Tin tặc Bắc Hàn đánh cắp thông tin vaccine

Hôm nay ngày 16-2-2021, Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) cho biết tin tặc Bắc Triều Tiên đã cố đánh cắp thông tin về vaccine và phương pháp điều trị coronavirus, dù NIS phủ nhận tuyên bố của một nhà lập pháp Hàn Quốc rằng nhà sản xuất vaccine Pfizer Inc là mục tiêu. Trước đó, Ha Tae-keung, thành viên Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc, nói với báo chí rằng, chính NIS đã cung cấp thông tin việc Bắc Triều Tiên hack vào công ty Pfizer để đánh cắp công nghệ sản xuất vaccine COVID-19.

Trong khi đó, NIS nói rằng họ không đề cập bất kỳ công ty dược phẩm nào khi nói với các nhà lập pháp rằng tin tặc Triều Tiên đang theo dõi thông tin vaccine coronavirus. Văn phòng các vấn đề công cộng của NIS gọi những nhận xét của Ha là “sai”. Ông Ha vẫn giữ nguyên tuyên bố khi được Associated Press liên lạc, cho biết thêm rằng tài liệu NIS mà ông được xem có đề cập việc “Bắc Triều Tiên đánh cắp thông tin vaccine của Pfizer cũng như cố đánh cắp công nghệ từ các công ty dược phẩm và vaccine của Hàn Quốc”. Ha Tae-keung nói thêm, các nhà lập pháp được yêu cầu trả lại tài liệu khi kết thúc cuộc họp với NIS. Ông Ha cho rằng NIS dường như không muốn chọc giận Bình Nhưỡng.

Ha Tae-keung là một trong hai thư ký điều hành của Ủy ban tình báo Quốc hội có trách nhiệm chuyển tiếp nội dung các cuộc họp giao ban của NIS tại Quốc hội cho báo chí. Văn phòng của Kim Byung-kee, một thư ký điều hành khác của Ủy ban tình báo, đã không trả lời về phát biểu của ông Ha. Mặc dù Triều Tiên phủ nhận vụ việc nhưng nước này liên quan loạt vụ tấn công mạng vài năm gần đây, trong đó có chiến dịch năm 2013 làm tê liệt máy chủ của các tổ chức tài chính Hàn Quốc, vụ hack Sony Pictures năm 2014 và cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại WannaCry năm 2017.

Việc có được vaccine coronavirus là rất quan trọng đối với Triều Tiên. Nhiều chuyên gia nghi ngờ tuyên bố của Bắc Triều Tiên rằng họ không hoàn toàn không có ca nhiễm coronavirus. Đầu tháng này, một nhóm y tế quốc tế được thành lập để thúc đẩy khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vaccine coronavirus cho biết Triều Tiên có thể nhận được 1,9 triệu liều vaccine được sản xuất tại Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm nay. Nguồn vaccine cho Bắc Triều Tiên có thể được cung cấp bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ, nơi được cấp phép sản xuất vaccine mà AstraZeneca cùng Đại học Oxford nghiên cứu phát triển.

Trong một bản tin độc quyền vào hôm nay (ngày 16-2-2021), Reuters cho biết thêm, tin tặc Triều Tiên cũng bị tình nghi đột nhập vào hệ thống máy tính của nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca (Anh) vài tuần gần đây. Họ đóng giả là nhà tuyển dụng trên trang mạng LinkedIn và WhatsApp để tiếp cận nhân viên AstraZeneca. Sau đó, họ gửi các tài liệu “mô tả công việc” có chứa mã độc được thiết kế để truy cập vào máy tính của nạn nhân. Việc Bắc Triều Tiên tổ chức chiến dịch tin tặc đánh cắp thông tin liên quan vaccine cũng được Microsoft ghi nhận, với hai nhóm tác chiến, nhắm vào các nhà phát triển vaccine ở nhiều quốc gia.

Reuters từng đưa tin rằng tin tặc Iran, Trung Quốc và Nga đã cố đột nhập hệ thống của các nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu và thậm chí cả Tổ chức Y tế Thế giới. Tehran, Bắc Kinh và Moscow đều bác bỏ cáo buộc. Trong vụ tấn công AstraZeneca, bọn tin tặc Bắc Triều Tiên dùng địa chỉ email của Nga nhằm đánh lừa lạc hướng điều tra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: