H.C.
Trung Quốc đã bắt đầu dùng vaccine ngừa Covid-19 làm công cụ để vá víu lại quan hệ ngoại giao và gây ảnh hưởng tới các nước khác.
Philippines sẽ ưu tiên được nhận vaccine từ Trung Quốc. Các nước Mỹ Latin và Caribbean sẽ được vay một tỷ đô la để mua vaccine. Bangladesh sẽ được viện trợ không hoàn lại 100,000 liều vaccine… Đó là một số trong những cam kết mà Bắc Kinh đưa ra trong một chiến dịch “ngoại giao vaccine” nhắm thu phục các nước mà Trung Quốc coi là lợi ích thiết yếu của mình dù phải nhiều tháng nữa Trung Quốc mới bào chế được một loại vaccine được chứng tỏ an toàn và hiệu quả.
Indonesia là một ví dụ. Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện thoại cho Tổng thống Joko Widodo, khẳng định: “Trung Quốc quan tâm sâu sắc tới nhu cầu và mối lo ngại của Indonesia trong việc hợp tác vaccine”. Indonesia đang hỗ trợ các công ty Trung Quốc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên 1,620 người dân của đất nước vạn đảo này. Công ty PT Bio Farma – nhà sản xuất vaccine quốc doanh của Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine cô đặc của công ty Trung Quốc Sinovac để bào chế thành hàng trăm triệu liều cung cấp cho người Indoenesia. Ông Tập ca ngợi việc hợp tác đó như “một điểm sáng” trong quan hệ giữa hai nước”, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Lời hứa cung cấp vaccine của Bắc Kinh – cũng giống như trò ngoại giao khẩu trang mấy tháng trước – nhằm tô vẽ hình ảnh của Trung Quốc như là một cường quốc có trách nhiệm vào lúc Hoa Kỳ dưới quyền của Tổng thống Trump, đang từ bỏ dần vai trò lãnh đạo toàn cầu. Cam kết của Bắc Kinh cũng nhắm đẩy lùi những lời tố cáo đòi đảng Cộng sản phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của Trung Quốc khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán tháng 12 năm ngoái.
Khả năng bào chế và cung ứng vaccine cho các nước nghèo hơn cũng là một dấu hiệu mạnh mẽ về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc khoa học và công nghệ trong trật tự thế giới thời hậu đại dịch, dù vẫn có những mối hoài nghi việc Trung Quốc sử dụng tin tặc xâm nhập các trung tâm nghiên cứu của Âu-Mỹ để ăn cắp thành quả nghiên cứu vaccine. Dù sao, Trung Quốc cũng là nước đang dẫn đầu cuộc đua về bào chế vaccine: trong bảy mẫu vaccine ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm giai đoạn cuối, Trung Quốc có tới bốn mẫu, nhiều hơn cả Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đang có ba mẫu vaccine được thử nghiệm giai đoạn cuối. Hãng Pfizer cho biết họ có thể xin phê chuẩn khẩn cấp vào đầu tháng sau; hãng Moderna dự kiến sẽ có vaccine vào cuối năm, còn AstraZeneca – công ty dược phẩm của Anh quốc nhưng được chính phủ Mỹ tài trợ để nghiên cứu và bào chế vaccine ngừa Covid-19 – đang tạm dừng thử nghiệm vào tuần này vì một tình nguyện viên có triệu chứng phản ứng phụ trầm trọng.
Trung Quốc đã phê chuẩn khẩn cấp ít nhất hai loại vaccine và đã cho sử dụng rộng rãi cho binh lính và nhân viên các công ty quốc doanh của nước này từ hồi tháng Bảy, đang âm thầm tiêm vaccine cho nhân viên y tế và nhân viên các hãng hàng không. Các công ty bào chế dược phẩm của Trung Quốc đang xây thêm nhiều nhà máy để có thể sản xuất hàng triệu liều vaccine.
Ông Tập còn cam kết, Bắc Kinh sẽ biến vaccine do Trung Quốc bào chế thành một thứ “hàng hóa chung toàn cầu” dù chính phủ của ông không nói rõ chi tiết. Có một điều chắc chắn rằng để có được vaccine của Trung Quốc – mà hiệu quả ngăn ngừa virus và độ an toàn chưa được chứng minh bằng thực nghiệm khoa học – nhiều nước phải nhượng bộ Bắc Kinh ở các lĩnh vực khác.
Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường họp với các nước Thái Lan, Việt Nam, Lào và Cambodia do các nước này phản đối Trung Quốc giữ nước sông Mekong trên các đập thủy điện ở thượng nguồn, gây hạn hán trầm trọng cho các nước hạ nguồn, nhất là Việt Nam và Cambodia. Ông Lý đã đưa ra miếng mồi vaccine Trung Quốc để trấn an và được Cambodia nhiệt liệt hưởng ứng. Thủ tướng Cambodia Hun Sen – một chư hầu của Bắc Kinh – nói ông ta muốn “tán dương hết sức nỗ lực của người bạn Trung Quốc của chúng ta trong việc bào chế vaccine”.
Ở Philippines, nơi Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tranh giành ảnh hưởng, Tổng thống Rodrigo Duterte nói với các nhà lập pháp hồi tháng Bảy rằng ông ta đã “van nài” Chủ tịch Tập giúp đỡ về vaccine và đổi lại ông ta sẽ không tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông nữa. Ngay ngày hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin (Vương Văn Bân) thông báo Philippines sẽ ưu tiên được nhận vaccine Trung Quốc sớm.
Không chỉ các nước láng giềng mà Trung Quốc còn mời chào các quốc gia xa xôi ở châu Mỹ Latin, Trung Đông, Nam Á và châu Phi – những nơi mà Bắc Kinh đang muốn mở rộng ảnh hưởng.
“Chúng tôi cam kết một khi Trung Quốc hoàn thành việc phát triển và phân bổ vaccine ngừa Covid-19 thì các nước châu Phi sẽ là những nước đầu tiên hưởng lợi,” ông Tập nói tại cuộc họp các nhà lãnh đạo Phi châu hồi tháng Sáu. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị) hồi tháng Bảy cũng hứa Trung Quốc sẽ dành khoảng 1 tỷ đô la Mỹ cho các nước châu Mỹ Latin và Caribbean vay để mua vaccine của Trung Quốc, theo nguồn tin từ chính phủ Mexico.
Bộ Ngoại giao ở Bắc kinh nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách thiết lập sự độc quyền về cung cấp vaccine đồng thời bác bỏ những lời tố cáo Trung Quốc sử dụng vaccine làm công cụ ngoại giao, còn các học viện do nhà nước Trung Quốc kiểm soát thì khẳng định việc cung cấp vaccine của Trung Quốc là vị tha.
Chưa rõ chiến dịch của Bắc Kinh dùng vaccine để thúc đẩy ngoại giao và cải thiện hình ảnh sẽ có hiệu quả như thế nào, nhưng có một thực tế là các nước nghèo không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 để khống chế đại dịch, bảo vệ sinh mạng người dân và khôi phục nền kinh tế. Do Hoa Kỳ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu, quyết rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không tham gia liên minh Covax về phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19, nên đã tạo ra một khoảng trống để Trung Quốc lợi dụng, sắm vai người hùng cứu nhân độ thế.