Ai tin vào tuyên truyền của Bắc Kinh?

Trung Quốc viện trợ thiết bị y tế cho Malaysia trong lúc tàu thăm dò Hải Dương 8 và đội tàu hộ tống của Trung Quốc xâm nhập và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Bermana

CHARLES DUNST / H.C. dịch

Nhân loại thường hy vọng thế giới sẽ đoàn kết mỗi khi gặp phải thảm họa nhân đạo phải đối phó. Nhìn bề ngoài, làm giảm nhẹ những nỗi đau khổ của con người sẽ được ưu tiên, cạnh tranh và đối đầu sẽ lùi lại phía sau. Nhưng thực tế, cuộc khủng hoảng nào cũng bị lợi dụng cho các mục tiêu chính trị và kinh tế; đại dịch Covid-19 hiện thời không phải là ngoại lệ.

Trong lúc đại dịch hoành hành, Đài Loan – một nền dân chủ từ lâu bị cô lập về ngoại giao do áp lực của Trung Quốc – đang khéo léo thúc đẩy ảnh hưởng toàn cầu của mình qua việc viện trợ trang bị y tế cho khắp thế giới. Nga, Singapore, Nam Hàn và tất nhiên cả Hoa Kỳ đều có những nỗ lực tương tự.

Nhưng ít có ai chơi trò ngoại giao quyết liệt như đảng Cộng sản Trung Quốc. Một chế độ mà sự bất tài của nó đã tạo điều kiện thuận lợi cho con virus chết chóc phát tán từ Vũ Hán ra toàn thế giới giờ đây đang nhẫn tâm trình diễn vai trò lãnh đạo thế giới. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang xoáy vào sự trái ngược rõ ràng giữa sức mạnh của đảng Cộng sản Trung Quốc với những cuộc vật vã của phương Tây và đề cao những gói viện trợ được quảng bá rầm rộ các trang bị y tế cho thế giới.

Đài Loan cạnh tranh với Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng qua chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” Asia.nikkei

Không rõ liệu những mưu toan như vậy có tạo được hiệu quả mong muốn hay không. Nhiều lô hàng được coi là hàng viện trợ thực ra là hàng mua bán; nhiều lô trang bị y tế lại có khiếm khuyết trầm trọng. Và một số nhà lãnh đạo, đặc biệt là các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển, đã nhìn xuyên qua lớp sơn nhân đạo hào nhoáng bề ngoài – để tìm cách buộc chế độ Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm. Nếu chiến dịch quảng cáo của đảng Cộng sản Trung Quốc cứ tiếp tục lệch lạc như hiện nay nó có thể phá hỏng mưu đồ chiếm quyền lãnh đạo thế giới của Bắc Kinh.

Trong hơn bảy năm qua, Trung Quốc đã lôi kéo các nước đang phát triển tới gần Bắc Kinh qua việc đầu tư rất nhiều vào các nước này thông qua sáng kiến Nhất Lộ Nhất Đới (Vành đai và Con đường, BRI) – một chiến lược kinh tế và tiếp thị lớn. Đổi lại, Trung Quốc bảo đảm được ảnh hưởng của mình ở các nước này, mà nhiều nước có vị trí thiết yếu trên con đường vận chuyển năng lượng, đồng thời tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự. Ảnh hưởng đó cũng cho phép tạo ra một trật tự quốc tế lấy Bắc Kinh làm chuẩn, thách thức quyền bá chủ của Mỹ.

Nhưng trái ngược với Đồng thuận Washington (Washington Consensus), Trung Quốc đề ra cho các quốc gia đang phát triển một mô hình quản trị quốc gia hấp dẫn hơn, là chế độ tư bản nhà nước chuyên chế, không can thiệp và tự quyết – là cái gọi là Đồng thuận Bắc Kinh (Beijing Consensus). Thật không khó để thấy tại sao vốn đầu tư kinh tế của Trung Quốc không kèm theo những ràng buộc về nhân quyền hoặc cải cách dân chủ lại hấp dẫn các nhà độc tài như Hun Sen của Cambodia, Prayut Chan-o-cha của Thái Lan và Nicolas Maduro của Venezuela.

Nhưng đầu tư của Trung Quốc thường thực hiện dưới hình thức cho vay, đẩy các nước nhận đầu tư vào bẫy nợ. Sau khi Sri Lanka không trả được nợ, nước này phải gán cho Trung Quốc quyền sử dụng một hải cảng trong 99 năm. Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Pakistan và Tajikistan mỗi nước đều mắc nợ Trung Quốc hơn 45% tổng sản lượng quốc gia (GDP) do những dự án BRI và có nguy cơ phải nhượng cho Trung Quốc quyền kiểm soát nhiều khu vực tài sản quốc gia để gán nợ. Với những nước này, cùng với hai tá các nước mắc nợ Trung Quốc khoảng 20% GDP, thảm họa kinh tế mà đại dịch Vũ Hán gây ra đang mang lại một mối đe dọa cụ thể cho chủ quyền quốc gia của họ.

Trong lúc các trí thức Mỹ tranh luận về lợi ích của việc đổ tội cho đảng Cộng sản Trung Quốc vì sự bùng phát của đại dịch, sử dụng các thuật ngữ “Virus Vũ Hán”, “Virus Trung Quốc” thì một số lãnh đạo chính trị và dân sự ở các quốc gia đang phát triển – những nước đang nằm trong sự kiềm chế của Bắc Kinh và có nhiều thứ để mất nhất – đã không còn ngần ngại sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ như vậy, cũng không né tránh việc chỉ ra cả nguồn gốc của con virus và tội ác của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người Phi châu sinh sống và làm ăn rất đông ở Quảng Châu đang bị quấy nhiễu vì kỳ thị chủng tộc. AFP

Chủ tịch của Diễn đàn Khoáng sản châu Phi gần đây yêu cầu trên Twitter: “Nền kinh tế Nam Phi đã mất hàng tỷ rand do Virus Wuhan. [Chính phủ] Trung Quốc phải xóa nợ cho Nam Phi như một hành vi thể hiện sự hối lỗi”. Lời yêu cầu như vậy được nhắc đi nhắc lại trong chính giới và các nhân vật nổi tiếng của châu Phi, từ Nigeria, Kenya, Ghana, Ethiopia, Senegal và Nam Phi.

Lâu nay, các nhóm chính trị đối lập ở các nước thân Trung Quốc thường dùng khẩu hiệu chống Trung Quốc để lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng; nhưng điều làm Bắc Kinh giật mình là hiện nay ngay cả những nhóm đang cầm quyền cũng tham gia trào lưu chống Trung Quốc như vậy, dù với lời lẽ mang tính ngoại giao hơn.

Các nước châu Phi, chiếm hơn một nửa trong số 50 quốc gia mang nặng nợ nần của Trung Quốc, bị thiệt hại đặc biệt nặng nề do kinh tế đình đốn vì dịch cúm Vũ Hán. Nhưng Trung Quốc đã không hứa hẹn gì khi đáp lại yêu cầu giãn nợ, xóa nợ của Ghana – có lẽ vì Bắc Kinh sợ rằng việc giãn nợ hay xóa nợ sẽ đe dọa trầm trọng tới sự ổn định tài chánh của chính Trung Quốc và ảnh hưởng tới hoạt động của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài vào thời kỳ mà kinh tế Trung Quốc cũng đang điêu đứng.  

Thay vì đưa ra sự giúp đỡ tài chính cụ thể, Trung Quốc lại đẩy mạnh các tuyên bố về lòng nhân từ của họ, tung tin giả về virus có nguồn gốc từ Ý hoặc từ Mỹ, cũng như ngụy tạo ra một lịch trình chính thức (và hoang tưởng) cho cuộc chống dịch của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tình cảm chống Trung Quốc vốn đã lan tràn trong thế giới đang phát triển trước khi đại dịch bùng phát nhờ những vấn đề đa dạng như bẫy nợ tăng lên, những trận chiến truyền thông thù địch và sự kiện Trung Quốc giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo. Cuộc ứng phó ban đầu rõ ràng là quá kém cỏi của đảng Cộng sản Trung Quốc trước đại dịch đã thêm dầu vào lửa.

Ở Ấn Độ, nhiều người uất hận Trung Quốc đã xử lý sai trái với virus. Những người dẫn chương trình tin tức truyền hình Ấn Độ, những họa sĩ biếm họa, các nhà hoạch định chính sách, tất cả đều tập trung có chủ đích vào vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc gây ra đại dịch. Một bức tranh biếm họa mô tả người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus như là người chịu ơn Trung Quốc được chia sẻ rất rộng rãi trên mạng xã hội Ấn Độ – nghệ sĩ Amitabh Bachchan đã đăng lại bức tranh này tới 41 triệu người theo dõi trang Twitter của anh.

Bức tranh biếm họa mô tả người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus như là người chịu ơn Trung Quốc

Con virus Vũ Hán “đã xua tan cái huyền thoại về sự đồng thuận Bắc Kinh. Nhà cầm quyền Trung Quốc càng cố phô diễn hệ thống của họ đã xử lý hiệu quả một tình trạng khẩn cấp của quốc gia, thì ngay cả những quốc gia xa xôi nhất cũng biết họ đã thất bại như thế nào,” ông Vijay Gokhale, nguyên bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ mới nghỉ hưu năm nay, nhận xét. Trước những thất bại của Trung Quốc, giờ đây New Delhi đang tìm cách củng cố quan hệ với Đài Bắc.

Hành động của Bắc Kinh cũng trật chìa ở mọi nơi khác. Trong một nỗ lực rộng lớn nhằm trấn áp người nước ngoài mà họ cho là đang mang virus trở lại Trung Quốc, cảnh sát Hoa Lục đặc biệt nhắm vào người châu Phi. Hình ảnh các công an viên Trung Quốc xô đẩy các sinh viên và công dân châu Phi, xua họ ra khỏi các khách sạn, buộc họ phải ngủ đêm trên hè phố… đã gây choáng váng cho cả châu lục và kích hoạt một cơn bão phê phán.

Cuộc phản đối sự kiện này mới chỉ bắt đầu nhưng đã xói mòn trầm trọng chính sách “ngoại giao khẩu trang” mà Trung Quốc cố thực hiện. Một thành viên Quốc hội Kenya yêu cầu tất cả người Trung Quốc phải rời khỏi Kenya. “Sẽ là công bằng nếu tất cả người Trung Quốc rời khỏi đất nước này ngay lập tức. Làm sao các người đổ tội cho người châu Phi vì một con virus mà các người tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán? Cút về nhà ngay!”

Bộ trưởng Ngoại giao Ghana triệu tập đại sứ Trung Quốc đến để phản đối việc ngược đãi người châu Phi ở Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc trước những cáo buộc ngược đãi người Nigeria ở Quảng Châu”.

Các chính phủ Nigeria, Ghana, Nam Phi, Kenya và Uganda, cũng như Liên minh châu Phi, đều gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề này. Để đáp lại, Trung Quốc đã phái cán bộ tới thăm những người châu Phi đang bị cách ly, mang theo hoa và thực phẩm – tất nhiên là kéo theo cả đoàn quay phim truyền hình. Các viên chức ngoại giao Trung Quốc trấn an những người đồng sự châu Phi rằng Bắc Kinh sẽ giải quyết “những sự hiểu lầm” và thiết lập “một cơ chế truyền thông hiệu quả với các tổng lãnh sự các nước châu Phi tại Quảng Châu”. Ngay cả khi họ loạng choạng với chiến dịch tuyên truyền đầu tiên của họ, những bước sai lầm mới nhất của Bắc Kinh đang hình thành nên một làn sóng tuyên truyền thứ hai.

Các chiến dịch tuyên truyền hiện hành của Trung Quốc có thể làm dịu đi một chút làn sóng phê phán Bắc Kinh nhưng không thể có hiệu quả lâu dài. Tình cảm chống Trung Quốc từ lâu đã dâng cao ở nhiều quốc gia. Khi đại dịch tiếp tục lan rộng, Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn là chỉ đưa ra những lời dối trá.

(Foreign Policy)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: