Ukraine, hoà bình vẫn xa vời

Nga tiếp tục chứng kiến những tổn thất chiến trường khắp trên các mặt trận ở Ukraine. Ảnh: Một phương tiện quân sự Nga bị bắn cháy tại Kurylivka, Kharkiv ngày 28 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Sofiia Bobok/Anadolu Agency via Getty Images)

Giám đốc CIA William Burns đã lặng lẽ liên lạc với người đồng cấp Nga Sergei Naryshkin sau cuộc binh biến thất bại của lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin để đưa ra lời khẳng định Hoa Kỳ không liên quan đến tình trạng hỗn loạn nội bộ của nước Nga. Trong khi đó, Ukraine hy vọng chiếm lợi thế trên chiến trường để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán trước cuối năm.

Bảo đảm Nga không sử dụng vụ binh biến để khiêu khích Mỹ

Cuộc điện thoại của Burns với Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, được cho là cuộc liên lạc cấp cao nhất giữa hai chính phủ kể từ sau cuộc binh biến bất thành. Cuộc nổi dậy được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong 23 năm cầm quyền của ông.

Cuộc gọi điện của Burns, người thường được giao chuyển những thông điệp nhạy cảm tới Nga và các quốc gia khác, là một phần trong chiến lược của Toà Bạch Ốc nhằm thông báo cho Putin và những người thân cận của lãnh đạo Nga là Hoa Kỳ không có vai trò gì trong động thái của Prigozhin và không tìm cách gây nội chiến ở Nga. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng Mỹ không muốn tạo cơ hội cho Điện Kremlin đổ lỗi cuộc binh biến.

Hoa Kỳ và Nga liên lạc cấp cao nhưng không thường xuyên kể từ ngày Putin ra lệnh cho quân đội xâm chiếm Ukraine vào Tháng Hai, 2022. Burns đã tới Ukraine đầu Tháng Sáu để hội ý với Tổng thống Volodomyr Zelensky và các quan chức tình báo Ukraine. “Giống như các chuyến đi khác, giám đốc CIA đã gặp gỡ các đối tác tình báo Ukraine và Tổng thống Zelensky, tái khẳng định cam kết Mỹ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo để giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga” – một quan chức tiết lộ.

Nhưng thiệt hại của Ukraine cũng rất lớn (ảnh: Narciso Contreras/Anadolu Agency via Getty Images)

Burns, người có 32 năm sự nghiệp ngoại giao gồm cả thời gian làm đại sứ tại Moscow, được Biden tin tưởng khi cần tiếp cận với Nga. Vào Tháng Mười Một 2021, Biden cử ông đến Moscow và nói chuyện qua một đường dây điện thoại an toàn với Putin khi Tổng thống Nga đang ở khu nghỉ mát Sochi bên Biển Đen, thông báo rằng Hoa Kỳ tin rằng Nga đang chuẩn bị xâm lược Ukraine và lãnh đạo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm trọng nếu làm như thế. Vào Tháng Mười Một, 2022, Burns gặp viên chức cấp cao Sergey Naryshkin ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ để cảnh báo về hậu quả nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine.

Trong chuyến thăm bí mật tới Ukraine của Burns vào đầu tháng này, các quan chức Ukraine đã tiết lộ một chiến lược đầy tham vọng nhằm chiếm lại lãnh thổ do Nga chiếm đóng và mở các cuộc đàm phán ngừng bắn với Moscow vào cuối năm nay. Chuyến đi của Burns, chưa được báo cáo trước đó, gồm cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức tình báo hàng đầu của Ukraine. Nó xảy ra vào một thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột khi các lực lượng Ukraine nỗ lực để giành được lợi thế sớm trong cuộc phản công được chờ đợi từ lâu nhưng chỉ mới triển khai số ít lữ đoàn tấn công được phương Tây đào tạo và trang bị.

Chiếm ưu thế trên chiến trường để buộc Nga đàm phán

Tổng thống Zelensky và các chỉ huy quân sự của ông đối mặt với các lực lượng Nga cố thủ vững chắc ở các khu vực chiếm đóng phía Đông và Nam Ukraine. Quân đội Ukraine chịu thương vong nặng nề khi binh lính và xe bọc thép đụng phải các bãi mìn dày đặc và các chiến hào kiên cố trên khắp lãnh thổ rộng lớn. Địa hình đầy thách thức đã khiến quân Ukraine dễ bị tấn công bằng hoả tiễn và không kích của Nga. Zelensky thừa nhận cuộc phản công diễn ra “chậm hơn mong muốn” và các quan chức Ukraine xác nhận một số xe tăng Leopard 2 và Bradley bị phá huỷ.

Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục vận động sự hỗ trợ từ các đồng minh. Trong ảnh là chuyến kinh lý bất ngờ của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) đến Kyiv ngày 28 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Andriy Zhyhaylo/Obozrevatel/Global Images Ukraine via Getty Images)

Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bác bỏ những hoài nghi, khẳng định “trận đánh chính” vẫn chưa đến; và chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, kêu gọi “hãy kiên nhẫn” và cuộc tấn công đang được tiến hành một cách “bài bản” nhất. Các nhà phân tích quân sự cho rằng nếu Ukraine muốn buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán thì trước hết cần chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga. Điều này rất khó nhưng không phải là không thể.

Nhà phân tích quân sự Rob Lee giải thích: “Có thể Ukraine sẽ phá huỷ cây cầu đường bộ đi vào Crimea bằng cách đưa nó vào trong tầm bắn của HIMARS và các loại pháo khác. Dĩ nhiên là phải có tổn thất lớn để chiếm được một vị trí bắn thuận lợi. Nếu Ukraine chịu quá nhiều tổn thất, cuộc phản công sẽ sớm kết thúc trong thế bất lợi cho Kyiv. Nhưng nếu Ukraine gây ra đủ tổn thất cho các lực lượng và thiết bị của Nga và chặn được quân tiếp viện, thì hệ thống phòng thủ của Moscow sẽ suy yếu để Ukraine đạt được bước đột phá”.

Trong một kịch bản lý tưởng được Kyiv vẽ ra, quân đội Ukraine sẽ giành được ưu thế bằng cách tiến quân và đưa vũ khí tầm xa đến rìa ranh giới Ukraine-Crimea, biến nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen thành con tin. Rob Lee nhận định: “Nếu Ukraine tấn công được các sân bay, cây cầu, tuyến đường sắt và trung tâm hậu cần quan trọng của Nga, họ sẽ đẩy đối phương vào thế khó khăn”. Chỉ bao vây cô lập chứ không chiếm Crimea bằng vũ lực, Kyiv sẽ yêu cầu Nga chấp nhận những yêu cầu bảo đảm an ninh từ phương Tây cho Ukraine.

Tuy nhiên, có được những đảm bảo đó không hề dễ dàng. Chính phủ Zelensky luôn hối thúc Hoa Kỳ và Châu Âu đưa ra các cam kết chắc chắn về việc Ukraine gia nhập NATO và Liên minh Châu Âu (EU), nhưng Hoa Kỳ và Tây Âu vẫn lạnh nhạt với ý tưởng này mà quan tâm nhiều hơn đến các cam kết hỗ trợ an ninh dài hạn cho Ukraine thay vì mở rộng NATO vì dễ dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Sự do dự khiến Ba Lan và các quốc gia thành viên NATO vùng Baltic thất vọng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới tại Litva. Ngoại trưởng Antony Blinken và các nhà lãnh đạo phương Tây khác cho biết họ có ý định cung cấp một “gói viện trợ rất mạnh mẽ” cho Ukraine. Nhưng bất đồng gay gắt về nội dung của gói có nguy cơ gây mất đoàn kết tại cuộc họp.

Tuy nhiên, Mỹ và Ukraine có sự đồng thuận rộng rãi về mục tiêu tấn công của Kyiv. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết: “Mỹ đồng ý Ukraine nên tham gia đàm phán trên thế mạnh. Mỹ hài lòng là bộ chỉ huy của chúng tôi không làm điều gì ngu ngốc với các thiết bị viện trợ”. Tuy nhiên, dấu hiệu của sự căng thẳng có nhiều. Trong khi các lãnh đạo quân sự Mỹ muốn thấy Ukraine tăng tốc cuộc tấn công, Volodymyr Zelensky luôn than phiền là phương Tây không chuyển giao đạn dược và máy bay chiến đấu đủ nhanh.

Được hỏi vế tốc độ phản công của Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói: “Họ đánh đến đâu và nhanh như thế nào là do họ quyết định”. Các nhà phân tích xem cách tiếp cận thận trọng của Ukraine trong những ngày đầu của cuộc phản công là dấu hiệu cho thấy quốc gia này không xem nhẹ các thách thức đang chờ phía trước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: