Dịch Covid-19: Căng thẳng Đài Loan – Trung Quốc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) đến thăm một đơn vị quân đội bảo vệ đảo quốc giữa lúc căng thẳng quân sự với Trung Quốc gia tăng. AFP/WSJ

H.C.

Sự kiện Đài Loan ứng phó khá thành công đại dịch Covid-19 đã củng cố sự tự tin của người dân đảo quốc trong cuộc đối đầu với sự dọa nạt của Trung Quốc lục địa.

Đại dịch Covid-19 đã làm nổi lên những mối căng thẳng tiềm tàng giữa Trung Quốc và hòn đảo dân chủ Đài Loan, phơi bày những sự khác nhau về thể chế chính trị và mối ác cảm của người Đài Loan đối với Hoa lục.

Khẩu chiến

Trong vài tuần gần đây, Bắc Kinh và Đài Bắc liên tục tố cáo lẫn nhau lợi dụng đại dịch cho các mục đích chính trị trong lúc cả hai đẩy mạnh chính sách “ngoại giao khẩu trang”, tranh nhau cung cấp trang bị y tế và kinh nghiệm ứng phó cho những nước bị đại dịch ảnh hưởng nặng.

Trong lúc Trung Quốc tự hào đã kiểm soát được đại dịch sau khi phong tỏa phần lớn lãnh thổ suốt hai tháng, đặt hàng trăm triệu người vào cảnh “bị giam lỏng” thì Đài Loan được thế giới khen ngợi nhờ biện pháp ngăn dịch sớm, hiệu quả mà không cần phải cưỡng bức; đến nay Đài Loan chỉ ghi nhận 388 trường hợp nhiễm bệnh và sáu người tử vong vì coronavirus dù nước này nằm sát Trung Quốc, có quan hệ thương mại và văn hóa rất mật thiết.

Thêm nữa, Đài Loan gần như là lãnh thổ duy nhất bị gạt ra ngoài Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – tổ chức quốc tế về phòng và chống dịch bệnh nhưng gần đây đã bị Bắc Kinh lũng đoạn và điều khiển – do đó Đài Loan phải chống dịch trong điều kiện “đơn thương độc mã” mà không có sự hỗ trợ về thông tin và chuyên môn của quốc tế.

Với Bắc Kinh, thành công của Đài Loan đặt ra hai thách thức lớn: một là nó bác bỏ lập luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng chế độ chuyên chế độc đảng thì ưu việt hơn, hiệu quả hơn chế độ dân chủ tự do trong việc đối phó với dịch bệnh, và hai là nó củng cố niềm tự tin, ý thức về bản sắc dân tộc của người Đài Loan chống lại những thủ đoạn cô lập và đa dọa của Hoa lục.

Với chính quyền Đài Loan, thành tích ứng phó với đại dịch Covid-19 là cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế của đảo quốc. Các quan chức Mỹ, Nhật và Liên Âu lên tiếng ca ngợi thành công của Đài Loan, kêu gọi WHO lắng nghe kinh nghiệm của các cơ quan y tế Đài Loan; và cho đến nay đã có 127 quốc gia yêu cầu đưa Đài Loan vào lại WHO, dù chỉ ở tư cách quan sát viên không tham gia bỏ phiếu.

Và đối đầu quân sự

HKMH Liêu Ninh (Liaoning) và đội tàu hộ tống đi qua vùng biển phía đông Đài Loan.

Không chỉ đấu khẩu, Trung Quốc còn liên tục đưa phi cơ chiến đấu, tàu chiến và tàu đánh cá vào vùng biển giữa hai nước, thử thách năng lực kiểm soát lãnh thổ của Đài Loan, buộc Đài Bắc phải xuất quân ngăn chặn khiến căng thẳng giữa hai nước tăng cao.

Hôm Chủ nhật 12-04, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo họ đang theo dõi một nhóm tàu chiến của Trung Quốc gồm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và năm tàu hộ tống đang đi vào vùng biển phía đông đảo Đài Loan, sau khi đã vượt qua eo biển Miyako gần đảo Okinawa của Nhật Bản hôm thứ Bảy 11-04. Đài Loan trong vài tuần gần đây liên tục tố cáo Trung Quốc đưa chiến hạm và phi cơ vào vùng biển vùng trời Đài Loan, và khuyến cáo Bắc Kinh nên tập trung lo chống dịch Vũ Hán thay vì dọa nạt Đài Loan.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ càng lúc càng tỏ ra gắn bó mật thiết với Đài Loan. Tổng thống Mỹ Donald Trump, vẫn thường xuyên cáo buộc Trung Quốc che giấu đại dịch, tháng trước đã ký một đạo luật, ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế như WHO. Và trong lúc Bắc Kinh tận dụng thời kỳ đại dịch để phô trương sức mạnh quân sự chung quanh đảo Đài Loan thì Washington cũng tăng cường hoạt động hải quân tại eo biển này, trong các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải. Cũng hôm thứ Bảy 11-04, tàu khu trục trang bị hỏa tiễn điều hướng lớp Arleigh Burke của Mỹ, tàu USS Barry thuộc Đệ Thất hạm đội, đi ngang eo biển giữa Đài Loan và Hoa Lục, chỉ hai tuần sau chuyến đi tuần của một tàu khu trục tương tự, tàu USS McCampbell, khiến Bắc Kinh tức giận lên án Mỹ đang chơi trò nguy hiểm.

Sự quan tâm và ủng hộ của Mỹ với Đài Loan tất nhiên làm Trung Quốc rất khó chịu và không thể chấp nhận thực tế.

Nhưng với người Đài Loan, đại dịch Covid-19 khiến quan điểm ủng hộ Đài Loan độc lập tăng lên. Theo khảo sát dư luận thực hiện trong tháng 03-2020, có 26,7% số người được hỏi nói Đài Loan nên nhắm tới độc lập trong khi vẫn giữ nguyên trạng trong lúc này, tăng từ tỷ số 21,7% hồi tháng 10 năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện trong thập niên 1990. Có 9,3% số người được hỏi nói Đài Loan cần tuyên bố độc lập càng sớm càng tốt, tăng từ tỷ số 6% hồi tháng 10-2019 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Đài Loan và WHO

Vụ đối đầu hiện nay giữa Bắc Kinh và và Đài Bắc còn liên quan tới WHO – một trong những nguyên nhân xung đột. Đài Loan tố cáo WHO đồng lõa với Trung Quốc coi nhẹ tính chất trầm trọng của nạn dịch trong thời gian mới bùng phát, trong khi loại bỏ sự tham gia của Đài Loan vào lĩnh vực y tế công cộng theo chỉ thị của Trung Quốc.

Mâu thuẫn giữa Đài Loan và WHO lên cao điểm hồi đầu tuần khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tố cáo Đài Loan tấn công kỳ thị chủng tộc vào cá nhân ông ta. Lời cáo buộc của Đài Loan làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở Đài Bắc, yêu cầu ông này phải xin lỗi vì “những lời vu cáo vô căn cứ”. Một lần nữa, quan điểm của Đài Loan đối với WHO nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bắc Kinh tất nhiên lên tiếng bênh vực cho ông Tedros và tố cáo chính quyền Đài Bắc mở chiến dịch bôi nhọ Trung Quốc và WHO. Bắc Kinh từ lâu vẫn khẳng định Đài Loan không thể tham gia các tổ chức quốc tế vì nguyên tắc “một Trung Quốc”, bất chấp sự thực Đài Loan đã từng là quan sát viên của WHO từ năm 2016 trở về trước, trước khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) lên làm Tổng thống Đài Loan với lập trường cứng rắn hẳn đối với Hoa Lục.

WHO thì nói rằng “vấn đề tư cách thành viên của Đài Loan trong tổ chức WHO là do các nước thành viên giải quyết chứ không phải do đội ngũ nhân viên đang làm việc tại WHO”. Với nhiều người Đài Loan, lập luận đó của ông Tedros củng cố quan điểm đã có từ lâu về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tổ chức này.

(WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Nỗi buồn ngày mưa
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần giải mã cơ chế sinh học đằng sau những tác động của thời tiết trên tâm trạng con người, đồng thời đưa ra…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: