Reuters (29-1-2021) cho biết, Tập đoàn hạt nhân quốc gia (“Trung Quốc hồ công nghiệp tập đoàn công ty” – CNNC) vừa đưa đơn vị đầu tiên của hệ thống nhà máy sản xuất hạt nhân Hoa Long Nhất Hiệu (Hualong One) vào hoạt động sản xuất-cung cấp hạt nhân nhằm mục đích thương mại. “Sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc làm chủ công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba, sau Mỹ, Pháp, Nga và một số nước khác” – CNNC nói. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ điện hạt nhân. Trung Quốc đang tăng tốc việc sử dụng công nghệ hạt nhân cho vũ khí.
Trung Quốc thay đổi chính sách hạt nhân
Ngay trong ngôn từ, chính sách hạt nhân Trung Quốc đã có dấu hiệu khác thường so với luận điệu những năm trước. Ngày 16-4-2013, khi công bố Sách trắng quốc phòng, Trung Quốc không còn đề cập chính sách “không ra tay trước” (việc sử dụng vũ khí hạt nhân) đồng thời nhấn mạnh sự sẵn sàng phản đòn bằng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng hạt nhân. Đây là một chuyển biến mới trong lập trường Bắc Kinh. Năm 1964, sau khi thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên, Trung Quốc tuyên bố “không bao giờ trong bất kỳ thời điểm nào hoặc bất kỳ trường hợp nào Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Cam kết trên đã xuất hiện trong tất cả Sách trắng quốc phòng (công bố mỗi hai năm) kể từ lần đầu tiên “bạch thư” này xuất hiện năm 1998 cho đến năm 2011…
Tháng 12-2012, ngay sau khi lên ghế tổng bí thư, Tập Cận Bình đã chọn Quân đoàn hai pháo binh (nơi chịu trách nhiệm quản lý kho vũ khí hạt nhân), chứ không phải bất kỳ binh chủng nào khác, làm nơi ra mắt. Trong cuộc gặp, Tập nói rằng vũ khí hạt nhân sẽ mang lại hậu thuẫn chiến lược cho vị thế cường quốc của Trung Quốc. Đáng chú ý hơn, Tập cũng không đề cập đến chính sách “không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân” trong các cuộc xung đột. Thái độ trên cho thấy Tập bắt đầu xem trọng và thậm chí ngầm nâng sức mạnh hạt nhân lên một vị trí mới, khác hẳn những người tiền nhiệm.
Sự chuyển dịch này khiến người ta nhớ lại “thái độ hạt nhân” của Trung Quốc qua lời thiếu tướng Chu Thành Hổ. Năm 2005, khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, họ Chu nói:
“Nếu Mỹ bắn tên lửa và các loại vũ khí dẫn đường vào mục tiêu nào đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân… Chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị tinh thần trước cảnh tất cả thành phố phía Đông của Tây An bị (Mỹ) hủy diệt; và dĩ nhiên người Mỹ cũng phải chuẩn bị nhìn cảnh hàng trăm thành phố của họ bị Trung Quốc nghiền nát!” (tháng 3-2013, trong chuyến kinh lý Mỹ, Chu Thành Hổ tất nhiên đã không nhắc lại vụ dọa Mỹ bằng tên lửa hạt nhân). Đó không là lần đầu tiên mà một viên tướng Trung Quốc dọa san bằng một phần nước Mỹ thành bình địa. Năm 1995, tướng Hùng Quang Giai cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ cho Los Angeles nếm mùi thương đau bằng vũ khí hạt nhân nếu Washington bảo vệ Đài Bắc trong trường hợp nổ ra chiến tranh Đài Loan-Hoa lục…
Trung Quốc có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân?
Cuối thập niên 1960, quân đội Mỹ dự báo Trung Quốc có thể có 435 đầu đạn vào năm 1973. Năm 1984, Cơ quan tình báo quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) ước tính Trung Quốc có thể có 818 đầu đạn hạt nhân vào năm 1994. Với chuyên gia vũ khí hạt nhân Phillip Karber, sau ba năm nghiên cứu, ông tin rằng Trung Quốc có khoảng 3.000 đầu đạn hạt nhân!
Có thể nói thêm rằng, Trung Quốc đã nghiên cứu vũ khí hạt nhân từ rất lâu, với sự giúp đỡ Liên Xô (giai đoạn trước thập niên 1960, khi quan hệ hai bên còn nồng ấm). Ngày 16-10-1964, họ thực hiện vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên và sau đó tiến hành vụ thử bom hydro đầu tiên năm 1967. Các cuộc thử nghiệm tiếp tục được thực hiện cho đến lần cuối cùng vào ngày 29-7-1996 (thời điểm mà Bắc Kinh ký Hiệp ước cấm thử toàn diện-CTBT). Đó là vụ thử lần thứ 22 trong lòng đất và lần thử thứ 45 tính tổng cộng…
Không như CHDCND Triều Tiên hay Iran, Trung Quốc hoàn toàn kín miệng về các chương trình hạt nhân quân sự. “Hồ sơ” hạt nhân Trung Quốc gần như chưa bao giờ trở thành tâm điểm thời sự quốc tế. Trong buổi nói chuyện với giới chức quốc phòng và nhà báo Mỹ tại Washington vào tháng 12-2012, tướng Viktor Esin, cựu tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược quân đội Nga, nói rằng Trung Quốc có thể có đến 850 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng trong khi số còn lại được giấu trong các kho ngầm.
Ước lượng Trung Quốc có khoảng 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân, tướng Viktor Esin còn cho biết, Nga tỏ ra lo ngại trước tiềm lực hạt nhân quân sự của Trung Quốc đến mức Moscow có thể sẽ xét đến việc hủy Hiệp ước sức mạnh hạt nhân (INF) ký với Mỹ năm 1987, nếu Bắc Kinh tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân theo đà hiện nay (INF cấm Mỹ và Nga sở hữu tên lửa có tầm xa hơn 5.500 km cũng như dàn phóng và hạ tầng hỗ trợ).
Tháng 9-2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tung ra báo cáo thường niên China Military Power Report, cho biết, Trung Quốc sở hữu ít nhất 200 đầu đạn hạt nhân. Theo chuyên san Bulletin of the Atomic Scientists (Chicago, Illinois) trong công bố tháng 12-2020, Trung Quốc có 350 đầu đạn hạt nhân. Và theo khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc hiện có 320 đầu đạn hạt nhân nhưng một nguồn thân tín với quân đội Trung Quốc cho biết kho vũ khí hạt nhân nước này đã lên đến 1.000 đầu đạn (dẫn lại từ South China Morning Post ngày 31-1-2021). Mỹ hiện có 5.800 đầu đạn hạt nhân và 3.800 trong số trong tình trạng hoạt động (active). Nga có 6.400 với 4.300 đầu đạn trong tình trạng hoạt động.
Bắc Kinh giấu kho vũ khí hạt nhân ở đâu?
Tiến sĩ Phillip Karber, với tư cách trưởng nhóm nghiên cứu Dự án kiểm soát vũ khí châu Á thuộc Đại học Georgetown, bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang Trung Quốc vài năm gần đây. Năm 2011, Karber công bố báo cáo (đề ngày 26-9-2011) với nội dung chi tiết liên quan gần như toàn bộ hệ thống đường hầm khắp Trung Quốc (có thể nói báo cáo 357 trang này, Strategic Implications of China’s Underground Great Wall, có thể dễ dàng truy xuất từ Internet, là một trong những tài liệu đầy đủ nhất về hệ thống đường hầm Trung Quốc).
Karber tin rằng đó chính là những cái kho bí mật chứa “hàng nóng” hạt nhân nước này. Nhóm nghiên cứu Karber chú ý rằng ngay sau trận động đất khủng khiếp tại Tứ Xuyên ngày 12-5-2008, trong số hơn 100.000 lính được phái đến cứu hộ, người ta thấy có hàng ngàn chuyên gia phóng xạ thuộc Quân đoàn hai pháo binh! Họ đến làm gì, nếu khu vực thảm họa không có những cơ sở hạt nhân bí mật?
Sau thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc vẫn đầu tư mạnh vào hệ thống đường hầm quân sự. Tháng 12-2009, trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quân đội Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu và nhiệm vụ”, với việc đào được khoảng 4.800 km đường hầm mà phân nửa trong đó được thực hiện “trong 15 năm qua”. Tại sao Quân đoàn hai pháo binh tiếp tục đào hầm, nếu không là để nhằm giấu kho vũ khí hạt nhân? – Karber đặt câu hỏi.
Dẫn lại nhiều dữ liệu và hình ảnh được cung cấp một phần từ báo chí chính thống Trung Quốc, Karber cho thấy hệ thống đường hầm quân sự nước này được đầu tư rất hiện đại với kiến trúc chắc chắn như một thành phố ngầm dưới mặt đất…; và “mỗi kilomet đường hầm được xây qui mô với kinh phí tương đương chi phí chế tạo 4-5 vũ khí hạt nhân và vài hệ thống tên lửa”!
Viết trên The Hill (28-1-2021), Rose Gottemoeller – viên chức hàng đầu về kiểm soát hạt nhân của Nội các Obama – nói rằng Chính phủ Joe Biden nên lôi Trung Quốc lên bàn đàm phán về vũ khí hạt nhân để có thể “khống chế hệ thống tên lửa tầm trung của quân đội nước này – mệnh danh “sát thủ hàng không mẫu hạm” gây nguy hiểm cho các hoạt động hải quân của chúng ta ở Thái Bình Dương”.
Rose Gottemoeller ám chỉ đến hỏa tiễn tầm trung DF-21 và DF-26 – hai loại vũ khí bị cấm trong khuôn khổ Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung được Mỹ và Liên Xô ký vào thời kỳ cuối của Chiến tranh lạnh. Năm 2018, Trung Quốc “khoe” hỏa tiễn hành trình CJ-20 phóng từ trên không của họ với tầm xa 2.000 km (1.200 dặm) có thể mang đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn quy ước.