 7 tháng Mười Hai, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố chính sách mới, theo đó người bị nhiễm COVID và có triệu chứng nhẹ được cách ly ở nhà thay vì bị bắt vào những điểm cách ly tập trung đông đúc và mất vệ sinh, không cần phải xét nghiệm thường xuyên và việc phong tỏa chỉ áp dụng ở từng khu nhà có người nhiễm bệnh thay vì bao vây toàn khu phố hay cả thành phố.

***

Một số nhà quan sát đã nhanh chóng cho rằng, Trung Quốc đã “xoay trục”, đã ngầm nhượng bộ nỗi bất mãn của dân chúng thể hiện trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố vào cuối tháng Mười Một, thậm chí đặt ra thách thức lớn nhất đối với đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) cầm quyền trong nhiều thập niên. Nhưng hãy còn quá sớm để nhận định một cách lạc quan như vậy; đảng CSTQ và ông Tập vẫn còn nhiều đòn hiểm để buộc những người biểu tình phải trả giá mà không thật sự nhượng bộ.

KUNMING, CHINA – DECEMBER 08: Travellers walk out of Kunming Railway Station as Kunming no longer requires people who return to this city to show their negative nucleic acid testing results and health codes on December 8, 2022 in Kunming, Yunnan Province of China. (Photo by Liu Ranyang/China News Service/VCG via Getty Images)

Trong ba năm qua, ông Tập đã đặt uy tín chính trị của mình vào chiến lược “không COVID” (zero-COVID) – sử dụng các biện pháp truy vết, xét nghiệm đại trà, cách ly và phong tỏa để dập tắt mầm mống của Coronavirus ngay từ lúc khởi phát. Thời gian đầu, chính sách khắc nghiệt đó đã mang lại cho Trung Quốc những thành quả đáng phấn khởi: Số người chết và số ca nhiễm ở Trung Quốc thấp một cách đáng kinh ngạc so với các nước có nền y tế hùng mạnh như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, nếu tin vào số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc. Từ thành quả đó, ông Tập biến zero-COVID thành một đặc điểm ý thức hệ, chứng minh tính ưu việt của chế độ độc tài kiểm soát tập trung từ trên xuống dưới so với chế độ dân chủ tự do có vẻ hỗn loạn và bất lực. Ông tuyên bố phát động một “cuộc chiến tranh nhân dân” chống coronavirus trên toàn quốc và huy động cả quân đội vào cuộc nghiên cứu vaccine, lập những bệnh viện dã chiến khổng lồ.

Nhưng gần đây, khi cả thế giới đã mở cửa, sống chung với đại dịch và khôi phục nếp sinh hoạt bình thường thì Trung Quốc trở thành một kẻ lập dị. Giải bóng đá World Cup đang diễn ra và được truyền hình tới toàn thế giới làm cho hàng triệu người Trung Quốc nổi giận khi nhận ra tình cảnh bị cô lập đáng thương của họ. Và họ đã xuống đường, đòi hủy bỏ các biện pháp phong tỏa, đòi ông Tập từ chức.

Bây giờ thì đảng CSTQ dường như đang cố “sửa sai” nhưng vẫn phải giữ thể diện cho ông Tập. Đảng cho phép nới lỏng một số biện pháp phòng dịch nhưng không tuyên bố bãi bỏ chiến lược “zero-COVID” và không thừa nhận họ phải thay đổi vì sự phản đối lan rộng và tình trạng ảm đạm của nền kinh tế. Báo chí nhà nước của Trung Quốc hôm thứ Tư mô tả sự nới lỏng này chỉ là một bước đi có kế hoạch, trong chuỗi các chính sách khôn ngoan của đảng CSTQ sau khi chiến lược zero-COVID đã chiến thắng trước con virus mà hiện đã suy yếu.

Ông Willy Lam, một nhà phân tích lâu năm về chính trị Trung Quốc ở Hồng Kông, là thành viên cấp cao của Quỹ Jamestown, nhận xét các phương tiện truyền thông nhanh chóng cho thấy đảng CSTQ đã sử dụng guồng máy tuyên truyền khổng lồ để che đậy những sai lầm chính sách như thế nào và vẫn khẳng định chính sách zero-COVID của ông Tập là đúng.

Những người biểu tình có thể hài lòng với sự thay đổi nhỏ giọt như vậy. Nhưng các nguồn tin nội bộ cho biết, ông Tập có thể đang lùi một bước để tiến hai bước, như sách lược từng được lãnh tụ cộng sản Vladimir I. Lenin đưa ra một trăm năm về trước. Nhờ hệ thống camera giám sát dày đặc cùng với mạng lưới mật báo rộng khắp, an ninh Trung Quốc dễ dàng xác định những người khởi xướng và dẫn đầu các cuộc biểu tình. Chờ một thời gian cho dư luận lắng xuống, công an Trung Quốc sẽ lặng lẽ ra tay, “bắt nguội” những người biểu tình và trừng trị họ vì đã dám thách thức quyền cai trị của đảng.

***

Nhưng có một vấn đề khác mà đảng CSTQ phải đối phó. Việc nới lỏng phong tỏa, ngừng xét nghiệm đại trà và mở lại các hoạt động kinh tế, giáo dục, du lịch có thể sẽ làm cho làn sóng lây nhiễm gia tăng.

Một số nhà phân tích và chuyên gia y tế cho rằng, tự mãn với thành quả chống dịch và ỷ lại chiến dịch zero-COVID, Trung Quốc đã không chuẩn bị cho những vụ bùng phát dịch sắp tới, dự tính sẽ rất trầm trọng vì tỷ lệ tiêm chủng rất thấp trong các nhóm dân chúng có nguy cơ nhiễm bệnh và hệ thống y tế yếu kém.

Phùng Tử Kiến (Feng Zijian), một cựu quan chức của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (China CDC) nói với nhật báo Thanh niên Trung Quốc rằng có thể 60% dân chúng Hoa Lục sẽ bị nhiễm bệnh trong làn sóng truyền nhiễm đầu tiên trước khi tình hình được ổn định. “Cuối cùng, sẽ có khoảng 80%-90% dân số bị nhiễm virus,” ông Phùng nói. Báo Tuần Tin Tức Trung Quốc hôm thứ Năm dẫn lời các chuyên gia y tế khác dự báo đất nước sẽ đối mặt với cuộc bùng phát mạnh trong khoảng một hoặc hai tháng tới. Số tử vong vì coronavirus ở Trung Quốc, theo báo cáo của chính phủ, chỉ là 5.235 trong tổng dân số 1,4 tỷ người, nhưng theo vài chuyên gia, số tử vong sẽ lên tới 1,5 triệu người nếu Trung Quốc mở cửa vội vã.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ Bắc Kinh đang phải thúc đẩy nhanh việc tiêm chủng, vốn đã bị bỏ quên trong những tháng gần đây. Các chuyên gia y tế và nhà kinh tế cảnh báo phải đến giữa năm 2023 và có thể là năm 2024 Trung Quốc mới đạt được tỷ lệ tiêm chủng đủ cao và các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng để xử lý một đợt truyền nhiễm COVID lớn có thể xảy ra. 

Học sinh ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu đã đi học bình thường trở lại và đang xem một buổi biểu diễn nghệ thuật hôm thứ Năm 8 tháng Mười Hai 2022. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Đặng Vũ Văn (Deng Yuwen), cựu biên tập viên tạp chí Học Tập của đảng CSTQ, hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nhận xét: “Bây giờ, Tập Cận Bình đã hiểu rằng không thể kiểm soát được loại virus này, và nếu không thể kiểm soát được nó thì sớm muộn gì cũng phải mở cửa. Điều căn bản nhất là nền kinh tế không thể trụ vững lâu hơn nữa. Nếu họ cố gắng thắt chặt một lần nữa, những người bình thường sẽ thực sự nổi giận.”

Những cuộc biểu tình cuối tuần qua cho thấy chiến lược “không Covid” đã làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với đảng CSTQ một cách quyết liệt như thế nào. Nó cũng là ví dụ rõ ràng nhất về phản ứng của người dân trước sự độc đoán thái quá của ông Tập Cận Bình, đòi phải thay đổi.

Dù sao, việc “xoay trục” nửa vời của Bắc Kinh trong chính sách phòng chống COVID cũng là một tin vui cho người dân và doanh nghiệp nước này: Thị trường chứng khoán và tỷ giá đồng tiền Trung Quốc tăng trở lại. 

Cuộc “xoay trục” nửa vời cũng chứng tỏ quan điểm của ông Tập Cận Bình rằng chế độ độc đảng toàn trị của ông ưu việt hơn thể chế dân chủ là một niềm hoang tưởng và người dân Trung Quốc đang đòi hỏi đảng CSTQ phải thay đổi. Trước đây người dân Trung Quốc chấp nhận đánh mất tự do để đổi lấy một cuộc sống bình an và thịnh vượng, nhưng sự độc đoán thái quá của đảng CSTQ và Tập Cận Bình khiến cho người ta phải suy nghĩ lại về sự đánh đổi đó.

Nếu Trung Quốc cần một sự “xoay trục” thật sự, một sự thay đổi thật sự thì đó phải là sự thay đổi về thể chế chính trị chứ không chỉ dừng lại ở thay đổi chính sách zero-COVID.  

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: