Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực tối thượng trong “triều đình” Trung Quốc; trong khi đó, nhân vật quyền lực thứ hai – Thủ tướng Lý Khắc Cường – bị loại. Sự kiện Đại hội Đảng còn gây chú ý với việc cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị “mời” ra ngoài trong một tình huống bất ngờ.
Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, một số bình luận cho rằng vị thế chính trị của Tập bị đe dọa. Trong thực tế, Tập vẫn mạnh và có thể nói mạnh hơn bao giờ hết. Việc “cơ cấu” lại Bộ Chính trị – nói theo từ quen thuộc của cộng sản – cho thấy sức mạnh bao trùm của Tập Cận Bình. Lý Khắc Cường thuộc bốn trong bảy ủy viên thường vụ Bộ Chính trị không còn có mặt trong tân Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản với 205 thành viên. Điều đó có nghĩa bốn người này sẽ không được bổ nhiệm vào Ủy ban thường vụ trong đó Tập gần như chắc chắn là người đứng đầu với nhiệm kỳ ba trong vai trò Tổng bí thư.
Ba người ra đi cùng với Lý Khắc Cường là Hàn Chính (Han Zheng) – Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện; Uông Dương – Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, thành viên thứ tư trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị; Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) – vốn là đồng minh trung thành của Tập. Ngoài ra, những người bị đẩy ra khỏi bộ máy trung ương còn có Lưu Hạc (Liu He; Phó Thủ tướng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Đảng); Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing; Chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc); và Dịch Cương (Yi Gang; Thống đốc Ngân hàng Trung ương). Đây là những người ủng hộ kinh tế thị trường tự do và có chủ trương giảm đối đầu với phương Tây.
Victor Shih, một chuyên gia về chính trị và tài chính của Trung Quốc tại Đại học California ở San Diego, cho biết: “Thế hệ các nhà kỹ trị tài chính được đào tạo chuyên nghiệp và có mối liên hệ sâu sắc với cộng đồng tài chính toàn cầu đang dần rời xa”. Ông nói thêm họ đang được “thay thế bởi các chủ ngân hàng tỉnh lẻ có thành tích trong việc thực thi các chính sách của đảng”. Cheng Li, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings, cũng có quan điểm tương tự. Ông nói: “Tập Cận Bình đã củng cố hơn nữa quyền lực gần như tuyệt đối bằng cách đề bạt những người bảo vệ mình lên vị trí lãnh đạo cao nhất”.
Theo quy tắc không chính thức được áp dụng cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong hai thập niên qua, các quan chức cấp cao từ 68 tuổi trở lên sẽ được cho về vườn, trong khi những người 67 tuổi trở xuống có cơ hội ở lại. Nhưng lần này, Lý Khắc Cường, 67 tuổi và ông Uông Dương, cùng tuổi, đều bị cho “hưu non”. Trong khi đó, Vương Hỗ Ninh (Wang Huning, người mới bước sang tuổi 67), vẫn ở trong Ủy ban Trung ương và có khả năng vẫn là cánh tay đắc lực chủ chốt của Tập. Bản thân Tập Cận Bình đã 69 tuổi.
Lý Khắc Cường tiếp tục ngồi ghế thủ tướng trong khoảng sáu tháng tới cho đến khi tân nội các được thành lập. Nếu Lý vẫn có mặt trong Thường vụ Bộ Chính trị, chính sách kinh tế của Lý sẽ tiếp tục “đụng” với chủ trương của Tập. Trong thực tế, trong ít nhất năm năm qua, vai trò của Lý rất mờ nhạt. Đại hội Đảng thực chất chẳng khác gì màn thanh lọc đối thủ chính trị và lập ra vây cánh trung thành hơn đối với Tập, không chỉ về sự bảo đảm an toàn quyền lực chính trị mà còn phải ủng hộ Tập mạnh hơn đối với các chính sách của Tập, nghĩa là tập trung mạnh hơn vào kiểm soát chính trị, siết chặt quản lý kinh tế và thực hiện chủ trương ngoại giao cứng rắn. Một tuyên bố từ đại hội cho biết vai trò lãnh đạo của Tập là điều cần thiết để “xóa bỏ những hiểm họa nghiêm trọng hiện diện bên trong đảng, nhà nước và quân đội”, rõ ràng là ám chỉ đến tham nhũng và không trung thành.
Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) được coi là có cơ hội lọt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới. Các quan chức được xem là có thể được bổ sung vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị nhiệm kỳ tiếp theo gồm Lý Cường (Li Qiang; Bí thư thành ủy Thượng Hải, người giám sát việc kiểm soát Covid một cách gay gắt hồi đầu năm nay). Lý Cường từng là Chánh văn phòng của Tập khi cả hai làm việc ở tỉnh Chiết Giang 15 năm trước. Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng kiêm trợ lý cấp cao của Tập) cũng là ứng cử viên nặng ký cho việc lọt vào đội hình chóp bu.
__________
Bên lề Đại hội đảng, một trong những chi tiết đang được chú ý nhiều nhất là việc cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bất ngờ bị mời ra khỏi khán phòng. 79 tuổi, Hồ được xếp ngồi cạnh Tập ở hàng ghế đầu trên khán đài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Đột nhiên, dường như không được báo trước, một nhân viên xuất hiện, nắm cánh tay Hồ như thể cưỡng bức lôi đi. Cảnh video cho thấy Hồ rất miễn cưỡng đứng lên. Trước khi được đưa ra hẳn khỏi khán phòng, Hồ nói gì đó với Tập. Trước đó, khi còn ngồi, Hồ dường như muốn lấy tập tài liệu để trước mặt Tập nhưng Tập dằn tay chặn lại…
__________