Ngũ Giác Đài đang gửi nhiều vũ khí và thiết bị mới cho Ukraine để quân đội nước này chuẩn bị tốt hơn, phòng khi cuộc xung đột bước sang giai đoạn mới: Giao tranh ở cự ly gần, thậm chí cận chiến. Đây là tín hiệu cho thấy Kyiv và những người ủng hộ họ nhìn thấy cơ hội Ukraine có thể chiếm lại những vùng đất đã mất sau nhiều tuần đấu súng từ xa.
Các quan chức Ukraine đã công khai thảo luận về một cuộc tấn công vào thành phố cảng chiến lược Kherson do Nga nắm giữ, nhưng có rất ít bằng chứng thực địa cho thấy Ukraine sẵn sàng thực hiện một chiến dịch lớn đòi hỏi nhiều binh lính, xe bọc thép và lực lượng áp sát để có thể đánh bại đối phương vượt trội về số lượng. Để hóa giải trở ngại này, Hoa Kỳ quyết định giúp một tay.
Gói viện trợ vũ khí mới nhất của Mỹ có thể xem là bước đầu tiên nhằm giải quyết tình trạng Ukraine thiếu hụt những loại vũ khí phù hợp với cuộc tấn công ở cự ly gần. Những vũ khí vừa và sắp được chuyển giao có khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách khác nhau. Gói viện trợ gần $800 triệu công bố vào ngày 19 Tháng Tám có cả 40 phương tiện rà phá bom mìn trang bị con lăn giúp kích hoạt vật liệu nổ cũng như các loại pháo nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn các loại pháo mạnh mà Hoa Kỳ đã gửi trước đó.
Ngoài ra còn súng trường không giật có tầm bắn vài trăm mét và bệ phóng hỏa tiễn dưới ba dặm, gần hơn nhiều so với khoảng cách bắn phá hiện nay của các đơn vị pháo Ukraine ở nhiều chiến tuyến. Một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao giấu tên nói với phóng viên The Washington Post: “Các phương tiện rà phá bom mìn là những gì người Ukraine đang rất cần để quân đội của họ có thể tiến lên và chiếm lại lãnh thổ. Bom mìn cài đặt hạn chế khả năng di chuyển trong môi trường đặc biệt thách thức ở miền Nam Ukraine, nơi quân Nga sẽ sử dụng mọi phương cách để cố thủ”. Những chiếc xe bọc thép MRAP (Mine-Resistant Ambush Protected – xe chống mìn), một biểu tượng trong cuộc chiến Iraq và Afghanistan, sẽ che chắn binh lính bằng cách dùng các con lăn phóng ra phía trước giống như râu tôm hùm để kích nổ bom, mìn.
Viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ cho Ukraine trong những tháng gần đây đều tập trung vào các hỏa tiễn tầm xa và các loại pháo như hệ thống hỏa tiễn phóng chính xác nhiều lần HIMARS, để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến pháo binh tầm xa Nga vốn chiếm ưu thế ở khu vực phía Đông Donbas. Những vũ khí đó nhắm mục tiêu rất chính xác vào các sở chỉ huy và kho đạn của đối phương, đồng thời giúp giảm quy mô và tần xuất pháo kích của Nga.
Tuy nhiên, cách này chỉ làm tiêu hao đối phương, lấy mất khả năng tấn công của chúng chứ không đẩy lùi được chiến tuyến địch ra xa và chiếm lại lãnh thổ. Muốn chiếm lại lãnh thổ, phải giao tranh ở cự ly gần. Quan chức Mỹ cấp cao trên nhận định: “Chúng tôi chưa thấy Ukraine chiếm lại được lãnh thổ nào đáng kể dù lực lượng Nga suy yếu đáng kể ở nhiều vị trí khác nhau”. Quân đội Ukraine đã phải vất vả tấn công các lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở khu vực Kherson trong Tháng Sáu và đã giải phóng nhiều ngôi làng nhưng không đạt được thêm tiến bộ mà còn bị phơi bày trên các địa hình bằng phẳng trong khi quân đội Nga vẫn thoải mái tăng cường các trận địa pháo binh và đẩy mạnh trinh sát phát hiện những nơi đặt hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Các hỏa tiễn chống tăng TOW (“Tube-launched, Optically tracked, Wire-guided”) được gửi đến Ukraine có thể được đặt trên một giá ba chân hạng nặng hoặc chất lên phía sau của chiếc jeep như Humvee để khi phóng hỏa tiễn sẽ nhanh chóng thoát đi để tránh bị bắn trả trong kỹ thuật tác chiến được gọi là “bắn và chuồn”! Humvee cũng có thể dùng vận chuyển các loại pháo nòng 105 mm mới được Mỹ cung cấp với sức mạnh và tầm hoạt động khá nhưng dễ vận chuyển và cơ động so với các loại pháo M777 nặng Mỹ đã gửi. Gói viện trợ mới còn có 2,000 viên đạn súng trường không giật Carl Gustav và các loại vũ khí dùng cho bộ binh để bắn đạn 84 mm vào xe quân sự và vị trí đối phương trong phạm vi vài trăm mét.
Tuy nhiên, Rob Lee, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và chuyên gia về quân đội Nga, cảnh báo: “Gói hàng mới của Ngũ Giác Đài không nên xem là bằng chứng cho thấy một cuộc tấn công cự ly gần sắp xảy ra. Vì không phải tất cả vũ khí mới cung cấp đều dùng cho cận chiến, chẳng hạn MRAP không lý tưởng để cận chiến vì cao và dễ bị phát hiện dù vẫn an toàn hơn xe tải nhẹ không bọc thép.
Nhiều vũ khí lấy từ các kho dự trữ thứ cấp chứ không phải từ nguồn dự trữ quan trọng đắt tiền hoặc tiên tiến của Ngũ Giác Đài để tránh gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ. Humvee, MRAP và các vũ khí như TOW được chuyển ưu tiên. Một số vũ khí mới cũng hữu ích trong cuộc chiến pháo binh ở phía Đông hoặc cuộc phản công ở phía Nam, chẳng hạn như máy bay không người lái ScanEagle và hỏa tiễn dò tìm radar song song để tìm và phá hủy các hệ thống phòng không của Nga.
Loại bỏ chúng khỏi chiến trường sẽ cho phép quân đội Ukraine tận dụng thoải mái hơn máy bay không người lái trong cuộc phản công và di chuyển tự do hơn quanh chiến trường”. Lee nhấn mạnh: “Chiến thuật phản công cổ điển với rất nhiều quân và phương tiện không phải bao giờ cũng là chọn lựa tốt nhất. Ukraine đã thành công trong việc quấy rối người Nga bằng hỏa tiễn tầm xa và phá hoại các vị trí ở bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng, làm xói mòn ảo tưởng là những người Nga ở xa chiến trường vẫn an toàn. Nhưng tôi không biết liệu Ukraine có đủ lực lượng để phản công ở Kherson không. Có lẽ, đối với Ukraine trong tình hình hiện nay, chiến lược gây tiêu hao dần cho đối phương là có ý nghĩa nhất”.