Bắc Kinh: Cáo diễn vai cừu

Tập Cận Bình trong buổi tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Quảng Châu ngày 7 Tháng Tư 2023 (ảnh: Huang Jingwen/Xinhua via Getty Images)

Phản ứng của Trung Quốc đối với các điểm dừng chân tại Hoa Kỳ của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn có vẻ được điều chỉnh, để vẫn bày tỏ sự tức giận mà không làm tổn hại đến tham vọng “nhà kiến tạo hòa bình”…

TQ đang cố gắng cân bằng “cơn thịnh nộ nước lớn”, trong vai diễn người kiến tạo hòa bình toàn cầu với tiền bạc rủng rỉnh và vũ khí leng keng. Đây là trò chơi hai mặt tế nhị được lãnh đạo TQ áp dụng để cố gắng duy trì những gì mới đạt được về ngoại giao khi giới thiệu mình như một đối trọng toàn cầu mới “yêu hoà bình”.

Bằng cách đưa một tàu sân bay tới Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp nghiêm khắc tới Đài Bắc sau cuộc gặp đột phá của tổng thống lãnh thổ này tại Mỹ. Tuy nhiên cho đến nay, TQ đã kiềm chế việc phô trương vũ lực quá đáng để không gây tổn hại uy tín và làm hoen ố tư cách “một cường quốc toàn cầu độ lượng và có trách nhiệm”.

Sự kiềm chế cho thấy Tập Cận Bình muốn để ngỏ các lựa chọn khi ông sắp xếp các ưu tiên ngoại giao khác, gồm cả hạ nhiệt quan hệ căng thẳng với Washington. Một mặt, TQ luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và cam kết chiếm đảo bằng vũ lực nếu cần và đe dọa hành động trả đũa chống lại bất kỳ động thái nào tuyên bố độc lập nào của Đài Loan trong mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, một mặt ông Tập cũng xác định TQ là một nhà kiến tạo hòa bình mới trên trường quốc tế, khác với “thói bắt nạt và can thiệp quân sự” của Mỹ trong quá khứ.

Hai chính sách kép có vẻ phủ nhận nhau đã được thể hiện khá rõ trong tuần qua. Trong khi bà Thái Anh Văn đang gặp gỡ tại California với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp lãnh đạo Đài Loan trên đất Mỹ), ông Tập chào đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bằng những lời lẽ “ấm áp” và bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước để lôi kéo một cường quốc phương Tây xích lại gần Bắc Kinh hơn.

Trong khi đó, tháng qua, các phụ tá hàng đầu của ông Tập đã tiếp đón các ngoại trưởng của Saudi Arabia và Iran trong vai trò “trung gian” giúp xoa dịu ngoại giao giữa hai quốc gia đối thủ Trung Đông trong một cuộc họp ở Bắc Kinh. Ông Tập cũng rất kỳ vọng TQ có thể trực tiếp làm trung gian hòa giải cuộc chiến Ukraine, sau khi công bố lập trường 12 điểm về việc chấm dứt chiến sự và tới Moscow dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người tháp tùng tổng thống Pháp ở Bắc Kinh, đều kêu gọi ông Tập hãy sử dụng ảnh hưởng của mình với Moscow để giúp chấm dứt chiến tranh.

Phát tín hiệu hoà hoãn với Mỹ

Bất chấp sự đóng băng song phương, TQ đã phát tín hiệu cho thấy giới chức cấp nội các của Mỹ sẽ được chào đón ở Bắc Kinh. So với lúc chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào Tháng Tám năm ngoái, phản ứng của TQ lần này “hiền” hơn. Lúc đó, TQ bao vây Đài Loan bằng hoả tiễn đạn đạo trong khi “nắn gân” khả năng phòng thủ của hòn đảo bằng tàu hải quân và máy bay chiến đấu để chứng minh Bắc Kinh đủ sức phong tỏa hòn đảo dễ dàng và phá vỡ hoạt động thương mại. Phản ứng tương đối im lặng lần này cho thấy rõ rằng TQ muốn dừng ở mức độ “cảnh cáo” bà Thái trong khi vẫn duy trì nỗ lực ngoại giao toàn cầu.

Ava Shen, cộng tác viên phụ trách chính sách đối ngoại của Đài Loan và TQ tại công ty tư vấn Eurasia Group ở New York, nhận định: “Thời điểm diễn ra các cuộc tập trận cho thấy Bắc Kinh muốn cân bằng giữa việc ngăn cản mối quan hệ Mỹ-Đài chặt chẽ hơn và các lợi ích trong việc củng cố quan hệ với các đối tác thương mại và xây dựng ảnh hưởng ngoại giao toàn cầu”.

Vào Chủ nhật, 9 Tháng Tư, quân đội Đài Loan cho biết đã phát hiện 70 máy bay quân sự và 11 tàu hải quân TQ gần hòn đảo này. 71 máy bay và chín tàu TQ cũng áp sát hòn đảo vào ngày hôm trước. Cứ đến hẹn lại lên, Quân đội TQ lại cử máy bay chiến đấu cơ lảng vảng gần Đài Loan để thăm dò. Hồ Tất Tiến, cựu Tổng biên tập của tờ báo dân tộc chủ nghĩa Global Times, một trong những tiếng nói dân tộc chủ nghĩa nổi bật nhất trên internet TQ, đã xem phản ứng của quân đội Trung Quốc là “hồi chuông cảnh tỉnh khiến chính quyền Đài Loan phải run sợ!”

Và các toan tính khác

Các phương tiện truyền thông nhà nước TQ hầu như không đề cập chuyến thăm Đài Bắc của một phái đoàn Quốc hội lưỡng đảng Hoa Kỳ do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul (Cộng hoà-Texas) dẫn đầu và bảy nhà lập pháp khác, trong khi các chuyến đi tương tự trước đó bị lên án mạnh mẽ.

Phản ứng chừng mực của TQ cũng có thể được thiết kế nhằm hướng tới cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan dự kiến diễn ra vào Tháng Một, 2024. Hiện không có ứng cử viên dẫn đầu rõ ràng và một cuộc đua dự kiến sẽ căng thẳng bất thường nên TQ thận trọng để không thổi bùng tâm lý chống Bắc Kinh ở Đài Loan, tạo cơ hội cho ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng cầm quyền, Phó Tổng thống Đài Loan William Lai, người trong quá khứ đã mô tả mình là một “người xung kích cho nền độc lập của Đài Loan”.

Chỉ vài ngày trước khi bà Thái Anh Văn lên đường sang Mỹ, TQ tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Honduras, một trong số ít quốc gia công nhận chính quyền Đài Bắc. Trong khi bà Thái đang quá cảnh ở Hoa Kỳ, Bắc Kinh cũng chào đón ông Mã Anh Cửu, người tiền nhiệm và cũng là đối thủ của bà đến đại lục trong chuyến thăm cấp cao (lần đầu tiên của một cựu tổng thống Đài Loan). Trong chuyến thăm, ông Mã tuyên bố “người dân ở cả hai bờ eo biển Đài Loan đều là người TQ”, trái ngược với những tuyên bố của bà Thái nhấn mạnh rằng chính nền dân chủ của Đài Loan mới là yếu tố làm cho hòn đảo này khác với chế độ chuyên chế tại TQ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: