Trung Quốc: “Chính trị hóa nguồn gốc COVID-19 cản trở cuộc điều tra”

Đại dịch Covid-19 gây khốn đốn cho toàn thế giới. Ảnh Bigstock

Sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ “nỗ lực gấp đôi” để tìm hiểu nguồn gốc của coronavirus gây dịch Covid-19, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ra tuyên bố nói việc “chính trị hóa nguồn gốc của COVID-19 sẽ cản trở các cuộc điều tra và làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế đại dịch”.

Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc được đăng trên trang web của sứ quán vào tối thứ Tư 26-05 nói thêm rằng “một số lực lượng chính trị đã cố ý lũng đoạn chính trị và chơi trò đổ lỗi”, theo tường thuật của hãng tin Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chuẩn bị bắt đầu giai đoạn hai cuộc nghiên cứu về nguồn gốc của COVID-19. Trung Quốc đang chịu áp lực phải cung cấp cho các nhà điều tra nhiều quyền tiếp cận hơn giữa lúc ngày càng có nhiều cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ ra ngoài từ một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về coronavirus ở thành phố Vũ Hán.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận trách nhiệm của phòng thí nghiệm, nói rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang cố đánh lạc hướng về nguồn gốc virus để che giấu những thất bại của chính họ trong việc ngăn chặn đại dịch.

Tổng thống Biden cho biết hôm thứ Tư rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ chưa có ý kiến thống nhất về việc liệu virus SARS-CoV-2 “xuất hiện từ việc con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm”. Ông đã yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ gia tăng nỗ lực tìm kiếm và báo cáo cho tổng thống trong vòng 90 ngày.

Giáo sư Hoàng Ngạn Trung (Yanzhong Huang), chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở Washington, cho biết sự thiếu cởi mở của Trung Quốc là yếu tố chính đằng sau sự trỗi dậy của giả thuyết virus “rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.

Giả thuyết virus SARS-CoV-2 bị sổng ra cộng đồng từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán được nêu ra ngay từ đầu đại dịch nhưng nhanh chóng bị gạt bỏ, bị cho là “thuyết âm mưu”; đa số các nhà khoa học vẫn tin rằng chủng virus này sinh ra trong tự nhiên và truyền nhiễm sang con người qua trung gian của động vật. 

Một nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và WHO được công bố vào tháng Ba cho biết rất khó có khả năng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, rất có thể nó lây lan từ con dơi sang người thông qua một loài vật trung gian nhưng gần một năm rưỡi qua, chưa ai xác định được loài vật trung gian đó là gì.

Ngay sau khi kết luận được WHO và Trung Quốc công bố, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng bác bỏ kết luận đó và yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra khác, độc lập, toàn diện, minh bạch và không bị cản trở. 

Điều trần trước các nhà lập pháp Thượng viện hôm thứ Tư, tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH), đã chỉ trích báo cáo của WHO: “Rất có thể đây là một loại virus phát sinh tự nhiên. Nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng xảy ra một vụ tai nạn trong một phòng thí nghiệm nào đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ rất mạnh mẽ rằng WHO cần phải quay lại [Trung Quốc] và thử lại sau khi giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra của họ thực sự không làm hài lòng ai cả.”

Tòa Bạch ốc cũng cho biết, cuộc điều tra của tình báo Mỹ theo lệnh Tổng thống Biden không liên quan và không cản trở cuộc điều tra, nếu có, của WHO và cộng đồng khoa học.

Gần đây, giới truyền thông nhận ra, “ngày càng có nhiều nhà khoa học cảm thấy bị lừa dối… Chúng ta vẫn chưa biết nguồn gốc của đại dịch khủng khiếp này. Chúng ta có thể không bao giờ biết. Nhưng lập luận cho rằng nó có thể lọt ra khỏi Viện Virus Vũ Hán hoặc một phòng thí nghiệm chị em ở Vũ Hán đã trở nên mạnh mẽ hơn đáng kể so với cách đây một năm, khi tiếng la hét lớn đến mức át đi cuộc thảo luận nghiêm túc”, nhà báo Nicholas Wade, cựu phóng viên khoa học của The New York Times và Science kết luận cho một bài phóng sự dài đăng trên Tạp chí của các nhà khoa học nguyên tử

Tuy nhiên theo giáo sư Hoàng Ngạn Trung, “Không có gì thực sự mới để chứng minh giả thuyết đó. Trong việc điều tra nguồn gốc của đại dịch, điều thực sự quan trọng là phải minh bạch để tạo niềm tin vào kết quả điều tra,” ông Hoàng nói.

Trong tuyên bố vừa đăng Đại sứ quán Trung Quốc nói họ hỗ trợ “một cuộc nghiên cứu toàn diện về tất cả các trường hợp đầu tiên của COVID-19 được tìm thấy trên toàn thế giới và một cuộc điều tra kỹ lưỡng về một số căn cứ bí mật và phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới.” Quan điểm của Trung Quốc là cuộc truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 phải diễn ra ở khắp thế giới chứ không chỉ tập trung vào Trung Quốc, nơi mà đại dịch đã bắt đầu từ cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán. 

Trung Quốc cũng tiếp tục khẳng định virus gây dịch COVID-19 có nguồn gốc từ một quốc gia khác và được nhập qua đường thực phẩm đông lạnh bị nhiễm bệnh hoặc thông qua các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, một phần của nhóm báo Nhân dân Nhật báo của đảng Cộng sản cầm quyền, đăng bài vào cuối ngày thứ Tư nói rằng nếu “lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm” được điều tra thêm, Hoa Kỳ cũng nên cho phép các nhà điều tra vào các cơ sở nghiên cứu của mình, bao gồm cả phòng thí nghiệm tại Fort Detrick ở tiểu bang Maryland

Ông Jamie Metzl, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), người đang vận động cho một cuộc điều tra độc lập mới, nhận định: “Rõ ràng là họ [Trung Quốc] đang cố gắng quốc tế hóa con đường thoát khỏi tình trạng kẹt cứng mà họ đang mắc phải.”

 “Đại dịch bắt đầu ở Trung Quốc”, ông Metzl nói. “Hãy bắt đầu với một cuộc điều tra đầy đủ ở đó và mở rộng khi cần thiết. Tóm lại, đây (tuyên bố của đại sứ quán) là một sự xúc phạm nặng nề đối với những người đã chết vì thảm kịch khủng khiếp này và gia đình của họ.”

Ông Hoàng của CFR thì cho rằng các cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của COVID-19 đang đi vào “bế tắc”. “Lý tưởng nhất là bạn muốn Trung Quốc hợp tác hơn và minh bạch hơn. Nhưng bây giờ vấn đề đã trở nên chính trị hóa, độ may rủi của cuộc điều tra rất cao,” ông Hoàng nói. Trông đợi Bắc Kinh hợp tác và minh bạch trong cuộc điều tra sắp tới là hết sức viển vông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: