Đạo quân đất sét của Tập Cận Bình

Ảnh: China Photos/Getty Images
Share:

Quân đội Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình trải qua cuộc cách mạng cải tổ chưa từng có trong lịch sử kể từ thời Mao Trạch Đông. Khí thế hung hãn của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngút ngàn. Nhiều nước Đông Nam Á run rẩy. Thậm chí Mỹ cũng kiêng dè. Tuy nhiên, con hổ PLA có thật sự mạnh hay móng vuốt của nó được vẽ vào thêm?

Sự đánh giá phương Tây về sức mạnh quân sự Trung Quốc chính xác đến mức nào?

Năm 1957, nước Mỹ bị bao trùm bởi đám mây u ám hoảng sợ về “khoảng cách tên lửa” với Liên Xô. Kremlin đã khiến thế giới choáng váng với cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và sự kiện phóng vệ tinh Sputnik. Một báo cáo tình báo Mỹ dự đoán đến năm 1962, Liên Xô có thể có 500 ICBM, vượt xa kho vũ khí Mỹ. Thượng nghị sĩ John F. Kennedy – trên đường đua tổng thống – thảng thốt than rằng Hoa Kỳ cần khẩn cấp hành động để ngăn chặn một “con đường tắt dẫn đến thống trị thế giới” của Liên Xô.

Khi Kennedy nhậm chức năm 1961, loạt ảnh vệ tinh mới đã cho thấy “sức mạnh” thật sự của Liên Xô. Chỉ đến lúc ấy, người Mỹ mới biết rằng Liên Xô chỉ có khoảng sáu ICBM, so với 60 của Mỹ. Tuy nhiên, Kennedy vẫn liên tục báo động về mối đe dọa vũ khí nguyên tử của Moscow. Năm 1967, Lyndon Johnson tỉnh táo hơn: “Chúng ta đã làm những việc mà chúng ta không cần phải làm. Chúng ta đang xây dựng những thứ mà chúng ta không cần phải xây dựng.”

Trung Quốc liên tục phô trương sức mạnh quân sự (ảnh: Feng Li/Getty Images)

Lịch sử quân sự có rất nhiều câu chuyện liên quan, cho thấy việc đánh giá quá cao đối thủ cũng nguy hiểm tương đương với việc đánh giá quá thấp. Phương Tây từng “kính nể” Nga và xem họ là quốc gia có sức mạnh quân sự thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã cho thấy quân đội Nga ê hề như thế nào. Tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới: Sự đánh giá của họ về sức mạnh quân sự Trung Quốc chính xác đến mức nào?

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã trải qua một sự lột xác dữ dội. Khi Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1979, PLA là một đạo quân nhếch nhác. Ngày nay, Trung Quốc tự hào có một đạo quân với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, không quân lớn thứ ba và sở hữu một trong những kho hỏa tiễn mạnh nhất, với một số chủng loại ICBM có thể tấn công các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương. Dù Mỹ và Nga mỗi nước có số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều gấp 10 lần nhưng Trung Quốc đang hiện đại hóa kho dự trữ hạt nhân, mà Ngũ Giác Đài tin rằng có thể tăng gấp đôi, lên 1,000 vào năm 2030.

Cuộc cải tổ của Tập Cận Bình

Tập Cận Bình đã học được rất nhiều điều khi làm thư ký cho Cảnh Biểu (Geng Biao), Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng, từ năm 1979 đến năm 1982. Lúc đó Tập Cận Bình giúp xử lý các tài liệu nhạy cảm và tham gia nhiều hội nghị cấp cao. Tập dành nhiều thời gian để nghe Cảnh Biểu chỉ dạy khi họ cùng đi công cán trên chiếc Mercedes hoặc cùng chơi cờ vây (weiqi).

Tập đã tận mắt chứng kiến tình trạng tồi tệ của quân đội nước mình. Lúc đó, PLA vừa bị quân Bắc Việt dập cho một trận thừa chết thiếu sống. PLA thời điểm đó vẫn sử dụng công nghệ vũ khí cũ của Liên Xô, trong đó chủ yếu là “đồ cổ” từ thời Đệ nhị Thế chiến. Và mặc dù Trung Quốc mở quan hệ ngoại giao với Mỹ từ sau 1972, Cảnh Biểu đã thất bại trong việc thuyết phục Washington cung cấp hỏa tiễn và các loại vũ khí sát thương trong chuyến kinh lý Hoa Kỳ năm 1980.

Cải tổ quân đội là dấu ấn rất lớn của Tập Cận Bình (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Bốn thập niên trôi qua, Tập đang lãnh đạo một đất nước có thể thiết kế và sản xuất hầu hết các loại vũ khí hiện đại mà Trung Quốc cần. Ngành công nghiệp quốc phòng chủ yếu do nhà nước điều hành giờ đây có thể đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình. Ngũ Giác Đài cho biết PLA đã triển khai hỏa tiễn siêu thanh tầm trung có thể bay ở rìa bầu khí quyển và có khả năng đổi hướng để tránh hệ thống bắn chặn… Nói chung, báo chí phương Tây, giới chính trị phương Tây (đặc biệt Mỹ), và giới quân sự phương Tây vẫn không ngưng hoảng loạn trước sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Trong hồ sơ chi tiết mới đây, tờ The Economist (11 Tháng Mười Một 2023) đã chỉ ra một số điều “cần nhìn lại” về sức mạnh quân sự Trung Quốc. Vũ khí Trung Quốc vẫn mắc phải những sai sót kỹ thuật căn bản; cùng với những vấn đề về chuỗi cung ứng và sự chậm trễ trong quá trình phát triển. Mười công ty sản xuất vũ khí lớn thuộc sở hữu nhà nước đang thừa nhân lực, hoạt động yếu kém và vẫn sống với “văn hóa” dối trá, có xu hướng che giấu sai sót.

Nỗ lực thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vẫn chưa mang lại kết quả. Và đối với một số thành phần thiết bị quan trọng, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nguồn cung cấp từ các quốc gia mà độ tin cậy luôn đáng bị nghi ngờ. Tham nhũng trong công nghiệp quốc phòng nhà nước vẫn nhan nhản. Cơ chế quản lý của Trung Quốc nói chung vẫn dễ dàng được khai thác để tham nhũng. Cú ngã ngựa mới đây của tướng Lý Thượng Phúc (bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng vào Tháng Mười 2023 sau bảy tháng đảm nhiệm chức vụ), liên quan tham nhũng, là một ví dụ.

Năng lực công nghệ vũ khí Trung Quốc

Chiến dịch quân sự thảm hại của Nga tại Ukraine cho thấy thêm rằng vũ khí Nga mà Trung Quốc trang bị cho PLA lâu nay chỉ là “hàng mã”. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được thiết kế và có khả năng sản xuất hàng loạt trong qui trình chế tạo vũ khí. Hãy thử xem máy bay chiến đấu tàng hình J-20, bay lần đầu vào năm 2011. Trong nhiều năm, hầu hết J-20 đều sử dụng động cơ Nga. Đến năm 2022, động cơ của “át chủ bài” J-20 được thay bằng WS-10 do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, WS-10 kém bền hơn và khả năng bay siêu âm bị hạn chế, khiến khả năng tàng hình trở nên suy giảm.

J-20 trong cuộc triển lãm hàng không Chu Hải 2022 (ảnh: Zhou Guoqiang/VCG via Getty Images)

Cuối Tháng Sáu, một video “rò rỉ” trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy chuyến bay thử nghiệm của J-20 với động cơ nâng cấp WS-15, được tin là mạnh hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Chuyên gia quân sự Trung Quốc ca ngợi đây là một bước đột phá. Một số người nói WS-15 có thể được sản xuất hàng loạt và mạnh ngang với động cơ Pratt & Whitney trên máy bay tàng hình F-22 của Mỹ.

Tuy nhiên, Zhang Yong thuộc Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc tỏ ra thận trọng và dè dặt: “Những ‘nút thắt công nghệ’ trên WS-15 đã được giải quyết nhưng chuỗi cung ứng cho các bộ phận của nó cần được cải thiện”; và Trung Quốc vẫn nhập 2% trong khoảng 90,000 linh kiện cho động cơ WS-10 (Zhang Yong không nói rõ WS-15 cần nhập bao nhiêu phần trăm linh kiện).

Ngay cả việc động cơ mới của J-20 có thực sự sánh ngang động cơ của F-22 thì điều đó cũng cho thấy Trung Quốc mất quá nhiều thời gian để làm ra một động cơ mà Mỹ đã chế tạo từ những năm 1980 và đã ngừng sản xuất từ năm 2013! Những động cơ cho tàu chiến cũng “có vấn đề”. Nhiều tàu chiến của hải quân Trung Quốc sử dụng động cơ của Ukraine, Pháp hoặc Đức được sản xuất theo đơn hàng Trung Quốc. Một số tàu ngầm chạy diesel-điện của Trung Quốc sử dụng động cơ Đức, trong khi các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân phụ thuộc nhiều vào công nghệ Nga.

Một số thế hệ tàu ngầm Trung Quốc vẫn dùng động cơ nhập khẩu (ảnh: Guang Niu/Pool/Getty Images)

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, động cơ cho tàu chiến và máy bay quân sự Trung Quốc chiếm hơn 55% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2022 – một tỉ lệ rất lớn. Tang Guoyong, một nhà nghiên cứu PLA, viết vào năm 2020: “Ở một số khu vực nhất định, chúng ta vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Điều này gây ra những rủi ro đáng kể trong cục diện chiến tranh tương lai”.

Điều đó trở nên rõ ràng vào năm 2022 khi Đức chặn việc xuất khẩu một động cơ (do Đức sản xuất) lắp cho một loại tàu ngầm Trung Quốc mà Bắc Kinh dự tính bán cho Thái Lan. Thoạt đầu Trung Quốc đề nghị xài động cơ cây nhà lá vườn của họ nhưng người mua (Thái Lan) từ chối. Thái Lan cử chuyên gia đến Trung Quốc xem xét cụ thể hơn và cuối cùng hủy bỏ hợp đồng vào Tháng Mười. Sarah Kirchberger, chuyên gia hải quân thuộc Viện Hàng hải Đức, nói rằng câu chuyện trên cho thấy rõ “nút thắt” trong năng lực công nghệ Trung Quốc.

Hàng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị tai tiếng nhiều. Loạt khách hàng Bangladesh, Myanmar, Pakistan và Nigeria gần đây đã than phiền “đồ Trung Quốc” không xài được. Một nghiên cứu của chính Trung Quốc vào năm 2020 cho thấy máy bay quân sự không người lái do họ sản xuất “thường không đáp ứng được nhu cầu chiến đấu thực tế” do lỗi kỹ thuật.

“Tiếng vang” của đạo quân khổng lồ (ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đạo quân đất sét

Đáng nói hơn hết là vấn đề con người. Trong cuộc đọ súng lớn mà PLA đụng độ gần đây ở Sudan (năm 2016), “năng lực chiến đấu” của họ đã thể hiện rõ.

Sau sự kiện ngày 10 Tháng Bảy 2016 khi hai lính Trung Quốc thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bị phiến quân giết chết ở Sudan, tờ PLA Daily tường thuật, khi phiến quân tràn vào doanh trại UN, lính Trung Quốc được dàn ra để phong tỏa các chốt chặn. Phe phiến quân, với hỏa lực mạnh, nã tới tấp vào lính Trung Quốc. Một chiếc xe bị trúng phi pháo và nổ tung, làm bị thương bảy binh sĩ và gây tử vong binh sĩ Li Lei. Một binh sĩ khác, Yang Shupeng, do bị thương nặng, cũng tử vong sau đó…

Cách tường thuật của bài báo tô vẽ lính Trung Quốc như những người hùng. Tuy nhiên, báo cáo 84 trang của Trung tâm thường dân vùng xung đột (CIVIC), công bố ngày 5 Tháng Mười 2016 miêu tả hoàn toàn khác. Báo cáo cho biết, khi chiến sự xảy ra, lính Trung Quốc đã bỏ tháp rút xuống hào và cố thủ trong các xe cơ giới và sau đó mạnh ai nấy lo chạy thoát thân và chuồn thẳng sang căn cứ “UN House”, bản doanh của lực lượng gìn giữ hòa bình.Sự việc một lần nữa bộc lộ một trong những điểm yếu lớn nhất của PLA: Họ hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến trường.

“Tôi đã là một người lính hơn 50 năm và chưa bao giờ tham chiến”, phát biểu của Trung tướng Hà Lôi (He Lei, 何雷), người từng chỉ huy một quân khu và là phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự.

Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cuộc cải tổ dữ dội nhất trong hơn 60 năm. Tập nhấn mạnh, PLA đang tồn tại “hai bất lực” (lạng cá năng lực bất cú, 两个能力不够), và “năm yếu kém” (ngũ cá bất hội, 五个不会).

“Hai bất lực” là không có khả năng chiến đấu trong môi trường chiến tranh hiện đại; và sĩ quan thiếu khả năng chỉ huy. “Năm yếu kém” là sĩ quan chỉ huy không biết đánh giá tình hình; không hiểu ý đồ của thượng cấp; không thể đưa ra các quyết định tác chiến; không thể triển khai quân đội; và không thể đối phó những tình huống bất ngờ.

Tân binh của đạo quân lớn nhất thế giới (ảnh: Chen Shichuan/VCG via Getty Images)

_________________

Tập đặc biệt nhấn mạnh việc PLA mắc phải “căn bệnh hòa bình” (和平病). Năm 2018, tờ Quân Đội Nhân Dân cảnh báo tư tưởng “hòa bình bệnh” còn “nguy hiểm hơn súng rỉ sét”; nó vạch trần thực tế rằng có một số cán bộ, chiến sĩ quá thờ ơ, hãnh tiến, sợ khổ ngại cực, không đủ năng lực và không có tinh thần chiến đấu. “Một số sĩ quan mê mẩn và thông thạo đồ cổ, thư pháp và hội họa nhưng bỏ bê nghiên cứu các phương pháp và chiến thuật tác chiến.”

_________________

Trọng tâm kế hoạch của Tập Cận Bình là tái cấu trúc hoàn toàn hệ thống quân đội, vốn được xây dựng và thiết kế chủ yếu cho các cuộc chiến trên bộ, theo mô hình cũ của Liên Xô. Cấu trúc mới, được công bố vào năm 2016, nhằm phá vỡ những “lô cốt cục bộ” để từ nay, các đơn vị khác nhau có thể cùng phối hợp – theo cách mà quân đội Mỹ làm rất hiệu quả. Cuộc cách mạng cải tổ hệ thống quân đội PLA dự kiến kết thúc năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, đại kế hoạch này vẫn chưa hoàn thành.

Mỹ từng tiến hành những cải cách tương tự với Đạo luật Goldwater-Nichols (Goldwater-Nichols Act) năm 1986 và quân đội Hoa Kỳ chỉ mất hơn năm năm cho quá trình chuyển đổi. Trong hệ thống PLA hiện nay, các bộ chỉ huy khu vực vẫn được cai quản theo phong cách phong kiến, với “văn hóa” truyền thống “nước sông không phạm nước giếng”. Mỗi đơn vị nằm dưới sự cai trị của một tư lệnh và trong đám tư lệnh thì không “đồng chí” nào ngán “đồng chí” nào.

Chưa hết, cuộc cải tổ lại áp dụng một số mô hình Nga. Trong quân đội Nga, có những nhóm chiến thuật tiểu đoàn (BTG) gồm khoảng 800 người, được trang bị áo giáp, pháo binh và phòng không, và được thiết kế để triển khai tác chiến nhanh, di chuyển tốc độ và chủ yếu gây thương vong đối phương trong các chiến dịch đặc biệt. Họ khác với phần còn lại của bộ binh, vốn được mặc định chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Được hình thành trong các cuộc chiến ở Chechnya vào những năm 1990 và Georgia năm 2008, BTG của Nga được chính thức hóa từ năm 2013 trong khuôn khổ chương trình cải cách quân sự “Diện mạo mới” của Vladimir Putin.

Khi Tập Cận Bình triển khai công cuộc cải cách quân đội, Trung Quốc coi BTG là hình mẫu. Li Shuyin thuộc Học viện Khoa học Quân sự viết rằng đó là “một đơn vị tự cung tự cấp có thể thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào”. Năm 2017, PLA giải thể nhiều đơn vị lớn và đưa ra phiên bản cơ cấu mới với hàng trăm đơn vị tiểu đoàn vũ trang. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga ở Ukraine bộc lộ sự thất bại toàn diện của mô hình “tiểu đoàn chiến thuật”. Tháng Giêng 2023, tờ Quân Đội Nhân Dân viết: “Những thiếu sót của các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn Nga lần lượt thể hiện, chẳng hạn khả năng tự chủ chiến đấu kém và hỗ trợ hậu cần không đầy đủ”.

Hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân Dongfeng-41 (ảnh: Xinhua/Xia Yifang via Getty Images)

*****

Việc đánh giá quá cao hoặc đánh giá quá thấp cũng đều là đánh giá sai. Để biết PLA mạnh như thế nào, chỉ có một cuộc chiến qui mô lớn thật sự – tương tự cuộc chiến Nga ở Ukraine – mới có thể biết móng vuốt con hổ PLA là thật hay vẽ. Thời điểm hiện tại, người ta chỉ thấy PLA qua những màn tập trận.

Kể cả trong trường hợp này, cũng không thể biết năng lực thật của PLA vì các cuộc tập trận đều được thiết kế để trình diễn, hình thành từ những kịch bản được viết với chiến thắng luôn thuộc về họ, vừa để làm hài lòng cấp trên vừa hù dọa được những kẻ yếu tim trong khu vực. Việc PLA có rút ra được những thiếu sót gì từ những cuộc tập trận, công chúng Trung Quốc lẫn thế giới không bao giờ biết.

Tất nhiên thiếu kinh nghiệm không có nghĩa không biết đánh đấm, đặc biệt trong một chiến dịch quân sự qui mô “giải phóng” Đài Loan. Với giới lãnh đạo Trung Quốc, đó là điều luôn khiến họ nóng lòng. Câu hỏi lơ lửng lớn nhất còn lại là ý chí chính trị của giới lãnh đạo Bắc Kinh có đủ mạnh để mang lại ý chí chiến đấu cho quân đội của họ hay không. Sự thất bại tuyệt đối của Putin trong việc xây dựng tinh thần cho quân đội Nga là bài học sờ sờ. Nếu rơi vào bi kịch giống Nga ở Ukraine, đạo quân khổng lồ PLA chỉ là một đạo quân đất sét, sẽ được chôn vùi cùng giấc mộng bá chủ của Tập Cận Bình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: