Hệ thống ngân hàng Trung Quốc lạnh gáy với chiến dịch bắt bớ của Tập Cận Bình

China Everbright Bank Co., Ltd đang trong tầm ngắm chiến dịch thanh trừng mới của Tập Cận Bình (ảnh: Kuang Da/JIEMIAN NEWS/VCG via Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc lạnh gáy với chiến dịch bắt bớ của Tập Cận Bình
Loading
/

Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) đang chuyển chiến dịnh chống tham nhũng sang hệ thống ngân hàng vào thời điểm có nhiều tín hiệu xấu cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tung mẻ lưới đàn áp mới

Các ngân hàng và công ty bảo hiểm của TQ đang trở thành tâm điểm mới của chiến dịch trấn áp chống tham nhũng kéo dài và mẻ lưới sẽ nhắm vào các quan chức hàng đầu trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, với nguy cơ làm rung chuyển “hệ thần kinh” vốn đã mong manh của các nhà đầu tư và doanh nhân cả trong lẫn ngoài nước.

Phân tích của CNN về các tuyên bố được đăng trên trang mạng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) cho thấy cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc đang điều tra hơn chục giám đốc điều hành (CEO) tại các tổ chức tài chính quan trọng nhất trong năm nay.

Theo CCDI, ba tên tuổi lớn đứng đầu hệ thống tài chính bị điều tra hoặc bị buộc tội có cả Li Xiaopeng, cựu chủ tịch China Everbright Group (một trong những tập đoàn tài chính nhà nước lớn nhất và lâu đời nhất của Trung Quốc). Trong một tuyên bố ngắn ngày 5 Tháng Tư, CCDI cho biết Li bị nghi “vi phạm nghiêm trọng luật pháp, kỷ luật và đang bị điều tra”. Everbright cũng ra tuyên bố “hoàn toàn ủng hộ” quyết định của đảng và sẽ “hoàn toàn hợp tác” với cuộc điều tra Li (giữ chức chủ tịch trong bốn năm trước khi từ chức vào Tháng Ba, 2022).

Liu Liange, cựu chủ tịch Bank of China, (ảnh: Xinhua/Yang Guanyu via Getty Images)

Thứ Sáu tuần trước, cảnh sát đã mở cuộc điều tra Liu Liange, cựu chủ tịch Bank of China thuộc sở hữu nhà nước, ngân hàng cho vay lớn thứ tư TQ. Theo hồ sơ ngân hàng, Liu đã từ chức vào tháng trước với lý do “điều chỉnh công việc”. Vào Tháng Một, Wang Bin, người đứng đầu Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (thuộc sở hữu nhà nước) từ 2018 đến đầu năm 2022 cũng bị các công tố viên buộc tội nhận hối lộ và giấu tiền tiết kiệm ở nước ngoài sau khi bị CCDI “chiếu tướng” vào Tháng Một, 2022.

Các nhà phân tích cho rằng mẻ lưới lần này sẽ kéo cả Bao Fan, một chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ bị mất tích từ Tháng Hai. Cuối Tháng Hai, China Renaissance thông báo “ông Bao đang hợp tác trong cuộc điều tra của một số cơ quan chức năng” nhưng không đưa ra thêm chi tiết nào khác. Sự biến mất của Bao Fan, người sáng lập và CEO của China Renaissance, dẫn đến sụt giảm mạnh giá trị cổ phiếu của ngân hàng này (mất 27% giá trị kể từ giữa tháng Hai).

Năm 2020, ông trùm bất động sản Ren Zhiqiang cũng biến mất vài tháng sau khi bị cáo buộc phản đối cách xử lý đại dịch coronavirus của Tập Cận Bình. Ren lãnh án 18 năm vì tội tham nhũng.

Trùm bất động sản một thời Ren Zhiqiang, cựu chủ tịch tập đoàn Hua Yuan (Getty Images)

Năm 2017, công ty bảo hiểm khổng lồ Anbang cảnh báo các cổ đông rằng chủ tịch Wu Xiaohui “sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ vì đang bị giam giữ chờ điều tra”. Anbang viện dẫn “lý do cá nhân” cho sự vắng mặt của Wu, nhưng cuối cùng ông ta phải ngồi tù 18 năm.

Tuần trước, CCDI tuyên bố sẽ kiểm tra hơn 30 thực thể tài chính nhà nước lớn kể cả ba gã “khổng lồ” China Investment Corp (quỹ tài sản chủ quyền quốc gia); China Development Bank, nơi cung cấp tài chính cho các dự án quan trọng của chính phủ và Agricultural Bank of China, một ngân hàng lớn.

Cuộc đàn áp mới diễn ra chỉ vài tháng sau khi ông Tập được trao nhiệm kỳ chủ tịch nước lần thứ ba vào Tháng Mười, 2022. Ngay sau khi củng cố vững chắc quyền lực, ông Tập chuyển sang thực thi quyền kiểm soát của đảng đối với túi tiền của nền kinh tế. Chongyi Feng, giảng sư về TQ tại University of Technology Sydney, Úc nhận định: “Cuộc đàn áp tài chính ngân hàng hiện nay là chương mới trong chiến dịch chống tham nhũng của họ Tập”. Chống tham nhũng được xem là chiến dịch chặt chém đặc trưng của Tập Cận Bình, từ bên trong đảng đến chính phủ, quân đội và các công ty nhà nước, kể từ khi ông Tập nhậm chức năm 2012. Hàng triệu quan chức đã bị trừng phạt trong đó nhiều người có máu mặt.

Mục tiêu mới nhắm vào gì?

Năm nay, cuộc đàn áp tập trung vào ngành tài chính đang phát triển của đất nước. Theo giáo sư Chongyi Feng,

“Có hai lý do cho sự leo thang tấn công của Tập. Ngành tài chính là lĩnh vực cuối cùng trong ba lĩnh vực then chốt để ông Tập khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn sau quân đội và bộ máy an ninh nội bộ, đồng thời đây là ‘túi tiền’ của đảng. Ông Tập cần tập trung kiểm soát hệ thống ngân hàng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính ngày càng sâu sắc và để chuẩn bị cho một cuộc chiến tài chính với Mỹ”.

Ông Tập ngày càng trở nên bất khả xâm phạm, và đây là lý do khiến các nhà đầu tư lo lắng trong cuộc chiến kiểm soát hệ thống ngân hàng. Bắc Kinh đang phải đối mặt với một loạt thách thức trong nước và toàn cầu. Thị trường nhà ở trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất. Giới trẻ thất nghiệp nhiều. Các chính quyền địa phương đang chật vật với gánh nặng nợ nần và cắt giảm phúc lợi. Quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên, dẫn đến căng thẳng leo thang trong công nghệ và đầu tư giữa hai quốc gia.

Đầu tư vào TQ ngày càng trở nên bấp bênh khi môi trường kinh doanh tư nhân xấu dần và các công ty nước ngoài bị cuốn vào căng thẳng địa chính trị. Khi cố phụ hồi nền kinh tế sau đại dịch, Bắc Kinh chịu áp lực tăng trưởng và tạo việc làm cho hàng triệu người. Các quan chức kinh tế hàng đầu nâng cao niềm tin kinh doanh bằng cách trấn an khu vực tư nhân và chào đón các CEO bên ngoài. Nhưng cuộc đàn áp sâu rộng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhạy cảm có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Trụ sở People’s Bank of China tại Phố Đông, Thượng Hải (ảnh: Zhang Peng/LightRocket via Getty Images)

Theo thống kê gần nhất của People’s Bank of China, các ngân hàng và công ty bảo hiểm của TQ có tài sản trị giá $60 ngàn tỷ, tương đương 340% GDP của đất nước. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ vẫn phải gánh chịu thương tích trong cuộc đụng độ với đảng cầm quyền và đã mất hàng trăm tỷ đôla giá trị thị trường. Cổ phiếu của Alibaba giảm gần 70% so với đỉnh cao cuối Tháng Mười, 2020. Neil Thomas, chuyên gia chính trị TQ tại Trung tâm Phân tích TQ (Center for China Analysis) thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society Policy Institute) cho biết:

“Cuộc đàn áp gần đây của ông Tập có thể gây tổn thương tâm lý cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước khi nhiều người trong số họ chưa hết lo lắng về môi trường chính trị bất ổn. Ông Tập vừa muốn vực dậy nền kinh tế TQ vừa muốn nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng đối với các doanh nghiệp tư nhân. Dù hai mục tiêu này không loại trừ nhau, nhưng mục tiêu sau có thể kiềm chế mục tiêu trước”.

Còn nhớ năm 2017, đảng Cộng sản đã phát động cuộc đàn áp sâu rộng đối với hoạt động cho vay rủi ro cao của các ngân hàng và tổ chức cho vay ngầm vì sợ sụp đổ hệ thống. Chính phủ TQ cố gắng kiềm chế các tập đoàn tư nhân lớn nhất như Anbang, HNA, Wanda và Fosun Group sau khi họ cấp tập vay ngân hàng để mở rộng hoạt động trên toàn cầu.

Khi cuộc đàn áp mới đối với các ngân hàng và công ty tài chính được đẩy mạnh từ Tháng Hai, CCDI đăng bài bình luận với lời lẽ cứng rắn: “Cần phải trừng phạt mạnh tay tham nhũng trong tài chính, doanh nghiệp nhà nước và mua bán ngũ cốc, nơi tập trung quyền lực, lạm dụng vốn và tài nguyên. Các chủ ngân hàng từ bỏ ngay tham vọng trở thành ‘tinh hoa tài chính’ và ngừng sao chép cách hoạt động của phương Tây!”.

Bài viết xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Bao Fan được công bố mất tích. Có thể ông Tập xem việc tấn công các nhân vật cấp cao trong hệ thống ngân hàng như Bao Fan là một chiến lược hiệu quả để gây sốc cho toàn bộ hoạt động tài chính ngân hàng và buộc họ phải tuyệt đối tuân thủ các mệnh lệnh chính trị.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: