Biến thể Delta làm phá sản chiến lược Covid của Trung Quốc

Minh họa: Brian McGowan/Unsplash

Khi chuyến bay CA910 của hãng hàng không Air China hạ cánh xuống thành phố Nam Kinh của Trung Quốc vào ngày 10 Tháng Bảy, nó cũng mang thêm một thứ ngoài số hành khách và phi hành đoàn. Đó là biến thể Delta coronavirus trong người một du khách từ Moscow, Nga…

Chuẩn bị “phát tán tổng lực”

Sau khi tất cả mọi người xuống máy bay, nhân viên vệ sinh sân bay Nam Kinh Lukou lên máy bay dọn dẹp và thu gom rác. Theo công bố chính thức của cơ quan chức năng, khi nhóm dọn dẹp hoàn thành nhiệm vụ, họ cũng mang theo chủng virus nguy hiểm ra thế giới bên ngoài và châm ngòi cho đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất của Trung Quốc kể từ sau đợt bùng nổ Vũ Hán làm chấn động thế giới.

Chính quyền thành phố Nam Kinh tin rằng: Chính việc không tuân theo các qui định an toàn chống Covid của những người làm vệ sinh máy bay, đã làm dịch bùng phát. Nhưng cũng thừa nhận chuyến bay trên được phép hạ cánh sai nguyên tắc, vì hãng từng bị cấm bay nhiều lần do chở hành khách nhiễm coronavirus. Hệ quả là đúng vào cao điểm mùa du lịch hè, virus Delta đã được phát hiện tại ít nhất 16 tỉnh và thành phố của Trung Quốc. Hầu hết liên quan đến ổ dịch Nam Kinh. Dù mới chỉ có vài trăm trường hợp (không cao so với 1.4 tỷ dân) nhưng chính quyền Trung Quốc tin rằng Delta đã kịp đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán và chuẩn bị “phát tán tổng lực”.

Để ngăn chặn kịch bản tồi tệ này xảy ra, chính phủ Trung Quốc lập tức quay lại với các phương pháp quen thuộc từng áp dụng và tin là rất thành công: Xét nghiệm truy vết diện rộng hàng triệu người trong một thời gian ngắn. Một số thành phố bị phong toả và giao thông kết nối với nhiều khu vực tạm ngưng. Chiến lược mà những người theo dõi phòng chống Covid toàn cầu gọi là “đánh nhanh, diệt gọn”, không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn tại Úc, New Zealand, Singapore và một số quốc gia khác, với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, có vẻ như cách làm này đang gặp bối rối khi tốc độ lây lan Delta luôn đi trước truy vết, khoanh vùng và dập dịch. Thực tế cho thấy nhiều khu cách ly và phong toả đang trở thành ổ lưu nhiễm vượt ngoài tầm kiểm soát. Câu hỏi được đặt ra là: “Liệu chiến lược ‘tìm, diệt, bao vây” này có thực sự hiệu quả trước một biến thể Covid lây lan nhanh và khó đoán như Delta?”.

Giết nó khi bắt được nó!

Theo một số chuyên gia, trước khi Delta tấn công, đã có những dấu hiệu cho thấy nhiều người Trung Quốc đang mất dần cảnh giác với coronavirus. Thực tế cho thấy, một số đợt bùng phát nhỏ hơn ở Quảng Đông và dọc theo biên giới với Nga và Myanmar không đủ để xóa bỏ tình trạng “lười” đeo khẩu trang so với lúc dịch bộc phát tại Vũ Hán. Các cuộc tụ tập đông người dần quay trở về.

Thậm chí, ngay khi đã có Delta, một buổi biểu diễn sân khấu tại điểm du lịch Trương Gia Giới thuộc tỉnh Hồ Nam, có hơn 2,000 người tham dự, bất chấp nguy cơ lây lan là siêu cao. Theo nhà virus học Jin Dongyan của Đại học Hong Kong, việc chính quyền Trung Quốc chuyển nhanh từ “tương đối mở cửa” sang phong tỏa nghiêm ngặt tại những nơi có nguy cơ Delta cao đã minh họa cho khẩu hiệu phổ biến trong quản lý điều hành: “Giết nó khi bạn bắt được nó, thả nó ra là hỗn loạn! Theo tôi, làm vậy là rất cực đoan, không có chỗ cho các sáng kiến” – ông nói.

Trong khi đó, không chỉ tại Trung Quốc mà trên thế giới cũng đang phát triển mối lo lắng là “Liệu vaccine Trung Quốc có hiệu quả như tuyên truyền không?”. Chính chính quyền cũng công nhận nhiều ca nhiễm Delta đầu tiên ở Nam Kinh là những người được tiêm chủng đủ liều. Khi sự hoàn nghi lan truyền trên mạng internet, các cơ quan y tế Trung Quốc thi nhau trấn an, dù họ cho biết “đang cân nhắc khuyến cáo người dân tiêm nhắc lại lần thứ ba”! Trung Quốc đã sản xuất hơn 1.7 tỷ liều vaccine, nhưng không cho biết có bao nhiêu người đã được tiêm đủ liều. Nhiều số liệu về Covid-19 được xem như “bí mật quốc gia”!

Khó thay đổi chiến lược “zero-Covid”

Không giống các quốc gia mở cửa sau khi tiến hành tiêm chủng số đông, Trung Quốc dường như không sẵn sàng thay đổi chiến lược “Covid bằng Không” nếu nhìn vào cách lập lại chiến lược cũ cho đợt bùng phát mới biến chủng Delta. Giáo sư Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định: “Có vẻ sự thiếu tin tưởng vào vaccine do mình sản xuất là lý do của việc Trung Quốc tiếp tục chiến lược ‘truy nhanh, bao vây, diệt gọn khi xảy ra đợt dịch mới”.

Một bài xã luận gần đây trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) bác bỏ thẳng thừng đề nghị tái mở cửa giống như Vương quốc Anh (sau khi phần lớn người dân đã được tiêm chủng). Tờ báo viết: “Ý tưởng mở cửa là ‘không thể hiểu được về mặt chính trị’ vì nó sẽ dẫn đến chi phí xã hội và nỗi đau ngoài sự tưởng tượng!”. Thay vào đó, tờ báo cổ vũ cách tiếp cận “zero-Covid linh hoạt” với “Những cánh cửa có kiểm soát” mở ra thế giới bên ngoài.

Trong một bài bình luận, chuyên gia y tế hàng đầu Zhang Wenhong lại có ý kiến khác: “Một lần nữa, đợt bùng phát Delta lại nhắc nhở chúng ta virus vẫn tồn tại. Và dù không muốn, chúng ta cũng không thể tránh né những rủi ro trong tương lai. Vì vậy, Trung Quốc nên sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường song song với việc bảo vệ người dân”. Nhưng Trung Quốc không dễ chuyển sang chiến lược mà các chuyên viên virus gọi là “chiến lược giảm nhẹ”, trong đó tập trung vào giảm số ca tử vong thay vì giảm các ca bệnh. Theo Zhang, thách thức lớn nhất đối với chính quyền là làm thế nào thuyết phục những người dân không thích rủi ro khi mở cửa. “Đó là những người từng trải nghiệm đau thương với những gì xảy ra ở Vũ Hán, nơi hệ thống y tế bị quá tải hoàn toàn. Họ sợ nếu mở cửa trở lại hệ thống y tế Trung Quốc sẽ không chịu nổi!” – Huang nói.

Đến lúc phải chấp nhận sống chung với Covid

Giáo sư Jin lưu ý thêm là cách mà các phương tiện truyền thông nhà nước mô tả về Delta càng làm tăng thêm sự sợ hãi. “Truyền thông đưa nhiều tin ảnh rất kinh hoàng về bùng phát dịch ở Ấn Độ và “địa ngục” tại Anh, Mỹ lúc cao trào. Những thành công của chiến lược ‘zero Covid’ đã cho phép chính phủ Trung Quốc tuyên bố cách đương đầu với virus của họ vượt trội hơn so với phương Tây. Nếu họ từ bỏ chiến lược này và chuyển sang giảm nhẹ, sẽ có nghĩa là tán thành một cách làm của phương Tây, thứ mà họ coi như rác rưởi!” – Huang nhận xét.

Với tương đối ít người chết kể từ sau đợt bùng phát Vũ Hán và nền kinh tế đang trên đà phục hồi, nhiều người dân Trung Quốc không cảm thấy cần thay đổi chiến lược. Nancy Jecker, giáo sư đạo đức sinh học tại Đại học Y khoa Washington, nói: “Giải pháp cách ly hàng loạt ảnh hưởng lớn đến người nghèo so với các thành phần khác. Phong tỏa cũng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần của người dân. Nếu Trung Quốc không thay đổi đủ nhanh, các tác động sẽ nghiêm trọng hơn ở mọi cấp độ xã hội. Chính quyền cần cách tiếp cận linh hoạt hơn, chẳng hạn chỉ lockdown cục bộ, thu hẹp và mở cửa dần dần có kiểm soát, cho phép trường học mở lại dù các phòng tập thể hình và nhà hàng vẫn đóng cửa”.

Giáo sư Jecker nhận định: “Cuối cùng thế giới đang chia thành hai loại quốc gia: Một bên tiếp tục theo đuổi chiến lược ‘zero-Covid’ như Trung Quốc và một bên chuyển sang ‘chiến lược giảm thiểu’ như Anh, Mỹ. Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sống chung có kiểm soát với coronavirus, chờ đến hậu đại dịch, khi số ca tử vong giảm dần và coronavirus tiếp tục xuất hiện lại hàng năm giống như cảm lạnh”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: