Pháo binh Israel tại biên giới Syrie trong cuộc chiến Yom Kippur 1973 (Getty Images)

Yom Kippur 1973

Share:

Cục diện Yom Kippur 1973 khác với Trung Đông 2023 nhưng cội nguồn vấn đề chỉ bắt đầu từ một nguyên nhân bất phân định: Đất đai. 50 năm sau cuộc chiến Yom Kippur, tình hình tiếp tục hỗn loạn tại khu vực Trung Ðông.

______________

Lò lửa Trung Đông

______________

Kết quả của những xung đột lịch sử

Cuộc chiến Yom Kippur 1973 là kết quả của những phân định bất thành về biên giới lãnh thổ mà muốn hiểu người ta phải bắt đầu từ cuộc chiến đầu tiên ngay sau khi Israel tuyên bố thành lập nhà nước, vào ngày 14 Tháng Năm 1948.

Xung đột bắt đầu khi lực lượng Arab từ Ai Cập, Transjordan, Iraq, Syria và Lebanon đánh chiếm các vùng tại Nam và Ðông Palestine (chưa bị sáp nhập vào lãnh thổ người Do Thái). Quân Arab cũng chiếm khu Do Thái tại Thành cổ Jerusalem. Trong khi đó, Israel chiếm con đường chính từ Jerusalem băng qua rặng Yehuda và nhờ vậy đẩy lùi cuộc tấn công của quân Arab.

Ðến trước năm 1949, Israel đã chiếm tất cả khu vực quanh Negev, đến sát biên giới Ai Cập-Palestine, trừ Dải Gaza. Từ đầu đến giữa năm 1949, nhiều cuộc thương lượng ngừng bắn giữa Israel và Arab được thực hiện và biên giới tạm thời được thiết lập. Căng thẳng lại bùng nổ với sự xuất hiện làn sóng chủ nghĩa ái quốc của Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser.

Tháng Mười 1956, trong đám mây khủng hoảng hình thành bởi việc Gamal Abdel Nasser chiếm kênh đào Suez, Israel tấn công bán đảo Sinai. Tháng Mười Hai 1956, sau khi LHQ can thiệp, Israel rút quân vào Tháng Ba 1957. 10 năm sau, Israel và khối Arab lại va chạm lần thứ ba, trong Cuộc chiến Sáu ngày (5 đến 10 Tháng Sáu 1967), với sự tấn công mở màn của Syria và Ai Cập. Một lần nữa, phe Arab lại thất bại. Tất cả địa điểm trọng yếu đều rơi vào tay Israel, từ Jerusalem, Sinai, Gaza, Bờ Tây đến cao nguyên Golan giáp biên giới Israel-Syria. Và bởi mối hận Cuộc chiến Sáu ngày, khối Arab thực hiện cuộc chiến Yom Kippur, cố giành lại những vùng đất đã mất.

Ðối mặt sức ép trong nước lẫn khu vực, đặc biệt khi hình ảnh lãnh đạo của Ai Cập trong cộng đồng Arab ngày càng lu mờ, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat quyết định mở cuộc chiến tổng lực, bằng chiến dịch bất ngờ tiến hành vào ngày Yom Kippur (lợi dụng lúc Israel sơ hở trong phòng bị).

Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh mặt trận phía Nam Ariel Sharon (giữa) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan (trái) trong cuộc chiến Yom Kippur (ảnh: Ministry of Defense via Getty Images)

2g chiều 6 Tháng Mười 1973, cuộc chiến Yom Kippur bắt đầu. Ai Cập và Syria liên thủ tấn công Bắc Golan và Nam Sinai. Rút kinh nghiệm đại bại từ Cuộc chiến Sáu ngày, lần này, Ai Cập huy động toàn lực. Trong hai giờ đầu tiên, khoảng 48,000 quân Ai Cập với đại bác, xe tăng, tên lửa đất đối không đã tràn vào hướng Sinai.

Trong 48 giờ đầu tiên, Israel mất 500 lính và trong ba ngày, 50 máy bay Israel bị bắn hạ. Israel tổn thất nặng trong tuần đầu tiên nhưng lấy lại thế thượng phong trong tuần thứ hai. Ðến trước khi kết thúc cuộc chiến (sau ba tuần), Israel đã thâm nhập sâu vào lãnh thổ Ai Cập và Syria (cách thủ đô Cairo trong phạm vi 100km và thủ đô Damascus 45km). Lời đe dọa nghiền nát Ai Cập của Israel khiến Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phải đến Moscow bàn giải pháp ngừng bắn.

Ngày 21 Tháng Mười Hai 1973, đàm phán hòa bình được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ (Syria không dự và Tổ chức giải phóng Palestine-PLO không được mời). Một trong những hậu quả đầu tiên của cuộc chiến Yom Kippur đối với Israel là nội bộ chính trường rạn nứt, bởi làn sóng chỉ trích từ thành phần đối lập (về thái độ chủ quan và tắc trách của Chính phủ lẫn quân đội Israel), khiến Thủ tướng Golda Meir cũng như Bộ trưởng quốc phòng Moshe Dayan phải từ chức.

Thủ tướng Golda Meir (ảnh: Fred Ihrt/LightRocket via Getty Images)

Vai trò của Mỹ

Có lẽ cần thiết có cái nhìn lịch sử về chính sách ngoại giao Mỹ tại Trung Ðông, trước cũng như sau cuộc chiến Yom Kippur 1973. Trong những năm cuối đời, Tổng thống Mỹ Harry Truman thường được hỏi rằng quyết định nào khó khăn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống. Câu trả lời: đó là chính sách Trung Ðông, cụ thể là việc ủng hộ hay không ủng hộ Israel.

Nội các Truman từng chia rẽ quanh vấn đề Israel. Trong khi cố vấn Clark Clifford ủng hộ, Ngoại trưởng George Marshall lại nghĩ khác. Tại cuộc họp Nhà trắng ngày 12 Tháng Năm 1948, Marshall phản đối việc công nhận Nhà nước Israel và thậm chí nói rằng sự ủng hộ Israel có thể khiến chiến dịch tranh cử sắp tới của Truman bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hai ngày sau, Nhà nước Israel được khai sinh vào giữa đêm, giờ Jerusalem, và chỉ 11 phút sau,  Washington tuyên bố công nhận chính thức. Không khó khăn gì để có thể hiểu tại sao Harry Truman ủng hộ Israel: đây là quốc gia không theo cộng sản hoặc thân Liên Xô.

Sáng chủ nhật 7 Tháng Mười 1973, Tòa Bạch Ốc bắt đầu bước vào bàn cờ Trung Ðông với chính sách can thiệp công khai. Tại Trung Ðông, chiến tranh vừa bùng nổ. Ðồng minh Israel của Mỹ đang bị đồng minh Ai Cập của Liên Xô uy hiếp.

Ngày hôm trước, khi đang ngủ trong phòng ở tầng 35 khách sạn Waldorf Towers, Ngoại trưởng Henry Kissinger bị đánh thức và được thông báo về cuộc chiến. 24g sau, Kissinger vẫn chưa tìm được quyết định khả dĩ. Israel yêu cầu Mỹ viện trợ tên lửa Sidewinder. Sau vài cuộc họp ngắn trong Hội đồng an ninh quốc gia, Washington quyết định không thể bỏ rơi Israel. Chuyến quân cụ hỗ trợ Israel của Mỹ đến chậm nhưng ào ạt, trong đó có nhiều vận tải cơ và 20 chiến đấu cơ F-4 Phantom.

Hỏa tiễn SAM II (Liên Xô sản xuất) của quân đội Ai Cập bị Israel tịch thu trong cuộc chiến Yom Kippur (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Cuộc chiến Sáu ngày 1967 là cuộc chiến cuối cùng mà quân đội Israel chiến đấu bằng vũ khí của chính họ. Từ năm 1967, quân đội Israel gần như chỉ xài súng Mỹ. Chính sách Mỹ trong cuộc chiến Yom Kippur 1973 đã tạo ra quan hệ chính trị mới tại khu vực. Yom Kippur 1973 đã làm thay đổi bản đồ Trung Ðông, nhìn ở góc độ quan hệ đối ngoại. Mỹ can thiệp sâu hơn vào nội bộ khu vực.

Trong khi Syria tiếp tục chính sách thân Moscow, Tổng thống Ai Cập bắt đầu đuổi cố vấn quân sự Liên Xô ra khỏi nước mình và thiết lập quan hệ với Mỹ (từ thù thành bạn). Yom Kippur 1973 cũng đánh dấu thành công lần đầu tiên việc sử dụng dầu làm vũ khí chính trị. Từ Tháng Mười 1973 đến Tháng Mười Một 1974, các nước xuất khẩu dầu Arab đã áp đặt cấm vận với tất cả các nước phương Tây ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur…

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Yom Kippur 1973 không giải quyết được gì cho người Arab và càng khoét sâu oán cừu giữa Do Thái và Arab-Hồi giáo, giữa Palestine và Israel, giữa Mỹ và Hồi giáo Arab. Quá trình đàm phán hòa bình giữa Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin tại Trại David (1978) với dàn xếp trung gian Tổng thống Mỹ Jimmy Carter không đem lại kết quả lâu bền nào.

Tổng thống Ai Cập Mohammed Anwar el-Sadat và Tổng thống Jimmy Carter tại Tòa Bạch Ốc 1977 (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Tệ hại hơn, Anwar Sadat bị ám sát chết bởi qui kết bán đứng dân tộc. Sau Yom Kippur 1973, cộng đồng Arab không giành lại được mảnh đất nào đã mất vào tay Israel trong Cuộc chiến Sáu ngày 1967 mà còn khiến Israel đầu tư mạnh hơn về quân sự để duy trì sức mạnh chính trị khu vực.

Chiến tranh lạnh chấm dứt đưa đến sự kết thúc bức tranh chính trị thế giới lưỡng cực và trong cục diện toàn cầu, xung đột càng khó giải quyết do tất cả đều được mặc định qui về một “nguồn”. Vấn đề bây giờ chỉ là sự lệ thuộc vào đánh giá của “nguồn” trên, quanh sự chọn lựa ai là bạn hoặc ai là thù. 50 năm sau cuộc chiến Yom Kippur, chính trị Trung Ðông vẫn là một sự bế tắc nối tiếp, cốt lõi của xung đột (đất đai) vẫn là vấn đề bế tắc nối tiếp và sự chọn lựa bạn-thù thiên lệch vẫn là một sự bất thiện chí nối tiếp…

_______________

Lễ Yom Kippur

Yom Kippur (tiếng Do Thái yom hakippurim, có nghĩa “ngày sám hối”) là kỳ lễ thiêng nhất của người Do Thái, bắt đầu vào ngày thứ mười trong tháng Tishri (tháng thứ bảy theo lịch Hồi giáo).

Kỳ lễ kéo dài 10 ngày, bắt đầu bằng ngày Rosh Hashanah, đánh dấu năm mới (theo lịch Hồi giáo), và cũng là ngày mà mỗi số phận cho năm sau được định đoạt. Trong kỳ Yom Kippur, người ta xưng tội và cầu xin tha thứ những sai lầm gây ra trong năm trước.

Lễ xá tội được thực hiện khi vị giáo sĩ đặt tay lên con dê và xưng tội cho tín đồ. Sau đó, con dê được đưa vào rừng và bị ném vào vách núi đá. Hành động này tượng trưng cho sự đền tội. Khái niệm “scapegoat” (trong tiếng Anh, có nghĩa “tốt thí”) – ám chỉ người nào đó phải gánh chịu tội lỗi của kẻ khác – có nguồn gốc từ lễ xá tội Yom Kippur.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: