“Chứng mất trí nhớ” của cộng sản Trung Quốc đang được ai “chữa trị”?

Nhiều năm qua, không ít người vẫn miệt mài ghi chép và nhắc nhớ rằng tội ác cộng sản Trung Quốc vĩnh viễn không thể xóa nhòa.
Share:
Nạn đói kinh hoàng thời Mao (ảnh: Universal Images Group via Getty Images)

Xóa bỏ và viết lại lịch sử là một trong những thủ thuật cai trị nổi bật của cộng sản Trung Quốc. Những tội ác “trời không dung, đất không tha” của chế độ cộng sản Trung Quốc đều được Bắc Kinh phủi tay. Tuy nhiên, nhiều năm qua, không ít người vẫn miệt mài ghi chép và nhắc nhớ rằng tội ác cộng sản Trung Quốc vĩnh viễn không thể xóa nhòa.

Khi sử bị “thiến”

Đầu năm 1990, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc – Phương Lệ Chi (Fang Lizhi, 方励之; chết năm 2012, 76 tuổi) – trốn đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Tháng Sáu năm trước (1989), chính quyền đã đàn áp loạt biểu tình do sinh viên tổ chức ở Quảng trường Thiên An Môn, giết chết hàng trăm người hoặc thậm chí hàng ngàn người.

Phẫn uất, Phương Lệ Chi viết một tiểu luận với tựa đề “Chứng mất trí nhớ Trung Quốc”, giải thích tại sao những bi kịch liên tục ập xuống đầu người dân Trung Quốc. Phương Lệ Chi nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát lịch sử sát sao đến mức đại đa số người dân không nhận thức được chu kỳ bạo lực bất tận mà chế độ gây ra. Kết quả là người dân chỉ biết những gì bản thân họ trải qua, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tuyên truyền.

Phương Lệ Chi (Fang Lizhi), 1951 – ảnh: Forrest Anderson/Getty Images

Phương Lệ Chi viết: “Theo cách này, khoảng một thập niên, diện mạo thật của lịch sử sẽ bị xóa hoàn toàn khỏi ký ức xã hội Trung Quốc, và đây là mục tiêu của chính sách ‘Quên lịch sử’ của Cộng sản Trung Quốc.”

Tuy nhiên, từ 1989 đến nay, dù căn bệnh “mất trí nhớ” và chối bỏ lịch sử của cộng sản Trung Quốc vẫn trầm trọng, ký ức và lịch sử đương đại của nước này vẫn chưa bị đánh mất. Sự nổi lên của phong trào sử gia công dân tiếp tục thách thức sự kiểm soát lịch sử của đảng cai trị. Công nghệ kỹ thuật số, với sự hình thành những tập PDF và máy ảnh, đã thay đổi căn bản cách ký ức lịch sử được bảo tồn và lan truyền. Chúng cho phép hồi sinh những cuốn sách bị cấm hoặc không còn xuất bản. Sau hai thập niên, hàng triệu tập PDF và phim được dựng trên máy tính xách tay đã được chia sẻ toàn cầu qua thẻ nhớ và email.

Nhờ vậy, người ta biết rằng giai đoạn ba năm đói kinh hoàng (三年大饥荒 – tam niên đại cơ hoang), thảm họa tồi tệ nhất lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1959 đến 1961 – đã giết chết tới 45 triệu người, gấp 20 lần số người chết trong Cách mạng Văn hóa; chứ không phải “ba năm khó khăn” được cho là chỉ làm chết vài triệu nạn nhân bởi thiên tai và sự rút lui của các cố vấn Liên Xô – như cách kể chuyện chính thức của bộ máy tuyên truyền. Nhân chứng sống sót và tài liệu lưu trữ cho biết nạn đói là do các chính sách kinh tế sai lầm nghiêm trọng và Mao là thủ phạm lớn nhất cho thảm họa, tương tự Hồ Chí Minh, thủ phạm không thể chối cãi cho những sai lầm liên quan việc truy bức giới trí thức trong vụ án kinh thiên động địa Nhân Văn Giai Phẩm.

Mao và Hồ, hai thủ phạm của những cuộc “diệt chủng” văn hóa (ảnh: Getty Images)

Chiến dịch tuyên truyền lịch sử viết theo quan điểm nhà nước cộng sản Trung Quốc là trụ cột trung tâm của sự cai trị đối với chế độ cộng sản Trung Quốc. Kể từ khi Mao vạch ra “đường lối của đảng” trong hang động ở Diên An, nơi giới lãnh đạo chóp bu cộng sản ẩn náu chờ thời cơ trong cuộc chiến với Nhật vào những năm 1940, mục tiêu của họ là làm cho mọi người dân tin rằng mọi thứ trước Cách mạng Cộng sản đều là suy đồi, tham nhũng và tàn ác, rằng cuộc cách mạng là không thể tránh khỏi, và chỉ có sự cai trị của Cộng sản mới khôi phục được quyền lực và vinh quang cho Trung Quốc.

Trong bài viết trên New Yorker ngày 25 Tháng Chín 2023, tác giả Ian Buruma thuật rằng, chỉ riêng khu vực Diên An, nơi hình thành học thuyết chính trị Mao, người ta xác định có đến 445 khu tưởng niệm và 30 bảo tàng. Có đến 36,000 di tích và địa điểm cách mạng trên khắp đất nước Trung Quốc, và 1,600 trong số đó là đài tưởng niệm và bảo tàng, tất cả đều phục vụ việc truyền bá nhồi sọ.

Giáo dục lòng yêu nước không chỉ có ở Trung Quốc. Mỹ cũng như nhiều nước thế giới không thờ ơ việc giảng dạy lịch sử. Nhưng việc sử dụng quá khứ để hợp pháp hóa sự cai trị chính trị luôn có một lịch sử đặc biệt lâu dài ở Trung Quốc. Với người Trung Quốc, lịch sử chẳng khác gì tôn giáo. Mỗi triều đại mới ở Trung Hoa phong kiến đều có những người chép sử riêng để tán dương những người cai trị mới và chê bai bỉ bôi những người cai trị cũ.

Sự kiện Thiên An Môn là điều tuyệt đối cấm kỵ nhắc lại ở Trung Quốc (ảnh: Jacques Langevin/Getty Images)

Tính hợp pháp chính trị là sự kết hợp giữa vũ trụ (hoàng đế là Thiên Tử, được Trời giao nhiệm vụ cai trị) và các học thuyết dựa trên nền tảng triết học Nho giáo, trong đó khái niệm vâng phục chính quyền là một đức tính (Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung). Tuy nhiên, nền sử học Trung Quốc thật ra không tử tế như lý thuyết Khổng Nho. Người viết sử không được phép viết sự thật. Sử gia lừng lẫy thời Hán, Tư Mã Thiên (Sima Qian), sinh khoảng năm 145 trước Công nguyên, đã bị trừng phạt bằng cách bị thiến khi ông xúc phạm hoàng đế.

Ngày nay, Tập Cận Bình không “thiến” giới sử gia đương đại nhưng những gì Đảng Cộng sản làm thậm chí tồi tệ và tàn nhẫn hơn bất kỳ chế độ cai trị nào trước đó trong lịch sử nước này. Hơn cả thời phong kiến, Bắc Kinh cấm các tổ chức độc lập. Tập Cận Bình, từng là nạn nhân thời Cách mạng Văn hóa, con trai một quan chức Đảng bị thất sủng, đã rút ra bài học từ sự sụp đổ Liên Xô.

Những trích dẫn của Mao thậm chí được đảng cộng sản xem là “chính sử” (ảnh: Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images)

Tập tin rằng cộng sản Liên Xô mất quyền lực là do Mikhail Gorbachev đã để cho người dân mất đi niềm tin vào hệ tư tưởng giáo điều. Tập Cận Bình không cho phép điều này xảy ra. Những quan niệm “nguy hiểm” – chẳng hạn giá trị của nền dân chủ tự do, xã hội dân sự, báo chí tự do hoặc tư pháp độc lập – phải bị loại bỏ khỏi các cuộc thảo luận và diễn đàn, ngay cả tại các trường đại học nơi chúng từng được chấp nhận. Đối với Tập và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, chỉ trích chính phủ là chống Trung Quốc, là phản quốc.

Những người can đảm

Phong trào “phản biện lịch sử” không phải mới đây. Nó bắt đầu từ tạp chí sinh viên tên “Tinh Hỏa” (星火, báo chí tiếng Anh dịch là “Spark”). “Tinh Hỏa” được thành lập năm 1960 bởi những sinh viên bị đưa đi “lao động tình nguyện” (thực chất là bị đày) đến miền Tây Trung Quốc. Ở đó, họ tận mắt nhìn thấy hậu quả của “tam niên đại cơ hoang” khi người dân đói đến mức ăn cả thịt đồng loại. Nhóm sinh viên lập ra “Tinh Hỏa” nhằm khơi dậy sự phản đối chế độ độc đảng, chống lại cường quyền, phản đối tình trạng đói khát tự do ngôn luận và sự bất lực của người dân, đặc biệt nông dân ít học.

Ngay sau khi “Tinh Hỏa” ra mắt, chính quyền lập tức đóng cửa và tịch thu tất cả ấn bản “Tinh Hỏa”. 43 người bị bắt; ba người bị hành quyết và số còn lại bị đưa đến các trại cải tạo lao động. Sau khi Mao chết năm 1976 và những người tương đối ôn hòa lên nắm quyền, đảng tỏ ra mềm hơn. Một số người được phép xem hồ sơ cá nhân của mình, còn gọi là dang’an (档案 – đương án). Mọi chi tiết nhân thân của từng cá nhân đều nằm trong dang’an của công an.

Một trong những sinh viên tham gia “Tinh Hỏa”, Đàm Thiền Tuyết (Tan Chanxue, 谭蝉雪), bắt đầu lục tìm xem hồ sơ của mình. Chính quyền đã lưu giữ đầy đủ mọi thứ để kết án bà, từ các ấn bản “Tinh Hỏa” đến lời thú tội của tất cả sinh viên, và thậm chí những bức thư tình bà viết cho bạn trai, người bị hành quyết vào năm 1970.

Đàm Thiền Tuyết chụp lại tất cả tài liệu. Đến thập niên 1990, bà cung cấp bộ ảnh cho những người bạn để họ dựng lại thành tập PDF. “Tinh Hỏa” được hồi sinh ở định dạng kỹ thuật số. Một giai đoạn lịch sử những tưởng bị chôn vùi vĩnh viễn dưới lớp bụi dày quá khứ bắt đầu hiện ra. “Tinh Hỏa” PDF lập tức gây sốc khắp Trung Quốc, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim, nhà báo và giới bất đồng chính kiến. Những gì từng là ký ức cá nhân giờ trở thành ký ức tập thể.

Hai thập niên qua, việc khám phá lại quá khứ và tạo ra kiến thức lịch sử mới đã được lặp lại. Hàng trăm cuốn sách đã xuất hiện trên mạng, “đính chính” lại những gì mà lịch sử đảng cố tình viết sai hoặc bóp méo. Một trong những người hăm hở và nhiệt huyết nhất của phong trào tái dựng lại kiến thức lịch sử thật, khác với loại lịch sử ngụy tạo của đảng, là Vương Tiểu Ba (Wang Xiaobo, 王小波), cùng vợ mình, bà Lý Ngân Hà (Li Yinhe; 李银河).

Vợ chồng Vương Tiểu Ba và Lý Ngân Hà (ảnh: Li Yinhe; ChinaFile)

Hai người gặp nhau vào năm 1979 và kết hôn vào năm sau. Năm 1984, họ đến Đại học Pittsburgh, nơi Lý Ngân Hà lấy bằng tiến sĩ và Vương Tiểu Ba học thạc sĩ. Khi trở về Trung Quốc năm 1988, Lý đảm nhận một vị trí tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và Vương dạy lịch sử và xã hội học tại Đại học Nhân dân và Đại học Bắc Kinh. Những gì Vương Tiểu Ba làm đã mang lại ảnh hưởng rất lớn đối với giới trí thức Trung Quốc và được giới học giả quốc tế đánh giá cao.

Tiếp theo Vương Tiểu Ba là nhà làm phim Ngải Hiểu Minh (Ai Xiaoming; 艾晓明), chuyên thực hiện những bộ phim tài liệu nói về những nhóm người thiệt thòi trong xã hội Trung Quốc, trong đó có nông dân, nạn nhân bị hãm hiếp và tù nhân trong trại lao động. Ngoài ra, còn có nhà văn Diêm Liên Khoa (Yan Lianke; 阎连科); nhà thơ Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu; 廖亦武); nhà làm phim Giả Chương Kha (Jia Zhangke; 贾樟柯).

Đạo diễn Giả Chương Kha (Jia Zhangke) – một trong những người “chép sử” đương đại khác với lối diễn sử của bộ máy tuyên truyền (ảnh: Getty Images)

Thời Tập Cận Bình, không khí ngày càng nghẹt thở. Tập trấn áp đảng viên, các tổ chức phi chính phủ, xóa sổ các cuộc thảo luận về chính sách công; và đặc biệt tăng cường kiểm soát và thao túng lịch sử. Năm 2013, Tập cấm chỉ trích những gì xảy ra giai đoạn Mao. Năm 2016, Tập đóng cửa tạp chí phản biện lịch sử hàng đầu Trung Quốc – Diễm Hoàng Xuân Thu (炎黄春秋 – sách báo tiếng Anh dịch là “Trung Quốc qua các thời đại”) – mặc dù cha ông, Tập Trọng Huân, từng ủng hộ mạnh mẽ tạp chí này. Năm 2021, Bắc Kinh đưa ra các hướng dẫn về cách miêu tả lịch sử, giấu tiệt những sự kiện quan trọng như Cách mạng Văn hóa.

Tuy nhiên, giới “sử học công dân” vẫn làm việc, dù những nhà làm phim như Ngải Hiểu Minh, Giả Chương Kha và Hồ Kiệt (Hu Jie, 胡杰) liên tục bị quấy rối. Tạp chí lịch sử phát hành “lậu” có ảnh hưởng nhất, Ký Ức (记忆; báo tiếng Anh dịch là “Remembrance), xuất bản liên tục dưới dạng PDF kể từ năm 2008 (gần đây là ấn bản thứ 245) – theo Foreign Affairs ngày 19 Tháng Mười Hai 2023.

Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của nữ giới trên diễn đàn, trong đó có nhà làm phim Ngải Hiểu Minh, nhà báo Giang Tuyết (Jiang Xue, 江雪) – tiếp nối những gì mà thế hệ đi trước từng làm, trong đó đặc biệt phải nhắc đến nhà thơ Lâm Chiêu (Lin Zhao, 林昭). Và cả những tiếng nói thiểu số, như trí thức Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù Ilham Tohti và nhà thơ Tây Tạng Tsering Woeser.

Tội ác cộng sản Trung Quốc vẫn đang được che giấu và vẫn tiếp tục bị phơi bày. Lịch sử quá khứ lẫn đương đại vẫn bị bóp méo và vẫn được “đính chính” – bởi những sử gia công dân can đảm, rất can đảm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: