Đôi chân đất sét sụm của người khổng lồ

Kết thúc 40 năm bùng nổ của Trung Quốc
Share:
Khắp Trung Quốc, chỗ nào cũng đầy dự án công trình xây dựng – một trong những đòn bẩy chính yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng giờ đây đòn bẩy đang bắt đầu gãy. Trong ảnh là công trình xe lửa cao tốc tại tỉnh Giang Tô nối với Thượng Hải dự kiến khánh thành hoạt động vào năm 2024 (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

Mô hình kinh tế đưa một đất nước từ nghèo đói lên vị thế cường quốc dường như đã đổ vỡ. Xuất hiện khắp nơi là các dấu hiệu của sự suy sụp và ban lãnh đạo Trung Quốc đang chạy đua cứu vãn tình thế.

Mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035 là ảo tưởng

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc (TQ) thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các nhà máy, các tòa nhà chọc trời và cầu đường. Mô hình này đã châm ngòi cho một giai đoạn tăng trưởng phi mã giúp TQ thoát khỏi đói nghèo và trở thành một gã khổng lồ kinh tế với năng lực xuất khẩu lan rộng khắp toàn cầu và là “công xưởng sản xuất” của thế giới. Nay mô hình đó đã bị hỏng. Những “chiêu trò” cũ không còn ý nghĩa nữa khi TQ đang chìm trong nợ nần và cạn kiệt mọi thứ để tiếp tục tăng tốc.

Khắp TQ là những cây cầu, khu dân cư và sân bay bỏ phế hoặc không sử dụng hết công suất. Hàng triệu căn hộ không có người ở. Lợi nhuận nhờ đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Các dấu hiệu xấu không chỉ thể hiện trên các dữ liệu kinh tế vĩ mô ảm đạm mà đã lan đến các tỉnh xa xôi, ví dụ tỉnh Vân Nam ở phía Tây Nam, nơi vừa phí phạm hàng triệu đôla để xây dựng một cơ sở kiểm dịch Covid-19 mới có diện tích gần bằng ba sân bóng đá, bất chấp TQ đã chấm dứt chính sách “zero Covid” cách đây nhiều tháng.

Đất nước tỉ dân Trung Quốc đang đối mặt tỉ rắc rối, từ kinh tế đến xã hội (ảnh: Ying Tang/NurPhoto via Getty Images)

Lấy cớ xây dựng cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế, các địa phương khác cũng làm tương tự. Với đầu tư tư nhân yếu và xuất khẩu giảm sút, TQ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục vay nợ và xây dựng. Dựa vào những dữ liệu có sẵn, các nhà kinh tế nhận thấy TQ đang bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng chậm hơn nhiều và ngày càng tồi tệ hơn vì bản đồ dân số mất cân bằng và sự đối đầu ngày càng lớn với Mỹ và các đồng minh đã cản trở đầu tư và thương mại nước ngoài.

Thay vì chỉ là một giai đoạn suy yếu kinh tế tạm thời, nay có vẻ TQ đã kết thúc kỷ nguyên tăng trưởng dài và tích luỹ ngân sách khổng lồ cho kế hoạch chiến tranh. Vậy tương lai kinh tế TQ sẽ ra sao? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt mức tăng trưởng GDP của TQ ở mức dưới 4% trong những năm tới, thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng của hầu hết bốn thập niên qua. Công ty nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, dự báo:

Xu hướng tăng trưởng của TQ đã chậm lại từ 5% xuống 3% vào năm 2019 sẽ giảm xuống còn khoảng 2% trong năm 2030. Với tốc độ đó, TQ sẽ không đạt được mục tiêu do Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra vào năm 2020 là “tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035” và TQ khó thoát khỏi hàng ngũ các thị trường mới nổi có thu nhập trung bình.

Điều đó có nghĩa là TQ sẽ không bao giờ đạt được tham vọng ấp ủ: Vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hãy nhìn lại quá khứ gần với những dự án đầy kỳ vọng. Các ngành công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo phát triển mạnh của TQ là những lời nhắc nhở về khả năng chiếm lĩnh thị trường của nước này. Căng thẳng với Mỹ buộc TQ phải tăng tốc đổi mới trong các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn, mở ra những lộ trình tăng trưởng mới thay cho những lộ trình đã lỗi thời.

Bắc Kinh vẫn có các đòn bẩy để kích thích tăng trưởng, chẳng hạn mở rộng chi tiêu tài khóa (fiscal spending). Nhưng hiện nay, TQ đã bước vào một giai đoạn khó khăn hơn khi các phương pháp thúc đẩy tăng trưởng trước đây giảm dần hiệu quả. Bắc Kinh cố duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục bằng cách vay mượn nhiều hơn và dựa vào thị trường nhà ở bùng nổ (trong một số năm, thị trường địa ốc chiếm hơn 25% tổng sản phẩm quốc nội của TQ).

Bong bóng nhà đất là không thể tránh khỏi. Nền kinh tế còn bị cú đấm bồi khi nhu cầu của phương Tây đối với các sản phẩm từ TQ đã giảm mạnh do mất đi sự tin cậy. Nợ nần trong lĩnh vực xây dựng cũng đã đạt đến mức “báo động đỏ”. Khó khăn chồng chất trong những tháng gần đây khi hoạt động sản xuất bị thu hẹp, xuất khẩu giảm và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã đạt mức cao kỷ lục. Tập đoàn Country Garden Holdings (Bích Quế Viên), một trong các nhà phát triển bất động sản lớn nhất còn tồn tại của TQ, đang trên bờ vực có thể vỡ nợ khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát.

Thị trường bất động sản sụp đổ với sự phá sản của nhiều tập đoàn khổng lồ (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

Cái gọi là “Thế kỷ TQ” vẫn chỉ là giấc mơ

Nếu không có các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ Bắc Kinh và những nỗ lực có ý nghĩa để vực dậy khả năng chấp nhận rủi ro của khu vực tư nhân, các nhà kinh tế tin rằng sự suy thoái của TQ sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài giống như Nhật Bản đã trải qua từ thập niên 1990, khi bong bóng bất động sản vỡ, dẫn đến nhiều năm giảm phát và tăng trưởng yếu.

Tuy nhiên, không giống Nhật Bản, TQ chuyển sang thời kỳ trì trệ sớm hơn, lúc thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn nhiều nền kinh tế tiên tiến khác. GDP đầu người của TQ chỉ khoảng $12,850 vào năm ngoái, thấp hơn ngưỡng hiện tại $13,845 mà Ngân hàng Thế giới (WB) xem là mức tối thiểu nếu một quốc gia muốn lọt vào câu lạc bộ “những nước có thu nhập cao”.

GDP đầu người của Nhật Bản năm 2022 khoảng $42,440 USD và của Hoa Kỳ khoảng $76,400. Một nền kinh tế yếu hơn cũng làm suy yếu sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của TQ trong nhiều thập niên dù chưa thấy có dấu hiệu nào về sự phản đối của số đông. Một số nhà quan sát lo ngại Bắc Kinh có thể “ra tay” trước bằng cách tăng đàn áp ở trong nước và hung hăng hơn với Mỹ và những quốc gia có tranh chấp, làm tăng nguy cơ xung đột, đặc biệt là chiến tranh tại hòn đảo tự trị Đài Loan.

Tại một buổi gây quỹ chính trị vào ngày 10 Tháng Tám, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo “các vấn đề kinh tế của TQ là quả bom hẹn giờ có thể buộc ban lãnh đạo nước này làm những điều tệ hại”. Bắc Kinh đáp trả bằng một bài bình luận của Tân Hoa Xã, tố cáo rằng “việc bôi nhọ TQ của Biden là một phần trong chiến lược lớn của ông ta để che lấp những rắc rối kinh tế của Mỹ” và mô tả “sự phục hồi kinh tế của TQ trong năm nay là mạnh mẽ, bất chấp các thách thức”. Ngày 16 Tháng Tám 2023, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố: “Một số chính trị gia và truyền thông phương Tây đã phóng đại và thổi phồng những khó khăn hiện tại trong quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid của TQ. Sự thật sẽ chứng minh họ đã sai!”

Quá trình chuyển đổi của TQ sang một cường quốc có những bùng nổ đáng kinh ngạc. Giới học thuật bị mê hoặc bởi sự trỗi dậy của TQ đến mức một số người dùng cụm từ “Thế kỷ Trung Quốc” để chỉ việc TQ thống trị nền kinh tế và chính trị thế giới hiện nay, tương tự thế kỷ 20 được gọi là “Thế kỷ của Mỹ”.

Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào công nghiệp bán dẫn nhưng đến nay vẫn phát triển ì ạch (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

Liên tục trong bốn thập niên kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu kỷ nguyên “cải cách và mở cửa” năm 1978, TQ đã nắm bắt tốt các lực lượng thị trường và tận dụng tốt cơ hội giao thương với phương Tây, đặc biệt là thông qua thương mại và đầu tư quốc tế. Trong thời kỳ này, TQ đã tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp 25 lần và giúp hơn 800 triệu người dân thoát nghèo (chiếm đến 70% tổng tỷ lệ thoát nghèo của thế giới). TQ đã phát triển từ một quốc gia điêu tàn vì đói thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ để giành vị trí số một.

Sự bùng nổ của TQ được củng cố bởi làn sóng đầu tư trong nước vào cơ sở hạ tầng và các tài sản khác, chiếm trung bình khoảng 44% GDP mỗi năm, từ 2008 đến 2021. Con số này rất lớn so với mức trung bình toàn cầu là 25% và khoảng 20% ở Hoa Kỳ (theo dữ liệu của WB). Chiến lược chi tiêu “khủng” thực hiện được một phần nhờ hệ thống “áp đặt tài chính”, trong đó ngân hàng nhà nước ấn định lãi suất tiền gửi thấp để các dự án xây dựng dễ vay hơn. Bằng cách này, TQ đã xây dựng thêm hàng chục ngàn dặm đường cao tốc, hàng trăm sân bay và mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo thời gian, hậu quả của xây dựng quá mức ngày càng bộc lộ và kéo theo nó là gánh nặng nợ nần. Năm 2018, theo một nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, khoảng 130 triệu căn hộ (chiếm 1/5 số căn hộ ở đô thị) không có người ở. Một nhà ga đường sắt cao tốc ở thành phố Đam Châu (Danzhou) thuộc tỉnh Hải Nam phía Nam TQ, tiêu tốn $5.5 triệu tiền xây dựng nhưng vẫn chưa hoạt động vì số hành khách quá ít. Chính quyền Hải Nam cho biết việc đưa vào vận hành sẽ gây “tổn thất lớn”.

Quý Châu (Guizhou), một trong những tỉnh nghèo nhất nước với GDP bình quân đầu người dưới $7,200 vào năm ngoái, tự hào có hơn 1,700 cây cầu và 11 sân bay, nhiều hơn tổng số sân bay ở bốn thành phố hàng đầu của TQ! Tỉnh này có khoản nợ tồn đọng ước tính $388 tỷ vào cuối năm 2022 và đến Tháng Tư 2023 phải xin chính quyền trung ương chi viện trợ để ổn định tài chính.

Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nhận xét: “Sự đi lên về kinh tế của TQ giống như những gì nhiều nền kinh tế châu Á khác từng trải qua trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng và những gì các nước châu Âu như Đức đã trải qua sau Đại chiến Thế giới lần II, khi các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng”.

Hàng thập niên xây dựng quá mức ở TQ làm nhớ lại cơn sốt xây dựng cơ sở hạ tầng vượt ngoài tầm kiểm soát ở Nhật Bản vào cuối thập niên 1980 và 1990. Hiệu quả đầu tư không cao do đồng tiền phải chia năm xẻ bảy nên các nhà kinh tế ước tính TQ hiện phải đầu tư khoảng US$9 đôla để tạo ra mỗi đôla tăng trưởng GDP, tăng từ dưới $5 một thập niên trước và hơn $3 một chút vào thập niên 1990.

Theo Bert Hofman, Viện trưởng Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, lợi nhuận trên tài sản (returns on assets) của các công ty tư nhân cũng giảm xuống 3.9% từ mức 9.3% cách đây năm năm. Lợi nhuận của các công ty nhà nước đã giảm xuống 2.8% từ 4.3%. Trong khi đó, lực lượng lao động của TQ đang ít dần và tăng trưởng năng suất cũng chậm lại. Phân tích của Hofman cho thấy, từ thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, tăng năng suất đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của TQ. Tỷ lệ đó giảm xuống còn dưới 1/6 trong thập niên qua.

Tập Cận Bình trong chuyến ghé thăm Tử Kim Sơn thiên văn đài (Purple Mountain Laboratories) ở Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) vào Tháng Bảy 2023. Tử Kim Sơn là một trong những trung tâm nghiên cứu hiện đại nhất Trung Quốc với hơn 1,000 nhà nghiên cứu, chuyên về hệ thống an ninh mạng và kỹ thuật viễn thông B5G/6G (ảnh: Xie Huanchi/Xinhua via Getty Images)

Nợ nần chồng chất

Giải pháp duy trì phát triển cho nhiều địa phương TQ vẫn là… tiếp tục vay mượn và xây dựng. Theo dữ liệu của Bank for International Settlements, năm 2022, tổng nợ của TQ, gồm cả nợ của các cấp chính quyền và công ty nhà nước, đã tăng lên gần 300% GDP so với dưới 200% của năm 2012 và vượt qua mức của Hoa Kỳ.

Phần lớn khoản nợ phát sinh là của các thành phố. Theo IMF, vì bị Bắc Kinh hạn chế khả năng vay trực tiếp để tài trợ cho các dự án, các địa phương đã chuyển sang vay các tổ chức tài chính đắt đỏ hơn với tổng khoản nợ dự kiến lên tới hơn $9 ngàn tỷ trong năm nay. Công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group có trụ sở tại New York ước tính chỉ có khoảng 20% các định chế tài chính được chính quyền địa phương vay tài trợ cho các dự án là có đủ dự trữ tiền mặt thanh toán các khoản nợ ngắn hạn đến hạn, gồm cả trái phiếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tại Vân Nam, chính việc “chi tiêu khủng” cho cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều năm. Hàng trăm tỷ đôla bỏ ra để xây cây cầu treo cao nhất châu Á, hơn 6,000 dặm đường cao tốc, nhiều sân bay và những thứ khác. Từ năm 2015 đến 2020, Vân Nam là một trong những tỉnh phát triển nhanh nhất ở TQ nhưng tăng trưởng đã yếu đi trong vài năm qua. Thị trường bất động sản sụt giảm ảnh hưởng nặng nề đến tài chính địa phương, khi doanh thu từ việc bán đất cạn kiệt. Tỷ lệ nợ trên doanh thu của Vân Nam đã tăng lên 151% trong năm 2021, quá mức 150% được IMF xem là “đáng báo động” và tăng từ 108% của năm 2019 (theo Lianhe Ratings – 聯合國際, Liên Hợp Quốc Tế, một cơ quan xếp hạng TQ).

Đầu năm nay, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết các công ty tài chính được tỉnh sử dụng để tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ẩn chứa đầy rủi ro do quy mô các khoản vay của họ và tình hình tài chính căng thẳng của chính phủ. Tuy nhiên, do không còn chọn lựa nào khác, Vân Nam vẫn tiếp tục ấp ủ những kế hoạch lớn. Năm 2020, chính quyền có kế hoạch chi gần $500 tỷ cho hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng, mà nổi bật là dự án trị giá hơn $15 tỷ để chuyển nước từ sông Dương Tử đến điểm nóng khô hạn của tỉnh.

Dự án cầu Long Giang (ảnh chụp Tháng Tám 2022) của tuyến xe lửa cao tốc Quý Dương-Nam Trữ (Quảng Tây) được đầu tư với hàng trăm tỉ đôla với đoạn cầu treo cao nhất châu Á và hơn 6,000 dặm cao tốc (ảnh: Cao Yiming/Xinhua via Getty Images)

Giải pháp

Tại các hành lang quyền lực ở Bắc Kinh, các quan chức cấp cao nhận thức được mô hình tăng trưởng trong bốn thập niên qua đã đạt đến giới hạn. Năm 2022, trong một bài phát biểu thẳng thắn trước thế hệ lãnh đạo mới của đảng, ông Tập đã lưu ý các quan chức chỉ biết dựa vào vay mượn xây dựng để mở rộng các hoạt động kinh tế.

Các nhà kinh tế cho rằng giải pháp khả thi nhất hiện nay là TQ phải chuyển sang thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và các ngành dịch vụ để giúp nền kinh tế cân bằng hơn, giống Mỹ và Tây Âu. Theo WB, tiêu dùng hộ gia đình ở TQ hiện chỉ chiếm khoảng 38% GDP, hầu như giậm chân tại chỗ những năm gần đây, so với khoảng 68% ở Mỹ. Nhưng muốn thay đổi, chính phủ TQ phải thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn, trong đó có mở rộng mạng lưới an sinh xã hội còn yếu với các khoản trợ cấp thất nghiệp và y tế lớn hơn để kích cầu.

Nhưng Tập Cận Bình và một số phụ tá của ông vẫn nghi ngờ về bài toán tiêu dùng kiểu Mỹ mà họ cho là lãng phí vào thời điểm TQ nên tập trung vào việc củng cố năng lực công nghiệp và chuẩn bị cho xung đột tiềm ẩn với phương Tây. Giới lãnh đạo TQ cũng lo lắng rằng việc trao cho các cá nhân quyền đưa ra nhiều quyết định hơn về cách chi tiêu sẽ làm suy yếu quyền lực nhà nước nhưng vẫn không tạo ra mức tăng trưởng mà Bắc Kinh mong muốn.

Một kế hoạch kích cầu được công bố vào cuối Tháng Bảy 2023 đã bị các nhà kinh tế cả trong và ngoài TQ chỉ trích vì không rõ ràng. Nó đề xuất thúc đẩy các sự kiện thể thao và văn hóa, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng nhiều cửa hàng tiện lợi hơn ở các vùng nông thôn. Thay cho kế hoạch chết yểu này, để tăng cường kiểm soát chính trị, ban lãnh đạo TQ quyết định tăng gấp đôi sự can thiệp của nhà nước để biến TQ thành một cường quốc công nghiệp lớn hơn, mạnh hơn nữa trong các ngành được chính phủ xem là ưu tiên như chip, xe hơi điện và trí tuệ nhân tạo.

Dù các chuyên gia nước ngoài không nghi ngờ về việc TQ có thể đạt được những bước tiến trong các lĩnh vực này, nhưng chỉ riêng chừng đó thôi thì không đủ. Chính phủ TQ cũng cam kết tạo đủ việc làm cho hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia lực lượng lao động nhưng “lực bất tòng tâm”. Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đôla để cố gắng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Nhưng mục tiêu chính là mở rộng sản xuất các loại chip ít phức tạp hơn chứ không phải là chip tiên tiến được sản xuất bởi các công ty như tại Đài Loan.

Tuần trước, ngay khi Bắc Kinh công bố một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, tạp chí hàng đầu của đảng, Qiushi (求是 – Cầu Thị), đã đăng lại bài phát biểu của ông Tập trước các quan chức cấp cao, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “tập trung vào các mục tiêu dài hạn thay vì theo đuổi của cải vật chất ngắn hạn kiểu phương Tây”. Ông Tập nhấn mạnh: “Chúng ta phải duy trì sự kiên nhẫn và nhất quyết đạt được tiến bộ ổn định, không nóng vội mà từng bước một chắc chắn”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: