Trung Quốc xây cầu thẳng đến Đài Loan!

Hải quân Đài Loan diễn tập ngay ngày đầu năm mới 2022 (ảnh: Ceng Shou Yi/NurPhoto/Getty Images)

Tham vọng và sự ngạo mạn xem trời bằng vung của Tập Cận Bình ngày càng lộ liễu: Trung Quốc đang có kế hoạch xây một cây cầu bê tông chạy thẳng đến Đài Loan!

“Này, xem này. Cây cầu này sẽ đến tận Đài Loan. Bạn sẽ có thể đến Đài Bắc sau một tiếng rưỡi đi xe hơi” – Wu Feng, 57 tuổi, một tài xế taxi ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, miền Nam Trung Quốc, dừng xe bên bờ biển và chỉ vào một cây cầu lớn. Công trình dài 16 km kéo dài từ lục địa Trung Quốc đến Bình Đàm (Pingtan), một hòn đảo nhỏ ở eo biển Đài Loan, đã hoàn thành một phần vào Tháng Mười Hai 2020. Dự án vẫn chưa kết thúc ở đó. Ngày 11 Tháng Ba 2021, ngày cuối cùng của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Bắc Kinh đã thông qua kế hoạch kéo dài cây cầu từ Bình Đàm đến đảo chính Đài Loan. Dự kiến cây cầu dài tổng cộng khoảng 130 km sẽ hoàn thành vào năm 2035. Một đường hầm dưới eo biển Đài Loan, nối liền Bắc Kinh với Đài Bắc bằng hỏa xa cao tốc hoặc các phương tiện khác, cũng đồng thời được đề xuất…

Hai tuần sau Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm khu vực trên, và phát một “đại chỉ thị” với giới chức Phúc Kiến: Bằng mọi giá phải tiến tới “thống nhất”. “Bình Đàm đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một” – Tập nói – “Chúng ta nên thực hiện bước tiến lớn trong quá trình sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc”. Đảo Bình Đàm được kỳ vọng trở thành một trong những thành phố quan trọng nhất của Trung Quốc nếu nó được kết nối với Đài Loan bằng cầu. Tham vọng của Tập là không đáy. Quân đội Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể mở cuộc xâm lược vũ trang tấn công Đài Loan vào cuối nhiệm kỳ thứ ba của Tập vào năm 2027. Cần nhắc lại, Tháng Mười 2018, Trung Quốc đã dựng lên và quân sự hóa bảy đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Những cường quốc khi bước vào giai đoạn suy tàn thường tỏ ra hung hăng và bị thôi thúc cấp bách phải đạt được mục tiêu vĩ đại gì đó. Càng phát triển nhanh, họ càng mang nặng tâm trạng sợ hãi những gì nằm ngoài đỉnh đồi quyền lực của họ. Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng cùng lúc ai cũng có thể thấy những hạn chế của quốc gia này, từ tình trạng bong bóng bất động sản, tỷ lệ sinh giảm đến dân số già.

Cách đây không lâu, Tập “đại vương” đã dự lễ khánh thành cầu Hong Kong-Chu Hải-Macao, một trong những cây cầu dài nhất thế giới. Sau hơn chín năm, Trung Quốc đã hoàn thành cây cầu 55 km và đường hầm dưới biển nối Hong Kong, Macao với đại lục. Lúc đó, người dân Hong Kong lo sợ rằng “ốc đảo” dân chủ của họ sẽ bị Hoa lục nuốt chửng. Chỉ một năm rưỡi sau, luật an ninh Hong Kong được thông qua và thành phố này bây giờ ngày càng nằm bẹp dí dưới móng vuốt của con cọp Hoa lục.

Hiện thời, nhất cử nhất động của Đài Loan đều không qua được mắt Trung Quốc. Sung-ting Tsai, giám đốc điều hành TEAMT5, công ty an ninh mạng hàng đầu ở Đài Loan, nói với Nikkei Asia: “Thông tin liên lạc giữa Đài Loan với các thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước khi Đài Loan xin gia nhập có thể đã bị rò rỉ cho phía Trung Quốc”. Giữa Tháng Chín 2021, Trung Quốc bất ngờ “tiên hạ thủ vi cường”, đi trước Đài Loan một bước, khi nộp đơn xin gia nhập TPP sớm hơn một tuần so với Đài Loan. Hẳn nhiên đây không là một sự trùng hợp. Cũng chẳng trùng hợp chút nào khi vào ngay thời điểm đó, mối đe dọa Đài Loan lên đến đỉnh điểm, với sự xuất hiện của 56 máy bay Trung Quốc vần vũ bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (chỉ trong một ngày 4 Tháng Mười 2021); cùng lúc, Đài Loan hứng chịu loạt tấn công mạng từ Trung Quốc.

Mục tiêu của cuộc tấn công mạng lúc đó là Quân đội Đài Loan, Bộ Ngoại giao, Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền và Bộ Kinh tế – đều là những nơi có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh. Tổng quát, 90% cuộc tấn công mạng vào các văn phòng chính phủ Đài Loan trong năm 2021 đều xuất phát từ bọn tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc. Giới chức trách Đài Loan ghi nhận có đến hơn 1.4 tỷ cuộc tấn công mạng từ năm 2019 đến Tháng Tám 2021!

Nhận định về tham vọng và mưu đồ thôn tín Đài Loan của Bắc Kinh, giáo sư Michael Beckley thuộc Đại học Tufts (Mỹ) nói rằng Trung Quốc “đang rơi vào cái bẫy đỉnh cao quyền lực”, khi họ tin rằng sức mạnh của họ đã lên đến “đỉnh cao chói lọi” và họ cần phải gầm lên để thế giới “nhận ra” điều ấy. Theo ngôn ngữ chính trị học, “cái bẫy đỉnh cao quyền lực” cũng còn ám chỉ đến trạng thái trong đó một quyền lực mới nổi trở nên “bức xúc” muốn thể hiện sức mạnh cơ bắp với thế giới bên ngoài khi mà tình hình kinh tế quốc nội không lạc quan. Cả Đức và Nhật từng tự lao đầu vào cái bẫy này – theo giáo sư Michael Beckley.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) kết thúc vào năm 2024. Từ nay đến thời điểm đó, Bắc Kinh đang làm hết sức vận động hậu trường ủng hộ Quốc dân đảng (KMT – vốn luôn chủ trương thân thiện với Bắc Kinh) sao cho đảng này có thể chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Lúc đó, Bắc Kinh hy vọng có thể phất tay thu phục Đài Loan mà không cần động dao động thớt. Để chuẩn bị cho “ngày hội non sông thống nhất”, đảo Bình Đàm (dân số khoảng 400,000), và dự án cây cầu nối dài, là một phần trong kế hoạch bước đệm như vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: