Từ sự kiện cấm vận hàng không Nga, thử tìm hiểu hàng không Trung Quốc

Ảnh: pexels-markus-winkler

Cuộc “tập kích” toàn diện của phương Tây vào Nga giúp lộ ra nhiều điểm yếu của kinh tế nước này, trong đó có hàng không. Nhân dịp này, thử xem hàng không Trung Quốc như thế nào, và nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như cuộc chiến Nga đối với Ukraine thì liệu đòn cấm vận gây ảnh hưởng như thế nào đối với Trung Quốc…

So với Nga thì ngành vận chuyển hàng không Trung Quốc còn rất non trẻ, cụ thể là năm 2022, Hãng hàng không quốc gia Nga (Aeroflot) mừng sinh nhật thứ 97 thì Hãng hàng không quốc gia Trung Quốc (Air China) mới được 33 tuổi (thành lập đầu Tháng Bảy 1988). Trong khi Nga đã có nền công nghiệp chế tạo máy bay từ thời Thế chiến I thì Trung Quốc mới bước đầu thử chế tạo máy bay vào cuối Thế chiến II. Tuy nhiên, hàng không Trung Quốc không đến nỗi què quặt…

Tháng Bảy 2016, trong chuyến công du của Tập Cận Bình đến Đức, giới chức hàng không Trung Quốc đã ra đơn hàng khổng lồ, đặt mua 140 máy bay Airbus tổng trị giá $22 tỷ. Hơn một năm sau, vào Tháng Mười Hai 2017, Airbus cho biết China Aircraft Leasing Company (CALC) ký hợp đồng mua 50 chiếc A320neo mà nếu tính theo giá niêm yết thì có tổng trị giá $5.42 tỷ. Đơn hàng này nâng tổng số máy bay một lối đi, hai động cơ mà CACL đặt mua nơi Airbus lên khoảng 200 chiếc, đồng thời đưa CALC lên hàng ngũ một trong những công ty cho thuê máy bay hàng đầu thế giới.

Vài con số nêu trên có thể giúp thấy rằng, ngành hàng không Trung Quốc không đến nỗi “bèo” như Nga, dù nói chung Trung Quốc vẫn xài máy bay Mỹ và châu Âu hơn là có thể tự sản xuất. Hiện Trung Quốc có đội máy bay gần 5,000 chiếc các loại. Khoảng 60% số máy bay này, tuy là máy bay thuê, nhưng là thuê từ chính những công ty cho thuê máy bay Trung Quốc, hoàn toàn khác với Nga. Năm 2018, các công ty cho thuê máy bay Trung Quốc có trong tay số máy bay trị giá trên $50 tỷ, tăng thêm 10 tỷ so với năm 2017; riêng 11 công ty hàng đầu đã làm chủ trên 1,340 máy bay các loại, tăng 23% so với 2017.

Tháng Hai 2022 qua, giới chuyên ngành kinh doanh cho thuê máy bay cho biết, các công ty Trung Quốc hiện chiếm lĩnh thị trường cho thuê máy bay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong top 10 công ty kinh doanh cho thuê máy bay lớn nhất thế giới có ba công ty Trung Quốc và trong top 30 có tám công ty Trung Quốc. Hiện nay, hầu hết công ty cho thuê máy Trung Quốc đã có mặt ở Dublin (Ireland), một “kinh đô” của ngành cho thuê máy bay. Và cũng có chi nhánh ở Trung Quốc, Hong Kong, Singapore…

Ông Simon Wong ở công ty luật Stephenson Harwood tại Hong Kong chỉ ra rằng trong những công ty cho thuê máy bay ở Trung Quốc thì CDB Aviation, Bank of Communications (BoComm) Financial Leasing và một số công ty khác đang hoạt động mạnh tại nhiều nơi thế giới; và khách hàng của ông, ICBC Leasing, nay giữ hạng sáu trong số nhà cho thuê máy bay lớn nhất thế giới. Ông Wong cũng nhấn mạnh đến mẫu số chung của các công ty cho thuê máy bay Trung Quốc: Đó là những công ty con trực thuộc các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Điều đó cho thấy Bắc Kinh đã xoay sở và chọn cách làm để hạn chế lệ thuộc nước ngoài.

Công ty KPMG Ireland Aviation Advisory dẫn số liệu của Cirium cho thấy thực tế, BOC Aviation hiện có số máy bay cho thuê trị giá khoảng $14.5 tỷ; ICBC – $13 tỷ; BoComm – 7.5 tỷ; CDB – $7,5 tỷ; AVIC International Leasing – $6 tỷ và Chinese Aircraft Leasing Company – $3.4 tỷ.

CDB Aviation hiện làm chủ 241 máy bay đang được khai thác thương mại bởi các hãng hàng không Trung Quốc và các quốc gia khác, đồng thời đang chờ nhận 80 máy bay Airbus A320neo và 58 máy bay Boeing 737 MAX 8. Trong nửa đầu năm 2021, CDB Aviation đã có thêm sáu khách hàng mới. Trong danh sách khách hàng, có đủ các hãng hàng không Mỹ (American Airlines, United Airlines); Canada (Wesjet), Nga (Aeroflot), Bắc Âu (SAS), Hungary (Wizz Air)… nhưng chiếm hơn 50% số máy bay cho thuê theo nhiều hình thức khác nhau là các hãng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tóm lại, Trung Quốc “khôn” hơn Nga. Bắc Kinh có chiến lược phát triển tốt hơn Nga. Do vậy, nếu cấm vận Trung Quốc một khi có biến động, Mỹ và phương Tây phải tính toán khác với nhiều khó khăn hơn.

CÓ MẶT TRONG NGÀNH CHO THUÊ MÁY BAY TOÀN CẦU

*Theo báo cáo Cirium vào thời điểm nửa đầu năm 2020, có 13 công ty Trung Quốc trong Top 50 công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, tức bằng với 13 công ty Ireland nhưng hơn con số 12 của Mỹ.

*Các công ty Trung Quốc chiếm 19% giá trị tài sản cho thuê và 15% tổng số máy bay cho thuê của cả Top 50

*Các công ty Ireland hạng nhất về giá trị tài sản cho thuê với 35%

*Các công ty Mỹ hạng nhất về số máy bay cho thuê với 36%.

VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG TRUNG QUỐC

Trung Quốc hiện có chín hãng hàng không quốc doanh, trong đó bốn hãng lớn là Air China (đóng vai trò như là hãng hàng không quốc gia); China Southern Airlines; China Eastern Airlines và Hainan Airlines. Ngoài ra còn có gần 10 hãng tư nhân hình thành kể từ năm 2006 trở đi, như Spring International, Juneyao, Eaststar, United Eagle, OK.

Vào thời điểm cuối 2016, Trung Quốc có trên 200 sân bay là điểm đến/đi của 1,336 tuyến bay với gần 1,000 lần cất cánh/hạ cánh mỗi ngày. Phi trường Quốc tế Bắc Kinh có nối kết với 140 thành phố trong nước; 268 tuyến bay quốc tế khai thác bởi 15 hãng đến 91 thành phố ở 42 nước. Từ thế giới bay vào Trung Quốc là 86 hãng hàng không khu vực và quốc tế.

Ngành vận chuyển hàng không Trung Quốc tính vào thời điểm 2020 có trên 4,000 máy bay chở khách (96%) và chở hàng hóa.

Air China; China Eastern và China Southern gộp chung có trên 600 máy bay, trong đó Air China có nhiều máy bay thân rộng hơn cả (127 chiếc), kế đến là China Southern (114), China Eastern (90) và Hainan (84).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: