Hoạt động xây dựng vẫn tiếp tục tại một địa điểm bị nghi ngờ là cơ sở quân sự của Trung Quốc (TQ) ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cho thấy một đồng minh lâu đời của Mỹ đang tiến gần đến Bắc Kinh thế nào (theo các tài liệu tình báo tuyệt mật và các cuộc phỏng vấn với hai quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Tổng thống Biden mà tờ The Washington Post có được).
“Dự án 141”
Các cơ quan gián điệp của Mỹ đã phát hiện hoạt động xây dựng tại một địa điểm bị nghi là của TQ ở UAE vẫn tiếp tục vào Tháng Mười Hai, một năm sau khi đồng minh giàu dầu mỏ của Mỹ tuyên bố tạm dừng dự án vì Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng cơ sở này cho mục đích quân sự. Hoạt động xây dựng tại một cảng gần Abu Dhabi chỉ là một trong số những diễn biến ở UAE liên quan đến quân đội TQ mà tình báo Mỹ đang theo dõi vì lo ngại UAE, một đối tác an ninh lâu năm của Mỹ đã phát triển quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với TQ bất chấp lợi ích của đồng minh.
Việc nhìn thấy lính TQ xung quanh địa điểm xây dựng khiến các quan chức Mỹ không thể bỏ qua. Một trong những tài liệu có bản đồ đánh dấu các cơ sở quân sự đã được lên kế hoạch của TQ ở Trung Đông, Đông Nam Á và châu Phi cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh tại UAE chỉ là một phần trong chiến dịch đầy tham vọng của Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA): Xây dựng mạng lưới quân sự toàn cầu gồm ít nhất năm căn cứ ở nước ngoài và 10 điểm cung cấp hậu cần vào năm 2030, The Washington Post cho biết.
PLA gọi sáng kiến này là “Dự án 141” (Project 141). Các tiết lộ mới (gồm cả chi tiết về chương trình giám sát trên không của Bắc Kinh và kế hoạch phát triển máy bay không người lái siêu thanh) diễn ra vào thời điểm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và TQ khi cả hai nước đều tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên toàn cầu. Nhưng có sự khác biệt về mức độ lo ngại hoạt động của TQ tại UAE trong các quan chức Mỹ. Một số tin vẫn ở mức kiểm soát được, số khác nhìn thấy mối đe dọa tiềm tàng không thể xem thường. Cững có sự thiếu sự đồng thuận về việc liệu UAE đã có chiến lược liên kết sâu sắc với TQ hay chỉ muốn bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ, người bảo vệ lâu năm của quốc gia này.
Những tiết lộ mới trùng hợp với kế hoạch của TQ nhằm mở rộng vai trò “một bên tham gia toàn cầu” mà những thể hiện gần đây là làm trung gian nối lại quan hệ giữa hai kẻ thù không đội trời chung Saudi Arabia, Iran và đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine (Chủ tịch Tập Cận Bình mới có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelinsky sau khi đến Moscow gặp Putin trước đó nhiều ngày).
Bắt cá hai tay
Các quan chức Mỹ không muốn có một căn cứ quân sự của TQ hoạt động ở UAE lập luận: “Một cơ sở như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các hoạt động quân sự nhạy cảm của chúng ta ở Trung Đông. UAE là một đối tác thân thiết và chúng ta thường xuyên thảo luận với lãnh đạo của họ về một số vấn đề khu vực và toàn cầu quan trọng”. Chính phủ Mỹ đặc biệt quan tâm đến cảng Khalifa, cách thủ đô Abu Dhabi khoảng 50 dặm về phía Bắc, nơi một tập đoàn vận tải biển của TQ đang sử dụng. Còn nhớ, tại một sự kiện của nhóm chuyên gia cố vấn ở Washington vào năm ngoái, Anwar Gargash, Cố vấn đối ngoại của lãnh đạo UAE, khẳng định đã cho ngưng xây dựng cơ sở nghi là của PLA. “Nhưng một năm sau, cơ sở này không hề ngưng mà còn được kết nối với nguồn điện nước của thành phố và có một bức tường bao quanh một kho chứa lớn. Nó nằm trong kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự ở UAE của Bắc Kinh” – tài liệu mật viết.
Hoạt động xây dựng mới được phát hiện ở đó khiến một số quan chức Hoa Kỳ tin rằng UAE không ứng xử đúng với Mỹ. “Tôi không tin họ đã đến gặp người TQ và nói: Căn cứ đã kết thúc, chúng tôi sẽ không cho phép làm nó nữa” – một quan chức chính quyền Mỹ nói. Chính quyền Biden lo ngại PLA đang theo dõi hai căn cứ quân sự vận hành máy bay không người lái và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại UAE. Không chỉ có thế, phía Mỹ tin rằng mục tiêu khác của PLA là xây dựng và mở rộng một đường băng dọc bờ biển từ Abu Dhabi.
Camille Lons thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies) nhận định: “Việc TQ ngày càng tìm chỗ đứng tại các cảng trên thế giới là nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu thập thông tin tình báo về các phong trào và hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại các khu vực đó”. Theo luật TQ được thông qua vào năm 2017, ngay cả các công ty thương mại tư nhân của TQ cũng có nghĩa vụ chia sẻ thông tin với quân đội nếu được yêu cầu làm như vậy. Jacqueline Deal, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy Research Institute) cảnh báo:
“Việc TQ thành lập một căn cứ và các cơ sở liên quan ở UAE sẽ làm phức tạp khả năng hoạt động của quân đội Mỹ. Một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, Căn cứ Không quân Al Dhafra nằm cách cảng Khalifa khoảng 80km. Nếu chúng ta có lực lượng trong khu vực và chúng ta đang cố gắng di chuyển hoặc sử dụng họ, họ sẽ bị TQ quan sát và có thể bị can thiệp”.
Cơ sở của TQ tại cảng Khalifa là một phần của mạng lưới hơn 100 cảng thương mại và nhà ga sân bay có vị trí chiến lược được TQ đầu tư xây dựng trên khắp thế giới. Ngoài UAE, các cảng của TQ ở Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Kenya, Tanzania và Angola cũng có có thể phục vụ mục đích kép: Cho phép Bắc Kinh can thiệp vào các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và hỗ trợ các cuộc tấn công chống lại Mỹ”. Ở một số nơi trên thế giới, chẳng hạn châu Âu, các cơ sở cảng hầu như không thể chuyển sang mục đích quân sự vì các nước sở tại không bao giờ đồng ý.
Bành trướng ra cả thế giới
Các quan chức Mỹ tin rằng quan hệ kinh tế ngày càng mở rộng ra thế giới của TQ đã tạo cơ hội cho nước này thiết lập chỗ đứng quân sự ở các khu vực mới. Hiện Djibouti là địa điểm ở nước ngoài duy nhất TQ có căn cứ quân sự công khai (Hải quân PLA khánh thành vào năm 2017). Theo tài liệu mật, PLA sắp hoàn thành tòa tháp ăng-ten tại đó để vệ tinh có thể do thám khắp châu Phi, châu Âu và Trung Đông. Tháng Sáu 2022, The Washington Post đưa tin PLA có kế hoạch xây dựng một cơ sở tại một căn cứ hải quân ở Campuchia nằm trên Vịnh Thái Lan. Cả hai quốc gia đều phủ nhận.
Các quan chức Campuchia nói TQ chỉ đơn thuần tài trợ cho việc nâng cấp căn cứ và giúp đào tạo người Campuchia sửa chữa tàu, nhưng một quan chức TQ tại Bắc Kinh xác nhận với The Post “một phần của căn cứ sẽ được PLA sử dụng”. Một tài liệu mật khẳng định một phần của cơ sở này sẽ là căn cứ quân sự cấp sư đoàn. Ở những nơi khác trên thế giới, một nhóm công tác TQ đến thăm cả Guinea Xích đạo (Equatorial Guinea) và Gabon vào Tháng Hai để chuẩn bị xây dựng một trung tâm đào tạo chung về thiết bị liên lạc.
Nhưng hầu hết các dự án đó không gây ra báo động ở Washington giống như các hoạt động của TQ tại UAE vì các nước chủ nhà không thân thiết với Hoa Kỳ như UAE. Kể từ 2012, UAE là khách hàng mua vũ khí lớn thứ ba của Mỹ trên thế giới. Lính UAE đã chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ ở Afghanistan, Iraq và Syria. UAE có 5,000 nhân viên quân sự Mỹ đóng tại al-Dhafra và các tàu chiến Mỹ tại cảng nước sâu Jebel Ali.
Abdulkhaleq Abdulla, một nhà phân tích chính trị của UAE cho biết đất nước ông bắt đầu tìm kiếm các đối tác an ninh khác sau những gì họ thấy phản ứng chậm chạp của Mỹ đối với các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Abu Dhabi của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen (UAE nằm trong liên minh do Saudi Arabia đứng đầu đã không kích chống lại Houthi trong nhiều năm). Nhưng UAE có thể sắp đi quá xa và gây nguy hiểm cho quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.
Trước mắt, quan hệ thân thiết hơn của UAE với TQ đã gây căng thẳng cho việc xúc tiến hợp đồng trị giá $23 tỷ bán máy bay chiến đấu F-35, máy bay không người lái Reaper và các vũ khí khác của Mỹ cho UAE, đồng thời khiến chính quyền Biden đặt câu hỏi về việc có nên ưu tiên duy trì các mối quan hệ đối tác “kế thừa” của các chính phủ trước tại Trung Đông hay không.